Theo Hiến chương về không gian công cộng của Liên Hợp quốc, không gian công cộng là tất cả các nơi chốn do mọi người sở hữu hoặc được mọi người sử dụng, dễ tiếp cận, và mọi người tham gia mà không phải chi trả bất kỳ một khoản phí nào.
Tổng giám đốc của UN-Habitat, TS. Joan Clos đã phát biểu rằng: “Đặc tính của một thành phố được xây dựng trên cơ sở nào? – Chính là không gian công cộng. Không gian công cộng chứ không phải là không gian của một cá nhân nào. Giá trị của không gian công cộng nằm ở chỗ nó có ảnh hưởng tốt tới giá trị của không gian riêng tư. Chúng ta nên tạo điều kiện để cho mọi người thấy rằng không gian công cộng là tài sản của tất cả mọi người, của cả thành phố”.
Vậy không gian công cộng có quan trọng không? Để trả lời câu hỏi này UN-Habitat đã thực hiện một số những dự án để đưa ra những luận điểm và minh họa cụ thể cho nó. Với phương châm lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, từ năm 2015, Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu đưa văn hóa nghệ thuật đến với cộng đồng, cải thiện môi trường sống của người dân, hướng đến một tương lai đô thị tốt đẹp hơn.

Bắt đầu từ Hội thảo “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” năm 2015 phối hợp với Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF) và Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Cục Phát triển Đô thị – Bộ Xây dựng, đã triển khai và thực hiện Dự án Làng bích họa Tam Thanh (năm 2016) làm việc với Quỹ KF và UBND TP Tam Kỳ.
Với Làng bích họa Tam Thanh, các KTS cộng đồng đã cùng tham gia và làm việc không biết mệt mỏi, đến từng hộ gia đình, nói chuyện với từng người dân nhằm tìm hiểu về những tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu bức thiết trong cuộc sống hàng ngày của họ. Chúng tôi đã vận động họ tự tìm hiểu, tham gia và đồng hành trong từng bước đi chập chững của dự án.
Không gian công cộng và đường xá được thiết kế và quản lý tốt là chìa khóa bền vững cho sự sống động và phát triển kinh tế của một thành phố.
Hiểu rõ được tầm quan trọng này, UN-Habitat tiếp tục triển khai các dự án và hoạt động về không gian công cộng nhằm thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan từ chính quyền địa phương, các cơ quan, trường đại học, các tổ chức quốc tế, và đặc biệt có sự tham gia sâu của cộng đồng, người dân và có sự giao lưu giữa nghệ sỹ quốc tế và Việt Nam. Cụ thể, một Hội thảo quốc tế về “Giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội” phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Quỹ KF, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội (HISED) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Israel và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam vào tháng 12/2016. Thông qua Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều đồng tình rằng không gian đi bộ dành cho cộng đồng cho người dân và nhận định rằng Hà Nội nên nối dài các tuyến phố đi bộ. Nhưng để có được điều này, ngoài sự tham gia tích cực của người dân còn cần kể đến vai trò của cơ chế chính sách và các nhà quản lý. Ở nhiều nơi trên thế giới, không gian đi bộ đóng vai trò tích cực trong việc gia tăng giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường cho thành phố. Và để không gian đi bộ có tác động tích cực, người dân cần được tham gia vào quá trình thực hiện. Ngoài ra, chính quyền cần có vai trò chủ động tạo điều kiện để các bên liên quan được tham gia vào quá trình phát triển không gian đi bộ.

Năm 2017, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của UBND TP Hà Nội, nằm trong khuôn khổ của chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống”, UN-Habitat, Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng thành công “Dự án Hợp tác chung Việt Nam – Hàn Quốc: Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn” hay còn gọi là Dự án “Bích họa Phùng Hưng” (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng-Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót) được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt theo Thông báo số 930/TB-UBND ngày 14/8/2017 nhằm mục tiêu tạo ra một sân chơi mở, mang đến cho người dân Thủ đô một không gian văn hóa nghệ thuật mang hơi thở đương đại, là nơi mà các nghệ sỹ của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thể giới thiệu, chia sẻ các tác phẩm của mình tới công chúng, các tổ chức và cá nhân quan tâm đến không gian công cộng có thể tự mình trải nghiệm và sắp xếp tổ chức các hoạt động liên quan phù hợp.
Sau khi những tác phẩm này được trưng bày trong ngôi nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc vào tháng 10/2017, mặc dù có những ý kiến trái chiều ngay từ khi mới khởi động nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rõ là đang có những chuyển dịch rất lớn về ý thức của công chúng và người dân về không gian công cộng, có sự tham gia của các KTS, các nhà chuyên môn, các nghệ sỹ và đặc biệt của cộng đồng xung quanh và sự điều tiết, tạo điều kiện chia sẻ, tham gia của chính quyền địa phương. Dự kiến cuối tháng 12/2017, đầu tháng 1/2018, dự án sẽ mang đến cho Phùng Hưng một diện mạo mới, đồng thời truyền cảm hứng để thực hiện những hoạt động sáng tạo không gian công cộng với sự tham gia tích cực của người dân đang sinh sống tại đó, công chúng và khách du lịch.
UN-Habitat tiếp tục phối hợp với UBND Quận Hoàn Kiếm, Trung tâm sống học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn), KF, Hội KTS Hà Nội và một số các đối tác có liên quan khác thực hiện một dự án về dự án “Huy động nguồn lực cộng đồng và sự tham gia của giới trẻ trong kiến tạo không gian công cộng xanh, an toàn tại Quận Hoàn Kiếm” (Dự án không gian công cộng xanh) thuộc chương trình Block by Block của Văn phòng Trung ương UN-Habitat và công ty Mojang, nhà sáng lập ứng dụng Minecraft và được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt. Dự án tổ chức các hoạt động liên quan đến không gian công cộng với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trẻ em, thanh niên và các nhóm yếu thế trong xã hội.
Một trong những hoạt động của dự án đó là cuộc thi “Vì một Hà Nội vui sống, thiết kế không gian công cộng” đã được thực hiện với sự tham gia hào hứng của cộng đồng, giới KTS và đoàn thanh niên của hai Phường Hàng Mã và Tràng Tiền, nơi có các địa điểm do dự án lựa chọn là Phố sách Nguyễn Xí – Đinh Lễ và Phùng Hưng (Phố Tranh). Cuộc thi nhằm tìm kiếm những giải pháp sáng tạo trong việc cải tạo các không gian công cộng trên khu vực Bờ Hồ Hà Nội trước thực trạng không gian công cộng tại thủ đô đang bị lãng phí, không được sử dụng đúng mục đích.
Cuộc thi được lồng ghép trong các chiến dịch lớn là “Tôi Yêu Hà Nội” do Thành phố Hà Nội phát động tại Hà Nội và “Tôi là một người thay đổi thành phố” và “Thành phố mà chúng ta cần” do UN-Habitat phát động ở cấp độ toàn cầu. Thông qua việc thiết kế không gian công cộng, Minecraft thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, của trẻ em, phụ nữ, mọi người đã hiểu rõ hơn quyền được kiến tạo không gian sống của mình, dám thể hiện mong muốn, ước mơ về một cuộc sống mình cần có. Với sự hỗ trợ của các KTS đến từ Hội KTS Hà Nội, các giảng viên đến từ các Trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây Dựng Hà Nội, các chuyên gia đến từ các tổ chức chuyên về không gian công cộng, sau 1 tháng phát động, từ 51 bài dự thi, Ban tổ chức đã lựa chọn được 11 đội xuất sắc, có khả năng sáng tạo, ý tưởng giàu tính nhân văn để tham dự vòng chung kết. Giải Nhất đã thuộc về nhóm Làng + (đọc là Làng cộng) với ý tưởng tái hiện các làng nghề trên các khu phố nhằm tăng sự tương tác của cộng đồng với các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra, những ý tưởng hay và xuất sắc nhất có thể sẽ được hiện thực hóa trên 2 con phố Phùng Hưng (Phố Tranh) và Đinh Lễ – Nguyễn Xí (Phố Sách) ở Hà Nội.

Ngoài ra, một hợp phần rất quan trọng mà hiện nay UBND Quận Hoàn Kiếm, KF, UN-Habitat và các đối tác, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đang mong muốn thực hiện đó là một Khuyến nghị về Chiến lược phát triển không gian công cộng cho Hoàn Kiếm, cho Hà Nội. Dự kiến bản khuyến nghị sẽ được thực hiện và trình lên UBND TP Hà Nội vào đầu tháng 2/2018.
Để một không gian công cộng có sức sống bền bỉ, có sự lan tỏa và hấp dẫn thì cần phải có người dân tham gia vào trong không gian ấy, có sự ấm áp của con người sống trong khu vực ấy và sự sôi động trong cuộc sống hàng của cộng đồng dân cư với những sáng kiến và giải pháp sáng tạo, đột phá.
TS. Nguyễn Quang
Giám đốc UN – Habitat Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2017)