Tòa nhà Quốc hội
Năm 2010-2015 là giai đoạn thách thức đối với bộ mặt kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc công cộng nói riêng.
Giai đoạn 2010-2015 là một giai đoạn sóng gió trong phát triển kinh tế toàn cầu. Thị trường Bất động sản trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị tư vấn nước ngoài giảm bộ máy nhân sự hoặc đi tìm các thị trường mới. Tình hình đó cũng tác động tới môi trường kiến trúc công cộng (KTCC) của Việt Nam.
Năm năm qua, các nhà đầu tư đã cảm nhận được sự khắt khe của quy luật thị trường, liên quan tới chất lượng cuộc sống đang ngày càng đòi hỏi phải được cải thiện theo hướng tích cực và đa dạng hóa. Chính vì vậy, mặc dù số lượng các công trình kiến trúc trong giai đoạn này không nhiều nhưng luôn đòi hỏi sự chọn lọc, không chỉ đối với các chủ đầu tư tiềm năng mà còn đối với cả các nhà thầu tư vấn nổi tiếng. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt diễn ra trong thị trường tư vấn xây dựng thông qua các cuộc thi tuyển và các cuộc đấu thầu xây dựng đã thu hút nhiều tư vấn có tên tuổi trên thế giới. Thực tế đó cũng buộc các nhà tư vấn nhỏ trong nước phải tìm cách liên danh liên kết với các tư vấn trong và ngoài nước có năng lực cao. Các tổ chức tư vấn Nhà nước đã thoát khỏi cơ chế bao cấp để hội tụ nhiều KTS trẻ, tài năng kết hợp với các tư vấn nước ngoài, đã khẳng định lại vị trí của mình trong 5 năm qua, Đó là: Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Viện Kiến trúc Quốc gia (ViAr), Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Viup), Công ty CP Tư vân Xây dựng Công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC), Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng (CDC), Công ty CP Tư vấn Kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC)… Nhiều Công ty tư vấn chuyên nghiệp mang danh cá nhân đã ít nhiều tạo nên những bản sắc riêng. Đó là Công ty Hồ Thiệu Trị và Cộng sự, Công ty Võ Trọng Nghĩa và Cộng sự, TTAs, Cubic, A-G…
Chính vì vậy, bộ mặt kiến trúc công cộng Việt Nam đã thể hiện hết sức đa dạng đối với tất cả các thể loại kiến trúc công trình, với các nguồn vốn đầu tư của nhà nước hay doanh nghiệp, các quy mô lớn nhỏ. Tuy nhiên, sự đa dạng của kiến trúc công cộng trong giai đoạn này cũng có những đặc điểm riêng biệt.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Sự đa dạng của các thể loại kiến trúc công cộng ở Việt Nam.
Các công trình Giáo dục và Chăm sóc sức khỏe như chìa khóa mở cánh cửa hấp dẫn đối với các Dự án đầu tư Bất động sản
Nếu trong các giai đoạn trước, chủ đầu tư chỉ tập trung đầu tư bất động sản, thì ở giai đoạn này sự quan tâm mở rộng hơn và hướng tới một số hạng mục kiến trúc công cộng. Bệnh viện, trường học là hai thể loại kiến trúc công cộng được quan tâm hơn vì chúng làm tăng chất lượng dự án đầu tư bất động sản, trở thành yếu tố hấp dẫn đối với các cư dân luôn đòi hỏi sự cải thiện nhu cầu ăn học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều đó có thể nhận thấy trong các dự án lớn ở TP HCM như khu Phú Mỹ Hưng, ở Hà Nội như Royal city, Time city, Ecopark, Nam Cường…Tại đó, chủ đầu tư đều rất chú trọng tới các không gian công cộng và kiến trúc công cộng…
Tiếp theo, phải nói tới các công trình Thương mại và Vui chơi giải trí nhằm tạo ra môi trường nghỉ ngơi của cư dân đô thị trong đô thị. Khác với giai đoạn trước – văn phòng cho thuê và Ngân hàng được chú trọng – thì trong khoảng 5 năm gần đây, các nhà đầu tư đã chú trọng hơn tới việc đầu tư phục vụ các hoạt động du lịch vui chơi giải trí, các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà nghỉ. Tại đây, người dân đô thị vào cuối tuần thường tập trung mua sắm kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí. Các cửa hàng thuộc hệ thống BigC, Metro, Smart city…tạo nên các trung tâm mua sắm sầm uất. Những tòa nhà cao tầng với các trung tâm thương mại dịch vụ ở tầng trệt đã tạo nên bộ mặt kiến trúc công cộng đa dạng, Một số trung tâm vui chơi giải trí nằm ở vùng ven đô có diện tích lớn hơn cho phép các gia đình nghỉ ngơi giải trí cuối tuần như Thiên đường Bảo Sơn, ASean Resort (Hà Nội), Bà Nà Hill (Đà Nẵng)…
Đặc biệt, các công trình Văn hóa liên quan tới hoạt động Tôn giáo tín ngưỡng khá phát triển trong giai đoạn này, đã thu hút những dòng chảy của các hoạt động tham quan du lịch của cộng đồng cả trong và ngoài nước.. Chùa là một thể loại công trình được đầu tư xây dựng mới khá nhiều. Bằng các nguồn vốn đóng góp của tư nhân và doanh nghiệp công đức, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhiều quần thể kiến trúc Phật giáo hoành tráng đã hình thành, đáp ứng nhu cầu tôn giáo và lễ hội của cộng đồng. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã bày tỏ với Hội KTS Việt Nam sự băn khoăn, lo lắng trong xu hướng xây dựng Chùa hiện nay: Yếu tố ngoại lai và quy mô hoành tráng đã làm mất đi hình ảnh ngôi chùa Việt, vốn rất thân thiện với cộng đồng và cảnh quan thiên nhiên. Liệu có nên làm ngôi chùa Việt bằng cách copy ngôi chùa cổ của Trung Quốc, hoặc có nên hoành tráng hóa quần thể chùa Việt Nam?.
Bên cạnh Chùa chiền cần phải nói đến Kiến trúc tượng đài và kiến trúc tưởng niệm. Tượng đài trong không gian đô thị là một thể loại kiến trúc điêu khắc rất khó, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa KTS – nhà Điêu khắc, Nhà Quy hoạch và Kiến trúc cảnh quan. Văn hóa Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đã tạo nên những bức tượng Phật và Tượng danh nhân trong nhà thành công, nhưng tượng ngoài trời rất ít tác phẩm như của phương Tây. Ở các địa phương hiện nay, Tượng đài chưa làm đẹp cho cảnh quan đô thị, mặc dù có thể chúng đã góp phần tạo nên những cảnh quan điểm nhấn trong các sự kiện chính trị – xã hội của các địa phương. Một vài quần thể tượng đài thành công thường là của Nhà điêu khắc biết làm kiến trúc, hoặc KTS biết làm điêu khắc. Một số công trình điêu khắc mang tính lập thể và đa nghĩa đã làm đẹp cho cảnh quan đô thị có thể tìm thấy trên bãi biển Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng của nhà điêu khắc Lê Công Thành, trên rừng thông Đà Lạt của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, Tượng đài Bắc sơn của KTS Lê Hiệp… Tượng đài Mẹ Suốt của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, công trình điêu khắc hoành tráng đầu tiên ở Việt Nam, đã thực sự tạo nên một tỷ lệ không gian phù hợp của điêu khắc ngoài trời. Chắc chắn công trình này phải có sự kết hợp giữa nhà điêu khắc và KTS cảnh quan, bởi đã quan tâm đến hướng nhìn và điểm nhìn chuyển động, một cái gạch ngang rất quan trọng giữa Tượng đài và thiết kế đô thị – vấn đề mà xưa nay chưa được quan tâm hoặc biết cách thực hiện.
Đối với các công trình đầu tư công với vốn đầu tư Nhà Nước, thể loại kiến trúc phổ biến trong giai đoạn này là các Trung tâm hành chính – chính trị ở các tỉnh, địa phương. Có thể nhận thấy đây là một chủ trương đúng đắn, đã và đang được triển khai theo các mô hình đa dạng và thích ứng theo nhiều hướng khác nhau. Hội KTS Việt Nam đã tổ chức hội thảo về vấn đề này, phân tích các mô hình phát triển trung tâm theo một số xu hướng điển hình: Tập trung trong một tòa nhà cao tầng (Trung tâm Hành chính – Chính trị Đà Nẵng, Bình Dương); Dàn trải trên một diện rộng (Bắc Ninh, Hải Dương); hoặc tạo thành một tổng thể phức hợp liên hoàn (Vũng Tàu, Đà Lạt, Ninh Thuận…). Tuy nhiên, vấn đề được giới chuyên môn quan tâm là làm sao để công trình có hiệu quả tốt nhất về mặt sử dụng năng lượng và các chi phí vận hành. Mặt khác, cần xem xét về quy mô phù hợp của các trung tâm. Một số công trình hiện nay có quy mô quá lớn so với dân số của tỉnh. “Bộ mặt” là từ hay được nhấn mạnh của chính quyền địa phương như một niềm tự hào và đôi khi nó trở nên xa xỉ và phô trương không cần thiết.
Công trình Nhà nguyện – The Chapel (KTS Nguyễn Hòa Hiệp, a21Studio) xuất sắc giành giải “Công trình của năm” trong Festival Kiến trúc thế giới 2014
Đặc điểm sáng tạo trong hành nghề kiến trúc giai đoạn 2010 – 2015.
Trong 5 năm qua, kiến trúc Việt Nam đã thu hoạch được nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế từ các KTS trẻ như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hòa Hiệp… Điều đó không chỉ chứng tỏ rằng lớp trẻ của chúng ta có thể hội nhập Quốc tế mà còn định hướng cho các KTS hướng tới một nền kiến trúc mới hiện đại và phát huy truyền thống. Những công trình kiến trúc được giải của các KTS trẻ đã thể hiện sự khám phá, tìm tòi và can đảm. Những mô hình kiến trúc mang tính thực nghiệm được thể hiện trong các công trình kiến trúc có mức đầu tư khiêm tốn nhưng đã thực sự tạo nên những âm hưởng lớn trong sáng tạo kiến trúc. Kiến trúc Xanh và Kiến trúc Bản địa là hai xu hướng nổi bật trong kiến trúc đương đại ngày nay. Một số công trình kiến trúc được giải thưởng Xanh của Hội KTS Việt Nam, được giải thưởng đặc biệt của Hội KTS Châu Á và Thế giới đều thể hiện một thông điệp mới cho định hướng kiến trúc đương đại Việt Nam: Đó là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và Văn hóa bản địa, được thể hiện trong các kiểu loại – hình thức kiến trúc phong phú đa dạng.
Kiến trúc mới đã cải thiện được thói quen và lối tư duy cũ kỹ của các chủ đầu tư – những đối tác hết sức quan trọng quyết định chất lượng kiến trúc đương đại Việt Nam ngày nay. Ở một góc cạnh khác, nó đã hội nhập với xu hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu địa phương, hòa nhập cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu thách thức của một thế giới biến đổi cả về thiên nhiên khí hậu và kinh tế xã hội. Kiến trúc của Quân đội và Công an chiếm một tỷ lệ khá lớn trong các đô thị Việt Nam, vốn có những nét khác biệt với công trình dân sự bởi quy mô, sự hoành tráng, tính đăng đối và khuôn mẫu. Trong những năm gần đây, chất lượng kiến trúc đã có nhiều biến đổi cải thiện theo hướng hiện đại hóa và mới. Một số dự án Quy hoạch được giải thưởng Xanh của Hội KTS Việt Nam như Vincom, Ecopark,… đã tạo nên một cấu trúc quy hoạch mềm dẻo với môi trường thiên nhiên, đưa yếu tố nước và cây xanh hòa quyện vào không gian kiến trúc, đưa các công trình kiến trúc trở thành như một phần của thiên nhiên. Rõ ràng là mối quan hệ giữa Con người – Thiên nhiên – Kiến trúc đã được chú trọng hơn so với công thức Con người – Công năng – Kiến trúc ở những giai đoạn trước đây.
Chúng ta có quyền tự hào về một giai đoạn phát triển mà kiến trúc Việt Nam đã có những ngôn từ và ngữ pháp kiến trúc riêng phù hợp với thời đại, thân thiện với môi trường thiên nhiên và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn vào các công trình đã và đang được xây dựng ở các đô thị để nhận định rằng: Kiến trúc ít nhiều đang mắc phải một số chứng bệnh, mà cơ hội chữa trị cho nó sẽ phải tốn kém rất nhiều, và việc sống chung với nó có thể phải kéo dài hàng thế kỷ.
Chứng bệnh thứ nhất và khá phổ biến là nhầm lẫn ngôn ngữ kiến trúc. Thói quen bắt chước và hội chứng an toàn đã khiến các chủ đầu tư đặt hàng KTS các kiểu – mẫu kiến trúc đã được xây dựng ở trong hoặc ngoài nước để cấy vào những mảnh đất mà nó không sống được. Kiến trúc phong cách thực dân mà người Pháp để lại trong các trung tâm đô thị cũ- đang được bảo tồn và phát huy giá trị – không thể khiên cưỡng sao chụp và dịch chuyển tới những miền đất lạ, để chúng trở nên lạc loài với kiến trúc đặc trưng của địa phương. Một số kiến trúc có xu hướng nệ cổ vẫn được Chủ đầu tư ưa chuộng, và các sản phẩm kiến trúc rườm rà, đa ngôn đó đã ngụy biện cho vẻ đẹp truyền thống. Đôi khi, người ta đặt câu hỏi: Liệu có phải lỗi hoàn toàn của Chủ đầu tư. Thực tế cho thấy không phải không có lỗi của KTS khi họ không có đủ can đảm để từ chối giải một bài toán sai, hoặc không đủ lý luận để phản biện, hoặc vì nhiều lý do khác – trong đó nhu cầu mưu sinh trong một nền kinh tế thị trường là cả một thách thức lớn… Khi yếu tố thị trường chèn ép bản lĩnh nghề nghiệp, người ta khó từ chối những đặt hàng không theo ý muốn. Người Nhật đã tìm ra một ngôn ngữ kiến trúc hiện đại mà không hề phản bội các nguyên tắc truyền thống, càng không phải rập khuôn máy móc các khuôn mẫu đã được chấp nhận. Chúng ta cần phải đi trên con đường như vậy.
Chứng bệnh thứ hai là tính phô trương, quảng cáo, muốn tạo nên một sản phẩm kiến trúc có quy mô hoành tráng và lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu sử dụng. Một số công trình công quyền tạo dựng sự nổi bật bằng cả quy mô và vị trí địa điểm, tạo ra một khoảng cách với kiến trúc cộng đồng. Một số doanh nghiệp xây dựng những cao ốc ngạo nghễ, xấu xí, vượt cả quy định cho phép về chiều cao và mật độ. Sự tham lam của chủ đầu tư cộng với sự buông lỏng của chính quyền đô thị là nguyên nhân chủ yếu của chứng bệnh này.
Chứng bệnh thứ ba là mải mê hội nhập mà lãng quên những đặc điểm riêng của đất nước mình. Chúng ta cần tránh sự đam mê phong trào, các sự kiện và khẩu hiệu để nhìn thẳng vào đời sống của cộng đồng, để tháo gỡ muôn vàn khó khăn ở các địa phương, để tạo nên một kiểu kiến trúc gắn liền với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Kiến trúc Xanh là trào lưu của Thế giới, sự cảnh báo đối với xã hội tiêu thụ và vô trách nhiệm với môi trường của các nước phát triển. Đối với Việt Nam, kiến trúc Xanh phải có một con đường riêng.
Dù vậy, trong bối cảnh chung, có thể nói kiến trúc Việt Nam nói chung và kiến trúc công cộng Việt Nam nói riêng giai đoạn 2010 – 2015 đang có những bước đi đúng đắn. Hy vọng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc được thể hiện rõ ràng và sâu sắc hơn trong giai đoạn mới 2015 – 2020.
PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi