Gia đình tôi có 5 người làm nghề kiến trúc. Đó là vợ chồng tôi: Tôn Đại và Nguyễn Thị Thanh Thủy, con gái út của tôi – Tôn Ánh Hồng, hai cháu ngoại là Nguyễn Phi Anh và Vũ Tôn Thiên Châu. Một cháu nữa cũng có năng khiếu hội họa, nhưng cháu lại thích nội thất hơn nên đã không học kiến trúc. Nhiều năm gắn bó với nghề, nhiều thế hệ gắn bó với nghề – nên có thể nói: Kiến trúc là nghề truyền thống của gia đình tôi.
Hai vợ chồng tôi cùng học lớp Kiến trúc Khoa xây dựng, trường Đại học Bách Khoa, khóa 1 (từ năm 1956-1961). Chúng tôi được học vẽ với những nghệ sĩ nổi tiếng của nước ta – Cô Nguyễn Thị Kim – Nhà điêu khắc nổi tiếng và thày – Giáo sư Ngô Huy Quỳnh dạy vẽ chúng tôi nhiều nhất. Thày Quỳnh đưa chúng tôi đi vẽ tại các địa điểm tham quan như: Chùa chiền, công trình cổ và các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội… Sinh viên lớp chúng tôi được tập thói quen đi đâu cũng vẽ ký họa. Có lần đi thực tập ở Lào Cai, ra bờ sông vẽ ký họa chiếc cầu biên giới còn suýt bị công an biên phòng bắt.
Năm 1961, sau khi ra trường, tôi được làm việc tại Cục Thiết kế Dân dụng, Thanh Thủy làm tại Viện Quy hoạch. Tôi thiết kế các công trình kiến trúc dưới sự chỉ dẫn của KTS Đoàn Ngọ. Tôi và hai anh Trịnh Hồng Triển và Nguyễn Kim Chi thường được cơ quan giao vẽ những công trình để triển lãm ở trong nước hay đưa đi nước ngoài. Còn Thanh Thủy thì được giao làm Xưởng trưởng Xưởng Cây xanh, giải quyết vấn đề kiến trúc cảnh quan, thường xuyên đi công tác các tỉnh. Có lần thiết kế cảnh quan cho Lăng Bác Hồ, xưởng phải vào tận các tỉnh miền Nam mua cây và chở ra bằng 2 máy bay quân sự. Công trình này được tiến hành như một chiến dịch, từ khảo sát ở các tỉnh, mua cây, vận chuyển ra Hà Nội, thi công suốt, đêm vận chuyển cây từ sân bay về công trình và trồng cây lớn vào những hố đào sẵn theo thiết kế. Khi Thanh Thủy làm Giám đốc, Trung tâm Kiến trúc Phong cảnh của Hội KTS Việt Nam đã nhận đề tài khoa học “Tổ chức quản lý môi trường cảnh quan đô thị” (KC11-11). Đề tài được Hội đồng đánh giá xuất sắc. Có hai thực nghiệm của đề tài này là Làng Kiến trúc phong cảnh và Trà Hoa Viên: Làng kiến trúc phong cảnh được hoàn thành với 24 ngôi nhà 2 tầng, Trà Hoa Viên thì lần lượt được xây dựng ở Triển lãm Giảng Võ, Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng và ở Võng Thị bên bờ Hồ Tây. Ngoài ra, Thanh Thủy còn xây dựng Vườn Văn, một vườn cảnh lớn 1 ha ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thủy cũng hay vẽ ký họa những cảnh, những cây mình thích, sưu tầm các đóa hoa, lá cây thành những bộ sưu tập để làm tài liệu thiết kế và dạy học. Là TS.KTS, bà cũng hướng dẫn một số luận văn thạc sỹ và phản biện những luận văn Cao học Kiến trúc. Hoạt động đoàn thể rất nhiệt tình, Thanh Thủy bao giờ cũng tích cực bênh vực quyền lợi phụ nữ, luôn luôn ở trong BCH Công đoàn bộ và đảm nhiệm nữ công. Bà cũng rất yêu nghề. Đi trong vườn cây, nâng niu từng đóa hoa, chăm sóc từng khóm cây, dường như đó là những giây phút hạnh phúc nhất vì tôi thấy nét mặt Thủy tươi vui rạng rỡ.
Thế hệ KTS thứ hai trong gia đình tôi là ThS.KTS Tôn Ánh Hồng. Theo nghề của mẹ Thủy, Ánh Hồng là một KTS phong cảnh. Hồng đã cùng mẹ viết cuốn sách Kiến trúc Phong cảnh Việt Nam. Được đào tạo ở đại học Xây dựng, Ánh Hồng cũng ham hội họa, vẽ nhiều tranh thuốc nước và ký họa. Hội họa cũng giúp nhiều cho việc sáng tác kiến trúc cảnh quan và cả thiết kế công trình. Hồng có năng khiếu âm nhạc, một KTS ham hội họa và âm nhạc thì tâm hồn sẽ phong phú, sáng tạo kiến trúc sẽ thuận lợi hơn. Cũng như bố và mẹ, Ánh Hồng cũng tham gia giảng dạy ở đại học, hướng dẫn đồ án cho sinh viên kiến trúc. Vì có vốn ngoại ngữ Nga, Anh, Pháp khá tốt nên Tôn Ánh Hồng còn có kế hoạch dịch một số tác phẩm kiến trúc cảnh quan nổi tiếng để làm tài liệu thiết kế và giảng dạy cho các KTS và sinh viên kiến trúc.
Thế hệ KTS thứ ba trong gia đình tôi là KTS Nguyễn Phi Anh, cháu ngoại tôi. Mẹ của Phi Anh là cô giáo Tôn Nữ Ánh Ngọc, chị gái của Ánh Hồng. Phi Anh học kiến trúc tại Đại học Xây dựng, tốt nghiệp năm 2011, đang làm việc tại Phòng Kỹ thuật Xây dựng Cục phục vụ ngoại giao đoàn – Bộ Ngoại giao. Phi Anh cũng say mê hội họa. Chồng là nhà tạo mẫu túi thời trang, Phi Anh giúp chồng trong việc tạo mẫu và vẽ những hoa văn, những hình trang trí lên mẫu rất rực rỡ và sinh động. Mỗi năm tết đến, Phi Anh lại vẽ tặng ông bà ngoại một hình con giáp của năm một cách ngộ nghĩnh, phản ánh óc hài hước của một nghệ sỹ.
Thế hệ thứ ba của gia đình có Vũ Tôn Thiên Châu, con gái của Ánh Hồng. Cháu Châu hiện đang học Khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Hồi nhỏ cháu thường vẽ những tranh ngộ nghĩnh tặng ông. Nay là một sinh viên kiến trúc, cháu say sưa vẽ ký họa bằng chì và bút sắt. Hồi nhỏ cháu đã tỉ mỉ làm mô hình những ngôi nhà bằng giấy cứng tặng ông, nay lại say sưa làm các mô hình thể hiện đồ án môn học.
Gia đình chúng tôi yêu nghề kiến trúc, nhiều thành viên của gia đình làm nghề nên có thể trao đổi nghiệp vụ cho nhau dễ dàng, trao đổi kinh nghiệm cho nhau thường xuyên. Các tài liệu sách báo có thể sử dụng chung, không lãng phí. Thêm vào đấy, hội họa, âm nhạc cũng là truyền thống, làm chúng tôi thêm gắn bó. Mỗi lần họp gia đình là ồn ào, tưng bừng. Yêu nghề kiến trúc đối với chúng tôi còn là yêu chính gia đình mình, cuộc sống thật thú vị và hạnh phúc.
Vợ chồng tôi và con gái Ánh Hồng đều là KTS nhưng cũng là những thày, cô giáo. Đó là truyền thống của ba tôi để lại, ông là một trong những Hiệu trưởng Trường Thăng Long nổi tiếng. Cái nghề thầy giáo đã truyền đến chúng tôi, cô con gái lớn Ánh Ngọc của tôi không là KTS nhưng là cô giáo giảng dạy Văn ở trường phổ thông. Nghề nghiệp của gia đình là một vốn quý giá. Chúng tôi may mắn có được nghề KTS và nghề giáo – Có lẽ, sẽ không dừng ở 3 thế hệ KTS, gia đình chúng tôi sẽ cố gắng gìn giữ truyền thống quý báu này.
PGS.TS. KTS Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2018)