Những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu đang đặt ra những yêu cầu mới cho Kiến trúc – một ngành nghệ thuật tổ chức không gian sống phục vụ con người. Để giải quyết những thách thức này, xu hướng (KTX) đang nổi lên như một trào lưu có ảnh hưởng rất rộng lớn. Có thể thấy sự lan tỏa của xu hướng KTX cũng là một hiệu ứng của quá trình hội nhập quốc tế. Vậy phát triển KTX tại Việt Nam có tiềm ẩn những nguy cơ mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế không – Khi bản sắc kiến trúc đô thị cũng đang đối mặt với hiệu ứng “Hòa tan” của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng?
Hội nhập quốc tế đem lại rất nhiều lợi ích cho quá trình phát triển, là những cơ hội lớn cho sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như những thành tựu về khoa học công nghệ, song mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế cũng xóa nhòa dần những bản sắc riêng có của những quốc gia, dân tộc nếu không có những định hướng phát triển phù hợp. Câu hỏi đặt ra: Có điều gì chung giữa KTX với xu hướng này trong quá trình phát triển kiến trúc và đô thị? – Phát triển KTX tại Việt Nam có tiềm ẩn những nguy cơ mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế không ?
Trước những vấn đề nêu trên, các tổ chức chuyên môn, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực Kiến trúc và phát triển đô thị đều đưa ra hệ thống giải pháp kèm theo những tiêu chí để đánh giá thực trạng, đồng thời định hướng phát triển cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Sau nhiều trăn trở, hội thảo và bàn luận với giới chuyên môn, Hội KTS Việt Nam cũng đã ban hành Tiêu chí Kiến trúc Xanh Việt Nam nhằm:
“Xác định những nội dung, yêu cầu đối với kiến trúc nhằm thúc đẩy và tạo lập Môi trường – cảnh quan kiến trúc bền vững; đảm bảo Chất lượng sống cho không gian trong nhà; Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; Phát triển bền vững môi trường xã hội nhân văn và kiến trúc tiên tiến, bản sắc hướng tới tương lai”.
Hệ thống tiêu chí KTX này đã được quảng bá rộng rãi, ngày càng đi sâu vào đời sống hoạt động chuyên môn của giới KTS thông qua nhiều hoạt động, từ đào tạo chuyên môn đến hoạt động sáng tác và trở thành những tiêu chí đánh giá cho những hệ thống Giải thưởng Kiến trúc Xanh thường niên của Hội KTS Việt Nam. Trong mục tiêu phát triển KTX theo xu hướng toàn cầu của Hội KTS Việt Nam có nói đến “Bản sắc hướng tới tương lai” – Vậy nội dung của “Bản sắc” được hiểu và triển khai cụ thể như thế nào để có thể phù hợp với những chiến lược phát triển mà vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị Văn hóa bản địa ?
Nói đến Bản sắc là nói đến những biểu hiện của đặc điểm nhận diện riêng có tính bản chất của một tập hợp nhất định. Tập hợp này có thể được xem xét là một quần cư, là một tổ chức xã hội, một khu vực hay một quốc gia hoặc dân tộc trên những phương diện để nhận diện về một mặt hoạt động nhất định như lối sống, phong tục tập quán, kinh tế xã hội hay môi trường tự nhiên … Để có thể hình thành bản sắc là một quá trình kiến tạo lâu dài, được khẳng định thông qua quá trình phát sinh và phát triển của nó trong mối quan hệ so sánh giữa tập hợp này với tập hợp khác để rút ra những đặc điểm riêng có. Mặt khác, quá trình này luôn có sự tác động tương hỗ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nên khi xem xét để phân tích và khẳng định một vấn đề bản sắc cho một tập hợp, người ta không thể tách nó ra khỏi các mối quan hệ tương hỗ này. Quá trình tác động qua lại của các tập hợp trong chu trình phát triển vừa gọt giũa để khẳng định bản sắc của tập hợp đó, nhưng đồng thời cũng tạo nên những yếu tố nhận diện mới theo thời gian. Quá trình này là quá trình “tiếp biến” – vừa tiếp nhận những yếu tố mới, mà biến đổi những yếu tố mới này phù hợp với những yếu tố đang có để tạo ra sự nhận diện mới cho bản sắc của tập hợp đó. Ngoài ra, việc xác định một tập hợp để phân tích và so sánh cũng cần phải xem xét khả năng hội tụ tương đối để khẳng định được bản sắc của tập hợp đó trên phương diện xác định.
Với khái niệm này, đối chiếu với vấn đề định dạng tập hợp “Kiến trúc Việt Nam”, có thể thấy đây là một tập hợp quá lớn bởi chúng bao chứa trong mình rất nhiều những những tập hợp nhỏ có nhiều đặc điểm khác nhau. Trong quá trình phát triển, kiến trúc Việt Nam thích nghi với nhiều điều kiện tự nhiên khác nhau theo các phân vùng khí hậu. Về mặt xã hội, kiến trúc Việt Nam là một tập hợp kiến trúc của 54 dân tộc anh em với nhiều hồi ức lịch sử và hệ thống di sản kiến trúc phong phú và sinh động. Vì vậy, tập hợp “Kiến trúc Việt Nam” là một tập hợp quá lớn và những đặc điểm có thể gọi là bản sắc chung cũng khá ít ỏi để đại diện cho tập hợp có rất nhiều sự giao thoa và tiếp biến văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử. Đã có rất nhiều nỗ lực trong nhiều năm qua để xác định bản sắc kiến trúc theo giới hạn hành chính quốc gia nhưng sẽ vẫn chỉ dừng lại ở những nhận định chung chung nếu không xác định được: Bản chất của Bản sắc Kiến trúc Việt Nam là một hệ thống đặc điểm của nhiều tập hợp phong phú và sinh động của nhiều vùng và tiểu vùng văn hóa khác nhau. Từ đó cho thấy có sự thống nhất tên gọi một quốc gia của sự đa dạng của nhiều vùng, miền có những đặc trưng văn hóa bản địa khác nhau.

Kiến trúc là một ngành nghệ thuật tôn vinh sự sáng tạo, ở đó cá tính của tác giả ghi dấu ấn trong tác phẩm thông qua các giải pháp tổ chức không gian. Chính cá tính của tác giả kết hợp với sự hiểu biết, cảm nhận của tác giả về văn hóa bản địa sẽ tạo nên “linh hồn của tác phẩm kiến trúc”. Mặt khác, mỗi tác phẩm kiến trúc sau khi ra đời có đời sống độc lập với tác giả, nó tương tác với những không gian xung quanh để tồn tại và khẳng định giá trị. Một tác phẩm kiến trúc có giá trị khi “linh hồn của tác phẩm” hòa quyện cùng với những đặc trưng của không gian địa điểm đề tạo nên “ Hồn nơi chốn”- Một khái niệm văn hóa phi vật thể cho một thực thể kiến trúc ở một vị trí nhất định.
KTX Việt Nam được đưa ra với tiêu chí đầu tiên là: Địa điểm bền vững với mục tiêu: “Nhằm tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh; khai thác, phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trường sống của con người”. Song, trên phương diện sáng tác kiến trúc: Địa điểm không chỉ để chỉ một vị trí cụ thể thuần túy mà nó còn chỉ ra cái “Hồn nơi chốn” của nó. Vì vậy, tiêu chí này cần được hiểu rộng hơn với việc đề xuất giải pháp kiến trúc – quy hoạch, phát huy và khai thác được tối đa mối quan hệ tương tác của địa điểm xây dựng với môi trường tự nhiên và xã hội. Để có thể làm chủ được mối quan hệ tương tác này, đòi hỏi người làm kiến trúc cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng và có những quan điểm cụ thể ứng xử với điều kiện tự nhiên trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm về địa hình địa mạo, địa chất thủy văn… Sự tôn trọng này sẽ hình thành những đặc điểm của tác phẩm kiến trúc – chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần sáng tạo của tác phẩm với những đặc điểm vốn có của địa điểm xây dựng. Đây cũng là tinh thần của một số điểm được nêu ra trong tiêu chí 2 và 3 của bộ Tiêu chí KTX Việt Nam.

Bên cạnh đó, môi trường xã hội nhân văn được xem như một yếu tố tạo thành tác phẩm kiến trúc. Tiêu chí 4 và 5 trong bộ Tiêu chí KTX Việt Nam đã đề cập định hướng bảo tồn tôn tạo, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống, đặc trưng dân tộc vùng miền để hòa nhập với môi trường nhân văn và tạo lập bản sắc. Nói đến môi trường xã hội nhân văn là nói đến con người – Vừa là đối tượng sử dụng, vừa là đối tượng đánh giá và cảm nhận. Những cảm nhận và đánh giá của con người vừa có giá trị tương đối ở một thời điểm hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vừa có giá trị tuyệt đối xuyên qua không gian và thời gian. Sự cảm nhận của con người chính là sự lan tỏa của linh hồn tác phẩm kiến trúc, nó thay đổi qua các không gian văn hóa khác nhau do tương tác với những hệ giá trị của văn hóa bản địa gắn với “nơi chốn” của vị trí xây dựng – Ở đây, khái niệm “Nơi chốn” được dùng để xác định tọa độ cho cảm nhận tinh thần của một không gian văn hóa nhất định được phân biệt với vị trí cụ thể vật lý của vị trí xây dựng. Một tác phẩm kiến trúc nếu có được sự hòa quyện của “Linh hồn tác phẩm kiến trúc” với hệ thống giá trị của không gian văn hóa bản địa sẽ cộng hưởng với môi trường vật chất và tinh thần xung quanh nó để tạo ra “Hồn nơi chốn” – Có thể coi đó chính là bản sắc được tạo ra thông qua một tác phẩm kiến trúc.
Với những luận điểm được nêu trong Tiêu chí KTX của Hội KTS Việt Nam, việc phát triển KTX ở Việt Nam luôn được xác định song hành cùng với giá trị của bản sắc trong quá trình sáng tác Kiến trúc. Khái niệm về KTX thông qua những hệ thống tiêu chí này được xác định một cách đầy đủ, gắn với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Những tiêu chí này không chỉ dừng lại ở những tuyên ngôn có tính chung chung, những người làm kiến trúc ở Việt Nam hay những KTS nước ngoài cần làm giàu tình cảm và sự thấu hiểu về “nơi chốn” để xây dựng ý tưởng cho tác phẩm kiến trúc – cụ thế hóa quá trình sáng tạo của mình bằng những tác phẩm – công trình độc đáo, cá tính và giàu bản sắc.
PGS.TS.KTS. Lê Quân