Năm 2015, dự án nhà ở xã hội Punggol Water Terraces do group8asia thiết kế đã dành được nhiều giải thưởng quan trọng tại khu vực và thế giới. Phóng viên TCKT đã có cuộc trao đổi với KTS Manuel Der Hagopian – Tổng giám đốc group8asia về những quan điểm và ý tưởng trong thiết kế nhà ở xã hội nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong hình thành các khu ở cho người thu nhập thấp tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trân trọng giới thiệu với bạn đọc!
PV: Ông có thể chia sẻ một số quan điểm của mình về sứ mệnh của giới KTS trong việc hình thành, phát triển các khu ở giá rẻ?
KTS Manuel Der Hagopian: Trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhà ở xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng xã hội và phát triển quốc gia. Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới có tên “Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam – Con đường phía trước”, việc chuyển dịch cơ cấu ra khỏi khu vực nông thôn sẽ làm cho dân số và nhu cầu về nhà ở tại các thành phố gia tăng. Tỷ lệ dân số đô thị theo dự kiến sẽ chạm mức 50% dân số cả nước vào năm 2040, theo đó ước tính mỗi năm cần có thêm khoảng hơn 350.000 đơn vị nhà ở tại các thành phố để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cũng theo báo cáo này, mặc dù kinh tế tăng trưởng, nhưng chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Trong trách nhiệm xây dựng và phát triển nhà ở,nhiệm vụ của tất cả các đơn vị tư vấn nói chung là tạo ra điều kiện sống vệ sinh: Thông qua việc cung cấp nhà ở xã hội nhằm lường trước vấn đề nảy sinh trong quá trình dịch chuyển dân số ra các khu vực đô thị, đó là sự hình thành của các khu ổ chuột đông đúc và mất vệ sinh. Việc xây dựng nhà ở xã hội này cần được gắn với quá trình chuyển đổi các khu vực thành thị cũng như nông thôn nhằm tạo ra một môi trường sống có chất lượng. Bên cạnh quy hoạch các khu ở, cần cung cấp các tiện ích thương mại, giải trí cũng như xã hội ngay trong hoặc / và bên cạnh để phục vụ các cư dân sinh sống trong tòa nhà. Công tác quy hoạch thiết kế khu ở mới sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng các cộng đồng năng động và gắn kết bằng cách tạo cảm giác gắn bó và bằng bản sắc riêng của mình. Cuối cùng, tất cả các nhân tố tham gia vào quá trình này sẽ phải cam kết thực hiện một chính sách môi trường rõ ràng bao gồm việc tuân thủ luật pháp và các quy định về môi trường; thúc đẩy bảo tồn năng lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; cân nhắc các yêu cầu về môi trường trong sử dụng đất; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế vật liệu và chất thải.
Đối với những chuyển biến và nhu cầu như hiện nay cũng như trong tương lai, thách thức chính đặt ra là phải có một giải pháp thống nhất về kiến trúc cũng như quy hoạch đô thị để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội tại Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng là để tạo ra một văn hóa nhà ở xã hội thực sự tại Việt Nam và để người dân được hưởng lợi từ văn hóa này.
PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về một dự án mới do Công ty thiết kế nhằm làm rõ những quan điểm nêu trên?
KTS Manuel Der Hagopian: group8asia đã tham gia thực hiện nhiều dự án nhà ở, NƠXH tại Singapore từ năm 2008. Hai dự án Quy hoạch mặt bằng tổng thể và thiết chi tiết mà chúng tôi đã đạt Giải thưởng vào năm 2008 và năm 2013 có tổng số hơn 50’000 căn hộ bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở tư nhân. Một dự án với 1876 căn hộ đã hoàn thành tại Punggol, Singapore năm 2015. Một dự án khác gồm 2000 căn hộ hiện đang được xây dựng và mục tiêu sẽ hoàn thành vào năm 2018. Dự án này sẽ đánh dấu 10 năm hoạt động của group8sia tại Đông Nam Á trong lĩnh vực nhà ở xã hội.
Bên cạnh hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, group8asia còn thực hiện những nghiên cứu về mặt bằng khối nhà điển hình bao gồm một triển lãm về các tháp chung cư cao tầng để so sánh giữa Hồng Kông (khí hậu cận nhiệt đới) và Singapore (khí hậu nhiệt đới). Các nghiên cứu này cho phép hiểu rõ hơn các điều kiện khí hậu tác động như thế nào đến mặt bằng khối nhà điển hình trong các tháp chung cư cao tầng.
“Punggol Water Terraces” là một trong những công trình mà group8asia vừa thực hiện. Công trình xứng đáng là biểu tượng của nhà ở xã hội thế hệ mới cho khí hậu nhiệt đới ở Đông Nam Á.
“Punggol Water Terraces” là dự án đoạt giải cuộc thi thiết kế nhà ở xã hội quốc tế lần thứ 2 do Ủy ban Phát triển nhà Singapore (HDB) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quốc khánh nước này vào năm 2015, mục tiêu của cuộc thi là làm mới hình ảnh xã hội và mở ra một cuộc khám phá về một thế hệ nhà ở xã hội mới.
Cuộc thi quốc tế này được group8asia nhìn nhận như là một cơ hội làm mới hình ảnh nhà ở xã hội với nguồn cảm hứng mới cho phép các KTS trẻ thực hiện được các ý tưởng của mình trên một quy mô lớn. Chính vì vậy, dự án kết nối quá khứ và tương lai để mở ra một hướng mới cho loại hình nhà ở bền vững phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới.
Nằm dọc theo bờ kênh Punggol Waterway trên một khu vực có diện tích khoảng gần 70.000m2, ý tưởng thiết kế 1.876 căn hộ nhà ở xã hội lấy cảm hứng từ những thửa ruộng bậc thang ở Châu Á đã đem đến cho dự án bản sắc riêng biệt và trở thành một biểu tượng. Một trong những điểm đặc biệt quan trọng của thiết kế là sự kết nối không gian giữa các khu vực cảnh quan trong sân trong hình lục giác với các khối nhà.
Ý tưởng bố trí các khối nhà thoai thoải kiểu ruộng bậc thang cho phép điều chỉnh chiều cao của chúng cho phù hợp với các điều kiện đô thị khác nhau, tạo ra nhiều hình ảnh khác nhau từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nhìn từ phía dòng kênh, chiều cao của tòa nhà phù hợp với tầm nhìn của người đi bộ và được nhìn giống như một tòa nhà có nhiều sân thượng.
Những khoảng trống hình lục giác, tạo thành những khoảng sân trong càng làm tăng thêm mối liên kết giữa khu nhà ở với bờ kênh mà vẫn đưa được các yếu tố cảnh quan vào khu vực công cộng. Các không gian cây xanh cảnh quan được bố trí theo chủ đề là một đặc điểm nổi bật xuyên suốt công trình, làm tăng thêm ý tưởng về cuộc sống trong ốc đảo đô thị xanh tươi.
Ẩn trong thiết kế là cái nhìn kiến trúc như là một thực thể, ở đó Punggol Waterway Terraces có thể được hình dung như là tập hợp các kinh nghiệm đa dạng tương lai. Được gắn với các ý nghĩa xã hội như vậy để khuyến khích sự tương tác và quan hệ hàng xóm láng giềng, cũng như là sự hòa mình với thiên nhiên, điều này tạo ra một phạm vi để tìm hiểu giá trị xã hội nổi bật của tòa nhà và đóng góp một cách hiển nhiên vào công tác giáo dục ý thức về môi trường và sự công bằng xã hội.
Tính mô-đun của các căn hộ cho phép các cư dân có thể sử dụng một cách linh hoạt và điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của gia đình mình. Các căn hộ cũng được thiết kế theo hướng tối đa hóa các hướng nhìn chính của khu đất. Tất cả các không gian sống đều tận dụng được các hướng nhìn về phía dòng kênh, các khu vườn bên trong công trình hoặc các vườn cọ.
Tính bền vững là một trọng tâm ưu tiên với mục tiêu là xây dựng công trình nhà ở xã hội Punggol Waterway Terraces như là biểu tượng của một trong những công trình xanh nhất của Singapore. Hình khối và hướng của công trình, cũng như các khoảng mở và các hệ thống chắn nắng của công trình, khai thác sự chuyển động của không khí và hướng nắng để tối ưu hóa thông gió và chiếu sáng tự nhiên mà vẫn giảm thiểu được sự hấp thu nhiệt.p
PV: Trân trọng cảm ơn Ông về cuộc trao đổi này!
Thanh Hương (thực hiện)