Liên hoan KTS trẻ toàn quốc tạo dựng những giá trị lâu bền?

Diễn ra lần đầu tiên vào năm 2006 tại Sapa với sự tham gia của gần 300 thành viên, Liên hoan KTS trẻ toàn quốc trải qua 7 kỳ đăng cai tại các tỉnh SaPa (Lào Cai) – Đà Nẵng – Đăk Lăk – Cần Thơ – Quảng Trị – Thanh Hóa – Thái Nguyên. Tháng 4/2019 vừa qua, Liên hoan lần thứ VIII đã diễn ra tại TP Vũng Tàu với số lượng thành viên kỷ lục, lên tới 1500 thành viên.

Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ VIII đã diễn ra trong 2 ngày 19 – 20/04 tại TP Vũng Tàu. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động như Diễn đàn kiến trúc và phát triển sáng tạo FACE 2019; Lễ trao giải thưởng kiến trúc quốc gia; Tham quan và giao lưu giữa các KTS…

Chương trình thu hút đông đủ lực lượng KTS trẻ cả nước với những hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, tôn vinh những sản phẩm trong quá trình lao động cũng như những hoạt động giao lưu. Đồng thời, các KTS trẻ cả nước đã có cơ hội tìm hiểu về thành phố biển Vũng Tàu.

Hình ảnh buổi Khai mạc Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần VIII – Vũng Tàu 2019 tại KS Pullman

Với góc nhìn của một KTS trẻ đã tham gia nhiều kỳ hội trại, xin được chia sẻ những suy nghĩ của bản thân. Dưới đây là những vấn đề còn thiếu, hoặc chưa được chú ý nhiều sau mỗi kỳ hội trại.

Set-up doanh nghiệp kiến trúc trẻ – một vấn đề đáng bàn luận

Các văn phòng kiến trúc trẻ (như một dạng mô hình kinh doanh doanh nghiệp – business model) hình thành theo 2 dạng:

  • Văn phòng kiến trúc trẻ do một KTS trẻ (hành nghề 1 – 2 năm hoặc mới ra trường) thành lập và là linh hồn chính của văn phòng. Văn phòng thường có quy mô nhỏ, dựa trên thương hiệu và uy tín của người lãnh đạo.
  • Văn phòng kiến trúc do một nhóm KTS trẻ (từ 3 – 5 người) cùng thành lập. hình thành ban đầu chủ yếu bằng phương thức một nhóm KTS trẻ có chung đam mê, chơi với nhau, làm việc cùng từ ghế nhà trường và cùng chung sức mở công ty, xây dựng doanh nghiệp thậm chí từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Mỗi người đảm nhiệm một vị trí, công việc trong văn phòng và cùng phát triển.

Lúc này, người vận hành văn phòng hay doanh nghiệp kiến trúc chính vừa là KTS trẻ, vừa là chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các KTS trẻ đều có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế còn kinh nghiệm vận hành và phát triển doanh nghiệp là “con số 0”.

Dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu

Vậy đầu bài đặt ra ở đây khá rõ: Một KTS trẻ sẽ định hướng doanh nghiệp với trải nghiệm đơn thuần về nghề hay thật sự là một doanh nghiệp kiến trúc khi đứng giữa giá trị về nghề nghiệp và áp lực kinh tế ?

Để khắc phục những vấn đề trên, KTS trẻ buộc phải có một cơ chế bài bản và hướng đi đúng. Sẽ không có một trường lớp nào đào tạo, dạy cho KTS trẻ phải vận hành doanh nghiệp ra sao, phát triển thế nào… Cách duy nhất là trải nghiệm từ thực tế và học hỏi từ những đàn anh đi trước đã thành công.

Liên hoan KTS trẻ toàn quốc năm 2019 đã xây dựng diễn đàn “Kiến trúc & Phát triển Sáng tạo FACE 2019” với những bài chia sẻ của các văn phòng kiến trúc nổi tiếng. Tuy nhiên, vấn đề được đề cập còn khá hạn hẹp so với vấn đề lớn “set-up doanh nghiệp”. Phải chăng, những buổi trao đổi kinh nghiệm thực tế này nên được tổ chức nhiều hơn và quy mô phổ rộng hơn?

Phong trào kết nối KTS Trẻ

Hoạt động kết nối KTS trẻ trong các kỳ Liên hoan cần có tính thực tiễn hơn nữa. Trải qua 7 kỳ hội trại, sức lan tỏa của Liên hoan KTS trẻ ngày càng rộng rãi được thể hiện qua số lượng kiến trúc sư trẻ tham gia. Nhưng chúng ta đã thực sự kết nối được các KTS trẻ với nhau? Đó là sự kết nối mang tính chuyên môn hay chỉ vui trong thoáng chốc? Thực tế là qua các kỳ hội trại, những hoạt động chuyên môn cũng như những cuộc trao đổi bên lề đa xới lên hàng loạt vấn đề, hàng loạt câu hỏi: Kinh nghiệm làm việc cá nhân là yếu tố cốt lõi mang tính đặc thù tạo nên sự thành công bởi giá trị của KTS nằm ở sự sáng tạo? Phát triển doanh nghiệp? Trao đổi về cơ chế của địa phương hay giao lưu?

Thực chất, các hoạt động trong Liên hoan đều mang giá trị tốt đẹp, ẩn chứa trong đó là giá trị kết nối nhưng chưa thực sự rõ ràng và mạnh mẽ. Đó có lẽ cũng là điều mà các KTS trẻ tham gia đều mong mỏi.

Để giải quyết vấn đề này, có chăng chúng ta nên tạo dữ liệu mở của các Hội KTS địa phương để các KTS trẻ có thể chủ động giao lưu, liên hệ khi có dự án thay vì chỉ gặp nhau trong một thời gian ngắn ở Liên hoan?

KTS trẻ có quan tâm tới Luật kiến trúc?

Những năm gần đây, giới kiến trúc luôn có một vấn đề tốn không ít giấy mực đó là Luật Kiến trúc – Hành nghề Kiến trúc. Dù đã được bàn luận khá nhiều nhưng vẫn chưa tới sự thống nhất, vì thế trong thời điểm hiện tại chưa có một cơ chế pháp lí nào rõ ràng khiến KTS trẻ bị hạn chế nhiều về đất diễn, nếu muốn nhận các dự án lớn thì buộc phải có đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, thậm chí có chủ đầu tư còn yêu cầu rất cao về kinh nghiệm hành nghề và các chứng nhận giải thưởng… Có lẽ vì thế mà KTS trẻ bị bó hẹp trong chính “sở trường” của mình. KTS Lê Văn Năm – Nguyên chủ tịch Hội KTS HCM đã từng chia sẻ trên báo chí: “Nếu sớm có một quy chế, “luật kiến trúc” rõ ràng, hợp lý thì các KTS trẻ sẽ có điều kiện để hành nghề tốt hơn”.

Bên cạnh đó, để hoàn thành một tác phẩm, KTS trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: Cơ chế quản lý nhà nước, chủ đầu tư, phối hợp với những chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp của các bộ môn khác, trong đó có cả những mối quan hệ đối đầu về mặt lợi ích. Trong khi các KTS trẻ còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm, các mối quan hệ nên phải chịu nhiều sức ép (về lợi ích kinh tế, tính thực dụng, thời gian hoàn thành, thậm chí xâm phạm quyền tác giả…) làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giá trị sáng tạo, gây tổn hại cho giá trị đầu tư và ảnh hưởng đến sự kiên định, niềm tin với nghề.

Ngoài ra, ở Việt Nam việc hành nghề phân theo hạng, nhiều KTS trẻ vẫn chưa quan tâm đến điều này dẫn tới việc họ bỏ lỡ nhiều vị trí và dự án quan trọng. Vì thế, với viêc thu hút được đông đảo KTS trẻ tham gia ở các kỳ hội trại có thể đề xuất thảo luận, trao đổi và góp ý để hoàn thiện xây dựng Luật Kiến trúc thiết thực với việc hành nghề của các KTS trẻ.

Lễ Trao giải Cuộc thi Ngôi Nhà Mơ Ước

Hãy để Nhà đầu tư và cộng đồng Kiến trúc sư trẻ đốt chung một ngọn lửa

Với đông đảo lực lượng KTS trẻ, qua hội trại chúng ta có thể chứng kiến rất nhiều gương mặt, nhiều tài năng và nhiều hơn cả là ngọn lửa đam mê, hướng tới Chân – Thiện – Mỹ. Tuy nhiên, dù bản thân giàu tính sáng tạo và không ngừng học hỏi kiến thức, thậm chí nhiều người tu nghiệp từ nước ngoài nhưng việc tìm chung tiếng nói với chủ đầu tư gặp không ít khó khăn. Một “bi kịch” là rất nhiều chủ đầu tư khi gặp KTS trẻ đưa ra một loạt hình ảnh sưu tầm từ các công trình rồi nói: “Tiền bạc với tôi không thành vấn đề, chỉ cần xây dựng một ngôi nhà giống như trong hình!”. Để rồi xảy ra hai tình huống: KTS từ chối thiết kế hoặc KTS chấp nhận mình trở thành người “vẽ thuê” hay người triển khai lại ý tưởng của chủ đầu tư. Chúng ta hiểu rằng, thành công của một dự án phụ thuộc nhiều vào giới đầu tư, nhưng để nhà đầu tư nhìn ra năng lực của KTS trẻ – Thương hiệu doanh nghiệp Kiến trúc trẻ phải chăng nên điều chỉnh để tăng thêm sự góp mặt của các nhà đầu tư trong kỳ hội trại.

Hình ảnh Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần VII – TP HCM 2018

Vậy mà trong một hoạt động lớn như Liên hoan KTS trẻ toàn quốc, quy tụ hàng nghìn KTS trẻ cả nước lại không thấy bất kỳ một hoạt động nào giúp kết nối giữa Chủ đầu tư và Chủ nhà. Đây là cơ hội tốt để giải quyết vấn đề “khúc mắc” với chủ đầu tư và giúp họ hiểu thêm về năng lực chuyên môn của KTS trẻ.

Liên hoan KTS trẻ – Vai trò của các nhà tài trợ

Có một điều dễ dàng nhận thấy nhất trong các kỳ Liên hoan đó là sự có mặt của rất nhiều Nhà thầu. Họ xuất hiện trên banner, băng rôn, tạp chí, catalogue… với chi phí hỗ trợ cho liên hoan không hề nhỏ nhưng hiệu quả thu được liệu có giúp họ trở thành một Nhà tài trợ dài hạn và tiềm năng cho các kỳ liên hoan lần sau ?

Có khá nhiều KTS trẻ biết đến sự có mặt của Nhà thầu, biết đến những sản phẩm của Nhà thầu nhưng trong khuôn khổ Liên hoan có rất ít KTS trẻ đứng lại để trao đổi và tìm hiểu thêm về sản phẩm. Số Catalogue được trao tặng cũng khó khăn trong việc mang về để xem lại.

Vậy, thay vì chỉ có những hoạt động trong Liên hoan, Hội KTS trẻ nên có thêm các hoạt động kết nối KTS trẻ địa phương với Nhà thầu dưới dạng chia sẻ kiến thức chuyên môn. Điều này giúp Nhà thầu tiếp cận đến đúng đối tượng, tra ZAo đổi và thảo luận một cách trực tiếp. Ngay bản thân KTS trẻ cũng có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng.

Văn phòng trên diện tích nhỏ của công ty kiến trúc ARCH.A tại Sài Gòn – Ảnh (c) http://officevietnam.vn

Hướng tới tạo dựng giá trị lâu bền

Những hoạt động trong Liên hoan sẽ phải đề cao hơn nữa giá trị kết nối (kết nối KTS trẻ này với KTS khác, kết nối KTS trẻ tỉnh này với KTS tỉnh khác), hoạt động liền mạch theo một chủ đề cụ thể và phải chăng nên có một quy định cho những người tham dự. Có vậy, Liên hoan mới duy trì được lâu dài, thiết thực và mang lại nhiều giá trị hơn nữa.

Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ VIII – Vũng Tàu 2019 đã khép lại với nhiều dư âm, nhiều cảm xúc. Dù còn nhiều thiếu sót nhưng Hội KTS Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã rất cố gắng hoàn thành tốt vai trò chủ nhà của mình. Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ IX vẫn chưa có đơn vị đăng cai. Trong thời gian này, chúng ta nên nhìn nhận, đánh giá lại những kỳ Liên hoan đã qua và có một cơ chế hoạt động mới để kỳ Liên hoan tiếp theo sẽ thể hiện được giá trị (cho KTS trẻ – chủ nhà – nhà thầu) – tính thiết thực – kết nối – nghiêm túc hơn. Bởi tôi nghĩ rằng – Liên hoan KTS trẻ – Cần nhất là phải tạo dựng được những giá trị lâu bền!

Hình ảnh khai mạc buổi Khai mạc Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần VIII – Vũng Tàu 2019

KTS Thái Vũ Mạnh Linh

Co-Founder Times Mirror Architecture

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)