Luận bàn về phê bình kiến trúc

Phi lộ

“Phê bình kiến trúc là gì?”, “Nhà phê bình kiến trúc, anh là ai?”, những câu hỏi vốn đang được đặt ra thường xuyên trên các bàn tròn nghị sự nghề nghiệp mang tính bản thể luận với lời hỏi chỉ là một, nhưng lời đáp thì có thể là nhiều, thậm chí rất nhiều [3]. Mỗi người khi cầm bút đàm luận về vấn đề này đều để lại câu trả lời của mình như một dấu ấn cá nhân theo cách lý giải của mình, từ những người ngoại đạo đến những bậc uyên thâm trong nghề. Câu trả lời có thể là ngắn, khi được gắn vào một câu chuyện kiến trúc mang tính thời sự. Câu trả lời có thể là dài, khi người viết thấy phê bình kiến trúc cần được nhìn nhận một cách hệ thống. Những sự ngắn, dài bên câu chuyện thời sự, hay hệ thống với những sự lý giải trên các diễn đàn hội thảo hoặc ấn phẩm, có thể được xem như một bức tranh khái quát về một thực trạng phê bình kiến trúc hôm nay của nước nhà. Đố là một bức tranh khá nhạt nhòa. Không sôi động, trầm bổng như những người anh em khác trong gia đình nghệ thuật như văn học, hội họa, âm nhạc…, phê bình kiến trúc quá khiêm tốn và rụt rè, như để né tránh những xì căng đan nghề nghiệp.

“Suy nghĩ không cũ về một vấn đề không mới”

(Châm ngôn)

Phải chăng, có một cái gì đó bất bình thường khi mà chưa bao giờ những sản phẩm kiến trúc- đối tượng của phê bình kiến trúc, lại được sản sinh ra nhiều đến thế trong cơn lốc đô thị hóa. Đa dạng về thể loại, từ những công trình làm nên diện mạo nông thôn mới, đến những công trình mong xác lập kỷ lục thế giới ở các đô thị. Phong phú trong lực lượng làm nghề, từ KTS khởi nghiệp đến những KTS tên tuổi thế giới. Phải chăng, cũng có một cái gì đó bất thường khi mà sự phát triển, bên cạnh những thành tựu, cũng đem lại không ít hệ lụy ngay trong kiến trúc- những mảnh đất màu mỡ cần khai thác của phê bình kiến trúc?

Chùa Một Cột – Hà NộiNhư GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính kiến giải: “Lý luận và phê bình là một hoạt động tư duy sáng tạo song hành cùng với những khác biệt về đầu ra và về bài bản tác nghiệp, tác động lẫn nhau trong mối quan hệ tương hỗ. Phê bình, nói một cách thô thiển, là công cụ khứu giác và thị giác của lý luận”. Nhưng, cũng chính ông nhận xét: “Chúng ta đang trên chặng đường làm chủ tri thức cổ và kim, đồng thời chậm chạp và thiếu cơ bản, kiến tạo tòa nhà lý luận kiến trúc của mình”, [4].

Liệu phê bình kiến trúc có thật sự cần ngay trong hoạt động kiến trúc và trong đời sống xã hội Việt Nam chúng ta nói chung, khi mà “Triết lý sống của người Việt không chấp nhận phê bình” và “Phê bình cần lý tính mà người Việt lại nặng về cảm tính nên đây cũng là lý do họ khó chấp nhận phê bình” [6]; cũng là khi một sản phẩm kiến trúc trước khi được hình thành đã phải trải qua những mê lộ quan hệ chằng chịt phi kiến trúc.

Và rồi, liệu có hay không Nhà phê bình kiến trúc (chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp) như các Nhà phê bình Văn học, Nhà phê bình Mỹ thuật, Nhà phê bình Âm nhạc, Nhà phê bình Sân khấu hay Nhà phê bình Điện ảnh… Danh xưng đó có phần xa lạ với giới kiến trúc mà khi chọn học nghề kiến trúc, danh xưng mà tất cả đều hướng tới là Architect – KTS, với chữ “A” được viết hoa. Cũng có thể bởi trong các trường đào tạo về kiến trúc, khác với các ngành nghệ thuật khác, không có chuyên ngành lý luận, phê bình được ghi rõ ràng trên tấm bằng tốt nghiệp.

Như vậy, có thể tạm coi những vấn đề nêu trên: Bản chất, đối tượng, cơ sở, môi trường và con người là những vấn đề cốt lõi của phê bình kiến trúc mà tác giả bài viết này muốn luận bàn, thông qua sự hiểu biết và trải nghiệm của bản thân, nhằm đưa ra câu trả lời của mình về phê bình kiến trúc với các góc nhìn về nhận diện và đối tượng, về nội dung và phương pháp tiếp cận, về vị thế và văn hóa ứng xử .

Nhận diện – Bản chất và Nền tảng

Ngay từ buổi bình minh của nghệ thuật, phê bình nghệ thuật cũng ra đời như một sự tất yếu. Lịch sử phát triển của các loại hình nghệ thuật gắn liền với phê bình như một cặp nguyên lý song hành, một cặp phạm trù tưởng như đối kháng. Lấy sự hiện hữu của nghệ thuật – tác phẩm làm đối tượng, phê bình lần lượt thực hiện nhiệm vụ thẩm giá, phán định, cấp giấy thông hành hay rút phép thông công, là “bà đỡ” hay “đao phủ”, là “viên đá thử vàng” hay tấm gương soi cho xã hội cảm thụ… Cũng trong lịch sử phát triển, một mặt, phê bình định hình những khuôn mẫu chuẩn mực xã hội để nhìn nhận nghệ thuật. Mặt khác, lại góp phần làm bệ đỡ, thúc đẩy sự sáng tạo tìm ra những cái mới từ chính sự thay đổi cái nhìn về thẩm mỹ thông qua những đối thoại, thậm chí xung đột trong phê bình. Và cũng chính phê bình góp phần làm nên những phong cách, trường phái nghệ thuật mang dấu ấn thời đại. Dựa trên “khuôn vàng thước ngọc” theo những ý thức hệ triết học và tư tưởng thời đại để định hướng thẩm mỹ xã hội, các nhà phê bình làm quan tòa hay bạn đồng hành cho các tác phẩm nghệ thuật, từ nghệ thuật cổ đại Hy Lạp, La Mã cho đến những bước đầu của nghệ thuật Kito giáo, từ thời Trung cổ với Roman, Gotic đến Phục Hưng, Cổ điển, Baroc, Lãng mạn, Hiện thực tự nhiên, Ấn tượng, từ Hiện đại, Hậu Hiện đại đến Nghệ thuật Đương đại… Các quan niệm về nghệ thuật, thông qua phê bình, phát triển và phủ định, đều nhằm tìm ra định nghĩa nghệ thuật là gì để rồi từ đó lại quay lại thẩm giá chính những sản phẩm nghệ thuật.

“Tôi biết là tôi không biết gì cả”

(Socrates)

Kiến trúc xưa nay vẫn được xem như một loại hình nghệ thuật, nghệ thuật kiến tạo không gian gắn liền với đời sống hoạt động của con người. Và cũng như các loại hình nghệ thuật khác, bên cạnh kiến trúc có phê bình kiến trúc. Tuy nhiên, chính do sự khác biệt quan niệm về tính sáng tạo và quyền năng sáng tạo trong kiến trúc mà phê bình kiến trúc đến sau rất nhiều so với phê bình thi ca, văn học và hội họa cũng như âm nhạc và sân khấu. Ở đây, bên cạnh tác giả và tác phẩm, trong các sản phẩm kiến trúc có sự hiện diện của tác nhân thứ ba, thân chủ – người đặt hàng. Trong một thời gian dài, KTS chỉ được coi là những nghệ nhân, thể hiện ý tưởng, mong muốn của thân chủ, hoạt động tạo tác nên công trình, tuân thủ những quy định và niêm luật ngặt nghèo của các định chế xã hội. Cho đến sau này, khi những hoạt động tạo tác được nâng tầm lên kiến tạo không gian đa dạng theo nhu cầu xã hội với đền đài, miếu mạo, dinh thự và thành quách… KTS không chỉ được coi theo đúng nghĩa đen trong gốc từ Latin và Hy Lạp cổ là “Người thợ cả” về nề và mộc trong xây dựng, mà đã trở thành như những đồng tác giả với tên tuổi còn được lưu lại trong các thư tịch cổ như ở Parthenon hay quần thể Acropolis. Và, những phê bình kiến trúc đầu tiên ở đây không chỉ đơn thuần là những nhận xét lạnh lùng trong các văn bản cấp phép, sau khi đối chiếu với những quy định về xây dựng thông thường, mà đã trở thành những bản tụng ca về cái đẹp với hình thức bố cục cân xứng, hài hòa, có trật tự, tiết điệu thanh cao và trang nhã, với những thức cột Doric, Ionic và Corinth làm nên hệ thống kiến trúc cổ điển khuôn mẫu. Như đã nói ở trên, quan niệm về cái đẹp vẫn là một đề tài được tranh luận muôn thuở, mọi khuôn mẫu cũng thay đổi theo thời gian. Các nhà phê bình nghệ thuật nói chung và phê bình kiến trúc nói riêng, căn cứ vào hệ quy chiếu thời đại để thẩm giá sản phẩm nghệ thuật (theo góc nhìn cá nhân). Tuy nhiên, do tính đặc thù của kiến trúc, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, tính khoa học của sản phẩm kiến trúc luôn được đặt ra như một yêu cầu tất yếu. Cái Đẹp có thể còn phụ thuộc theo quan niệm, còn Khoa học chỉ có thể đưa ra Đúng hoặc Sai.

Trong nghệ thuật nói chung, phê bình được giải nghĩa theo nhiều cách khác nhau theo những cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều đồng thuận về cái chính yếu nhất của công việc phê bình là miêu tả (description), diễn giải (elucidation), lý giải (interpretive) và đánh giá (evaluation). Trong đó, đánh giá được đưa ra trên cơ sở quá trình phân tích (analysis) ở cả 3 công đoạn trên.

Với phê bình kiến trúc, miêu tả như một công đoạn mở đầu, giới thiệu tác phẩm – sản phẩm kiến trúc như một hiện thực khách quan, diễn giải làm nhiệm vụ giải mã những ý tưởng của tác giả mà mình đọc được, lý giải bình phẩm và truyền tải các nội hàm cũng như thông điệp của tác phẩm. Và cuối cùng, công đoạn quan trọng nhất của phê bình, đánh giá nhằm xác định giá trị của sản phẩm kiến trúc theo các giá trị cơ bản của kiến trúc là Thích dụng, Bền vững và Thẩm mỹ. Có thể nhận thấy, trong quá trình thực hiện các công đoạn phê bình, tính khách quan theo xu hướng giảm dần, còn tính chủ quan của người phê bình lại tăng lên. Để đảm bảo phê bình kiến trúc như một hoạt động đánh giá khách quan khoa học, xác định được chân giá trị của một sản phảm kiến trúc và vị trí của nó trong xã hội, các công đoạn phê bình kiến trúc luôn cần được phân tích trên cơ sở đối chiếu với những xuất phát điểm của Nhiệm vụ thiết kế và Hệ tiêu chí cơ bản (Như đầu bài và thang điểm) để đánh giá.

Trên cơ sở các giá trị cơ bản của kiến trúc, các tiêu chí cụ thể thường bao gồm:

  • Công năng;
  • Bố cục và tỷ lệ;
  • Tổ chức không gian kiến trúc quy hoạch;
  • Thẩm mỹ;
  • Phong cách;
  • Môi trường và cảnh quan;
  • Lựa chọn vật liệu;
  • Tính bền vững;
  • Hiệu quả xã hội;
  • Hiện đại và tiên tiến.

Trên nền tảng lý luận kiến trúc và những trải nghiệm hành nghề mà người phê bình kiến trúc tích lũy được, nắm bắt và vận dụng để thực hiện các công đoạn của phê bình kiến trúc. Ở đây cần phân biệt hai khái niệm: lý luận kiến trúc cùng với phê bình kiến trúc là hai thành tố cơ bản của khoa học kiến trúc còn lý luận phê bình kiến trúc, là phương pháp luận phê bình. Nếu như Lý luận kiến trúc giúp nhà phê bình Đọc và Hiểu được tác phẩm kiến trúc bằng ngôn ngữ kiến trúc đặc thù với đường nét, bố cục, thủ pháp, phong cách [1]… Thì Trải nghiệm hành nghề lại giúp nhà phê bình đồng cảm được với tác giả. Hiểu và đồng cảm ở đây đảm bảo cho những phân tích và đánh giá của phê bình kiến trúc mang tính khoa học và nhân văn.

Đối tượng và phương pháp tiếp cận

Cũng như trong các loại hình nghệ thuật khác, phê bình kiến trúc thường được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa thông tục và nghĩa hẹp, nghĩa học thuật, ở đó, phê bình chỉ bất kỳ một sự bình phẩm, nhận định chủ quan nào về một công trình, một đồ án quy hoạch, một hiện tượng kiến trúc… thông qua những phát biểu bằng lời tại các diễn đàn hay hội đồng đánh giá hoặc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối tượng xem xét của dạng phê bình này là một sản phẩm kiến trúc cụ thể, mục tiêu cũng rõ ràng và trực diện, đôi khi như một lá phiếu bình chọn cá nhân.

“Đối tượng dẫn lối cho phương pháp”

(John Rsukin)

Những phát biểu, phê bình theo nghĩa rộng, mặc dù cũng dựa trên kiến thức và cả trải ngiệm của bản thân, lại phụ thuộc vào vị trí trong xã hội, thường mang nặng tính cảm quan mà thiếu đi những cơ sở khoa học. Cảm quan cá nhân đem lại màu sắc tương phản, hoặc cực đoan phê phán, hoặc ngợi ca ve vuốt hết lời. Vị trí xã hội của người phê bình lại đưa ra những ý kiến hoặc mang tính áp đặt hoặc nhạt nhòa chung chung, phê bình như không phê bình. Dường như ở đây, phê bình mang tính độc thoại, độc thoại của người phê bình như tự cho mình quyền phán xét đơn phương, không mong chờ hồi âm từ người thẩm định. Chính do hình thức biểu đạt và bối cảnh, cũng như tính chất và mục đích, nên dạng phê bình hiểu theo nghĩa rộng này ít có đóng góp gì cho người sáng tác, lại càng ít đóng góp hơn cho đời sống kiến trúc trong xã hội (Dạng phê bình này cũng được hiểu như những bài giới thiệu, nhận xét (comment) trên các trang mạng xã hội hiện nay.)

Theo nghĩa học thuật, phê bình kiến trúc được hiểu như một hoạt động chuyên môn có vị thế ngang ngửa với nghiên cứu lý luận trong khoa học kiến trúc và tác động trực tiếp đến sáng tác kiến trúc. Những phê bình kiến trúc học thuật được xuất hiện dưới dạng ấn phẩm, được trích dẫn với tư cách một công trình khoa học. (Thuật ngữ phê bình nghệ thuật xuất hiện đầu tiên trong các ấn phẩm về xếp hạng hội họa của họa sỹ người Anh Jonathan Richardson và John Ruskin, nhà phê bình nghệ thuật tiên phong của thế kỷ 19, đây cũng chính là người đã cho ra đời những ấn phẩm phê bình kiến trúc đầu tiên về thời kỳ Phục hưng).

“Mọi ranh giới đều do ta đặt ra”

(Cách ngôn)

Đối tượng nghiên cứu của phê bình kiến trúc không dừng lại chỉ xem xét một công trình cụ thể mà là toàn bộ hoạt động kiến trúc, những hiện tượng và trào lưu, trong một không gian, thời gian rộng và dài hơn. Ở đây cũng cần phân biệt giữa phê bình kiến trúc về một trào lưu thậm chí một trường phái trong lịch sử và những nhận xét đánh giá trong nghiên cứu lịch sử kiến trúc, như những lát cắt ngang và những lát cắt dọc. Charles Jencks, cha đẻ ra kiến trúc Hậu Hiện đại, là một ví dụ điển hình khi đưa ra những luận điểm phê phán kiến trúc Hiện đại.

Với phê bình học thuật, ở bất kỳ cấp độ nào, cái quan trọng mà nhà phê bình cần đạt được để đưa ra được những phán xét một cách khách quan nhất là anh ta phải nhận biết giá trị của chức năng phê bình “kiến giải”– quan sát và giải thích, lớn hơn cái mà anh ta nhắm tới phê bình, một hình mẫu phê bình sáng giá phải chứa đựng những phân tích đầy tính lý giải, nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng.

Trong nghệ thuật, phê bình học thuật trên cơ sở phương pháp luận và cách tiếp cận khác nhau hình thành nên những trường phái phê bình khác nhau như: phê bình Ấn tượng (Impressionist Criticism), Phê bình Bối cảnh (Contextual Criticism), Phê bình Hình thức (Formal Criticism). Phê bình kiến trúc cũng không phải là một ngoại lệ. Mỗi trường phái, thể loại nghệ thuật và cách thức phê bình nhắm tới những cách lý giải và đánh giá khác nhau nhưng dù ở cách thức nào đi nữa, đều cần phải nắm được hai ý tưởng nền tảng sau:

  • Thứ nhất: Cần biết kết hợp những phương pháp tiếp cận khác nhau để tránh cái gọi là “Sự giản lược sai lầm của phê bình” (Theo John Deway, triết gia và nhà giáo dục học người Mỹ). Để loại trừ sự quyến rũ thiên vị nào đó, nhà phê bình phải biết chấp nhận một cái nhìn đa chiều cạnh, chính điều đó khiến anh ta được tự do lựa chọn phương pháp của mình. Và cái được lựa chọn sẽ đáp ứng bao quát hơn cả quy mô thể loại công trình mà anh xem xét.
  • Thứ hai: Cần có được những điểm mốc chính yếu thuộc phẩm chất phê bình (thẩm giá) mà nhà phê bình đưa vào trong bài phê bình của mình. Nói một cách khác, phương pháp không thể thay thế cho sự cần mẫn của trí năng cũng như khả năng nhạy cảm của óc phán đoán.

Phê bình kiến trúc lấy tác phẩm – sản phẩm quy hoạch, kiến trúc làm đối tượng xem xét trung tâm. Tư tưởng quan điểm phê bình được thể hiện ở phương pháp luận phê bình, bao hàm hơn ở các cách tiếp cận tác phẩm từ những nhân tố liên quan đến tác phẩm. Trong nghệ thuật nói chung, các hướng tiếp cận tác phẩm chủ yếu thường theo chuỗi: Tác giả – Tác phẩm – người thưởng thức.

  • Hướng tiếp cận tác phẩm từ tác giả, cứu tác giả để lý giải được tác phẩm, hiểu được những dụng ý của tác giả trong tác phẩm thông qua những thủ pháp quen thuộc của tác giả. Hướng tiếp cận này khá phổ biến trong nghệ thuật khi vai trò của tác giả được đề cao như là chủ thể sáng tạo. Quan hệ tác giả – tác phẩm là quan hệ nhân quả, tác phẩm là con đẻ của tác giả. Khái niệm đồng tác giả trong sáng tạo rất hãn hữu và khá rạch ròi khi (tưởng như) có hơn một người tham gia vào quá trình đó. Thí dụ trong văn học, thể loại hồi ký, người ghi cũng chỉ giữ một vai trò hết sức khiêm tốn so với người kể trên bìa sách. Trong âm nhạc, nhạc sỹ sáng tác là tác giả của bản nhạc còn nghệ sỹ trình tấu chỉ là tác giả của bản ghi âm, nhà phê bình âm nhạc làm nhiệm vụ thẩm giá tác phẩm thông qua nghệ sỹ và ngược lại, đánh giá buổi biểu diễn thông qua sự hiểu biết về tác giả. Hoặc như trong điện ảnh, tác phẩm nghệ thuật tuy có rất nhiều người tham gia nhưng trên những dòng generic đầu phim chỉ trang trọng ghi: “Một cuốn phim của… (tên đạo diễn)”. Trong kiến trúc, hướng tiếp cận đến tác phẩm này, đúng hơn là dựa trên mối quan hệ tác giả – tác phẩm – người sử dụng khá đặc thù, chỉ tương đối hữu hiệu khi nghiên cứu các công trình của những KTS đã thành danh, nổi tiếng bởi những triết lý trong sáng tạo kiến trúc, hình thành những phong cách rất riêng được đóng dấu thương hiệu. Điều này cũng đặc biệt khó khi vận dụng ở Việt Nam, nơi danh xưng tác giả công trình kiến trúc A, B, C còn là quá xa xỉ, hầu như không được ghi nhận từ trong hồ sơ thiết kế chính thức cho đến sự vinh danh tại những buổi lễ khởi công hay khánh thành. Mặt khác, để thực hiện một sáng tác kiến trúc, KTS – tác giả thường phải chịu khá nhiều áp lực từ những yếu tố phi kiến trúc.
  • Hướng tiếp cận tác phẩm từ chính tác phẩm: Trước hết là vận dụng phương pháp kiểm chứng, phân tích các giải pháp bằng những ngôn ngữ đặc trưng của kiến trúc, những thủ pháp xử lý không gian bằng những cặp hình thái đối lập như đặc – rỗng, cao – thấp, sáng – tối, mảng – miếng, đóng – mở, diện – khối… Những ngôn ngữ này được phát hiện và kiểm chứng thông qua 2 cách: Một là, trên cơ sở hồ sơ bản vẽ thiết kế, hai là bằng cảm quan trực giác với công trình. Trong cả 2 cách đều có thể hoán đổi vai trò phát hiện và kiểm chứng cho nhau. Nhiều nhà phê bình kiến trúc cho rằng phương pháp tiếp cận thông qua hồ sơ thiết kế này gần với công tác thẩm định hơn là phê bình kiến trúc, nhưng những nhà phê bình ưa chính xác và thận trọng trong những đánh giá chi tiết thì lại thấy rất hữu hiệu, đặc biệt trong công đoạn miêu tả của phê bình. Đồng thời, phương pháp tiếp cận này giúp đánh giá mức độ thành công và khả năng hình dung của tác giả từ bản vẽ đến hiện thực. Phương pháp tiếp cận lý thuyết thường được các nhà nghiên cứu lý luận kiến trúc vận dụng khi thực hiện công việc phê bình. Sử dụng các lý thuyết kiến trúc để diễn giải các giải pháp của tác giả như các lý thuyết về tổ hợp không gian, về hình thái học trong kiến trúc và quy hoạch, về mối quan hệ giữa hình thức và công năng. Các phương pháp tiếp cận tiêu điểm (spotlight) ưu tiên tập trung vào các khía cạnh – tiêu điểm như ấn tượng, bối cảnh hay hình thức… thường được các nhà phê bình sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
  • Hướng tiếp cận tác phẩm từ người thụ hưởng – (sử dụng) rất quan trọng trong quá trình lý giải và đánh giá công trình theo tiêu chí thích dụng, người ta vẫn nói “Người sử dụng mới là người phán xét chính xác nhất”. Không hiếm những trường hợp công trình đoạt Giải thưởng kiến trúc nhưng lại bị chính những người được sử dụng không chấp nhận. Những luận giải về công năng và môi trường đảm bảo sự thuận tiện hoạt động theo chức năng cũng như các yêu cầu về “An toàn, thân thiện, tiện nghi và môi trường” là những điều mà người sử dụng quan tâm hàng đầu.

“Nhà phê bình kiến trúc, anh đang ở đâu?”

Để có được một bản phê bình hoàn chỉnh và đúng mục tiêu, lấy đối tượng nghiên cứu là tác phẩm – sản phẩm quy hoạch, kiến trúc, nhà phê bình cần lựa chọn, sử dụng một cách linh hoạt đầy đủ các phương pháp theo những hướng tiếp cận khác nhau như đã trao đổi trên đây.

Văn hóa phê bình – Ứng xử và ngôn từ

Như đã luận bàn ở trên, vị thế của phê bình học thuật trong sáng tác kiến trúc và lý luận kiến trúc được khẳng định bởi những mục tiêu mà nó hướng tới. Tuy nhiên, giá trị đích thực của phê bình không nằm ở những phát hiện, đánh giá khi phân tích, luận giải tác phẩm mà là ở chỗ tác dụng của nó đối với tác giả thế nào và được xã hội tiếp nhận ra sao. Nói một cách khác, phê bình trước hết cần cho tác giả và tác phẩm, sau mới dành cho học thuật và xã hội. Xưa nay, chả riêng gì ở Việt Nam, quan điểm của nhà phê bình và của tác giả về giá trị của phê bình là rất khác nhau, đó là điều tất yếu thuộc về bản chất. Đó là mối quan hệ giữa hai chủ thể đầy cá tính, chủ thể sáng tạo và chủ thể thẩm giá, xung đột chỉ được giảm thiểu tối đa khi cả hai nhận thức ra đây là mối quan hệ cộng sinh và tương hỗ.

Sự tiếp nhận tích cực của tác giả, người được / bị phê bình phụ thuộc rất nhiều vào tâm thế và phương thức truyền đạt của người phê bình khi tiếp cận tác phẩm, thành quả lao động sáng tạo của KTS – tác giả. Để có sự đồng cảm, yếu tố quan trọng giúp xóa đi cái ranh giới hoài nghi, trước tiên, nhà phê bình đến với tác phẩm như một người thụ hưởng, sau đó là người thâm nhập để hiểu tác phẩm, rồi mới là người giải thích cho người khác hiểu [4]. Thái Bá Vân thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi nói: “Phê bình nghệ thuật bắt đầu và kết thúc ở thưởng thức” và cho rằng: “Có yêu mến mới thực là biết”.

Phê bình kiến trúc là một nhiệm vụ khó khăn vì bản thân kiến trúc là một ngành vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật, thẩm giá được một cách đúng đắn đòi hỏi không chỉ bằng những cảm quan thẩm mỹ mà còn bằng những cơ sở khoa học chắc chắn. Với những nội dung ấy, bằng sự biết và kinh nghiệm thưởng thức cũng như những trải nghiệm nghề nghiệp của mình, các nhà phê bình kiến trúc mong muốn không chỉ giúp KTS – tác giả hiểu hơn về bản chất các công trình của chính họ mà còn giúp họ có một đánh giá khách quan hơn về công trình đó. Đồng thời, quan trọng hơn, để cùng hiểu rằng, không phải phê bình là căn cứ vào tiêu chí để tính điểm chung kết cho tác phẩm, mà nó chỉ làm tăng trưởng nhận thức – một khả năng có thể phân biệt sắc sảo, hay là đào luyện tri giác về tác phẩm.

Phương thức truyền đạt những thông điệp của người phê bình nhiều khi đóng vai trò quyết định trong tiếp nhận phê bình. Đôi khi, chính ngôn từ lại làm hỏng một nhà phê bình giỏi. Cách truyền đạt kém dễ làm hỏng cả tính hiệu quả của một bài phê bình, mặc dù nhà phê bình đúng và có dụng ý tốt. Tương tự như thế, cách truyền đạt phù hợp thậm chí còn có thể làm một bài phê bình gai góc dễ được chấp nhận hơn. Nhà phê bình phải đưa ra những thông điệp một cách tích cực và gây cảm hứng cho đối tượng được phê bình mà không làm tổn thương họ. Phê bình phải được hiểu là những góp ý mang tính xây dựng và chân thành.

Nghệ thuật thuyết phục, bằng những luận giải logic, nguyên tắc công bằng và mạch lạc, tính khách quan trong đánh giá, kiến thức tổng hợp về kiến trúc cũng như kinh ngiệm của một KTS hành nghề, cùng với một phương thức truyền đạt phù hợp sẽ làm phê bình trở thành một cuộc đối thoại nghề nghiệp đầy hiệu quả trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau. Suy ra cho cùng, ý kiến nhà phê bình cũng không dùng được vào việc gì nếu người được phê bình không hiểu lời phê bình và thực sự đồng ý với điều đó.

Vĩ thanh

Các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam đương đại đều thống nhất nhận định công cuộc cải cách và mở cửa, khởi phát từ năm 1986 tạo tiền đề quyết định cho nền kiến trúc nước nhà phát triển vượt bậc cả về số lượng đến chất lượng. Nhìn nhận hơn 3 thập kỷ phát triển ấy vẫn canh cánh một câu hỏi: “Lý luận và phê bình, nền tảng và sự kích thích sáng tạo kiến trúc, đang ở đâu trong sự phát triển ấy? Có bứt được lên trước để định hướng dẫn dắt, hay ở ngay phía sau để kịp đúc rút những bài học cần thiết?”. Với cả cái trước và cái sau tích cực và cần thiết ấy, câu trả lời dường như là không. Trong khi lý luận, nền tảng căn bản còn đang chấp chới phía sau theo những trào lưu sáng tác thì phê bình kiến trúc còn thậm chí hầu như mất dạng

Phê bình kiến trúc không thể chỉ là những phát biểu, nhận xét, giới thiệu hay tổng kết vô thưởng vô phạt mà các “nhà” đều làm được. Phê bình kiến trúc cũng không thể chỉ là những bài báo với một vài hình ảnh được gom lại rồi gắn một vài mẩu thông tin mà không kèm bất cứ một quan điểm nào. Và phê bình kiến trúc cũng không thể chỉ dừng lại ở những tiếng nói phản biện (cho dù tâm huyết và quyết liệt) về những sự bất cập nổi cộm trong quy hoạch, kiến trúc thường ngày.

Để kiếm tìm con đường cho xây dựng và phát triển nền phê bình kiến trúc học thuật, thiết nghĩ cần nhìn nhận bản chất để đánh giá thực trạng, đào luyện và khuyến khích lực lượng không ngại dấn thân vào con đường đầy va chạm. Và sau hết, tạo ra môi trường, diễn đàn, sân chơi, để cọ sát và đối thoại đưa phê bình trở thành một hoạt động không thể thiếu vắng trong đời sống làm nghề của Kiến trúc.

Cách đây không lâu, tại Agohub, Diễn đàn do một nhóm KTS trẻ tâm huyết tổ chức, “Kiến trúc Việt Nam, tồn tại và phát triển”, một chủ đề với tên gọi tầm cỡ quốc gia ngỡ như chỉ dành cho những bậc quyền vị hay thức giả uyên thâm, lại cuốn hút đến bất ngờ một lượng đông người trẻ tham gia đến như thế. Nhìn những đồng nghiệp trẻ say sưa, lắng nghe và tranh luận, tôi có cảm nhận rõ ràng rằng, đây là thế hệ KTS sẽ tự tin khi bước vào kỷ nguyên 4.0 đầy thách thức. Và, họ mong có lý luận, phê bình trong hành trang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Doãn Minh Khôi. Đọc và Hiểu kiến trúc. NXB Xây dựng. 2016
  2. Đặng Thái Hoàng. Lý luận và phương pháp phê bình kiến trúc (Tổng thuật). Tạp chí Kiến trúc. Hội KTSVN Số 1/2001
  3. Đỗ Lai Thúy. Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy. NXB Hội nhà văn 2010
  4. Hoàng Đạo Kính. “Phê bình kiến trúc- bản chất và thực trạng” (2005). Văn hóa kiến trúc. NXB Tri thức. 2012
  5. Thái bá Vân. Phê bình nghệ thuật bắt đầu (và kết thúc) ở thưởng thức. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
  6. Hội thảo Đổi mới Văn hóa Nghệ thuật 1988
  7. Trịnh Cung. Phê bình Văn học và Nghệ thuật. Trang DTL. Bolsa 5/ 2017
  8. Kushal Jain. The 7 Principles of Architectural Criticism. ARCH20 6/2015
  9. Lance Hocey. What is the “serious criticism” of architectural. Huffpost. 6/2015

TS.KTS Trần Thanh Bình

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2019)