Sinh thái đô thị – khái niệm tích hợp
Để có thể hiểu rõ về sinh thái đô thị, cần xuất phát từ một khái niệm khác có liên quan mật thiết – Đó là “sinh thái học”. Sinh thái học, theo định nghĩa của Từ điển Oxford, là “một môn khoa học nghiên cứu mối liên hệ giữa giới thực vật và các loài động vật, cũng như giữa các loài động thực vật với môi trường xung quanh. Sinh thái học là một trọng tâm nghiên cứu của thế giới hơn nửa thế kỷ qua, khi những hoạt động do con người thực hiện được ghi nhận là gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thiên nhiên, khiến môi trường thiên nhiên của Trái đất ngày một xuống cấp” (NXB Đại học Oxford, 2010). Sinh thái học được nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau, từ cá thể qua quần thể, quần xã cho đến cả hệ sinh thái và cao nhất là sinh quyển. Sinh thái học là môn khoa học liên ngành, có sự đóng góp của địa lý học, địa chất học, khí tượng học, sinh vật học, thổ nhưỡng học, nông học, hóa học, môi trường học, … (Nguyễn An Thịnh, 2013). Theo nhà nghiên cứu Jianguo Wu, chỉ từ năm 2000 trở lại đây, các nhà sinh thái học mới hướng sự quan tâm đúng mức đến sinh thái đô thị – một bộ phận của sinh thái nói chung – vốn bị coi nhẹ (thậm chí được nhấn mạnh bởi từ “trashed” – tạm dịch là “bị ruồng rẫy”) trong cả một giai đoạn kéo dài hàng thập kỷ trước đó. Đương nhiên, sự nhìn nhận này thật sự phiến diện (do đó cần hành động để sửa sai) vì đã bỏ qua khát vọng quay trở về các giá trị thiên nhiên và cội nguồn sinh thái của con người thời kỳ hậu công nghiệp bị mắc kẹt trong các không gian “thừa nhân tạo – thiếu thiên nhiên” do chính mình tạo ra.
Các khái niệm và quan điểm khác nhau về Sinh thái học đô thị đã được phân loại thành “sinh thái trong thành phố” (ecology in cities – tập trung chủ yếu vào các sinh vật không phải con người trong môi trường đô thị) và “sinh thái của thành phố” (ecology of cities – coi toàn thành phố là một hệ sinh thái riêng biệt, bao hàm cả yếu tố con người trong đó), được xem xét trên ba hệ tọa độ tích hợp: 1. Không gian – thời gian (spatio-temporal); 2. Sinh học – vật lý học (bio-physical); 3. Kinh tế – xã hội (socio-economic). Đây đồng thời cũng là ba lực phát động, dẫn hướng cho đô thị và hệ sinh thái trong đô thị đó vận hành. Còn vận hành theo chiều hướng nào, khả quan hay không, lại hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng được đưa ra, chính sách được ban hành và chương trình hành động được triển khai.
Tổng kết kinh nghiệm thiết lập sinh thái đô thị của thành phố Curitiba (Brazil)
(Hiroaki Suzuki và cộng sự, 2010)
Sinh thái tự nhiên – cảnh quan
- Tăng cường phủ xanh đô thị: Quy hoạch một công viên lớn ngay tại trung tâm và một hệ thống công viên vừa và nhỏ dày đặc và rộng khắp trong phạm vi đô thị. Có tổng cộng 34 công viên lớn nhỏ, chiếm 18% quỹ đất đô thị, phân bố khá đều từ trung tâm đô thị trở ra. Diện tích cây xanh bình quân đạt 52 m2/người. Hệ thống cây xanh đường phố có 300.000 cây các loại, mỗi năm mỗi héc-ta cây xanh hấp thụ khoảng 140 tấn CO2;
- Kiểm soát lũ lụt và tạo lập cảnh quan thiên nhiên, khép kín chu trình nước: Xây dựng hệ thống thoát nước tự nhiên, tập trung nước về các vùng phân lũ là những khu rừng ngập nước, Các công viên và hồ nước đều nối với sông ngòi, Tạo lập các bề mặt có tính thẩm thấu cao để bổ sung liên tục nước ngầm trong các tầng đất.
Sinh thái xã hội – nhân văn
- Bảo tồn di sản văn hóa và kiến trúc: Không cho phép phương tiện cơ giới đi vào các khu phố cổ. Khuyến khích người dân và du khách đi bộ trong khu trung tâm lịch sử, cũng như trong phạm vi nhiều khu ở của thành phố. Bố trí hầu hết các dịch vụ thiết yếu gần khu ở để người dân giảm nhu cầu di chuyển bằng xe hơi riêng.
- Chính sách an sinh xã hội và an ninh tốt: Trợ giúp người nghèo, Tạo công ăn việc làm cho người nghèo và các nhóm yếu thế, Giảm tội phạm, Các chương trình môi trường được thường xuyên tổ chức, Các chương trình giáo dục được phổ cập, Cải tạo dần các khu ổ chuột, … Trên 70% người dân tham gia tích cực và thường xuyên vào các chương trình hành động vì môi trường.
- Chính sách “không rào cản” trong phát triển kinh tế cũng như quy hoạch đô thị đã đem lại thành công, đảm bảo tất cả các nhóm dân cư đều được hưởng lợi từ chương trình phát triển, không có đối tượng nào bị bỏ quên.
Dựa trên những tổng hợp, phân tích và nhận định của Jianguo Wu và cộng sự, có thể coi sinh thái đô thị là một trường hợp đặc biệt, cần được quan tâm nghiên cứu hàng đầu, bao gồm một hệ thống yếu tố, cả thiên nhiên lẫn nhân tạo được kết hợp với nhau theo một số dạng thức (hoặc công thức) thích hợp theo từng điều kiện cụ thể, có tính đến những yếu tố đặc thù, cấu thành nên môi trường cư trú của con người trong các thành phố, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo những điều kiện tốt nhất, hoặc ít nhất cũng đạt tiêu chuẩn, để con người sinh hoạt, làm việc, học tập và nghỉ ngơi. Nhìn rộng hơn là xã hội, nếu được xây đắp trên nền tảng vững chắc đó, thì mới thực sự phát triển.
Sự phát triển ngày nay không thể tách rời tính bền vững – tiêu chí đồng thời cũng là đích đến – cho mọi quốc gia và từng đô thị, trên tinh thần Nghị sự Agenda 21 – một chương trình hành động của Liên Hợp Quốc được soạn thảo và công bố năm 1992, mang tính phổ quát và được cụ thể hóa theo từng quốc gia rồi xuống đến từng khu vực/địa phương trong quốc gia đó. Sự bền vững về xã hội thường được đặt song song với sự bền vững về sinh thái – tự nhiên (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, 1992). Sự bền vững về xã hội được diễn giải ở Anh là “Một quá trình tạo lập các địa điểm cư trú bền vững và thu được thành công xét về các hoạt động, khi phát huy được sự phồn thịnh của cộng đồng bằng việc hiểu rõ người dân cần những gì để có thể sinh sống, học tập và làm việc. Cộng đồng phát triển bền vững kết hợp việc thiết kế các không gian vật lý và các hệ thống hạ tầng, tiện ích đi kèm để hỗ trợ cho đời sống văn hóa – đời sống xã hội, tạo điều kiện cho cộng đồng cam kết và thực hiện cam kết, và cộng đồng có những không gian/địa điểm để sinh hoạt và cùng nhau phát triển” (Saffron Woodcraft và cộng sự, 2014). Trước đó, một học giả người Úc đã nhận định “Bền vững xã hội diễn ra khi tất cả các quá trình, hệ thống, cấu trúc và các mối quan hệ chính thức và không chính thức hỗ trợ đắc lực khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai để tạo lập các cộng đồng phát triển hài hòa và thịnh vượng. Các cộng đồng phát triển theo mô hinh sinh thái nhân văn đảm bảo sự công bằng, đa dạng, kết nối chặt chẽ và được xây dựng trên nền tảng dân chủ, và từ đó cung cấp cho người dân cuộc sống có chất lượng” (Stephen Mc Kenzi, 2004).
Tổng kết kinh nghiệm thiết lập sinh thái đô thị của Stockholm (Thụy Điển) – khu ở Hammarby Sjöstad
(Hiroaki Suzuki và cộng sự, 2010)
Sinh thái tự nhiên – cảnh quan
- Tăng tỷ lệ phủ xanh bề mặt. Các trục phố chính được trồng cây lớn. Xung quanh khu ở có vài rừng cây sồi được bảo tồn. Các cụm nhà đều có sân trong được thiết kế theo mô hình công viên mi-ni. Nơi nào cần xanh hóa mà không trồng cây sẽ được phủ bằng thảm cỏ;
- Bảo vệ nguồn nước, tận dụng nước mưa và tái xử lý nước xám. Kết nối các hệ thống mặt nước trong khu ở với hệ thống sông ngòi bao quanh (là một bến cảng cũ được tái thiết), đại đa số các nhóm nhà ở có hồ nước nhỏ và kênh dẫn nước từ dòng sông chính len lỏi khắp các công viên và vườn hoa.
Sinh thái xã hội – nhân văn
- Xây dựng một khu đô thị sinh động và cộng đồng thịnh vượng;
- Có chính sách hỗ trợ về tài chính cho người dân đến đây sinh sống, kể cả người nước ngoài;
- Phát động chương trình xây dựng một khu đô thị an toàn với 2/3 số người thường xuyên đi bộ, đi xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chỉ có 1/3 số người đi lại bằng xe hơi cá nhân. Tách biệt hai hệ thống đường đi bộ – đi xe đạp và đường cho xe hơi. Cộng đồng hưởng ứng và tự giác thực hiện;
- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ xã hội ngay trong khu ở và tại các trung tâm công cộng của đô thị: Đại đa số các công trình nhà mặt phố có tầng trệt kinh doanh và là công trình công cộng đa chức năng hoặc hỗn hợp (ở và kinh doanh cùng dịch vụ).
Sinh thái đô thị ở Hà Nội nói chung và tại Khu đô thị mới Văn Quán nói riêng
Hà Nội là một đô thị lớn với trên 8 triệu dân, theo số liệu năm 2017, trong đó 12 quận trung tâm có mật độ dân số cao, dao động từ 5.000 đến 42.000 người/km2 (Niên giám thống kê Hà Nội, 2018). Mật độ dân cư cao đồng nghĩa với mật độ xây dựng dày đặc, và do nhiều hạn chế về nguồn lực phát triển cũng như công tác quản lý đô thị chưa hiệu quả nên mật độ cây xanh bình quân đầu người trong thực tế thấp, dưới 3 m2/người (Đức An, 2017). Chương trình trồng mới một triệu cây xanh đã được triển khai và đem lại một số kết quả khả quan ban đầu song còn xa mới đạt mức 10 – 15 m2/người đề ra theo Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt (Thủ tướng Chính phủ, 2011) và so với mức 39 m2 cây xanh/người mà Liên Hợp Quốc khuyến nghị cho các đô thị Châu Á (Economist Intelligence Unit, 2012) thì khoảng cách nói trên lại càng lớn.
thưa thớt và phân bố rời rạc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội (Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)
Ngoại trừ một số công viên đô thị và vành đai xanh dọc các tuyến sông, có thể thấy phần lớn quỹ cây xanh nội đô Hà Nội tập trung dưới ba dạng: cây xanh trên đường phố – ngõ, cây xanh dạng xen kẹt tại khu dân cư và cây xanh trong phạm vi khuôn viên hộ gia đình. Theo kết quả của một nghiên cứu chọn lọc, cây xanh đường phố tại một số quận trung tâm có độ đa dạng không cao: các tuyến phố cây xanh ở mức độ đa dạng cây thấp (1 – 6 loại cây) và trung bình thấp (7 – 12 loại cây) lần lượt là 18% và 50% ở quận Ba Đình, 33% và 47% ở quận Thanh Xuân (Phạm Anh Tuấn, 2017). Thẩm mỹ cây xanh cũng là một vấn đề còn tồn tại khi cây trồng trên nhiều tuyến phố và trong phần lớn các khu dân cư thiếu đồng bộ và còn lộn xộn, chắp vá do chưa được quy hoạch một cách bài bản. Những khu đô thị mới – một mô hình tổ chức không gian ở kiểu mới được du nhập từ Singapore và Indonesia mở cửa đón những cư dân đầu tiên năm 1999 (cách đây đúng 20 năm) đang chiếm lĩnh thị trường nhà ở hiện nay tại Hà Nội và một số đô thị lớn khác – cũng phản ánh phần nào những vấn đề còn tồn tại về sinh thái cảnh quan đô thị.

(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019).

(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)
KĐTM Văn Quán do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) quy hoạch và xây dựng có thể coi là một ví dụ tương đối thành công về việc tạo lập hệ sinh thái cảnh quan trong số các dự án xây dựng khu ở mới tại Hà Nội (KĐTM thế hệ thứ hai) với 91/95 người được hỏi (95,8%) trong đợt khảo sát giai đoạn 1 đánh giá tốt về công viên và cây xanh đường phố và 59/95 người trả lời phỏng vấn cùng đợt (62,1%) cảm thấy môi trường nước hồ sau khi cải tạo bước đầu (vớt rác và thả bè cây làm sạch nước) ở mức chấp nhận được (Nguyễn Quang Minh, 2019). Trong phạm vi 62,53 ha của khu đô thị này, công viên chiếm tỷ lệ xấp xỉ 7,1% về diện tích, với khoảng 4.000 cây xanh (Danielle Labbé và cộng sự, 2019), thuộc 35 chủng loại cây khác nhau, mảng xanh nhiều nhất được ghi nhận có 14 loại cây và phổ biến là 7 – 10 loại. Cây xanh đường phố có 28 chủng loại cây khác nhau, tuyến nhiều nhất có tới 12 loại cây, ít nhất là 1 loại, còn phổ biến từ 5 – 7 loại. Như vậy, tính đa dạng cục bộ là không cao. Mật độ phân bố các mảng xanh và tuyến xanh này không đồng đều, tập trung chủ yếu quanh hai hồ Văn Quán 1 – Văn Quán 2 và một số trục đường chính cộng với khu biệt thự cũng như một số sân trong/không gian mở quanh các chung cư nhiều tầng/cao tầng. Tỷ lệ xanh hóa mặt đứng công trình đối với nhà thấp tầng từ 45 – 60% (đối với nhà liền kề) đến khoảng 75 – 90% (đối với biệt thự), tùy theo khu vực, còn chung cư nhiều tầng và cao tầng tỷ lệ này thấp hơn đáng kể, ước tính chỉ 20 – 30% số hộ dân có trồng cây trên các ban công và/hoặc lô-gia.
Các dạng thức cây xanh đô thị trong KĐTM Văn Quán bao gồm:
- Công viên (quanh hồ) và khu nghĩa trang ở trung tâm khu đô thị;
- Vườn hoa rải rác trong khu dân cư;
- Bồn cây trong sân giữa và luống cây xung quanh các chung cư nhiều tầng/cao tầng;
- Đất canh tác ở rìa khu đô thị;
- Đất trống tận dụng tăng gia (trồng rau, cây hoa cảnh);
- Đất trống, bỏ hoang cây tự mọc (một số lô đất thuộc khu thấp tầng chưa được xây dựng);
- Cây xanh đường phố;
- Cây xanh trên dải phân cách các trục đường chính;
- Cây xanh trong các ngõ nhỏ;
- Cây xanh trong khuôn viên công trình công cộng;
- Cây bóng mát, cây hoa cảnh, rau, cây ăn quả trong vườn hoặc sân của hộ gia đình;
- Cây hoa cảnh trên ban công, sân thượng hoặc mái của hộ gia đình;+ Cây cảnh (dạng dây leo) trên mặt đứng của một số ngôi nhà;
- Cây cảnh (dạng dây leo) mọc trên hàng rào hoặc bám theo đường dây điện;
- Bè cây thả nổi trên mặt hồ;
- Thảm cỏ của một số sân chơi, sân thể thao.
Một lợi thế nữa về sinh thái – cảnh quan của KĐTM Văn Quán là rất gần và có những yếu tố sẵn có (cây xanh đường phố) gắn kết với hành lang xanh sông Nhuệ, đường biên gần nhất chỉ cách vành đai xanh trên hướng Tây – Tây Nam này khoảng 350 m.

(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)

(Nguồn: Nguyễn Quang Minh, 2019)
Bên cạnh sinh thái – cảnh quan, sinh thái xã hội – nhân văn tại KĐTM Văn Quán, đặc trưng bởi các hoạt động có tính giao tiếp và kết nối cộng đồng từ nhóm nhỏ (2 – 3 người) đến nhóm lớn (trên 50 người) cũng tương đối đa dạng và được cộng đồng sở tại đánh giá khá tích cực so với nhiều KĐTM khác: 62/95 người được hỏi (65,3%) đánh giá các hoạt động cộng đồng là đa dạng, 48/95 phản hồi (50,5%) cảm thấy các hoạt động diễn ra đủ sức hấp dẫn và 53/95 ý kiến (55,8%) cho rằng các hoạt động được tổ chức như vậy là thường xuyên, đáp ứng được nguyện vọng của bản thân (Nguyễn Quang Minh, 2019). Hầu hết các ý kiến đánh giá tích cực đều đến từ cư dân ở các khu nhà nhiều tầng – cao tầng và một số dãy nhà thấp tầng cạnh hai hồ là những nơi nhiều hoạt động sôi động và hấp dẫn nhất, trong khi đó các khu còn lại, đặc biệt là các cụm biệt thự, lại rất ít hoạt động cộng đồng, do vậy nhiều người dân tại đó cảm thấy không hài lòng. Ba ngày tiêu biểu được lựa chọn để quan sát và thống kê các hoạt động là một ngày trong tuần (thứ ba, thứ tư hoặc thứ năm) với hai ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật). Kết quả khảo sát cho thấy ngày thường và ngày chủ nhật tương đương nhau về số lượng hoạt động cộng đồng, với 400 – 450 hoạt động được ghi nhận từ sáng sớm đến tối muộn, riêng ngày thứ bảy có sự gia tăng số lượng hoạt động 30 – 40%, lên đến 570 – 600 hoạt động. Tương tự như cây xanh, các hoạt động giao lưu tương tác cộng đồng dân cư đô thị phân bố không đều. Ba khung giờ tập trung nhiều hoạt động nhất là 8h – 10h, 14h – 16h và 18h – 20h. Địa điểm tập trung nhiều hoạt động nhất là sân giữa và không gian xung quanh các khu nhà cao tầng (khá rộng) cũng như công viên xung quanh hai hồ Văn Quán.
Các hình thức hoạt động cộng đồng có sự tương tác trong KĐTM Văn Quán bao gồm:
- Giải khát: cà phê trong quán, cà phê trong công viên, cà phê vỉa hè, trà đá vỉa hè, nước mía, quán bia. Đây là hoạt động thu hút đông người nhất, diễn ra nhiều khung giờ nhất và phân bố rộng khắp nhất trong phạm vi KĐTM;
- Tập thể thao, thể dục: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, tennis, cầu lông, tập gym, vận động rèn thể lực có thiết bị tập ngoài trời, tập dưỡng sinh, khí công, chạy, bách bộ. Đây là hoạt động phổ biến thứ nhì, với hai khung giờ chính là 6h – 8h và 16h – 18h;
- Các hình thức vận động khác: đạp xe đạp, đạp xe đạp nước (trên hồ);
- Ẩm thực;
- Hóng mát, trò chuyện: chủ yếu là các cụ cao niên, các bác trung niên;
- Vui chơi: trẻ em, có thể có bố mẹ đi cùng, trong sân chơi có một số trang thiết bị như đu quay, cầu trượt, bập bênh, … và dịch vụ lái xe điện có đèn nháy và âm thanh;
- Giải trí khác: chơi cờ tướng, câu cá, thi chim hót;
- Văn nghệ quần chúng nhân các ngày lễ, Tết, kỷ niệm;
- Quyên góp từ thiện.
Qua trường hợp của KĐTM Văn Quán, có thể rút ra một số vấn đề cần khắc phục như sau, kết hợp quan sát thực tế và lấy ý kiến cộng đồng:

(Nguồn: Hoàng Minh Quang và Nguyễn Quang Minh, 2019)
Nền tảng của sinh thái đô thị
Sinh thái đô thị chỉ được hình thành và phát triển tốt nếu hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi cần thiết và cần có một nền tảng vững chắc.
Nền tảng của sinh thái cảnh quan đô thị chính là hệ thực vật được tổ chức theo những cách thức nhất định gắn với hệ thống không gian mở được quy hoạch. Hệ thực vật trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm thật sự rất phong phú về chủng loại, là thế mạnh cần khai thác để đưa vào không gian đô thị. Vấn đề đặt ra là nghiên cứu các đặc tính của từng loại cây và lựa chọn cây trồng sao cho phù hợp, ưu tiên các loại cây bản địa có tính thẩm mỹ cao, kết hợp giá trị cảnh quan với giá trị kinh tế, đan xen nhiều loại cây với nhau với mật độ trồng hợp lý nhằm đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất, vừa tăng độ phủ xanh lại vừa đạt được tính đa dạng sinh học. Các nhà sinh thái học và KTS cảnh quan hoàn toàn có thể tư vấn chọn chủng loại cây và cách thức phối hợp các loại cây. Những không gian xanh khi được tổ chức tốt sẽ cải thiện đáng kể chất lượng sống cho con người trong đô thị và đồng thời cũng cung cấp môi trường cư trú cho một số loài động vật, qua đó tính đa dạng sinh học thêm một lần được củng cố.
Nền tảng của sinh thái xã hội – nhân văn đô thị chính là một cộng đồng gắn bó với nhau vì có chung mục tiêu, chung lợi ích, chung mối quan tâm và chia sẻ các giá trị cốt lõi, thể hiện qua nhiều hoạt động, từ những hoạt động quy mô nhỏ vài ba người với hình thức đơn giản cho đến những hoạt động quy mô lớn thu hút cả cộng đồng dân cư tham gia, gắn với một nội dung cụ thể và thiết thực nào đó như sức khỏe, môi trường hay nhân đạo. Cách tổ chức cộng đồng hoàn toàn có thể kế thừa những mô hình tổ chức cộng đồng dân cư trong lịch sử được nhận định là thành công và phát huy mô hình đó trong điều kiện hiện nay. Vấn đề then chốt là tính hấp dẫn của các hoạt động để có thể thu hút được cộng đồng tham gia và tương tác, duy trì sự tham gia và tương tác đó ở mức độ thường xuyên sẽ giúp thiết lập những mối quan hệ bền vững, do đó cần nghiên cứu cách tổ chức sao cho hiệu quả và luôn có những sáng kiến hướng đến sự đổi mới và sự đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức, hai yếu tố không thể thiếu của tính hấp dẫn. Bản thân cộng đồng và những đại diện của cộng đồng có thể đảm nhiệm tốt vai trò tổ chức, và nếu có sự kết hợp với những chuyên gia xã hội học thì lại càng thuận lợi.
Nền tảng cho sự kết hợp của hai hệ sinh thái nói trên, hướng tới tính cộng hưởng, chính là một hệ thống không gian được thiết kế tốt. Thiết kế tốt ở đây hàm chứa yếu tố cảnh quan. Cảnh quan hấp dẫn, trên nền tảng một hệ sinh thái tự nhiên đa dạng có thiết kế đô thị phong phú đẹp mắt, thực sự là “thỏi nam châm” thu hút người dân ra ngoài nhiều hơn để trải nghiệm và cảm nhận những gì mà họ không được đáp ứng (hoặc không được đáp ứng đầy đủ) trong phạm vi không gian hạn hẹp của ngôi nhà hay căn hộ. Yếu tố giữ chân người dân ở ngoài trời lâu hơn, đồng nghĩa với cơ hội giao tiếp, kết nối, tương tác, chia sẻ, … nhiều hơn, chính là các hoạt động được tổ chức. Có thể coi cảnh quan là yếu tố tạo lập không gian và hình thành nên lớp vỏ, còn hoạt động là yếu tố “lấp đầy”, đóng vai trò phần “hồn” không gian đó.
Mô hình nào cho sinh thái đô thị, từ trường hợp của Khu đô thị Văn Quán?
Tạo lập không gian tích hợp cảnh quan và gắn kết các hoạt động vào trong không gian đó chính là chìa khóa để tạo nên hệ sinh thái đô thị “hai trong một”.
Như đã trình bày, bản chất của sinh thái tự nhiên là tổ chức không gian cây xanh và mặt nước. Hướng đến sự hài lòng của người dân là mục đích cuối cùng và cao nhất, việc tạo lập hệ sinh thái tự nhiên (hệ sinh thái cảnh quan) trong đô thị (xuất phát từ mỗi khu ở) cần theo những nguyên tắc (đồng thời cũng là những gợi ý giải pháp) sau:
- Xanh hóa không gian theo tầng bậc, từ không gian riêng (hộ gia đình) đến không gian chung (bán công cộng – nhóm nhà và công cộng – toàn khu);
- Đa dạng hóa quá trình xanh hóa: xanh hóa mái, xanh hóa sân, xanh hóa ban công – lô-gia, xanh hóa mặt đứng, xanh hóa mặt đất, thay thế các khoảng sân bê tông hay sân gạch bằng thảm cỏ, thay thế mái tôn bằng mái phủ thực vật;
- Tích hợp canh tác đô thị (nông nghiệp đô thị) với xanh hóa đô thị. Nhiều điểm canh tác quy mô nhỏ nhưng phân bố đều và rộng khắp là mô hình thích hợp trong điều kiện nội đô;
- Kết hợp cây xanh và mặt nước, tạo hệ sinh thái trên cạn và dưới nước đan xen để tăng cường đa dạng sinh học, đạt hiệu quả cao hơn về giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị;
- Trồng các loại cây thành nhiều tầng (trên/dưới), nhiều lớp (trong/ngoài), đan xen nhiều loại (có sẵn/mới), ưu tiên các loài bản địa, tạo lập bảo tàng thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển gần nhà;
- Kết nối các điểm xanh rời rạc thành các tuyến, các tuyến đan xen thành mạng lưới và mở rộng các mảng xanh trong mạng lưới đó tạo thành hệ thống liên hoàn, có thể gắn kết với hệ sinh thái cảnh quan của các khu ở lân cận và với vành đai xanh hoặc hành lang xanh đô thị nếu ở cự ly thích hợp.
- Như đã phân tích, bản chất của sinh thái xã hội-nhân văn là hoạt động. Các hoạt động cần không gian có chất lượng về thiết kế, trong đó thiết kế cảnh quan đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Cùng hướng đến sự hài lòng của người dân, coi đó là mục đích cuối cùng và cao nhất, việc tạo lập hệ sinh thái xã hội – nhân văn trong đô thị (lấy khu ở làm đơn vị hạt nhân) cần theo những nguyên tắc (đồng thời cũng là những gợi ý giải pháp) sau:
- Tăng cường tính đa dạng của các hoạt động;
- Chú ý đến tính lan tỏa của các hoạt động, qua số lượng người tham gia. Đa dạng hóa quy mô các hoạt động, với hoạt động nhóm nhỏ (dưới 10 người), nhóm trung bình (10 – 50 người), nhóm lớn (50 – 100 người) và nhóm rất lớn (trên 100 người);
- Kết hợp tính đa dạng và tính lan tỏa với tính thường xuyên của các hoạt động được tổ chức, tận dụng các ngày nghỉ lễ và nghĩ ra nhiều dịp khác ngoài nghỉ lễ;
- Coi trọng tính thay đổi (đổi mới) của các hoạt động bằng cách đa dạng hóa chủ đề, nội dung cũng như hình thức;
- Lồng ghép các vấn đề thiết thực và có tính thời sự như sức khỏe, giáo dục, nghệ thuật, môi trường, … để tổ chức những hoạt động có quy mô lớn, thu hút đông người tham gia, phát động thành phong trào và duy trì những chương trình hành động đó;
- Các hoạt động nhân đạo, cứu trợ, quyên góp, chung tay với những đối tượng đặc biệt (người khuyết tật, người có thu nhập thấp, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, nạn nhân thiên tai, bạo lực và tệ nạn xã hội, …) cũng được đưa vào chương trình hoạt động, cho dù không đòi hỏi cần có không gian.
Mô hình tổ chức sinh thái đô thị được đề xuất qua Hình 6 dưới đây không chỉ áp dụng cho KĐTM Văn Quán, mà còn cho những khu đô thị tương tự. Với những khu dân cư khác, những nguyên tắc và giải pháp nói trên cần được vận dụng linh hoạt cho sát với điều kiện thực tế từng nơi.
Lời kết
Sinh thái đô thị có ý nghĩa đặc biệt lớn trong thời đại biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên nhiên bị hủy hoại và những mặt trái của sự phát triển kinh tế cũng như công nghệ có những tác động không mong muốn đến cuộc sống con người. Sinh thái đô thị là một khái niệm phức hợp, song không quá khó để thực hiện, và cần được thực hiện càng sớm càng tốt vì tính cấp thiết bên cạnh tầm quan trọng của vấn đề, và hoàn toàn có thể triển khai trong thực tế từ cấp độ nhỏ và hoạt động đơn giản trở đi. Theo thời gian và có sự nỗ lực phối hợp của các bên có liên quan (người dân, chính quyền, tổ chức xã hội, cơ quan chuyên môn, …), hệ sinh thái đô thị sẽ dần dần hoàn thiện, và Việt Nam sẽ không bỏ lỡ thời cơ, không tụt lại quá xa phía sau trên lộ trình (hay cuộc chạy đua) sinh thái hóa đô thị.
Thay lời kết
Bài báo là kết quả nghiên cứu rút ra từ đề tài Khoa học Cấp trường trọng điểm năm 2018 – 2019 của Giảng viên có tiêu đề “Tổ chức không gian khu ở tại Hà Nội kết hợp hai hệ sinh thái: Sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội – nhân văn” mã số 190-2018/KHXD-TĐ với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Nghiên cứu Khoa học Công nghệ của Trường Đại học Xây dựng, và đề tài nghiên cứu Khoa học Sinh viên năm 2019 có tiêu đề “Mô hình sinh thái đô thị kết hợp sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn áp dụng cho các KĐTM tại Hà Nội” mã số KD-2019-05.
1. Oxford Advanced Learner’s Dictionary, Eighth Edition (2010), Oxford University Press, trang 465
2. Nguyễn An Thịnh (2013), Sinh thái Cảnh quan, NXB Khoa học Kỹ thuật, trang 85
3. Jianguo Wu, Chunyang He & Ganlin Huang (2013), Urban Landscape Ecology – Past, Present and Future, Landscape Ecology for Sustainable Environment and Culture, Springer, trang 39-45
4. United Nations Environment Programme (UNEP) (1992). Agenda 21,
Full weblink: https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/Agenda21.pdf
5. Saffron Woodcraft, Nicola Bacon, Lucia Caistor-Arenda & Tricia Hackett (2012), Design for Social Sustainability – A Framework for Creating Thriving New Sustainability, Social Life Organisation, trang 15-16
6. Stephen McKenzi (2004), Social Sustainability – Towards Some Definitions, Working Paper, Kawke Research Institute, University of South Australia, trang 12
7. Hiroaki Suzuki, Arish Dastur, Sebastian Moffatt, Nanae Yabuki & Hanako Maruyama (2010), Eco2 Cities, World Bank, trang 169-193
8. Niên giám Thống kê (2018), Diện tích, Dân số và Mật độ Dân số các Quận/Huyện, Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, trang 20-21
9. Đức An (2017), Tỷ lệ diện tích cây xanh ở Hà Nội chỉ bằng 1/10 thế giới, Báo Giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, số ra ngày 25/07/2017
10. Thủ tướng Chính Phủ (2011), Quy hoạch Chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2050 (Điều chỉnh năm 2016)
11. Economist Intelligence Unit (EIU) (2010), Green City Index, trang 35
12. Phạm Anh Tuấn (2017), Thực trạng cây xanh đường phố tại Hà Nội, số 265, trang 53-57
13. Danielle Labbé, Gabriel Fauveaud, Francis Labelle-Giroux, Michael Leaf, Frédéric Morin-Gagnon, Clément Musil, Doãn Thế Trung, Tạ Quỳnh Hoa, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Mạnh Trí và Trần Minh Tùng (2019), Bridging the gap – Towards a better integration of masterplanned new urban areas and urbanised villages / Khỏa lấp khoảng cách – Hướng tới sự hòa nhập tốt hơn giữa những khu đô thị mới theo quy hoạch tổng thể và các làng xã bị đô thị hóa, NXB Thế giới, trang 58
14. Nguyễn Quang Minh, Hoàng Minh Quang, Ngô Duy Minh, Vũ Khánh Hoàng (2019), Kết quả khảo sát sinh thái đô thị và phỏng vấn cư dân KĐTM Văn Quán
TS. KTS Nguyễn Quang Minh – Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
Hoàng Minh Quang , Ngô Duy Minh, Vũ Khánh Hoàng – Sinh viên lớp 60KDF (Kiến trúc Pháp ngữ), Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên số 06-2019)