Mô hình “Tháp công năng” trong Kiến trúc nhà ở

Từ thập niên 50 của thế kỷ 20 đã xuất hiện các lý thuyết nghiên cứu về cấu trúc nhu cầu của con người và ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như tâm lý học, quản trị, kinh tế, xã hội học, quy hoạch, kiến trúc… Nổi bật trong số đó là lý thuyết “Tháp nhu cầu” (Hierarchy of Needs) của Abraham Harold Maslow (1908-1970). Quan điểm mấu chốt của lý thuyết này cho phép xác lập thứ tự ưu tiên của các đối tượng (trong mối liên kết có tính chất hệ thống) dựa trên những nhu cầu cơ bản của con người. Bởi vì bản chất nhu cầu có tính thứ bậc trước sau nên những gì liên quan đến sự đáp ứng chúng cũng mang tính thứ bậc. Và công năng của nhà ở không nằm ngoài tiêu chí nói trên.

Chức năng của kiến trúc nhà ở và các nhóm không gian công năng

Mục tiêu xây dựng nhà ở nhằm đáp ứng một số nhu cầu cơ bản của con người trong tổng thể môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, việc chọn lọc và phân định chức năng của ngôi nhà cũng có những quan điểm khác nhau tùy theo góc độ nghiên cứu của các tác giả. GS.TS.KTS Trần Văn Khải xác định môi trường ở (bên trong và bên ngoài ngôi nhà) phải thỏa mãn 3 chức năng: 1) nghỉ ngơi; 2) giải trí; 3) làm việc. Trong khi đó, KTS Nguyễn Đức Thiềm nêu 5 yêu cầu chức năng mà ngôi nhà cần đáp ứng: 1) bảo vệ và phát triển thành viên; 2) tái phục sức lao động; 3) giáo dục xã hội ban đầu; 4) thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm; 5) kinh tế. Nhóm tác giả trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng xác định 5 chức năng của nhà ở, gồm: 1) nghỉ ngơi tái tạo sức lao động; 2) thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý; 3) giao tiếp xã hội; 4) giáo dục con cái; 5) kinh tế.

Qua 3 dẫn chứng trên đây cho thấy các tác giả đã định nghĩa khá rõ chức năng của nhà ở. Tuy nhiên, cấu trúc thứ bậc của chúng chưa được phân tích cụ thể, dẫn tới khó khăn trong việc thiết lập mức độ tiện nghi. Căn cứ theo những đề xuất có thể tổng hợp thành các nhóm chức năng như sau:

Các quan điển chức năng của nhà ở

Từ 5 chức năng trên, diễn đạt tương ứng với 5 nhóm công năng sau:

  • Nhóm công năng Nghỉ ngơi (thụ động): Đáp ứng nhu cầu sinh lý cơ bản nhất của con người như ăn, ngủ, vệ sinh… Đây là nhóm công năng không thể thiếu trong bất cứ loại hình nhà ở nào, gồm: khu bếp, nơi ăn nội bộ, phòng ngủ, không gian sinh hoạt cá nhân/góc nghỉ ngơi, ban công, lô gia, hành lang; sân trong/giếng trời (diện tích nhỏ), phòng tắm – vệ sinh.
  • Nhóm công năng Kinh tế: Bắt nguồn từ nhà ở dân gian truyền thống và được triển khai tùy thuộc vào từng loại hình nhà ở, gồm: không gian thương mại – dịch vụ, không gian sản xuất nhỏ, văn phòng làm việc.
  • Nhóm công năng Giáo dục: Để thực hiện 3 loại hoạt động: 1) giáo dục con cái; 2) tự đào tạo nâng cao kiến thức; 3) duy trì văn hóa gia đình theo kiểu truyền thống. Nhóm công năng giáo dụcgồm: phòng/không gian nghiên cứu, thư viện, góc học tập, phòng sinh hoạt chung, không gian thờ cúng tổ tiên và gia thần, phòng lưu niệm gia đình.
  • Nhóm công năng Giao tiếp đối ngoại: Phòng khách, phòng ăn chính (tiếp khách), sân vườn, cổng ngõ, hiên nhà, tiền sảnh, hành lang công cộng.
  • Nhóm công năng Phát triển thể chất, tinh thần và thẩm mỹ (nghỉ ngơi năng động): Đây là những không gian quan trọng, đóng vai trò quyết định để đánh giá mức độ tiện nghi của nhà ở. Ngoài các nhu cầu cơ bản và thiết yếu, nhà ở ngày nay cần có thêm không gian cho các hoạt động nghỉ ngơi năng động (liên quan đến văn hóa sử dụng thời gian rỗi), bao gồm: Hoạt động tâm linh “siêu cá thể” (thiền, yoga), vật lý trị liệu, thể dục thẩm mỹ, thể thao (bơi lội, chạy bộ trong nhà), trang điểm, cảm thụ tinh thần nơi chốn, hoạt động nghe nhìn, sáng tạo nghệ thuật… Như vậy, chất lượng và tiện nghi nhà ở đặt ra 2 tiêu chí: 1) diện tích các phòng chức năng cơ bản (liên quan trực tiếp đến chỉ tiêu diện tích ở); 2) số lượng các không gian để phát triển thể chất, trí tuệ và thụ hưởng văn hóa. Vì đáp ứng 2 tiêu chí này, nhà ở có xu hướng trở thành một tổ hợp đa chức năng mở rộng và nâng cao. Nhóm công năng phát triển thể chất, tinh thần và thẩm mỹ gồm: không gian tâm tinh “siêu cá thể”, không gian phát triển thể chất, không gian giải trí, không gian sáng tạo nghệ thuật.

Lý thuyết Mô hình Tháp nhu cầu (Hierarchy of Needs)

Năm 1945, nhà tâm lý học Mỹ Abraham Harold Maslow (1908-1970) đề xuất lý thuyết hệ thống phân cấp nhu cầu của con người, diễn đạt thành 5 cấp độ phụ thuộc lẫn nhau và được hiển thị như một kim tự tháp7 như sau:

  • Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs): Các nhu cầu quan trọng cho sự sống còn như: nước, không khí, thức ăn và giấc ngủ. Maslow cho rằng đây là những nhu cầu cơ bản và bản năng nhất trong hệ thống, bởi vì tất cả các nhu cầu khác sẽ trở thành thứ cấp cho đến khi nhu cầu sinh lý được đáp ứng.
  • Nhu cầu an toàn (Safety Needs): Nhu cầu về an toàn và an ninh. Đây là nhu cầu quan trọng cho sự sống còn nhưng không đòi hỏi khắt khe như nhu cầu sinh lý. Ví dụ: mong muốn công việc ổn định, bảo hiểm y tế, môi trường cư trú an ninh.
  • Nhu cầu xã hội (Social Needs): Nhu cầu về quan hệ họ hàng, tình yêu và tình cảm. Maslow coi nhu cầu xã hội ít cơ bản hơn nhu cầu sinh lý và an toàn. Những mối quan hệ tình bạn và gia đình bồi đắp cho nhu cầu này được đồng hành và chấp nhận, cũng như sự tham gia vào các tổ chức cộng đồng và các nhóm tôn giáo.
  • Nhu cầu tôn trọng (Esteem Needs): Sau khi ba nhu cầu đầu tiên được đáp ứng, nhu cầu tôn trọng trở nên cần thiết. Chúng bao gồm những yếu tố để thỏa mãn lòng tự trọng, giá trị cá nhân, sự thừa nhận của xã hội và các thành tựu.
  • Nhu cầu tự thực hiện (Self-Actualizing Needs): Đây là mức cao nhất trong hệ thống các nhu cầu của Maslow; bao gồm: tự nhận thức, quan tâm đến sự phát triển cá nhân hơn là ý kiến ​​của người khác, tập trung khai phá tiềm năng của con người với tư cách là các cá thể độc lập.

    Maslow cho rằng những nhu cầu tương tự như bản năng và đóng vai trò động lực của hành vi. Sinh lý, an toàn, xã hội, và lòng tự trọng là các nhu cầu thiếu hụt (Deficit Needs), phát sinh do sự thiếu thốn. Đáp ứng 4 nhu cầu này là rất quan trọng để tránh những cảm xúc hay hậu quả khó chịu. Ông gọi cấp cao nhất của kim tự tháp là nhu cầu tăng trưởng (The being Needs). Nó không xuất phát vì thiếu một cái gì đó, mà là từ mong muốn phát triển như một con người.

Tuy nhiên, Maslow cũng lưu ý thứ bậc của các nhu cầu không phải luôn luôn diễn ra theo tiến trình cứng nhắc như trên8. Ví dụ: Đối với một số cá nhân, nhu cầu tự trọng thì cần thiết hơn là tình yêu. Đối với những người khác, sự thực hiện sáng tạo có thể thay thế ngay cả những nhu cầu cơ bản nhất.

Như vậy, tổng thể lý thuyết của Maslow sắp xếp nhu cầu con người trong một hệ thống phân cấp theo nguyên tắc: Nhu cầu cơ bản (duy trì sự tồn tại) phải được đáp ứng thì mới xuất hiện nhu cầu ở mức cao hơn. Thực tế cho thấy, hiện nay các nước đang phát triển tập trung cho nhu cầu cấp 1 và 2 (mục tiêu: xóa đói, giảm nghèo, có nhà ở, việc làm…); trong khi đó, các nước phát triển đã đạt đến cấp 3, 4 và 5 (tự do thể hiện năng lực cá nhân) trên cơ sở cácthành tựu về kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật.

Cấu trúc Tháp nhu cầu có thể được chia thành 2 cấp độ: nhu cầu cơ bản (sinh lý, an toàn) và nhu cầu nâng cao (xã hội, tôn trọng, tự thực hiện)

Tháp nhu cầu (Hierarchy of Needs) cùa A. H. Maslow

Mô hình “Tháp công năng” trong kiến trúc nhà ở

Có thể vận dụng lý thuyết Tháp nhu cầu của Maslow để thiết lập mô hình công năng trong kiến trúc nhà ở dựa trên 5 chức năng chính. Mục đích của thao tác này là nhằm xây dựng một cấu trúc thứ bậc các nhóm công năng theo sự gia tăng chất lượng tiện nghi nhà ở.

Tính thống nhất giữa “Tháp nhu cầu” và “Tháp công năng” trong kiến trúc nhà ở được diễn giải như sau:

  • Nhu cầu sinh lý (ưu tiên 1): Là nhu cầu thiết yếu nhất của con người để đảm bảo cho sự tồn tại. Tương ứng với nó là thành phần không gian thuộc chức năng nghỉ ngơi (thụ động), gồm: Khu bếp, phòng ăn (nội bộ), phòng ngủ, vệ sinh, ban công, lô gia, hành lang, sân trong/không gian xanh (diện tích nhỏ), không gian sinh hoạt cá nhân. Đây là những không gian rất quan trọng trong bất cứ loại hình nhà ở nào và đòi hỏi phải được xét đến trước khi có sự xuất hiện của các không gian chức năng khác.
  • Nhu cầu an toàn (ưu tiên 2): Là nhu cầu được bảo vệ, che chở và ổn định cuộc sống. Tương ứng với nó là các thành phần không gian thuộc chức năng kinh tế, gồm: thương mại, dịch vụ, làm nghề thủ công, văn phòng. Những không gian này có tính kế thừa từ truyền thống, xuất phát từ đặc điểm kết hợp giữa cư trú và sản xuất nhằm duy trì và phát triển nhà ở trong điều kinh tế tiểu nông.
  • Nhu cầu xã hội (ưu tiên 3): Là nhu cầu gắn kết tình cảm vào trong một nhóm xã hội nào đó. Đối với người Việt, gia đình là nhóm xã hội cơ bản nhất, nơi mà con người được gắn bó, yêu thương và đùm bọc. Tuy nhiên, để cho gia đình giữ trạng thái ổn định và phát triển thì giáo dục đóng vai trò tiên phong. Tương ứng với nó là các thành phần không gian thuộc chức năng giáo dục, gồm: phòng sinh hoạt chung, không gian học tập và nghiên cứu, thư viện, không gian thờ cúng tổ tiên và gia thần, không gian lưu niệm. Phòng sinh hoạt chung thực hiện kết nối và duy trì văn hóa gia đình hiện tại; trong khi đó, không gian thờ cúng duy trì lịch sử gia đình thông qua giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và đức tin tâm linh.
  • Nhu cầu tôn trọng (ưu tiên 4): Là những đòi hỏi về sự tôn trọng của người khác và mong muốn khẳng định địa vị xã hội. Tương ứng với nó là các thành phần không gian thuộc chức năng giao tiếp đối ngoại, gồm: Phòng khách, phòng ăn chính (tiếp khách), cổng ngõ, hiên nhà, tiền sảnh, hành lang công cộng, sân vườn. Các không gian này diễn ra sự tiếp xúc giữa người ở với đối tượng bên ngoài gia đình. Đặc biệt, phòng khách trong ngôi nhà của người Việt là nơi phản ánh vị thế, tính cách, nghề nghiệp của gia chủ một cách trực quan và sinh động;
  • Nhu cầu tự thực hiện (ưu tiên 5): Là nhu cầu tự do theo đuổi năng khiếu của bản thân, trải nghiệm và sự hài lòng về cuộc sống. Tương ứng với nó là các thành phần không gian thuộc chức năng phát triển thể chất, tinh thần và thẩm mỹ (nghỉ ngơi năng động), gồm: phòng tập Thiền – Yoga, phòng giải trí chuyên dụng, phòng tắm hơi, hồ bơi, phòng nghe nhạc – xem phim, phòng chơi của trẻ em, sân vườn, tiểu cảnh, phòng sáng tác nghệ thuật…. Chất lượng và số lượng các không gian này càng tăng đồng nghĩa với tiện nghi nhà ở càng cao.

Như vậy, giữa lý thuyết hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow và cấu trúc các nhóm công năng trong kiến trúc nhà ở có sự thống nhất với nhau. Tuy nhiên, hệ qui chiếu này chỉ tương đối để giúp nhận biết tính cấp thiết của các không gian ở mức độ chuyên biệt (đơn lẻ). Trong thực tế, cũng giống như khuyến nghị của Maslow về khả năng phá vỡ cấu trúc nhu cầu của con người, các không gian công năng có thể linh hoạt kết hợp với nhau tùy theo từng mô hình nhà ở và nhu cầu sử dụng. Nghĩa là, bên cạnh nguyên tắc cứng nhắc về trật tự xuất hiện của các không gian, chất lượng tiện nghi nhà ở còn có thể được đáp ứng bằng “giải pháp đa năng” (nhà ở đa năng, phòng ở đa năng).

Căn cứ trên mô hình “Tháp công năng” nhận thấy có 4 liên hệ đa năng “đồng cấp” trong kiến trúc nhà ở như sau:

  • Liên hệ đa năng phổ quát (sử dụng chung): Các chức năng khác nhau có thể được kết hợp trong một không gian thống nhất, bao gồm thờ cúng, tập Thiền (Yoga), nghe nhạc – xem phim, chỗ chơi cho trẻ em, tiểu cảnh – không gian xanh, tiếp khách, ăn uống, nấu bếp, sản xuất nhỏ, sinh hoạt chung, làm việc… Tùy theo qui mô nhà ở và nhu cầu sử dụng mà có thể gộp 2, 3, 4… chức năng vào cùng một không gian dựa trên mức độ tương đồng (đồng cấp) về tính chất sử dụng theo hướng bổ trợ lẫn nhau (ít gây sự cản trở qua lại), gia tăng hiệu quả khai thác không gian. Tiền đề phát triển liên hệ đa năng đồng cấp là khu bếp ăn và không gian sinh hoạt chung.
  • Liên hệ đa năng giới hạn (sử dụng riêng): Chỉ sử dụng cho một số thành viên xác định, bao gồm sự kết hợp giữa các chức năng ngủ, làm việc, nghe nhạc – xem phim, bar, trang điểm – thay đồ, tiểu cảnh – không gian xanh. Tiền đề phát triển liên hệ đa năng giới hạn là phòng ngủ.
  • Liên hệ đa năng chuyên biệt (cùng phục vụ cho 1 mục đích sử dụng): Bao gồm tắm, vệ sinh, xông hơi, trang điểm – thay đồ, nghe nhạc, tiểu cảnh – không gian xanh. Các chức năng này thường kết hợp chung trong không gian “phòng vệ sinh”; đó cũng là tiền đề phát triển liên hệ đa năng chuyên biệt. Hiện nay, phòng vệ sinh không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh lý cơ bản mà còn là nơi nghỉ ngơi và thư giãn.
  • Liên hệ đa năng sinh thái: Bao gồm các thành phần chức năng để nâng cao mức tiện nghi vi khí hậu (kết hợp nghỉ ngơi, giải trí, thẩm mỹ và tinh thần) trong nhà ở như tiểu cảnh – không gian xanh, sân trong (giếng trời), sân vườn, ban công, lô gia, hiên, hành lang.Tiền đề phát triển liên hệ đa năng sinh thái là sân trong/không gian xanh (diện tích nhỏ).
Mô hình “Tháp nhu cầu” với các nhóm xã hội

Ngoài ra trong kiến trúc nhà ở, một số không gian công năng còn có liên hệ đa năng “đa cấp”, linh hoạt kết hợp với mọi chức năng sử dụng chung/riêng/chuyên biệt bằng nhiều dạng thức khác nhau. Đó là: không gian nghe nhạc – xem phim, tiểu cảnh – Không gian xanh, làm việc, ban công, lô gia… Ví dụ: Tiểu cảnh – không gian xanh có thể xuất hiện nhiều nơi như: phòng khách, phòng sinh hoạt chung, phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm – vệ sinh….; hoặc không gian làm việc có thể kết hợp với phòng sinh hoạt chung, phòng khách và phòng ngủ.

Như vậy, bằng sự liên hệ giữa các chức năng trong kiến trúc nhà ở với mô hình “Tháp nhu cầu” của A.H.Maslow đã có thể xây dựng được cấu trúc công năng. Điều đó có nghĩa là vai trò và sự cần thiết của các không gian công năng không ngang bằng nhau mà được thiết lập theo trình tự: cơ bản → mở rộng → phát triển (tương ứng với sự gia tăng chất lượng tiện nghi nhà ở). Chức năng cơ bản (ăn, ngủ, vệ sinh,…) là chức năng phải có, nhưng thỏa mãn nhu cầu phát triển thể chất, tinh thần và thẩm mỹ là chức năng hướng đến. Tiến trình mở rộng các thành phần công năng là mục tiêu nghiên cứu quan trọng trong chiến lược phát triển nhà ở xét trên các nhóm đối tượng xã hội. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 5 nhóm đối tượng chia theo mức thu nhập9 như sau: 1) nhóm thu nhập thấp nhất; 2) nhóm thu nhập dưới trung bình; 3) nhóm thu nhập trung bình; 4) nhóm thu nhập khá; 5) nhóm thu nhập cao.

Đây là cơ sở để Nhà nước và các doanh nghiệp thiết lập chiến lược phát triển nhà ở. Đối tượng thuộc nhóm 1 và 2 gọi chung là nhóm thu nhập thấp cần chính sách hỗ trợ để có nhà ở với tiện nghi tối thiểu. Diễn giải trên Tháp nhu cầu thì nhóm này tương ứng với cấp cơ bản. Các nhóm còn lại thuộc đối tượng nhà ở thị trường; và do đó tùy theo phân khúc khách hàng, đặc điểm xã hội, nghề nghiệp, sở thích… để giới hạn nhu cầu không gian ở phù hợp. Như vậy, việc chia nhóm đối tượng đòi hỏi phải hoạch định “chương trình công năng”, nghĩa là cấu trúc lại các không gian sử dụng nhằm xác định mục tiêu có thể đáp ứng, tránh trường hợp thừa hoặc thiếu đều dẫn đến sự phát triển lệch lạc và bất hợp lý.

Đối tượng của nhà ở thị trường phong phú và đa dạng, vì vậy việc tiến hành các bước khảo cứu cụ thể giúp đảm bảo cho hiệu quả của chiến lược đầu tư. Nhìn chung, xu hướng phát triển nhà ở hiện nay đã và đang tiệm cận đến mô hình đa chức năng cấp độ nâng cao, có thể dung nạp nhiều nhu cầu như: Nghỉ ngơi, làm việc, giải trí, tâm linh, rèn luyện thể chất, thẩm mỹ… Trên qui mô lớn hơn cũng đòi hỏi phải có các tổ hợp nhà ở đa năng để mở rộng tiện ích phục vụ ra bên ngoài phạm vi căn hộ (thương mại, văn phòng, dịch vụ, nhà ở, thể thao, giáo dục, giải trí…).

Chung cư Dolphin Plaza (Hà Nội) đạt giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2012

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Văn Khải, Thiết kế và tổ chức không gian môi trường ở, Trường Đại học Kiến trúc TP HCM, Lưu hành nội bộ, 2005, tr4.

2. Nguyễn Đức Thiềm, Kiến trúc nhà ở, NXB Xây dựng, 2006, tr71.

3. Doãn Minh Khôi và Phạm Đình Việt (chủ trì), Nhà ở tại các đô thị lớn Việt Nam, Tài liệu nghiên cứu khảo sát của Hội KTS Việt Nam, Hà Nội, 2002, Tr82.

4. Nghỉ ngơi thụ động: các hoạt động nghỉ ngơi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh lý thiết yếu của con người như ăn, ngủ, vệ sinh…;

5. Nghỉ ngơi năng động: các hoạt động nghỉ ngơi nhằm thỏa mãn tính chất năng động của não bộ và cơ thể, bao gồm: hoạt động nghỉ dưỡng tự do, tinh thần, tâm linh… có sự đóng góp của yếu tố thẩm mỹ chuyên nghiệp (tư duy phân tích). Các hoạt động này liên quan trực tiếp đến nhu cầu sử dụng thời gian rỗi để phát triển thể chất, trí tuệ và thụ hưởng văn hóa.

6. Mark Epstein, M.D, Con đường vô ngã, NXB Hồng Đức (Thái An dịch), TP HCM, 2015, tr29;

7. Kendra Cherry,Hierarchy of Needs – The Five Levels of Maslow’s Hierarchy of Needs,http://psychology.about.com/od/theoriesofpersonality/a/hierarchyneeds.htm,

8. Maslow, A. H. (1943). A Theory of Human Motivation, Psychological Review 50, 370-96, http:/Abika.com.

9.http://www.gso.gov.vn./default.aspx?tabid=596 & ItemID=9810;

ThS. KTS Nguyễn Song Hoàn Nguyên

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11/2015)