Thiết kế nhà cao tầng, đặc biệt là các công trình hỗn hợp chung cư cao tầng, thương mại, dịch vụ văn phòng ở Việt Nam có những yêu cầu và thách thức rất khác biệt so với các dạng công trình có quy mô và chiều cao nhỏ hơn. Để có được một đồ án kiến trúc hoàn thiện, thỏa mãn được nhiệm vụ thiết kế của Chủ đầu tư, vượt qua được các bước thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu của các cơ quan quản lý nhà nước, đưa công trình vào vận hành, sử dụng an toàn, bền vững… đòi hỏi nhà thiết kế phải giải quyết được một bài toán với một ma trận các thông số và yêu cầu đầu vào khác nhau.
Quá trình thiết kế này được ví như là giải bài toán nhiều biến số và phương pháp thực hiện là một quá trình nghiên cứu, phân tích, giải quyết, chồng xếp các lớp (layer) kỹ thuật khác nhau lên thành hình ảnh tổng hợp cuối cùng. Các layer này có thể kể ra gồm: Công năng, hình thức kiến trúc, kết cấu công trình, hệ thống cơ điện, chi phí đầu tư, quy định về tiêu chuẩn đáp ứng hạ tầng, công nghệ xây dựng và một trong những layer quan trọng nhất chính là hệ thống Phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Với hơn 15 năm tham gia nghiên cứu, thiết kế nhà cao tầng tại Việt Nam, đúc rút qua các dự án đã và đang thực hiện bởi Cubic Architects, tác giả mạn phép chia sẻ một số kinh nghiệm và đóng góp ý kiến cá nhân về những vấn đề còn bất cập, chưa hợp lý của các quy định về PCCC hiện nay.
Hiện tại, các quy định PCCC bắt buộc cần tuân thủ khi thiết kế công trình cao tầng tại Việt Nam cơ bản căn cứ theo ba tài liệu sau: QCVN 06:2010/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 08:2009/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình ngầm đô thị; TCVN 6160:1996: Phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng – Yêu cầu thiết kế. Trong quá trình thiết kế, để có thể thỏa mãn hoàn toàn các nội dung được quy định trong các tài liệu này, người thiết kế thực tế sẽ luôn gặp khó khăn, bị hạn chế và đóng khung các giải pháp trong việc hiểu đúng và đáp ứng các yêu cầu cụ thể của quy chuẩn. Mâu thuẫn giữa yêu cầu thực tế của thiết kế và sử dụng công trình với các quy định cứng nhắc, chưa thuyết phục của các Quy chuẩn cuối cùng vẫn được giải quyết thông qua các giải trình, đề xuất, luận chứng bổ sung trong các bước thỏa thuận, thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Cách thức xử lý giải trình bổ sung của nhà thiết kế và phê chuẩn của nhà quản lý cho cùng một vấn đề cho mỗi loại dự án, ở mỗi địa phương lại khác nhau. Vì vậy, việc đưa ra một giá trị chung trong các giải pháp an toàn cháy cho nhà và công trình tại thời điểm hiện tại cơ bản là không rõ ràng được.
Nhóm các vấn đề tồn tại chủ yếu tập trung ở các nội dung sau:
– Chưa rõ ràng về các yêu cầu bố trí tổng mặt bằng công trình về đường và bãi đỗ cho xe thang hoặc xe có cần nâng tiếp cận đến từng căn hộ hoặc gian phòng trên các tầng cao. Vấn đề này là thực sự khó khăn đối với công trình có mặt ngoài khối đế nhô ra quá lớn so với mặt ngoài khối thân hoặc công trình có nhiều khối tháp chung một khối đế;
– Chưa có quy chuẩn hay tiêu chuẩn cụ thể nào cho việc thiết kế nhà cao tầng trên 100m. QCVN 06: 2010/BXD thực tế chỉ áp dụng cho công trình có chiều cao đến 75m, TCVN 6160:1996 thì áp dụng đến nhà có chiều cao đến 100m. Nhà trên 100m thì vận dụng cả hai tài liệu trên.
– Phức tạp và khó khăn trong thiết kế phần hầm với việc áp dụng cùng một lúc cho các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành: QCVN 06:2010/BXD, QCVN 08 : 2009/BXD và TCVN 6160:1996;
– Vấn đề bố trí phòng lánh nạn đối với nhà trên 100m: không có văn bản hướng dẫn cụ thể về yêu cầu cách tính diện tích và yêu cầu kỹ thuật.
– Không có định nghĩa cụ thể cho hành lang thoát nạn kín hay hở. Việc thiết kế hành lang hở thông thoáng tự nhiên là rất khó vì không có quy định nên hầu như các hành lang căn hộ hiện nay đều là kín và có hút khói khi có cháy.
– Quy định cứng nhắc với yêu cầu trong các nhà có chiều cao lớn hơn 28m phải bố trí các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1;
– Quy định về tầng cao tối đa được bố trí công năng nhà trẻ, phòng tập trung đông và hội họp đông người.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ tập trung trao đổi điển hình một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến thiết kế là: “Quy định bố trí các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1”.
QCVN 06: 2010/BXD có yêu cầu trong các nhà có chiều cao lớn hơn 28m phải bố trí các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1 (là loại buồng thang bộ không nhiễm khói, có lối vào từ mỗi tầng, đi qua một khoảng đệm không nhiễm khói, được thực hiện bằng giải pháp thông gió tự nhiên phù hợp). Nội dung này trên thực tế gây ra trở ngại rất lớn cho người thiết kế vì việc lựa chọn loại hình thang thoát hiểm lại được tính toán, chọn lựa dựa trên các yếu tố kỹ thuật, kiến trúc khác nhau.
Với yêu cầu của QC như trên thì vị trí thang bộ N1 bắt buộc phải nằm tiếp xúc với mặt tiền, đường biên của công trình. Với vị trí này, cơ bản sẽ bất lợi, không phù hợp với định hướng thiết kế cho công trình cao tầng, đặc biệt là các dự án nhà ở chung cư.
– Về mặt kết cấu: Nhà cao tầng ưu tiên lõi cứng nằm càng vào gần trọng tâm công trình càng tốt, nếu nằm lệch ra mép công trình sẽ bất lợi hơn. Như vậy với lõi cứng có bố trí thang N1 sẽ là điểm bất lợi cho hệ kết cấu đối với một số công trình;
– Về mặt kiến trúc: Đối với dự án chung cư cao tầng, chất lượng thiết kế các không gian căn hộ là một tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Với phương án bắt buộc sử dụng thang N1, diện mặt tiền tiếp xúc trực tiếp với tự nhiên sẽ bị mất đi một phần do bố trí lõi thang N1, các căn hộ sẽ bị thu hẹp “mặt tiền” lại, mất cơ hội có thể thiết kế được các căn hộ có mặt tiền đủ dài và chiều sâu mỏng, đảm bảo không xuất hiện các phòng ngủ phải lấy sáng qua khe hẹp. Trong ví dụ tại Hình 1, so với phương án dùng thang N3 thay cho thang N1, các căn hộ sẽ được thiết kế với mặt tiền rộng, bố cục 100% các phòng ngủ đều tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài. Chất lượng và tiện nghi sống sẽ cao và hơn hẳn so với các căn hộ trong phương án sử dụng thang N1. Ngoài ra, như dự án trong Hình 2, chiều rộng của khu đất không phù hợp với mặt bằng bố trí lõi giữa, phương án bố trí thang N3 vẫn tối ưu hơn phương án bố trí thang N1 vì trong trường hợp này, khoảng cách thoát hiểm từ cửa căn hộ xa nhất đến thang bộ thoát nạn lại lớn hơn quy định, dẫn đến việc phải thêm thang bộ.
– Về mặt kỹ thuật PCCC: không hợp lý trong vấn đề chống tụ khói khi cháy, nếu có đám khói bao mặt ngoài công trình (có thể do gió chuyển hướng) thì toàn bộ phần logia trước khi vào thang N1 cũng không chống được tụ khói. Đặc biệt trong khu đô thị có nhiều nhà cao tầng thì việc xác đinh hướng gió đề phòng tránh khói tụ và khói bao mặt ngoài cực kỳ phức tạp và khó chính xác
Trong thực tế triển khai dự án, trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu nhược điểm giữa hai phương án sử dụng thang N1 hay thang N2/N3 thì hầu hết các dự án đã lựa chọn thực hiện phương án sử dụng thang N2/N3. Và để đảm bảo có thể thỏa mãn các yêu cầu để phê duyệt của cơ quan quản lý, dự án sẽ đề xuất các giải pháp thiết kế bổ sung trong hồ sơ “xin thay đổi” gửi các cơ quan quản lý nhà nước để được thay đổi riêng cho quy định này. Cụ thể là phải làm luận chứng gửi Bộ Xây dựng nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và luận chứng này phải được sự thẩm duyệt của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Với kinh nghiệm thực tế hành nghề tư vấn thiết kế với loại hình công trình dự án chủ yếu là nhà cao tầng tại Việt Nam, tôi đề xuất với Bộ Xây dựng mấy nội dung về quản lý PCCC như sau:
– Cần điều chỉnh và ban hành lại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, trong đó cần hoàn thiện các nội dung quy định liên quan các vấn đề đang chưa rõ và bất cập hiện tại. Các vấn đề này, phần lớn đã đề cập ở trên, các bên tư vấn thiết kế, nhà thầu PCCC, nhà đầu tư, nhà quản lý đều đang vướng phải và đều phải giải quyết theo tình huống riêng để có thể hoàn thành xây dựng dự án;
– Đề nghị nếu Bộ Xây dựng tiến hành điều chỉnh các Quy chuẩn này, cần có sự tham gia trực tiếp của đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Nội dung thay đổi cơ cấu nhân sự này nhằm đảm bảo việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn về PCCC có sự tham gia, góp ý và xây dựng của các KTS, là đối tượng có liên quan trực tiếp đến quá trình thiết kế, áp dụng và tuân thủ các quy định về PCCC, đảm bảo thiết kế lên những công trình đẹp, hiệu quả và đảm bảo PCCC hiệu quả.

Ths.KTS. Nguyễn Trung Dũng /TGĐ Công ty Kiến trúc Lập Phương – CUBIC
(Ảnh trong bài: Các công trình cao ốc do Cubic Architects thiết kế)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2018)