Một vài ý kiến về vấn đề kiến trúc cao tầng ở Đà Nẵng

Đà Nẵng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung Ương, toạ lạc ở vị trí đắc địa miền Trung Việt Nam với vịnh Touran, bán đảo Sơn Trà án ngữ phía Đông, sông Cu đê phía Bắc, sông Hàn phía Nam và sông Cổ cò nối với Hội An, lưng tựa vào dãy Hoành Sơn tạo nên một địa cuộc vững chãi, xét về cả khía cạnh phong phuỷ vĩ mô và vị trí địa chính trị – kinh tế – văn hoá.

Chính bởi vị trí đắc địa này và chiến lược quy hoạch phát triển của chính phủ, trong vòng 2 thập niên gần đây thành phố Đà Nẵng đã có những phát triển vượt bậc, bắt đầu nổi tiếng trong nước và quốc tế, còn được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà kinh tế du lịch – dịch vụ chính là động lực quan trọng tạo nên sự phát triển vượt bậc này. Với quy mô diện tích đô thị 1.285 km2, dân số trên 1 triệu dân và quĩ đất dự phòng cho việc phát triển đô thị trong tương lai, thành phố Đà Nẵng đã, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, và sẽ sớm trở thành một thành phố mang tầm quốc tế (international city).

Kiến trúc cao tầng biểu hiện diện mạo của một đô thị văn minh, và đó cũng là xu hướng phát triển tất yếu một khi quỹ đất đô thị giới hạn mà dân số lại càng ngày càng phát triển, cọng với lượng lưu dân từ nơi khác đến đây sinh sống lập nghiệp và số lượng khách du lịch gia tăng đột biến trong những mùa du lịch. Nhu cầu về nhà cao tầng và sự xuất hiện của nó đã có từ rất sớm ở Mỹ, các nước châu Mỹ-La tinh, châu Âu, châu Phi và châu Á với những công năng chủ yếu như cao ốc văn phòng, chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại… Một khi du lịch phát triển, loại hình kiến trúc cao tầng này lại thể hiện rất rõ vai trò ưu việt của nó trong việc giải quyết vấn đề hạn hẹp về diện tích xây dựng, đáp ứng được nhu cầu đa công năng và khai thác tối đa không gian âm (views/scenes) trong kiến trúc cảnh quan.

Phố biển ở Đà Nẵng được quy hoạch dưạ trên yếu tố địa lý tự nhiên, chia làm 2 khu vực chính: Phố biển Liên Chiểu (đường Nguyễn Tất Thành) và phố biển Mỹ Khê (đường Võ Nguyên Giáp), đây là 2 mặt giáp biển quan trọng của thành phố Đà Nẵng và cũng là mặt tiền đón gió, điều hoà nhiệt độ không khí cho thành phố. Việc hình thành khu phố biển với những công trình cao tầng mà chủ yếu là khách sạn và cao ốc văn phòng đã làm thay đổi một cách nhanh chóng diện mạo đô thị theo hướng tích cực, đã góp phần đáng kể giải quyết nhu cầu lưu trú của khách du lịch so với những năm trước đây mà hiện tượng “cháy phòng” khách sạn đang là vấn nạn của các đô thị biển ở miền Trung như Đồng Hới, Quy Nhơn và Nha Trang vào mùa cao điểm du lịch.

Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng nhà cao tầng ở các tuyến đường nêu trên của Đà Nẵng cũng đã và đang gặp phải những vấn đề cần cân nhắc và cần thiết phải có biện pháp chế tài đảm bảo cho sự hài hoà giữa các vùng phân khu chức năng trong đô thị và phát triển bền vững. Những vấn đề đó có thể nêu lên là:

  • Hiện tượng đổ đất lấn cửa sông Hàn, một mặt làm thu hẹp lòng sông, ảnh hưởng đến cảnh quan chung ở khu vực cửa sông, tạo gờ ngăn làm cho cát tích tụ thành cù lao ở cửa sông sẽ cản trở việc phát triển du lịch đường thuỷ mà đó là một trong những đặc trưng hiếm có của đô thị biển Đà Nẵng, về lâu dài sẽ đem đến hệ quả khó lường nếu dòng sông trở mình theo quy luật tự nhiên (đây là hiện tượng phổ biến của các đô thị sát biển) một khi cửa sông và dòng chảy của con sông bị tác động trái quy luật.
  • Hiện tượng “nêm cừ” của các toà nhà cao tầng tại các tuyến phố ven biển như đường Nguyễn Tất Thành và đường Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt là khu vực biển Mỹ Khê (đường Võ Nguyên Giáp), mật độ các toà nhà cao tầng ở đây quá dày đặc và thiếu quy hoạch về nhịp độ tuyến phố tạo phản cảm về sự lấn át công nghệ trong môi trường đô thị du lịch sinh thái biển; Khoảng đặc rỗng giữa các khối nhà không phù hợp tạo bức tường chắn gió biển làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái bên trong nội thị.
  • Hiện tượng tranh đua cao tầng nhà hộp làm mất sự cân bằng không gian kiến trúc đô thị giữa trong và ngoài, giữa vùng lõi đô thị và vùng ngoại biên, chưa kể đến những nguy cơ tiềm ẩn tác động từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung như nắng nóng, gió bão mà đã được dân gian đúc kết qua câu “nắng bao nã, mưa trả thù”.
  • Hiện tượng chiếm lãnh cát cứ bờ biển ở khu vực Nam Ô đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và thiết thực của ngư dân, tạo rào cản ngăn không cho ngư dân tiếp xúc với biển, nghề cá, nghề làm nước mắm truyền thống từ đó lụi tàn, lòng nhân dân oán thán.

Với những vấn đề trên đây, tôi xin đóng góp một vài ý kiến cho việc bổ sung điều chỉnh quy hoạch và hình thành bộ quy tắc đô thị đặc thù cho thành phố Đà Nẵng như sau:

  1. Không nên cổ xuý và tiếp tay cho việc đổ đất lấn lòng sông Hàn như có 1 vài dự án đang triển khai như hiện nay. Sớm nghiên cứu lập quy hoạch bảo tồn sông Cu đê và vùng đầm phá cửa sông ở khu vực làng Nam Ô (bởi vì con sông này là 1 trong những yếu tố cấu thành phong thuỷ đô thị truyền thống vùng Quảng Nam – Đà Nẵng). Xúc tiến phục hồi, khai thông sông Cổ cò nối giữa vịnh Touran và Hội An, kết nối giao thông thuỷ bộ hài hoà, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển cân bằng giữa 2 vế: Du lịch di sản và du lịch sinh thái biển.
  2. Hình thành bộ quy tắc xây dựng đô thị ven biển trên nền tảng quy hoạch phát triển đô thị đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt. Giảm bớt mật độ nhà cao tầng ở các tuyến phố du lịch trọng điểm (Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp), thiết kế quy hoạch khoảng đặc/rỗng hợp lý để gió biển tràn vào vùng lõi đôi thị, hài hoà quyền lợi về cảnh quan – sinh thái cho toàn thành phố. Đối với các toà nhà cao tầng, cần có quy định về các tầng rỗng (cách 10 tầng cần có 1 tầng rỗng) để gió/ánh sáng xuyên được qua các khối nhà, một mặt làm giảm thiểu áp lực gió, bão lên công trình, mặt khác tạo sự cân bằng thẩm mỹ về giai điệu đô thị.
  3. Chiều cao, số tầng cần phải được khống chế và quy định nghiêm ngặt, áp dụng thêm các khung pháp lý khống chế về mặt kỹ thuật: Chống động đất, chống gió bão, hạn chế lượng khí thải độc ra môi trường, kiểm soát và hạn chế hiệu ứng nhà kính ven biển.
  4. Đối với các khu vực lấy đất để quy hoạch Resort hoặc khách sạn như trường hợp làng Nam Ô, cần có giải pháp quy hoạch lồng ghép, giao thông xuyên thủng băng qua khu du lịch, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận với bờ biển, gìn giữ và phát huy nghề đánh cá, làm nước mắm truyền thống của họ. Có giải pháp quy hoạch mang tính nhân văn, khuếch trương mối quan hệ cộng sinh giữa làng nghề truyền thống và đô thị hiện đại.

TS.KTS Lê Vĩnh An

Trưởng Khoa Kiến trúc & Mỹ thuật, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng

©