LTS: “Hương Trầm tích” là tên cuốn sách của KTS Nguyễn Địch Long tập hợp các bài viết về những vùng đất mà ông đã đi qua. Những tên đất, tên làng đều thấm đẫm tình người, thân thương và gắn bó.
số này trân trọng trích đăng một bài viết của ông về vùng đất Quảng Nguyên, nơi ông có nhiều kỷ niệm, nhiều công trình. Và chúng ta hãy cùng đến với “Một vùng trầm tích tỏa hương”…
Quảng Nguyên là vùng đất trầm tích thuộc phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam Thượng xưa, là vùng đất địa linh nhân kiệt huyền bí. Làng Quảng Nguyên nằm kẹp giữa vai bò hai trục lộ 21B và 73. Làng có bố cục theo hình răng bừa trải dọc theo con lộ 73. Mới đến đầu làng thôi mà đã thấy nhiều công trình văn hóa tâm linh hiện ra như: Đền, Quán, Đình và Chùa ẩn hiện dưới những tán cổ thụ xanh. Dẫn tôi về là Nguyễn Trọng Việt – một người con của Quảng Nguyên mang dòng họ Nguyễn Trọng. Chúng tôi vào thăm nhà thờ kiêm bảo tàng và nhà bia tưởng niệm ông Trần Đăng Ninh. Ông tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng (1910-1955). Ông đã hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi từ phong trào công nhân ngành in, tham gia lãnh đạo Đảng của thành phố Hà Nội, Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi Ban Chấp hành Trung ương. Ông thuộc lớp người Khai Quốc Công Thần, là vị tướng không sao gạch, nhưng tiếng thơm của ông thật ít người sánh bằng! Trong bảo tàng gia đình tĩnh lặng và khiêm cung, thấy hình ảnh đủ mặt các bạn bè đồng chí là yếu nhân của nhiều giai đoạn cách mạng, thiết tưởng, người anh hùng không danh hiệu nơi chín suối cũng thấy ấm lòng.
Từ ngôi nhà lưu niệm họ Trần, chúng tôi đến thăm đình Quảng Nguyên. Ngôi đình được xây dựng vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) đẹp và bề thế: Tọa lạc trên một khu đất rộng, mái ngói rêu phong với những đao đình cong vút như một cánh diều bay trên nền trời xanh biếc. Toàn bộ khu đình được đặt trên lưng con quy, hàm ý người xưa hướng tới sự yên bình và bền vững. Phía trước đình là một hồ mặt nước thoáng, sau này có một ông “phù thủy thời nay” đến phán: “Nếu để hướng đình nhìn về phía ngôi chùa trước mặt ở làng bên thì làng sẽ không còn quan lớn”. Nhân dân trong làng liền bảo nhau phải xây thêm bức bình phong. Ngôi đình này xây dựng vào thời Nguyễn muộn. Có lẽ sau đó ít xuất hiện thêm những ngôi đình to đẹp và lớn đến như vậy. Đình thờ ba vị Thành hoàng làng (Tam vị Đại vương). Vị thứ nhất Đống Củ Đại vương, một vị tướng tài danh của Đinh Tiên Hoàng đế, vị Thành hoàng thứ hai là Không Đỗng Tôn Thần Đại tướng quân và vị thứ ba là Vĩnh Thái Kiều Trung Đẳng Thần. Hai vị này đều là tướng thời nhà Mạc.
Dời ngôi đình bước vào một vùng u tịch dưới tán cây già, đó là “Linh Phúc tự”. Linh Phúc Tự thờ Phật giống như những ngôi chùa khác ngoài ra còn thờ A Nam Diếp Ca, Quan Âm Tọa Sơn là hiếm thấy. Đi hết những di tích tâm linh, chúng tôi về dâng hương nhà thờ Nguyễn Trọng. Họ Nguyễn Trọng Quảng Nguyên và họ Nguyễn Trọng Tri Lễ, nơi cách nhau chỉ vào khoảng 6-7 cây số, lại ở hai huyện khác nhau – Thanh Oai và Ứng Hòa. Vậy có điểm gì gần nhau để những người trong hai họ có thể nhận ra nhau? Khi tôi về Tri Lễ, nghe các bậc tiền bối nói: “Cứ trông dáng vóc, diện mạo là nhận ra ngay người họ Nguyễn Trọng ấy mà”. Và hôm nay, bước chân về Quảng Nguyên, với những người họ Nguyễn Trọng ở đây, chúng tôi đều cảm nhận được – câu nói của các cụ bên Tri là phù hợp.

Nhà thờ mang tên “Nguyễn Trọng Hầu từ” mang tên cụ Đệ Tam Thái Tổ Nguyễn Huyền Diệu (1713-1780) tự Mẫn Trai tiên sinh Thụy Đôn Cẩn Thái Y Viện Đại Phu. Khi chúa Trịnh Sâm hãm hại Thái tử Lê Duy Vĩ, đã ban cho Cụ tự xử bằng một lưỡi đao oan nghiệt. Mộ Cụ được bí mật mang về chôn nơi quê nhà. Mãi gần 250 năm sau, vật đổi sao dời, các hậu duệ của Cụ được sự giúp đỡ của các nhà khoa học tâm linh, đã tìm thấy chính xác mộ phần của Cụ. Ngôi từ đường Nguyễn Trọng đã được cấp bằng chứng nhận Di tích Lịch sử của Nhà nước, suốt mấy trăm năm không bao giờ thôi đỏ chân nhang. Một điều diệu kỳ khi tổ chức đón nhận lễ trao bằng Di tích Lịch sử cho ngôi từ đường, bát nhang bốc hỏa cháy rực cả ban thờ. Nhờ phúc ấm, tổ tiên anh linh luôn luôn che chở và phù hộ cho lớp lớp con cháu của ngài. Trong suốt mấy cuộc chiến tranh, hàng trăm con em họ Nguyễn Trọng Quảng Nguyên xông pha nơi lửa đạn, chiến đấu anh dũng ngoan cường. Đến khi kết thúc cuộc chiến, họ đều trở về được nơi quê cha đất tổ, an bình, lành lặn, chỉ có 4 người là thương binh, trong khi cả làng Quảng Nguyên có tới 78 liệt sĩ. Sau khi trở lại hậu phương, họ đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà nhân dân giao phó.
Đi vào không gian xóm Dinh qua một chiếc cổng có lẽ đã được xây dựng đến 200 năm là hàng loạt 8 cái cổng cổ vào 8 khuôn viên của những ngôi nhà cổ. Người ta đặt tên xóm Dinh có lẽ là xóm của những dinh thự và đều là hậu duệ của cụ Nguyễn Huyền Diệu. Trong không gian ấy chúng tôi nao nao về một miền đất thiêng đã sinh ra bao bậc hào kiệt cứu dân, cứu nước.

Xã Quảng Phú Cầu có 6 làng nhưng 3 làng Quảng Nguyên, Phú Lương, Xà Cầu quần tụ bên nhau. Nhân dân trong vùng truyền tụng câu: “Rá Phú Lương, hương Xà Cầu”. Phú Lương, một làng nghề chuyên đan rổ rá và hầu hết các vật dụng hàng ngàybằng tre. Vào những tháng cuối năm khi thân tre kiệt nước, họ tỏa đi muôn nơi thu gom nguyên liệu tốt về chuẩn bị cho việc sản xuấtquanh năm. Xã Quảng Phú Cầu mảnh đất nhiều nhân kiệt được sinh ra tại vùng đất này. Có lẽ vì thế nhân dân đã làm ra những nén nhang thơm dâng lên các bậc tiên liệt, rồi phát triển thành một nghề và một làng nghề. Nghề làm hương từ làng Xà Cầu lan cả sang làng Quảng Nguyên, họ đã đem hương thơm của làng dâng bán muôn phương. Quảng Nguyên còn có một nghề riêng – Làng nghề xây dựng. Trong làng có nhiều ông chủ hành nghề xây dựng, hầu như thanh niên trai tráng trong làng các thế hệ đều là thợ xây dựng lành nghề. Những công trình to đẹp, kỹ – mỹ thuật tinh xảo từ xa xưa đến nay trong phạm vi tỉnh hay trên mọi miền Tổ quốc đều có bàn tay người thợ xây dựng Quảng Nguyên. Nhân dân nơi đây luôn tự hào về mảnh đất quê mình – một miền trầm tích tỏa hương.
Nhớ lại cây gạo xù bên đường 21B, một người bạn văn cho tôi biết dấu tích của cây gạo này đã tồn tại đến ngót ngàn năm. Hàng năm cứ vào dịp sau tết Nguyên đán, vào mùa lễ hội Chùa Hương , hoa gạo nở đỏ như những chùm đèn hong ấm mùa xuân để lại ấm lòng bao du khách tha hương về dự lễ hội Chùa. Tiếc thay, do sự tàn phá của con người, cây gạo xù nay không còn nữa. Nhưng hình bóng cây gạo, những chùm đèn hoa đỏ đã tồn tại bao nhiêu thế kỷ, màu lửa ấm của những bông hoa vẫn mãi mãi làm ấm lòng người Quảng Nguyên cũng như du khách thập phương đã từng một lần qua đây để thêm nhớ về nó.
KTS Nguyễn Địch Long