Nâng cao hiệu lực quản lý Kiến trúc cảnh quan khu Nội đô lịch sử Hà Nội

Nâng cao hiệu lực quản lý Kiến trúc cảnh quan khu Nội đô lịch sử Hà Nội

Khu vực Nội đô lịch sử Hà Nội được giới hạn từ vành đai 2 đến bờ Nam sông Hồng với diện tích hơn 30km², bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, phía Bắc quận Đống Đa và một phần phía Nam quận Tây Hồ.

Ranh giới khu Nội đô lịch sử trong QHC Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050

Trong quá trình phát triển, khu vực này luôn được xác định là khu vực trung tâm Thành phố trong các đồ án quy hoạch với nhiều tên gọi khác nhau: Lõi nội đô, nội thành cũ, khu vực hạn chế phát triển,… Sau QHC được duyệt năm 2011 khu Nội đô lịch sử được xác định chức năng là khu Trung tâm Hành chính Chính trị Quốc gia, khu vực tập trung các chức năng chính trị, hành chính, văn hoá, nghệ thuật của Quốc gia và Thành phố. Nơi đây được xác định là khu vực bảo tồn di sản Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Trong đó, có những tiểu khu đã được nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý cho quản lý phát triển như:

– Khu trung tâm chính trị Ba Đình;

– Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long;

– Khu Phố Cổ;

– Khu vực Hồ Gươm và phụ cận;

– Khu vực Hồ Tây và phụ cận…

Các khu vực này cũng được định hướng bảo tồn, gắn với việc cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan để tôn vinh văn hoá truyền thống, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Để thực hiện định hướng này, bên cạnh việc nhận diện đầy đủ giá trị di sản, xác định hướng bảo tồn hài hoà với phát triển thì việc rất cần mà ít được đề cập đến chính là việc nâng cao hiệu lực quản lý.

Qua khảo sát thực trạng công tác quản lý, thông qua các nghiên cứu và kinh nghiệm từ một số đô thị trong và ngoài nước cho thấy cần xem xét một số vấn đề sau:

Một góc không gian cảnh quan quận Ba Đình

Một góc không gian cảnh quan quận Ba Đình

1. Xây dựng cơ sở pháp lý và quy hoạch đồng bộ:

Đây là bài học từ quản lý kiến trúc cảnh quan (KTCQ) của Singapore. Một trong những yếu tố tạo sức hút du lịch của Singapore chính là đã xây dựng và quản lý tốt KTCQ, vừa hiện đại vừa kết hợp với truyền thống, thân thiện với môi trường và hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên, cây xanh với công trình kiến trúc. Thành công này trước hết là nhờ ở việc quản lý đồng bộ quy hoạch xây dựng (QHXD), và thiết kế đô thị (TKĐT).

Trong những năm qua, công tác ban hành QHXD các tiểu khu chức năng trong vùng nội đô lịch sử đã được chú trọng như: Khu Phố Cổ (từ năm 1995), khu vực Hồ Gươm và phụ cận (từ năm 1996) khu trung tâm chính trị Ba Đình (từ năm 1996), khu vực hồ Tây (từ năm 1994)… Quá trình phát triển đã có không ít QHXD được điều chỉnh và gần đây sau khi QHC Thủ đô Hà Nội được duyệt 2011 đã có nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được tái khởi động nghiên cứu điều chỉnh. Song, nhìn vào thực tiễn chất lượng cho thấy rất cần đổi mới cách làm và quy trình quy hoạch. Trước hết là sớm xây dựng và ban hành các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc từng tiểu khu đồng bộ với nghiên cứu QHXD mà với các tuyến phố quan trọng cần có đồ án thiết kế đô thị riêng. Là khu đô thị lịch sử nên cần có các quy chuẩn đặc thù, yêu cầu này đã được xác định trong Luật Thủ đô nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thích hợp. Nghiên cứu QHXD cần đồng bộ với các QH ngành, lĩnh vực. Thí dụ, gần đây dư luận sôi động với việc chặt hạ cây xanh trên một số tuyến đường, việc này sẽ không xảy ra nếu như chính quyền sớm công bố QH giao thông và chỉ giới các tuyến đường sắt đô thị.

Một góc không gian cảnh quan Hồ Gươm

Một góc không gian cảnh quan Hồ Gươm

2. Sự phối hợp các ngành, cấp TW, Thành phố, Quận, Phường trong duyệt các dự án đầu tư xây dựng, giám sát xây dựng và kiểm tra khai thác sử dụng

Về tổng quan, đã có những quy định chung về phối hợp và phân công, phân cấp. Song không thể chỉ xem khu Nội đô lịch sử là một đơn vị hành chính thông thường vì trong phạm vi khu Nội đô lịch sử có không ít địa điểm công trình là do cấp TW, cấp Bộ, Ngành quản lý đang có nhiều định hướng để điều chỉnh chức năng, xây dựng mới hay cải tạo. Thực trạng này rất cần xây dựng cơ chế đặc thù để có sự phối hợp từ các cấp, nhất là với cấp Phường – cấp cơ quan trực tiếp với cộng đồng.

Điều dễ thấy là việc phân công quản lý hè phố hiện nay còn nhiều chồng chéo tách biệt giữa quản lý cây xanh, cấp thoát nước, thông tin – năng lượng, xây dựng hè phố… nên rất cần có sự tập trung đầu mối vào chính quyền Quận để tránh xây dựng lộn xộn, thiếu kế hoạch.

Thực trạng lộn xộn ở vỉa hè trên tuyến phố Mã Mây – quận Hoàn Kiếm

Thực trạng lộn xộn ở vỉa hè trên tuyến phố Mã Mây – quận Hoàn Kiếm

3. Vai trò của cộng đồng

Trong những năm qua, các Luật, Nghị định của Chính phủ, các hướng dẫn thực hiện của các Bộ, Ngành và nhất là văn bản pháp quy của Thành phố đã xác lập vai trò cộng đồng trong quản lý đô thị nói chung và quản lý KTCQ nói riêng song thực hiện chưa hiệu quả. Khu Nội đô lịch sử với nhiều yếu tố KTCQ đặc thù như hệ thống cây xanh, không gian công cộng, mặt nước, hệ thống quảng cáo, cần sự tham gia của người dân sống ở khu vực với các yêu cầu như:

– Cung cấp thông tin để giúp nghiên cứu, lập các dự án;

– Tham gia về nguồn lực, đầu tư, về đền bù, giải phóng mặt bằng;

– Tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý cây xanh;

– Tự nguyện chỉnh trang kiến trúc như tháo dỡ mái vẩy, biển hiệu, bảo trì công trình;

– Phối hợp với lực lượng chuyên trách tham gia bảo vệ trật tự giao thông đường phố;

– Tham gia giám sát cộng đồng…

Thực trạng hạ tầng kỹ thuật xuống cấp nghiêm trọng trên tuyến phố Minh Khai – Quận Hai Bà Trưng

Thực trạng hạ tầng kỹ thuật xuống cấp nghiêm trọng trên tuyến phố Minh Khai – Quận Hai Bà Trưng

4. Tăng cường công tác thanh tra giám sát xử lý vi phạm

Sau Luật Thủ đô, Thành phố đã có nhiều quy định cụ thể hoá các quy định chính về giám sát xử lý vi phạm, song để gắn với thực tiễn rất cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các cấp, người dân, tới các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Cán bộ xử lý sai phạm về kiến trúc không chỉ căn cứ máy móc các chỉ tiêu, tiêu chí mà còn cần có năng lực, sự hiểu biết về kiến trúc, do vậy lực lượng thanh tra giám sát phải được bồi dưỡng, hiểu biết về kiến trúc.

5. Đổi mới cơ chế tổ chức và công nghệ, kỹ thuật

Quản lý đô thị đã được tổ chức theo hệ thống với sự phân cấp từ Thành phố tới Quận, song riêng với các Quận trong Nội đô lịch sử – nơi có nhiều công trình của Trung ương, của Thành phố thì rất cần có cơ chế đặc thù để có được một đầu mối về quản lý KTCQ. Cần có bộ phận chuyên trách về quản lý KTCQ và có cán bộ theo dõi công việc này ở cấp Phường.

Bài học quản lý KTCQ của Seoul (Hàn Quốc) cho thấy để nâng cao năng lực quản lý thì bên cạnh việc tái đào tạo cho cán bộ quản lý còn phải đầu tư vào nâng cao công nghệ, áp dụng kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là yêu cầu cần sớm thực hiện với khu Nội đô lịch sử.

Khu Nội đô lịch sử với bề dày lịch sử phát triển hơn ngàn năm tuổi với nhiều tuyến phố, khu vực đặc thù, xen lẫn công trình truyền thống, công trình cải tạo, xây dựng mới rất đa dạng về hình thái kiến trúc… Đây cũng là khu vực điển hình minh chứng cho khu vực có tốc độ đô thị hoá cao, có diện mạo KTCQ mang đậm dấu ấn của Thăng Long – Hà Nội rất cần được quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ mà trước hết là nâng cao hiệu lực quản lý.

Trong phạm vi bài viết này xin bước đầu nêu một số vấn đề để mong được trao đổi, hướng tới xây dựng Thủ đô là Thành phố Xanh – Văn minh – Văn hiến – Hiện đại.

Tài liệu tham khảo:

– Đồ án QHC Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050

– Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung Thành phố Hà Nội

– Quản lý QHXD và kiến trúc cảnh quan qua bài quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội – TS.Đào Ngọc Nghiêm, bài trong Dự án “Xây dựng năng lực quản lý hành chính đô thị 10 quận nội thành Hà Nội – 2013”

ThS.KTS Trần Thọ Hiển