Theo thống kê năm 2014 về nhà ở của Tổng cục thống kê, nhà ở riêng lẻ ở khu vực đô thị được chia thành 4 loại chính: Nhà kiên cố, nhà bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố, và nhà đơn sơ trong đó tỷ lệ nhà bán kiên cố là cao nhất (54.1%) so với các loại nhà khác (hình 1). Về kỹ thuật, việc phân loại này dựa vào kết cấu của ngôi nhà. Cụ thể, nhà kiên cố là nhà có 3 phần chính (cột, tường, và mái) làm bằng vật liệu bền chắc (VLBC), nhà bán kiên cố thì có 2 phần, nhà thiếu kiến cố có 1 phần và nhà đơn sơ là không có phần nào trong 3 phần trên làm bằng VLBC (hình 2). Theo đánh giá, nhà bán kiên cố trở xuống đều có thể bị tác động bởi thiên tai (như bão, lụt) và được xem là nhà không an toàn. Đây là những loại nhà cần được cải tạo, gia cố, hoặc xây mới để được an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh của biến đổi khí hậu với bão, lũ lụt được dự báo là gia tăng về tần suất và cường độ.
(Nguồn số liệu: Tổng cục thống kê, 2014)
Trên thực tế cũng có rất nhiều dạng nhà khác nhau trong cùng một thể loại (ví dụ như trong cùng loại nhà bán kiên cố) do điều kiện văn hóa, vùng miền, tập quán xây dựng tại mỗi tỉnh, thành, mỗi địa phương rất khác nhau về mặt hình thức, phương thức xây dựng, và vật liệu sử dụng. Về kết cấu, dù được liệt kê vào nhóm nhà bán kiên cố, nhưng khả năng chịu lực và chống chịu thiên tai của mỗi căn nhà cũng rất khác nhau và phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố “an toàn” được lồng ghép vào trong quá trình xây dựng. Đặc biệt, trong nhóm nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp, việc lồng ghép các yếu tố “an toàn” cho ngôi nhà cũng là một câu hỏi lớn vì nó liên quan đến các chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế hạn hẹp, việc cải thiện nhà ở cho nhóm nghèo, cận nghèo, và thu nhập thấp thường tập trung nhiều ở phần sửa chữa, cải tạo hơn là xây mới. Do đó, việc lồng ghép các yếu tố an toàn trong quá trình sửa chữa, cải tạo cho các loại nhà khác nhau cũng là một thách thức không nhỏ đối với các chương trình, dự án hay các nhà thiết kế.
Do đó, việc triển khai làm nhà an toàn cho người dân, đặc biệt cho nhóm nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp, không thật sự đơn giản như nhiều người nghĩ, và rất cần một cái nhìn thật sự thấu đáo về vấn đề này. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ muốn đạm bàn một số suy nghĩ cá nhân về vấn đề này với góc nhìn là một kiến trúc sư đã nhiều năm tham gia nghiên cứu, ứng dụng và triển khai làm nhà an toàn cho người dân ở các tỉnh thành miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, hay Đà Nẵng. Đây là những đúc kết của cá nhân rút ra được trong quá trình tham gia các dự án về nhà ở an toàn được thực hiện ở các tỉnh thành đó.
Thứ nhất, có rất ít KTS tham gia vào lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai nói chung và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong lĩnh vực nhà ở nói riêng, đặc biệt đối với nhóm nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp ở đô thị. Công tác thiết kế nhà ở cho nhóm này thường người dân tự làm, hoặc có thêm tư vấn của cán bộ địa chính phường/xã và một số bà con, anh em làm trong nghề xây dựng (nếu có). Việc xin phép xây dựng cũng khá đơn giản và thường mang tính thủ tục nhiều hơn là thẩm định, kiểm tra kết cấu, cách thức xây dựng. Kinh nghiệm cho thấy, hầu như các dịch vụ thiết kế tại địa phương (như các văn phòng kiến trúc, các KTS) thường không tiếp cận được với các hộ này. Có nhiều lý do, trong đó nổi bật là do chi phí thiết kế thường cao hơn khả năng tài chính của nhóm này; Và, ngược lại, nhóm này cũng không thuộc nhóm khách hàng ưu tiên của các vấn đề tư vấn. Đây là rào cản chính đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, các KTS trong công cuộc hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương ứng phó tốt hơn với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thứ hai, những mẫu nhà an toàn rất tốn công sức để thiết kế nhưng hầu như không được khai thác, sử dụng hiệu quả ở địa phương. Người dân vẫn làm nhà theo ý mình là chính, thiếu thông tin, hỗ trợ về cách lồng ghép các giải pháp an toàn trong quá trình xây dựng. Thực tế, các cơn bão xảy ra mới năm ngoái ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, như cơn bão Damrey hay Doksuri, đã chứng minh điều đó: Thiệt hại về nhà ở của người dân là rất lớn, phần đông tập trung vào các loại nhà bán kiên cố thiếu lồng ghép các tiêu chí an toàn trong thiết kế, xây dựng.
Ở góc nhìn khác, những mẫu thiết kế nhà ở an toàn mà các KTS, các văn phòng kiến trúc đề xuất thường cần nhiều tiền để thực hiện so với khả năng kinh tế rất hạn hẹp của người nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp. Đối với nhóm này, để làm được một căn nhà, gia đình phải tích cóp nhiều năm, và vay mượn thêm từ bà con, anh em, cũng như các nguồn tín dụng khác. Do đó, giá thành xây dựng nhà ở cho nhóm này cũng là một thách thức đối với các nhà thiết kế. Bên cạnh đó, các mẫu nhà an toàn được phát triển bởi các sở, ban ngành, các dự án thường khó áp dụng tại cộng đồng do một số nguyên nhân khách quan, ví dụ như: (i) Hình dáng khu đất không phù hợp, (ii) hình thức ngôi nhà mẫu không như mong muốn của gia đình, (iii) công năng ngôi nhà chưa thích hợp với nhu cầu ở của hộ dân, (iv) các chi tiết, bản vẽ khá phức tạp đối với người dân,(v) thiếu các hướng dẫn mang tính định hướng để người dân có thể tự làm và tự giám sát.
Thứ ba, việc cấp phép xây dựng ở các khu vực đô thị có rủi ro cao trước thiên tai lại thiếu các điều kiện bổ sung về các giải pháp an toàn, giảm thiểu rủi ro cho nhà ở. Đây cũng là rào cản đối với chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, quản lý và đôn đốc người dân xây dựng nhà ở an toàn hơn. Hiện nay, các hướng dẫn thiết kế, thi công chủ yếu mang tính tuyên truyền, khuyến cáo người dân hơn là bắt buộc người dân phải tuân thủ trước khi cấp phép. Trên thực tế, việc xây dựng của người dân hoàn toàn tự phát theo nhu cầu và sở thích, thiếu các ràng buộc về pháp lý để họ tuân thủ áp dụng các tiêu chí an toàn trong xây dựng, đặc biệt ở những khu vực nguy hiểm thường xuyên bị bão, lũ lụt.

Thay lời kết
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề và tham gia vào mảng nhà ở chống chịu thiên tai và thích ứng với khí hậu, rất cần KTS chung tay trong công cuộc giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở cấp cộng đồng, đặc biệt đối với lĩnh vực nhà ở cho nhóm nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp. Thực tế nhu cầu làm nhà của họ là rất lớn nhưng hiện nay các dịch vụ thiết kế, các hướng dẫn mang tính “sát sườn” để giúp họ biết cách làm nhà an toàn hơn vẫn còn xa vời đối với nhóm này. Mặt khác, rất cần một sự thay đổi trong suy nghĩ và cách tiếp cận đối với nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu này để các kiến thức, kinh nghiệm về thiết kế, thi công nhà an toàn đến được với nhiều người hơn, qua đó, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương giảm thiểu rủi ro thiệt hại về nhà cửa trong tương lai.
KTS. Trần Tuấn Anh
Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học Huế
©