Nghề thầy kiến trúc và cây thánh giá

Chân dung KTS Trịnh Hồng Đoàn do KTS Võ Thành Lân thể hiện

Tôi nghiệm thấy rằng: Những con người tự do tự tại trong đức tin của mình, không bị lệ thuộc bởi các ràng buộc lợi ích gia đình, kinh tế, quyền uy, danh vọng… là những người thuộc giới tinh hoa. Nhà giáo rất cần những con người như vậy với nguyên tắc cơ bản hàng đầu là khai mở sự tự do tư duy để đi đến trí tuệ, tự do trong tư cách một dâng hiến xã hội, một chuẩn mực đạo đức – Người nhà giáo, bởi vậy không hổ thẹn với lương tâm và kiến thức của mình, mới dám “cho” học trò những tri thức tinh hoa của xã hội, nghề nghiệp.

Tôi xin nói thêm thế này: Cá nhân tôi rất coi trọng nghề giáo và phẩm chất trí thức của họ, trước hết là tính độc lập của tư duy trên nền học vấn tiên tiến và sâu rộng. Sự độc lập này nhất thiết phải có để đối mặt với tất thảy những gì đang hạn chế người thầy đi đến tiến bộ và truyền giảng sự tiến bộ. Bằng lương tri của người coi học trò là đối tượng phải phục vụ, nhà giáo còn phải vượt qua những lo toan mưu sinh, lợi lộc, kể cả những lợi ích nghề nghiệp đem lại, nếu chúng vượt ra ngoài giới hạn cho phép của lương tri.

Nghề dạy kiến trúc cũng chung những quy luật của nghề giáo viên ở trên, nhưng nó có sự chuyên biệt của sự truyền cảm hứng sáng tạo, sự cẩn trọng tỉ mỉ, do đòi hỏi của nghề nghiệp, nên càng khắt khe hơn. Cũng bởi, kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian phục vụ cho con người, nó cũng tuân thủ các quy luật thẩm mỹ và những yêu cầu đặc thù của chuyên ngành. Nghề dạy kiến trúc, vì thế là một kiểu nhà giáo mang tính đặc thù cao.

Hồi ức về NGƯT.PGS.TS.KTS Trịnh Hồng Đoàn còn nguyên trong ký ức tôi sau khi Anh qua đời đột ngột, để lại lòng tiếc nuối cho những người đã làm việc cùng Anh và những người học trò (rất đông) của Anh. Nhớ Anh là nhớ về một KTS thuộc những người đầu tiên lập xưởng thiết kế riêng của mình, nhớ về một Chủ nhiệm bộ môn, một Chủ nhiệm khoa của cả hai khoa kiến trúc và sau đại học, một Hiệu trưởng bao dung của Trường đại học kiến trúc Hà Nội… Và trên hết thảy, đó là một người Anh lớn đã gắn bó với nghề kiến trúc và nhà giáo kiến trúc năm mươi năm. Thời gian đã minh chứng cho cuộc đời trọn vẹn với kiến trúc, với đồng nghiệp và với bao thế hệ học trò của Anh.

Tôi đã chứng kiến những người tuổi về hưu, Tết nào cũng phải ghé thăm thầy Đoàn như một kiểu tìm về, cả những KTS đã thành danh hay những người có đôi chút phiêu bạc của nghề đều có lòng yêu mến anh Đoàn, số đông những người làm nghề đều là học trò của anh qua nhiều thế hệ. Bản tính nhân hậu, vị tha pha chút kiêu hãnh, lại thấm nhuần văn hóa Nho giáo trọng lễ nghĩa và cốt cách của người quân tử (Chắc được truyền lại từ cha anh là cụ giáo đáng kính nhiều năm nghiên cứu cổ sử ở Viện Lịch sử), nên anh Đoàn là người trọng chữ tín và trọng tình. Năm 2003, Anh Đoàn bị ốm rất nặng tưởng khó qua khỏi, cả tháng trời cận kề cái chết, lúc nào cũng có hàng đoàn người chờ tin anh ở bệnh viện Bạch Mai, cùng Anh vật lộn với bệnh tật như với một người thân yêu trong gia đình. Ngày thường Anh cũng nhiều bạn nghề, bạn văn, bạn chiến hữu, cả bạn…rượu (nhiều học trò cũng được Anh cho làm bạn), Anh Đoàn luôn sống trọng tình người với những người quanh mình và trọng tình đồng loại với xã hội.

Sự sắc sảo về tư duy của anh Đoàn luôn làm tôi kinh ngạc, mặc dù bị sách vở hấp dẫn từ nhỏ và cũng đọc kha khá về kiến trúc, nhưng tôi vẫn hay hỏi anh những quan điểm lớn về nghề (hệ giá trị phổ quát của con người phương Đông tác động không gian, sự tiến bộ hay sự tiến hóa kiến trúc, những sự lầm lạc của kiến trúc, ứng xử với tương lai kiến trúc…). Anh theo thuyết chủ toàn để có cái nhìn khách quan, không bị phiến diện nên đại diện được cho số đông. Biết tôi chấp nhận gai góc để bảo toàn tự do học thuật, anh cảm thông sâu sắc và đôi khi an ủi: “Cậu cũng không đến nỗi “ngã” gãy chân, chỉ trày da, xây xát chứ không sao, thế là tốt rồi”. Anh cũng nhiều lần than cho tôi, sao không nhún đi mà để chịu thiệt nhiều quá. Với tôi, Anh là một người độ lượng và thấu hiểu lẽ trời, hay nói theo kiểu triết học – Anh hiểu lẽ sống theo quy luật tự nhiên từ rất sớm, chắc vậy nên Anh là một người thành đạt ở nghĩa phổ quát.

Lớp 64K ảnh chụp năm 1966-1967

Những gì tôi làm được trong cuộc đời dạy học và nghiên cứu của mình phần lớn ở giai đoạn của hai người hiệu trưởng: Anh Đặng Tố Tuấn và Anh Trịnh Hồng Đoàn. Một người phát hiện ra tiềm năng thích đổi mới của tôi và một người luôn nâng đỡ tôi trong công việc. Không có anh Đoàn làm sao tôi dám đề xuất thay đổi Khoa Kiến trúc từ hai ba bộ môn thành bảy tám bộ môn để có thể chuyển từ đào tạo từ nguyên lý Xô viết sang đào tạo chuyên sâu như bây giờ; Không có anh Đoàn làm sao tôi dám sáng lập một bộ môn nghiên cứu lý luận kiến trúc và bảo tồn di sản đầu tiên ở Việt Nam. Anh luôn nói “Cô là người làm việc, đã làm thì cho ra làm, tôi ủng hộ”. Và tôi đã có cái diễm phúc được là người tiên phong về lý luận kiến trúc nhờ sự sáng suốt của Anh như thế. Cho đến nay, sau 9 năm về hưu, tôi vẫn luôn nhớ sự nâng đỡ của Anh để viết nên các con chữ nặng lòng với lý luận đô thị kiến trúc, trong sâu thẳm như là một sự trả nghĩa – Không bao giờ muốn phụ lòng anh cũng như kỳ vọng từ các học trò tài năng của tôi.

Anh có những hoài bão về đổi mới giảng dạy kiến trúc từ sự nhạy cảm và từ tư duy: Nghiên cứu công nghệ mới, vật liệu mới sẽ làm nền tảng phát triển kiến trúc tương lai. Không ít lần anh muốn có thời gian để làm cuốn sách truyền tải các cấu tạo và vật liệu kiến trúc mới nhất cho học trò có thể đổi mới hình thể kiến trúc. Khi trở về sau hai tháng học ở Mỹ năm 2001, tôi cầm cuốn sách “Một triệu cấu tạo mới” bằng hình vẽ 3D, anh thúc tôi và Khuất Tân Hưng biên soạn ngay cuốn Kiến trúc nhà cao tầng với toàn bộ cấu trúc và cấu tạo mới nhất. Sau đó, năm 2002, Anh chủ trì đề tài cấp nhà nước về Công nghiệp hóa xây dựng nhà ở, muốn gửi thông điệp “sản xuất nhà ở” thay cho “xây dựng nhà ở” để kịp với xu hướng đô thị hóa chóng mặt ở Việt Nam. Những năm trước đó, Anh chủ trì nhiều nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo KTS mà tôi là thư ký. Chính những công việc này đã hấp dẫn các thày giáo trẻ mới từ nước ngoài trở về, say nghiên cứu sáng tạo và là hạt nhân của bộ môn Lý luận kiến trúc sau này như Nguyễn Trí Thành, Khuất Tân Hưng, Trần Quốc Thái, Nguyễn Vũ Phương…(Những người đang giữ những trọng trách về học thuật trong nhà trường và xã hội hiện nay). Khi có bộ môn mới, chúng tôi mở liên tiếp các khóa ngắn hạn về Thiết kế và công nghệ nhà cao tầng và Bảo tồn di sản, thu hút hàng chục giáo sư nước ngoài và hàng trăm lượt học viên trên cả nước. Nhiều năm làm việc với Anh tại Khoa sau đại học, tôi được Anh Đoàn dành cho một khoảng trời rộng lớn để xây dựng học thuật. Sau khi anh bị ốm nặng thì những mũi nhọn đào tạo như vậy cũng bị ngừng hẳn vì mất đi một người cầm lái có tầm nhìn lớn.

Những tư duy nghệ thuật và sáng tác kiến trúc tôi thường trao đổi cùng Anh có thể lược ghi lại một số như sau:

  • Về bản chất, nghệ thuật luôn đổi mới, luôn tìm kiếm những nguyên tắc mới, những nhu cầu mới, những hình thức thẩm mỹ và phong cách biểu hiện mới. Đó là động lực cho sự ra đời các trào lưu mới, dẫn đến sự thay đổi các phong cách nghệ thuật trong lịch sử;
  • Theo quy luật nói trên, sự thay đổi các trào lưu nghệ thuật được khởi đầu và xác định bởi tập hợp những nguyên nhân sâu xa và phức tạp trong sự thay đổi các cấu trúc kinh tế, kỹ thuật, văn hoá và xã hội;
  • Phải chăng, trong kiến trúc có những tiêu chuẩn khách quan nào đó có giá trị cho tất cả các phong cách, để dựa vào đó có thể đánh giá cái nào là nhân tố mới (sẽ dẫn đến con đường phát triển và được khẳng định), cái nào là quá độ (thử nghiệm và dẫn tới ngõ cụt), cái nào là cách tân thực sự và cái nào sẽ bị lãng quên ngay ngày mai…

Anh Đoàn nói: “Cần thời gian để chứng ngộ sự dịch chuyển kiến trúc, không thể vội vàng”. Chắc muốn khuyến khích tôi làm việc nhiều hơn nữa. Con đường khoa học nhiều gian nan, mà nghệ thuật thì tình cảm của con người cần lớn hơn rất nhiều để cảm nhận. Anh Đoàn có trái tim lớn để cảm nhận tất cả.

Cũng bởi vậy, sau những năm tháng tận tụy trong nhà trường, tôi đã có quan niệm riêng của mình về nghề giáo: Bước chân vào nghề giáo là vác cây thánh giá của sự thiêng liêng và lòng tận hiến. Thấp thoáng, ẩn hiện trong đó là những kỷ niệm không thể quên và hình bóng của người Hiệu trưởng tinh anh, giàu lòng nhân ái ấy.

Tôi mượn một đoạn nói về cái chết của Ba tôi, Nguyễn Kiến Giang (Anh đã đọc hầu hết tiểu luận bàn về văn hóa của ông) để thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ anh Trịnh Hồng Đoàn: “Như một qui luật tự nhiên không muốn có, tâm thức người Việt thấm vào tôi thật sâu lắng. Cái chết bao giờ cũng là một nỗi buồn ghê gớm, nhưng ngay từ trong những nhịp sống hàng ngày hôm nay, tôi bình thản chờ nó. Nó giống như một tấm gương soi, vô hình nhưng luôn luôn hiện hữu. Một cuộc sống tử tế hẳn sẽ được thưởng bằng một cái chết tử tế. Trong sự tiễn đưa ấm áp của người thân, của bạn bè, trong sự đón nhận cũng ấm áp của đất trời…”

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2018)