Nghệ thuật công cộng – Quy chế và bản sắc

Nghệ thuật công cộng (NTCC) đã có từ lâu cùng với sự ra đời, phát triển của loài người trong nhu cầu vật chất, tinh thần gắn kết các cộng đồng dân cư. Những lễ hội dân gian, công trình kiến trúc, những bức bích họa (kể cả các hình vẽ khắc vạch trong hang động hoặc trang trí điêu khắc ở nhà mồ của người Tây Nguyên) … là những ví dụ tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật này. Mỗi cộng đồng có những thực hành NTCC mang bản sắc riêng và được hưởng lợi trực tiếp trước tiên từ các thực hành đó. Ở Việt Nam, việc thực hành NTCC là một phần không tách rời khỏi đời sống: Từ ca dao, cổ tích, dân ca, chiếu chèo đến các công trình điêu khắc đình làng, chùa chiền, đền miếu…

Các hình ảnh ở làng bích họa

Do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện xã hội, vài năm trở lại đây NTCC ở nước ta đã được nhìn nhận và quan tâm trở lại. Ở mảng kiến trúc và không gian thì các dự án như con đường gốm sứ ven sông Hồng (khánh thành năm 2010, được tổ chức Guinness trao chứng nhận “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”), các làng bích họa ở Tam Thanh (Quảng Nam), Thanh Thủy, An Bình (Quảng Ngãi), Cảnh Dương (Quảng Bình), xóm họ Đặng (Quảng Ninh), hay bích họa ở tập thể Phụ nữ (TW- Pháo Đài Láng – Hà Nội) hoặc phố bích họa Phùng Hưng (Hoàn Kiếm – Hà Nội), tranh đường phố graffiti… đã thổi luồng gió mới làm sinh động không gian và kiến trúc nơi chúng hiện diện.

Việc quan tâm đến NTCC chứng tỏ nhu cầu chính đáng muốn tiếp cận, thưởng thức cái đẹp một cách gần gũi, trực tiếp của cộng đồng dân cư nơi sở tại và chính sách thu hút khách du lịch. Đồng thời, điều này cũng chứng tỏ sự quan sát nhạy bén và khả năng biến ý tưởng thành thực tiễn của các tổ chức xã hội hoặc các cá nhân thực hành sáng tạo NTCC. Tuy nhiên, phần lớn các thực hành nói trên mang tính tự phát nên còn nhiều vấn đề cần lưu ý.

Vấn đề đáng lưu ý nhất trong thực hành NTCC là không có quy chế từ đầu. Một công trình, dự án phục vụ cộng đồng không thể tùy tiện tiến hành bởi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: Lãng phí tiền của, công sức; làm mất thẩm mĩ cảnh quan chung; độ bền/đẹp công trình suy giảm theo thời gian; gây bức xúc dư luận xã hội… Điều này ảnh hưởng tới nhiều người bởi phạm vi tác động của NTCC không chỉ thu gọn ở một số ít cá nhân mà là cả cộng đồng dân cư. Việc có quy chế từ đầu sẽ giải quyết phần gốc của vấn đề.

Quy chế cần tập trung một số điểm như sau: Trước tiên là quy chế không gian cho NTCC. Tức là một công trình nào đó (công trình xây dựng của Nhà nước, khu đô thị, khu chung cư, khu du lịch – nghỉ dưỡng tư nhân…), trước khi được cấp phép xây dựng cần tuân thủ quy định dành bao nhiêu phần trăm diện tích cho không gian công cộng. Không gian này có sân chơi, bãi cỏ có thể đặt tượng hoặc vẽ bích họa. Nếu đặt tượng thì tượng phải có kích cỡ, màu sắc, phương hướng như thế nào cho phù hợp với từng không gian. Nếu vẽ tranh tường thì phải theo quy tắc nào? Nếu trang trí ánh sáng thì mật độ phủ, độ sáng… của bóng đèn như thế nào? Nếu quy chế về không gian trở thành luật thì nền tảng cho NTCC sẽ dễ dàng kiểm soát ngay từ đầu. Ngoài ra cũng cần quy chế bảo vệ, bảo dưỡng tác phẩm nghệ thuật để duy trì độ bền đẹp của các công trình, tác phẩm NTCC.

Khi quy chế về không gian được tuân thủ, đi vào triển khai kinh tế thì nhất thiết phải có giám tuyển. Giám tuyển là người đưa ra toàn bộ ý tưởng cho công trình NTCC từ việc chọn loại hình NTCC, tính toán không gian, chọn chất liệu sử dụng và mời đúng nghệ sĩ có khả năng thực thi hạng mục. Khâu tính toán, tuyển chọn từ đầu đảm bảo cho công trình vừa đạt được hiệu quả thẩm mĩ và độ bền thiết yếu với thời gian. Một bức tượng hoặc nhóm tượng, hoặc bức tranh tường sau một thời gian ngắn sau khi nghiệm thu đã sứt vỡ, bong tróc, loang lổ… Điều đó chứng tỏ tính nghiệp dư của tác phẩm NTCC và người làm ra nó.

Cùng với giám tuyển, Hội đồng nghệ thuật độc lập gồm nhiều loại hình (hội họa, điêu khắc, sắp đặt – trình diễn, âm nhạc…) có trách nhiệm đánh giá toàn bộ công trình, dự án từ khi còn là ý tưởng đến khi hoàn tất. Một tác phẩm nghệ thuật không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm yếu tố nhạy cảm chưa phải là yếu tố cuối cùng quyết định để xuất hiện trước công chúng. Căn bản nhất vẫn là tác phẩm đó có hay, đẹp không – xét ở mọi phương diện.

Bích họa trên phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Hay và đẹp của NTCC ở đây không đồng nghĩa chỉ là hình thức nghệ thuật dễ hiểu, dễ xem. Hoàn toàn có thể đưa những chương trình nhạc cổ điển ra không gian ngoài trời ở phố đi bộ của Hà Nội hoặc những tác phẩm trình diễn, sắp đặt tới đông đảo công chúng. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận và tìm hiểu sự đa dạng của các loại hình NTCC, nâng cao hiểu biết về nghệ thuật nói chung. Tất nhiên, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật (đơn vị cấp phép) cũng như các ông bà chủ của các công trình kiến trúc cũng phải tự nâng cao trình độ nghệ thuật của họ lên.

Quy chế khoa học sẽ thuận lợi cho việc phát triển không gian công cộng đúng hướng và người dân được hưởng lợi mọi mặt trong đời sống. Một công trình, dự án NTCC đẹp và hiện đại, hữu ích là cần thiết nhưng nếu thể hiện được bản sắc của cộng đồng dân cư nơi tác phẩm NTCC hiện hữu thì chắc chắn sẽ có giá trị hơn nữa. Mỗi cộng đồng có một đặc trưng riêng của mình, dù là cộng đồng nhỏ như là một làng xã hay một khu phố, khu tập thể. Việc giữ được bản sắc làm nên giá trị bền vững, đặc sắc của tác phẩm nghệ thuật và tạo sự đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật.

Một tác phẩm nghệ thuật không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm yếu tố nhạy cảm chưa phải là yếu tố cuối cùng quyết định để xuất hiện trước công chúng. Căn bản nhất vẫn là tác phẩm đó có hay, đẹp không – xét ở mọi phương diện.

Họa sỹ Lê Thiết Cương

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)