Nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và kiến trúc

Mối quan hệ mật thiết giữa Nghệ thuật (Art) và Kiến trúc (Architecture) vốn đã được khẳng định từ lâu. Thậm chí, đôi lúc ranh giới của hai lĩnh vực này còn rất lu mờ.

Nhà hát Opera Sydney

Nghệ thuật Đương đại (Contemporary Art) đang có nhiều câu hỏi mà những câu trả lời thì lại còn nhiều hơn thế. Những câu hỏi xung quanh những hiện tượng của Nghệ thuật Đương đại gần như không thể khép lại – Chúng là những mệnh đề mở, chỉ gợi lên những suy nghĩ nối tiếp nhau chứ không thể khẳng định một cách đầy đủ. Trong bài này, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một vài góc nhìn về mối tương quan giữa kiến trúc và Nghệ thuật Sắp đặt (Installation art), Nghệ thuật Trình diễn (Performance art), là những loại hình nghệ thuật “gần nhau trong cách biệt”.

Bảo tàng Louvre
• Nghệ thuật (A-P: Art): Cho đến thế kỷ 17, “nghệ thuật” được dùng để chỉ bất kỳ kỹ năng hay sự thông thạo nào, và không phân biệt khỏi các môn thủ công mỹ nghệ hay các ngành khoa học, chẳng hạn như y học cũng được coi là một “nghệ thuật”.

Nghĩa đầu tiên và rộng nhất về nghệ thuật (gốc từ La-tinh) có thể dịch là “kỹ năng” hay “sự khéo léo”.

• Nghệ thuật Đương đại (Contemporary Art): Không đi tìm những phương thức diễn đạt trên giá vẽ và trong các studio như trước kia mà tìm cách phản ánh cách chúng ta nhìn – thấy và suy nghĩ như thế nào về thế giới và về bản thân mình.

• Kiến trúc (Architecture): Cũng thuộc nhóm Nghệ thuật thị giác, vì ngoài khía cạnh sử dụng và kỹ thuật, kiến trúc còn là đối tượng được thưởng lãm, nhìn ngắm nhiều nhất.

Kiến trúc – Nghệ thuật sắp đặt

Nghệ thuật sắp đặt và trình diễn thực ra không phải là điều mới mẻ, nó đã xuất hiện từ lâu đời trong nhiều nền văn hóa khác nhau – Vườn đá của Nhật Bản là một ví dụ (nhưng tên gọi đương nhiên không phải là Nghệ thuật sắp đặt như cách gọi mới đây). Điều này chỉ có thể giải thích từ trong bản chất sâu xa của nghệ thuật nói chung.

Mỗi hành vi thiết kế của KTS không chỉ là một lựa chọn văn hóa mà đó còn là cách thức sắp đặt mang dấu ấn sáng tạo của cá nhân. Những sự sắp đặt này trong nghệ thuật nói chung đều được gọi là hành vi bố cục hoặc tổ hợp (composition). Một bố cục của kiến trúc nhằm đạt tới 3 mục tiêu: Sử dụng – Đẹp – Ý nghĩa. Opera Sydney hay Mái sảnh của Bảo tàng Louvre là những kiến trúc độc đáo vì đạt trọn vẹn được cả 3 mục tiêu này. Chỉ có KTS giỏi và Chủ đầu tư có hiểu biết mới hiện thực hóa được 3 mục tiêu trên cùng một lúc. Theo ý kiến của Frank O’ Gehry thì có đến 98% những khối hình (công trình kiến trúc và tượng đài) được xây dựng trên thế giới này chỉ đạt được mục tiêu thứ nhất (sử dụng) hoặc thứ 2 (đẹp). Việc một công trình kiến trúc hoặc tượng đài đạt được cả 3 mục tiêu sử dụng – đẹp – ý nghĩa là vô cùng hiếm hoi. Điều này giải thích tại sao môi trường xây dựng (built environment) luôn là những bãi thải xấu xí, tạo nên sự ô nhiễm thị giác (visual pollution) và xã hội luôn phải gánh chịu hậu quả.

Tuy nhiên, sự sắp đặt trong kiến trúc về căn bản là khác với Nghệ thuật Sắp đặt ở nguyên tắc làm nên bố cục. Để có thể “sắp đặt” một công trình kiến trúc, người ta phải dựa trên các nguyên tắc và qui luật nhất định, đó là: Yêu cầu sử dụng – Vật liệu và kỹ thuật xây dựng – Hiệu quả kinh tế. Chỉ riêng điều này đã cho thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa kiến trúc và Nghệ thuật Sắp đặt. Về phương diện này, nghệ sĩ Sắp đặt có nhiều ưu thế hơn hẳn KTS, có nhiều ưu thế và sự tự do hơn hẳn kiến trúc trong cách thức Sắp đặt. Kiến trúc của Ludwig Mies van der Rohe tuy thường bị cho là quá khô khan, tẻ nhạt thì dù sao cũng vẫn là một tác phẩm tài tình và tuyệt vời nếu xét dưới góc độ “sắp đặt”.

Cung điện Versailles – tâm điểm của 3 trục đường hội tụ biểu tượng cho chế độ Quân chủ tập quyền

Sự tương đồng giữa kiến trúc và Nghệ thuật Sắp đặt thể hiện trong cách diễn đạt, ngôn từ và những thông điệp muốn truyền gửi. Một công trình kiến trúc hoặc tượng đài chính là một sự sắp đặt đầy tham vọng về việc truyền gửi những thông điệp với những ý nghĩa nhất định. Tổng thể Cung điện Versailles là một sự sắp đặt khổng lồ với ý nghĩa lớn lao, biểu hiện cho sức mạnh của nền quân chủ tập quyền Pháp dưới thời của Louis XIV, với cung điện nằm ở trung tâm của bố cục, tượng trưng cho Mặt trời (cũng chính là danh xưng của Louis XIV). Các trục đường chính đều được bố cục theo lối hướng tâm, hội tụ về phía cung điện lại là hình ảnh tượng trưng cho những tia sáng, hào quang tỏa ra từ uy quyền của nền quân chủ.

Sắp đặt “Huyền sử” của Đinh Khắc Thịnh gửi đi những thông điệp từ một truyền thuyết về sự tích Âu Cơ – Lạc Long Quân mà người Việt đã truyền tụng từ xa xưa cho đến hôm nay.

Kiến trúc – Nghệ thuật Trình diễn

Truyền gửi những thông điệp văn hóa là một nhu cầu của Nghệ thuật Đương đại, bao gồm cả kiến trúc. Mục tiêu của kiến trúc Hậu Hiện đại chính là những thông điệp – nó nhằm vào một sự trình diễn bằng ngôn ngữ hơn là chỉ sắp đặt những lợi ích về công năng. Tòa nhà Dancing House – Prague – được lấy cảm hứng từ hình ảnh của Fred and Ginger – 2 vũ công nổi tiếng của Prague chứ không phải là công năng. Đây chính là bước đầu tiên của kiến trúc hậu hiện đại trong cuộc “trình diễn” của mình để lôi kéo công chúng vào những cuộc “đối thoại” với kiến trúc, điều mà Chủ nghĩa Hiện đại đã kiên quyết loại trừ từ hơn nửa thế kỷ trước đó.

Sau những cuộc trình diễn khá ồn ào của Kiến trúc Hậu Hiện đại, người ta chợt nhận ra rằng những nỗ lực của nó vẫn chưa thực sự chạm đến những cảm nhận sâu kín và tinh tế của công chúng. Những giải pháp của màn trình diễn mang tên “Hậu Hiện đại” không mang đến những hiệu quả tích cực như mong muốn, vì nó thay thế sự khô khan này bằng một sự giả tạo khác. Sau cái ngạc nhiên ban đầu, sẽ lại là một sự nhàm chán khác.

Đến lúc này, nhiều KTS của thế hệ mới đã tìm đến một cách thức trình diễn khác, không bằng những hình ảnh gây lạ mắt và lôi kéo sự chú ý mà bằng cách khơi gợi suy nghĩ và cảm nhận của mọi người về những gì mà họ có thể đạt tới một cách tự nhiên, nhất khi tiếp cận với kiến trúc. Có thể nói, cũng giống với nghệ thuật, kiến trúc không chỉ diễn đạt bằng những phương thức truyền thống mà tìm cách phản ánh cách chúng ta nhìn – thấy và suy nghĩ như thế nào về thế giới và về bản thân mình.

Khu tưởng niệm 11/9 ở New York (Degree Zero) truyền đạt thông điệp văn hóa đến công chúng thăm viếng không bằng những ngôn ngữ “nghệ thuật” thường gặp trong thể loại này – sự bi thương, đau xót trước những thảm họa to lớn đến từ sự kiện khủng bố kinh hoàng nhất. Ở đây không có sự mô tả nào để trực tiếp nhắc nhở, dẫn dắt công chúng “nâng cao nhận thức và tình cảm” theo những “ý đồ sáng tác” đã trở thành khuôn mẫu. Tất cả chỉ là sự trống vắng hoàn toàn của cái không gian mênh mông được in dấu ngay trên vị trí mà hai tòa tháp WTC nổi tiếng đã từng đổ xuống). Điều này tương ứng với sự thật kinh hoàng khi mà sinh mạng của 2.996 người bị cướp đi chỉ trong giây phút, hơn 6.000 người bị thương, thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ đôla và gây tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ đôla. Đó là chưa nói tới sự chấn động của toàn thế giới liên quan đến sự kiện này.

Dancing House

Có thể nói, với sự mất mát quá to lớn như trên thì không thể có một ngôn ngữ nghệ thuật – hình khối nào có thể tương xứng để diễn đạt, để cho “ngang tầm sự kiện” được. Giải pháp nghệ thuật thông minh nhất chính là trả lại cho người thăm viếng cái quyền được ngậm ngùi, quyền được lặng im trước những mất mát đến không thể lý giải được cho rành mạch. Người ta không cần phải khóc lóc, vật vã như thường gặp, mà người ta cần phải gần như câm lặng đắm chìm vào khoảng không gian mênh mông, trống vắng đó, trong miên man suy nghĩ, dằn vặt và hồi tưởng, trong tiếng thác nước đổ dào dạt. Những bụi nước sẽ giúp cho những giọt lệ ngừng tuôn rơi, những vòng màu cầu vồng do bụi nước tạo thành trong nắng sẽ đưa tâm tư người ta trong giây lát vượt lên khỏi thực tại và có thể vực dậy cả một chút niềm hy vọng mỏng manh vào lẽ phải và cả sự công bằng. Đó có thể là phương thức tốt nhất mà các KTS – những nghệ sỹ Sắp đặt – những người truyền thông điệp có thể khơi gợi, có thể đem lại cho công chúng. Đó cũng chính là sự trình diễn của Kiến trúc Đương đại. Sự trình diễn đó sẽ làm nảy sinh nhiều cảm xúc và suy tư của công chúng. Trong màn trình diễn này của kiến trúc, người ta sẽ được “đọc” theo nhiều cách khác nhau, có thể chồng chéo hoặc trái chiều nhau về những ý nghĩa của sự kiện tuỳ theo ngữ cảnh, tâm trạng của mỗi người.

Chính chức năng này đã đặt lên vai người nghệ sĩ – KTS trách nhiệm tạo nên sự kết nối những cảm nhận riêng của mỗi chúng ta với những câu hỏi về thế giới và sự tồn tại.

Kết luận

Để thực hiện những sứ mạng của mình, kiến trúc ban đầu thiên về việc “sắp đặt” và trên thực tế đã tạo nên nhiều tác phẩm tuyệt vời, có phẩm chất nghệ thuật cao.

Tuy vậy, Kiến trúc Hậu Hiện đại dần rời bỏ con đường của những kiểu cách tạo tác và motif nghệ thuật truyền thống để bước sang con đường của những tạo tác giàu tính biểu hiện hơn, công trình mà họ thiết kế thực sự là một cuộc trình diễn, mời gọi đối thoại hoặc thậm chí châm chọc công chúng.

Khu tưởng niệm 11/9 (Degree Zero)-New York

Khắc phục những hạn chế trên, Hiện tượng học (phenomenology) đã xuất hiện và tạo nên một cách thức trình diễn hoàn toàn khác, sâu sắc và mang tính gợi mở nhiều hơn để mang lại cho kiến trúc không chỉ một diện mạo mới mà còn là một cách cảm thụ mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Diêu Lan Phương, 2010, TẢN MẠN VỀ HẬU HIỆN ĐẠI VÀ ĐẠI TỰ SỰ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 708, tháng 3/2010, từ trang 100 đến trang 106; trang web của Tạp chí VNQĐ

2. Lê Thanh Sơn, 2001, MỘT SỐ XU HƯỚNG KIẾN TRÚC ĐƯƠNG ĐẠI NƯỚC NGOÀI, NXB Xây Dựng

3. Lê Thanh Sơn, 2003, KIẾN TRÚC PHƯƠNG TÂY TỪ TRUNG ĐẠI ĐẾN HIỆN ĐẠI, NXB Trẻ

4. Lê Thanh Sơn, 2018, KIẾN TRÚC VÀ CÁC HỆ QUI CHIẾU MỸ THUẬT, Tạp chí Kiến trúc

5. Marie – Laure Ryan, Hải Ngọc dịch, TỰ SỰ, Nguồn: “Narrative”, in trong Routledge Encyclopedia of Narrative Theory, David Herman, Manfred Jahn & Marie-Laure Ryan ed., Routledge Ltd, 2010, p.544-8.

6. J.K Melvil, HIỆN TƯỢNG HỌC – “ĐẾN VỚI CHÍNH SỰ VẬT”, Nguồn: J.K Melvil. Các con đường của triết học phương Tây hiện đại. Đinh Ngọc Thạch và Phạm Đình Nghiệm dịch. Nxb. Giáo dục, 1997, tr. 74-92.

7. Charles Jencks, Phan Việt Thuỷ chuyển ngữ, CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI LÀ GÌ, (Dịch theo bài “What is Post-Modernism” của Charles Jencks in trong cuốn The Fonta Postmodernism Readerdo Walter Truett Anderson biên tập, Fonta Press xuất bản, 1996, tr. 26-30). Nguồn: Dẫn theo http://www.vanhoahoc.vn – Theo: http://phebinhvanhoc.com.vn

TS.KTS Lê Thanh Sơn

ĐH Kiến trúc TP. HCM

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)