Nhà ở người nghèo thích ứng với triều cường trên kênh Quận 4 – TP.HCM

Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) có mật độ sông ngòi, kênh rạch cao, nên thường bị tác động mạnh bởi triều cường. Những khu nhà ở của người dân gần những vùng đất thấp của TP HCM chịu ảnh hưởng từ hiện tượng triều cường ngày càng rõ rệt và gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu và khảo sát thực trạng nhà ở người nghèo ven kênh Tẻ (Quận 4, TP.HCM), để từ đó đưa ra các giải pháp cho nhà ở người nghèo thích ứng với triều cường, hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng đời sống của người dân sống ven kênh Tẻ của TP.HCM.

Vấn đề chung

Triều cường là hiện tượng thuỷ triều của nước biển, nước sông dâng lên và giảm xuống trong một chu kỳ thời gian nhất định. Triều cường (tiếng Anh: Spring tide) xảy ra khi Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất nằm thẳng hàng nhau (tạo lực hút lớn nhất từ Mặt Trời và Mặt Trăng), hiện tượng này thường diễn ra vào các ngày Mồng 1 và ngày Rằm hàng tháng.

Thực ra, không phải đến những năm gần đây TP. HCM mới đối mặt với hiện tượng thủy triều dâng cao, vấn đề này đã xuất hiện từ rất lâu cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mực nước triều của sông Sài Gòn ngày càng cao, ảnh hưởng rõ rệt tới đời sống của người dân tại những khu vực có địa hình trũng thấp, đặc biệt là các quận huyện vùng ven đô. Mực nước triều của sông Sài Gòn lại chịu tác động trực tiếp từ mực nước biển dâng do hiện tượng biến đổi thời tiết. Theo số liệu thống kê của Đài khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, mức triều cường tại trạm An Phú trên sông Sài Gòn cao tới 1,40m, gây ảnh hưởng tới các quận huyện ven đô như quận 2, quận 4, quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, Gò Vấp,… Đợt đỉnh triều vào đầu tháng 10/2018 đạt mức 1,65m đã gây ngập trên diện rộng nhiều tuyến đường lớn và khu dân cư của quận 7, huyện Bình Chánh, Bình Tân, và Nhà Bè.

Vị trí Quận 4 trên bản đồ khu vực Tp. HCM

Quận 4 nằm giữa Quận 1 và Quận 7 của TP.HCM, địa bàn của quận 4 có hình dạng như một cù lao tam giác, xung quanh đều là sông và kênh rạch (Hình 1). Địa hình bằng phẳng, độ dốc nhỏ hơn 0.1% nhưng trũng thấp, cao độ trung bình từ 0 – 1,6m so với mực nước biển, cho nên Quận 4 là một trong các quận trung tâm của TP.HCM thường xuyên bị ngập bởi triều cường. Do tọa lạc ở vị trí không thuận lợi về mặt địa hình và chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, nên đời sống người dân ven kênh rạch gặp nhiều khó khăn khi phải chịu cảnh triều cường, nước từ sông, kênh rạch dâng lên tràn vào nhà, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân. Không những vậy, triều cường thường xuyên tác động lên nhà cửa, cầu đường sẽ gây hư hỏng các công trình nhà ở, đặc biệt nhà ở người nghèo sát các kênh rạch, gây suy giảm nguồn đất, tác động mạnh đến đời sống sinh hoạt của người dân và cả các khu kinh tế. Hệ quả tất yếu là gia tăng đói nghèo, nhà ở lụp xụp vẫn tồn tại mãi ven các con kênh, tạo ra các khu nhà ổ chuột gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường sống và làm việc (Hình 2).

Việc di dời, giải tỏa nhà ở ven kênh rạch không dễ dàng vì người dân không đồng tình với chính sách đền bù, tái định cư của thành phố. Việc bố trí địa điểm tái định cư cho các hộ dân này cũng gặp khó khăn bởi quỹ đất của thành phố còn hạn chế, trong khi hầu hết người dân muốn sinh sống ngay tại nơi họ đã gắn bó bao lâu nay.

Triều cường tại đường Tôn Tất Thuyết, Quận 4

(Nguồn: VnExpress, 2018)

Nhà nổi ở Maasbommel được thiết kế bởi Waterstudio và Dura Vermeer, Hà Lan (Nguồn: TC Kiến trúc, 2016)

Trước tình hình trên, việc tìm hiểu, đánh giá thực trạng nhà ở của người nghèo ven kênh Tẻ (Quận 4, TP.HCM), chịu tác động của hiện tượng triều cường là rất cần thiết và có ý nghĩa. Để từ đó đưa ra các giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm thích ứng với triều cường tại khu dân cư dọc theo các kênh rạch của TP.HCM. Nhiệm vụ này hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng đời sống của người dân sống ven kênh Tẻ, đồng thời bảo vệ cuộc sống cư dân, tạo ra những cơ hội nghề nghiệp ổn định cho người dân trên địa bàn Quận 4, TP.HCM.

Kinh nghiệm quốc tế

Hà Lan là đất nước có địa hình trũng thấp so với mực nước biển, nên kiến trúc nhà ở cũng có nhiều đặc thù và nơi đây có những công trình nhà nổi nhằm ứng phó với nước biển. Công ty kiến trúc Waterstudio và Dura Vermeer (Hà Lan) đã có thiết kế nổi tiếng về loại hình nhà nổi ở Massbommel. Ngôi nhà được thiết kế để có khả năng tự nổi lên cao mỗi dịp lũ lụt. Hệ thống điện và cung cấp nước vẫn luôn được đảm bảo trong suốt quá trình nổi nhờ vào những ống dẫn dẻo. Ngoài ra, hiện nay các nhà khoa học Hà Lan đang nghiên cứu và triển khai những dự án xây dựng hệ thống “đê chắn sóng thông minh” bằng cách tích hợp công nghệ cảm ứng để giám sát những con đê, đập nhằm đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ bị nước biển tàn phá do biến đổi khí hậu. Theo đó, các chuyên gia và các nhà khoa học thủy lợi Hà Lan đang thử nghiệm gắn các chip vào thân đê, đập nhằm mục đích phát hiện sớm và cảnh báo các trận sóng thần và nước biển dâng. Như vậy, những kinh nghiệm thực tế của Hà Lan có thể là những giải pháp hữu hiệu cho Việt Nam tham khảo và học hỏi ứng dụng tiêu thoát nước tại các đô thị lớn.

Công trình nhà nổi “Amphibious House” được Baca Architects thiết kế nổi và sẽ dâng cao theo mực nước mỗi lần ngập lụt. Nằm trên bờ sông Thames thuộc thị trấn Buckinghamshire ở Marlow (Anh), ngôi nhà này được xây dựng trên hai bệ đỡ tách rời cho phép hệ kết cấu nổi trên phần mở rộng được định sẵn khi nước sông Thames dâng cao sẽ làm đầy khoang chứa và giữ ngôi nhà luôn nổi trên mặt nước. Amphibious House là ngôi nhà nổi đầu tiên tại Anh Quốc và có thể nổi lên tối đa 2,5m.

Amphibious House tại Anh quốc (Nguồn: TC Kiến trúc, 2017)

Giải pháp đề xuất cho nhà ở trên kênh Tẻ, quận 4, Tp.HCM

Xuất phát từ thực tiễn hàng ngày diễn ra trước mắt, nhóm tác giả nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của việc giúp người dân nghèo sống ven kênh rạch có cuộc sống ổn định, nhà ở không bị ngập khi triều cường. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp cho nhà ở người nghèo thích ứng với triều cường trên kênh Tẻ, Quận 4.

Khu vực lựa chọn nghiên cứu là tuyến đường Tôn Thất Thuyết chạy dọc kênh Tẻ. Đây là chịu ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng từ hiện tượng triều cường (Hình 8). Nhà ở của dân sống tại đây luôn có xu hướng lấn chiếm không gian, xả thải trực tiếp xuống bờ kênh, gây tắc nghẽn cống thoát nước thải. Kết quả điều tra khảo sát thực tế tại khu vực này cho thấy, trong số 100 hộ dân nghèo và cận nghèo được phỏng vấn về tác động của triều cường, 84% ý kiến đánh giá triều cường đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt thường ngày của người dân; 52% ý kiến đánh giá triều cường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, và 29% ý kiến đánh giá có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán của họ.

Khu vực lựa chọn nghiên cứu – đường Tôn Thất Thuyết, kênh Tẻ, Quận 4 (Nguồn: Nhóm tác giả, 2018)

Triều cường gây ảnh hưởng đến nhà ở, sức khỏe và sinh hoạt của người dân Quận 4 (Nguồn: VnExpress, 2018)

– Về hiện trạng khu nhà ven kênh Tẻ trên tuyến đường Tôn Thất Thuyết: Nhà ở có vị trí không đồng đều, chen lấn ra phía bờ kênh Tẻ. Không gian mặt bằng nhà ở chật hẹp, bất tiện; bố trí không gian ở thiếu hợp lý, dẫn đến không gian sinh hoạt chật chội, ngột ngạt, và chất lượng sống rất hạn chế. Hình thức kiến trúc nhà ở thì lụp xụp, kết cấu chủ yếu các cột chống bằng gỗ hoặc bê tông. Kết cấu bao che chủ yếu là tôn cũ chắp vá hoặc các tường gạch ống thô. Sàn thường lát bằng các tấm ván ghép nối thô sơ không chắc chắn. Không có hệ thống xử lý chất thải, hầu hết lượng nước thải sinh hoạt của hộ gia đình đều thải trực tiếp xuống dòng kênh Tẻ.

– Giải pháp tổng thể: Các ngôi nhà được trang trí bởi màu sắc khác nhau nhằm tạo sự tươi mới, sức sống mới, góp phần tạo nên một hình ảnh mới của khu vực. Phần nhà nhô ra phía kênh là 4,0m, để vẫn giữ được phong tục sống bám kênh bám biển truyền thống, đồng thời tạo vẻ đẹp mỹ quan đô thị từ phía bờ kênh.Tổng thể các giải pháp kiến trúc và kỹ thuật dưới đây sẽ góp phần đem lại không gian sống tốt đẹp hơn cho người dân nghèo trong khu vực kênh Tẻ.

– Giải pháp đề xuất: Áp dụng cho một công trình nhà ở của người dân trên bờ kênh Tẻ, mang tính điển hình cho cả khu vực dọc tuyến đường Tôn Tất Thuyết, Quận 4. Diện tích căn nhà nhỏ, với không gian sống chật hẹp, bị hạn chế, không gian sinh hoạt chật chội, ngột ngạt, môi trường bên ngoài thiếu an toàn và mất vệ sinh.

  • Giải pháp ngăn chia không gian linh hoạt

Về phương án thiết kế kiến trúc, nhóm đề xuất ngăn chia không gian linh hoạt ngôi nhà gồm hai phần, phần trước nhà cố định và phần sau nhà di chuyển linh hoạt. Từ khu vực phòng ngủ trở về phòng khách là phần cố định, kết cấu chắc chắn bằng hệ cột bê tông. Phần sau nhà, khu bếp và vệ sinh có khả năng dịch chuyển lên – xuống khi triều cường dâng cao tràn vào nhà. Để thực hiện ý tưởng đó, cần tích hợp các không gian trong ngôi nhà diện tích nhỏ như kết hợp bếp và ăn, phòng khách kết hợp kinh doanh, và vẫn đảm bảo không gian sống thoải mái, an toàn và sạch sẽ.

Mặt cắt dọc nhà ở trên kênh

a)Trường hợp mực nước thấp, nhà ở vị trí bình thường, sàn phía sau bằng sàn phía trước nhà

b)Trường hợp mực nước bắt đầu dâng cao, sàn nhà bắt đầu dịch chuyển và các móc nối hoạt động

c)Trường hợp mực nước lên đỉnh, đẩy sàn lên cao nhất tránh bị ngập, và móc nối giữ sàn cố định
  • Giải pháp sử dụng phao nổi ngăn triều cường từ bờ kênh

Giải pháp được đề xuất đối với chi tiết cấu tạo nâng hạ ngôi nhà, sử dụng lực đẩy của phao nổi (tải trọng 200kg) để dịch chuyển lên xuống phần sau của ngôi nhà. Phao nổi được bố trí tại chỗ giao nhau giữa hai phần sàn nhà trước – sau, với mục đích ngăn triều cường từ phía mặt kênh sau nhà. Phao chuyển động lên xuống nhờ có hai thanh thép kích thước 80 cm, tách rời nhau, có móc nối để trượt lên nhau theo phương thẳng đứng. Hệ kết cấu này còn phối hợp với một vách ngăn nước làm bằng thép không rỉ, nhằm tạo thành vách ngăn chặn nước, không cho nước tràn vào nhà khi triều cường dâng cao. Khi mực nước trên mặt kênh rạch dâng lên đến mức nhất định thì phần sau ngôi nhà sẽ dịch chuyển theo cao độ mặt nước dưới tác động của phao nổi. Phần sau ngôi nhà luôn được giữ ổn định, không bị rung lắc bởi hai thanh thép có mốc nối như đã trình bày ở trên.

Giải pháp dùng phao nổi và vách ngăn trượt
  • Giải pháp sử dụng cửa có vách ngăn triều cường

Để giúp ngăn nước tràn vào nhà từ phía trước, đề xuất giải pháp sử dụng cửa ra vào đặc biệt gồm 2 thành phần để ngăn chặn nước khi có triều cường trên bề mặt đường phố. Cửa gồm phần trên để đi qua lại bình thường, nhưng có phần dưới, cao khoảng 60 cm so với mặt nền, được lắp cố định để ngăn nước tràn vào nhà. Phần cố định này được gắn chặt vào hai khung cửa, và có đệm mút cao su giữ chặt 3 cạnh (bên dưới & hai bên cạnh) để ngăn không cho nước rò rỉ từ ngoài vào trong nhà. Ngoài ra, cấu tạo mái hai lớp truyền thống cũng làm giảm bớt bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp vào công trình, không gian ở sẽ thông thoáng, mát mẻ hơn.

Giải pháp sử dụng cửa có vách ngăn triều cường
  • Giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt, giảm ô nhiễm bờ kênh

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm bờ kênh, tạo môi trường sống trong sạch hơn cho người dân, nhóm đề xuất giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt bằng cách dùng bồn tự hoại và hệ thống lưới thu gom rác cơ động, linh hoạt. Nước thải sinh hoạt được thu vào hệ thống thùng phao (bè nổi bên dưới), rồi thoát ra hệ thống cống hoặc kênh. Còn nước thải bồn cầu tự hoại qua quá trình lọc lắng và xử lý hóa học, mới được đưa ra hệ thống cống thoát nước công cộng.

Ngoài ra, để ngăn chặn rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình vứt ra mặt kênh rạch, nhóm tác giả đề xuất giải pháp sử dụng lưới thu gom rác đặt ngay bên dưới mỗi khu nhà ở, nơi tiếp giáp mặt bờ kênh. Hệ thống này nhằm hạn chế rác thải trôi nổi trên mặt kênh rạch. Rác thải vô cơ khi bị vứt xuống kênh sẽ không tự do trôi nổi khắp nơi, mà tập trung quanh một chỗ, từng khu vực nhất định, sẽ được công nhân vệ sinh môi trường dễ dàng và nhanh chóng thu gom. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, mà còn tiết kiệm cả chi phí thu dọn vệ sinh môi trường, giảm nhân công thu dọn rác, giảm chi phí vận chuyển thu gom rác dọc theo các tuyến kênh. Kết quả tích cực sẽ tác động đến ý thức của người dân về việc bảo vệ cảnh quan môi trường sống, đem lại cho người dân trong khu vực không khí trong lành và môi trường sống tốt đẹp hơn.

Giải pháp sử dụng mái nhà 2 lớp để giảm bức xạ nắng nóng
Giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt

Biện pháp thúc đẩy từ phía chính quyền địa phương là đầu tư trang thiết bị thu gom rác trên bề mặt kênh, thực thi nghiêm các quy định xử lý hành vi xả thải xuống kênh. Đồng thới, công bố các mức phạt cụ thể đối với những người vi phạm.

Các ngôi nhà được trang trí bởi màu sắc khác nhau nhằm tạo sự tươi mới, sức sống mới, góp phần tạo nên một hình ảnh mới của khu vực. Tổng thể các giải pháp kiến trúc và kỹ thuật góp phần đem lại không gian sống tốt đẹp hơn cho người dân nghèo trong khu vực kênh Tẻ. (Nguồn: Nhóm tác giả, 2018)

Thay lời kết

Nhằm góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nghèo tại các khu vực chịu ngập lụt, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu và đề xuất một số giải pháp kiến trúc và kỹ thuật để giúp nhà ở thích ứng tốt hơn với triều cường trên kênh Tẻ, quận 4, TP.HCM. Nhóm tác giả tin tưởng và hy vọng qua nghiên cứu này sẽ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của triều cường gây ngập lụt, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh nhà ở người dân, đồng thời góp phần cải thiện mỹ quan đô thị. Điều đó cũng sẽ giúp cho TP.HCM sớm trở thành một thành phố văn minh, hiện đại và thực sự đáng sống trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Christiane Droste and Thomas Knorr-Siedow (2014). Social Housing in Germany. Social Housing in Europe, First Edition. Edited by Kathleen Scanlon, Christine Whitehead and Melissa Fernandez Arrigoitia. John Wiley & Sons, Ltd.

[2] Michael Waibel, Ronald Eckert, Michael Bose, Volker Martin (2007). Housing for Low-income Groups in Ho Chi Minh City between Re-Integration and Fragmentation Approaches to Adequate Urban Typologies and Spatial Strategies. Đức

[3] Ngân hàng Phát triển Châu Á (2010). Thành phố Hồ Chí Minh thích nghi với Biến đổi khí hậu. Báo cáo của Hội đồng Thống đốc ADB. 2010

https://www.adb.org/sites/default/files/…/29380/ho-chi-minh-city-adaptation-vn.pdf

[4] Nguyễn Lê ( 2016 ). Giải tỏa nhà ở trên kênh rạch: Cần tìm tiếng nói chung. Kỷ yếu hội thảo Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh “Nhà ở trên kênh rạch TP. Hồ Chí Minh, thực trang và giải pháp”. TP.HCM, 2016

[5] Nguyễn Lê Thành Tài (2016). Đánh giá tác động của kênh Đôi – kênh Tẻ, quận 4 TPHCM đến môi trường.

[6] Nguyễn Xuân Dự (2018). Giải quyết 3 vấn để cơ bản để chống ngập nước tại TP.HCM. Kỷ yếu hội thảo “Tác động của ngập lụt tới kinh tế xã hội của TP.HCM và chiến lược tích hợp để nâng cao khả năng thích ứng và ứng phó”, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. TP.HCM, 2018

TS. KTS. Ngô Lê Minh – Nguyễn Quốc Thống

Bùi Thanh Tuyền – Nguyễn Thị Thúy An

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)