Nhà ở nông thôn mới

Nhà ở nông thôn mới (NƠNTM) là một khái niệm gắn với các điều kiện đang có nhiều thay đổi của kinh tế xã hội hiện nay. Bài báo trình bày quan điểm riêng của tác giả trong việc đề xuất các thiết kế kiến trúc nhà ở dành cho nông thôn mới, được xem xét một cách đồng bộ, gắn với sự hình thành môi trường ở mới ở nông thôn.

Hình 1: Ví dụ về làng mới tại Hàn Quốc được xây dựng theo kiểu làng của CHLB Đức do những người dân áp dụng mô hình mới trong phát triển kinh tế sau khi từ Đức trở về. Ví dụ cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa và kinh tế tới sự hình thành nhà ở nông thôn mới (nguồn https://vietnam.ajunews.com )

Đặt vấn đề

Nhà ở nông thôn là một vấn đề văn hóa xã hội đã được đề cập tới từ nhiều năm trước đây với nhiều góc nhìn khác nhau từ các chuyên ngành xã hội, kiến trúc, quy hoạch không gian, lịch sử. sinh thái môi trường…điều này thể hiện sự phức tạp cũng như tính cấp thiết trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Điều này cũng là lẽ hợp lý vì chúng ta có tới gần 70% dân số là nông dân, hiện đang sống tại nông thôn.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa….đang dần biến không gian cư trú ở nông thôn thành “sân sau” của đô thị, nơi chứa đựng cả những cái tốt lẫn những điều bất cập: Ô nhiễm môi trường do rác thải đô thị, ô nhiễm các dòng sông và nguồn nước, ô nhiễm những tệ nạn xã hội và cả sự biến dạng của không gian cư trú nông thôn, trong đó có nhà ở nông thôn

Để phát triển hài hòa và bền vững hơn ở nông thôn, Đảng và Nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí làm thước đo cho khái niệm này, trong đó nhà ở nông thôn mới (NONTM) phải đảm bảo các yêu cầu: NƠNTM “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Các bộ phận nền, khung, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Đối với khu vực đồng bằng, diện tích ở tối thiểu đạt từ 14m²/người trở lên; khu vực trung du, miền núi diện tích ở tối thiểu đạt 10m²/người trở lên. Diện tích tối thiểu một căn nhà từ 24m² trở lên. Đối với hộ đơn thân, diện tích tối thiểu một căn nhà từ 18m² trở lên. Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên. Kiến trúc, mẫu nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống truyền thống của địa phương, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống cũng như kế thừa hình thức kiến trúc truyền thống, gắn bó hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng…. (Dựa theo theo Nghị quyết 26-NQ/T.Ư của Trung ương Đảng, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh một số tiêu chí nhà ở nông thôn đã được quy định tại Thông tư 41/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bổ sung thêm hướng dẫn thực hiện theo thông tư trên). Những tiêu chí nêu trên có lẽ mới chỉ phản ánh về phương diện hình thức, chưa phản ánh đúng và đủ những yếu tố tác động và cấu thành cấu trúc NONTM, chưa làm rõ được bản chất của vấn đề, do đó sẽ không thấy hết được những việc cần phải làm trong định hướng phát triển NONTM.

Có thể thấy nhà ở thấp tầng đang dần được thay thế bằng nhà ở cao tầng. Đây là một xu hướng khách quan, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế đô thị công nghiệp dịch vụ. Nhưng ở nông thôn, nơi đang diễn ra quá trình thay thế phương thức sản xuất cũ bằng những mô hình phát triển kinh tế mới, điều này sẽ tác động tới bộ mặt nông thôn thế nào? Công nghiệp và dịch vụ của nông thôn sẽ dựa vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng là điểm khác biệt đối với các ngành công nghiệp của đô thị hiện hữu. Có nhiều quan điểm cho rằng: Một khu vực nông thôn phát triển mạnh sẽ dẫn đến quá trình đô thị hóa như các đô thị công nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, ngay cả ở các nước châu Âu phát triển cũng đã có nhiều quan điểm khác cho rằng: Nông thôn sẽ xuất hiện quá trình đô thị hóa, nhưng là sự đô thị hóa theo hướng trở thành một đô thị nông nghiệp. Vì vậy, NONTM cũng sẽ không đi theo con đường phát triển của nhà ở tại các đô thị đã hình thành như hiện nay – Đó cũng là sự phát triển bền vững hơn cho môi trường nông thôn

Vì lý do đó, tác giả muốn nhìn nhận NONTM dưới góc độ là một vấn đề xã hội, được hình thành và phát triển một cách khách quan, tìm ra các quy luật chi phối sự hình thành NONTM, từ đó có được các giải pháp kiến trúc cũng như quản lý phù hợp với thực tiễn phát triển nông thôn mới của chúng ta

Nhà ở nông thôn trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển nhà ở nông thôn qua các giai đoạn lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ sự tác động của cấu trúc không gian làng xã đến cấu trúc không gian nhà ở nông thôn, luôn phụ thuộc vào sự thay đổi của các phương thức sản xuất.

Từ giai đoạn trước đến thời kỳ bắt đầu xây dựng hợp tác xã (HTX), phương thức sản xuất của nông thôn Việt Nam là thủ công, nền kinh tế tự cấp, tự túc đã hình thành không gian làng xã cũng như nhà ở nông thôn truyền thống khép kín. Không gian sản xuất (ngoài ruộng lúa) và sinh hoạt được bố trí ngay trong khuôn viên của nhà, mật độ xây dựng thường thấp, không gian cây xanh, vườn, ao chiếm diện tích lớn hơn nhiều lần diện tích xây dựng. Đa số các thực phẩm thiết yếu được tự cấp ngay tại không gian trong khuôn viên ở. Công trình nhà ở truyền thống chủ yếu là nhà một tầng, một hoặc hai mái dốc để lấy nước mưa.

Giai đoạn hợp tác hóa, nông thôn có một số thay đổi do xuất hiện những không gian sản xuất chung… nhưng việc sản xuất vẫn là thủ công, chỉ có quan hệ sản xuất là thay đổi (XHCN), đây là một mối quan hệ tiến bộ hơn, nhưng lại không đồng bộ với một phương thức sản xuất còn thủ công và lạc hậu. Vì vậy, không gian nhà ở nông thôn không có sự thay đổi lớn, sự thay đổi chủ yếu ở việc sử dụng các vật liệu mới có độ bền và vệ sinh cao hơn. Ngoài ra, nhờ sự áp dụng của một số mô hình sản xuất sinh thái nông nghiệp như Vườn – Ao – Chuồng, khuôn viên nhà ở vẫn giữ được hệ thống không gian mở chiếm ưu thế so với không gian xây dựng. Tuy nhiên, hình thức của công trình nhà ở vẫn ít thay đổi so với nhà ở nông thôn truyền thống, ngoại trừ việc xuất hiện nhiều nhà mái ngói, xen kẽ một số không gian của nhà kết hợp mái bằng, ví dụ như phần hiên nhà hoặc một phần không gian nhà cần kiên cố được làm từ BTCT để bảo vệ lương thực, thực phẩm…

Từ năm 1986 đến nay, cơ chế thị trường mở ra bên ngoài, phương thức sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra một nền kinh tế hàng hóa đã đang tạo ra nhiều đô thị lớn nhỏ trên khắp đất nước. Người nông dân không còn “thuần nông” nữa, nông thôn gần như được coi là “sân sau” của đô thị, chịu nhiều tác động xấu từ đô thị như sự ô nhiễm rác thải, nguồn nước, các vấn đề xã hội và các loại hình kiến trúc đô thị được du nhập thiếu kiểm soát…

Trước đây, sự di dân diễn ra rất chậm và hạn chế do các chính sách quản lý dân cư, nhưng ngày nay quá trình di dân do lao động và việc làm cũng tạo ra nhiều sự biến đổi về không gian nhà ở nông thôn. Mật độ xây dựng bắt đầu tăng lên do nhiều hồ ao, vườn bị san lấp thành đất ở. Nhu cầu về diện tích ở và tiện nghi cũng tăng lên, quỹ đất ở không thay đổi, dẫn đến sự thu hẹp của không gian mở tại nông thôn. Nông thôn đang bị đô thị hóa một cách tự phát, thiếu kiểm soát… tạo nên một bức tranh lộn xộn của nhà ở nông thôn giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Từ những phân tích nêu trên có thể thấy: Sự thay đổi của nhà ở nông thôn truyền thống diễn ra mạnh mẽ. Khi người nông dân đã trở thành công nhân, hoặc ít nhất họ đang vừa làm nông, vừa làm các dịch vụ khác… thì họ đã thay đổi lối sống, cũng như đời sống xã hội của họ đã không giống như cha, ông trước đây. Liệu chúng ta có thể cứ bảo tồn các giá trị nhà ở truyền thống để buộc họ phải bảo vệ những kiến trúc đó? Bài học về Đường Lâm có lẽ đã cho chúng ta câu trả lời.

Như vậy, chúng ta cần khẳng định: Nhà ở nông thôn luôn gắn với môi trường ở của nó, còn môi trường ở được hình thành bởi phương thức sản xuất và các quan hệ sản xuất mới. Chính đặc trưng văn hóa – xã hội của “những con người mới”, không còn “thuần nông” nữa sẽ quyết định một cách khách quan không gian ở cho mình.

Hình thái xã hội và không gian cho một phương thức sản xuất mới tại nông thôn

Nông thôn mới về cơ bản được xác định bởi 19 tiêu chí (theo chương trình Xây dựng NTM của Chính phủ). Tuy nhiên, tất cả những tiêu chí này đều chỉ phản ánh phương thức sản xuất mới tại nông thôn. Nếu trước mắt, một xã nào đó có thể đáp ứng được 19 tiêu chí và được công nhận là nông thôn mới, nhưng nếu trong đó không xuất hiện các mô hình sản xuất mới tại nông thôn thì sớm muộn cũng sẽ không thể tiếp tục phát triển.

Nếu như đô thị được hình thành và phát triển bởi công nghiệp sản xuất hàng hóa, thì nông thôn mới sẽ là một loại hình “đô thị” được hình thành và phát triển bởi công nghiệp sản xuất hàng hóa dựa vào nông nghiệp. Đây chính là một loại hình công nghiệp nông nghiệp (khác với công nghiệp đô thị) giúp hình thành và phát triển các đô thị nông nghiệp (khác với các đô thị công nghiệp) như chúng ta thường thấy. Trên thế giới, chúng ta cũng đã thấy nhiều nền kinh tế phát triển dựa vào sự phát triển của nông nghiệp và các dịch vụ của nó như: Bỉ, Hà lan, Newziland…. Những mô hình phát triển của họ ngày càng thể hiện tính bền vững trong tương lai.

Nếu chúng ta hình dung và nhận thức đúng về một mô hình đô thị nông nghiệp, có thể hình dung ra mô hình nhà ở trong đô thị đó. Chúng ta không thể nói về một mô hình NONTM tách khỏi môi trường ở mới sẽ được hình thành trong tương lai.

Tình trạng nhà ở nông thôn với nhiều kiểu thức lộn xộn, thiếu thẩm mỹ như hiện nay chính là vì môi trường nông thôn của chúng ta chưa được hình thành một cách rõ ràng theo định hướng của đô thị công nghiệp hay đô thị nông nghiệp. Hầu hết nhà ở nông thôn đang nhầm lẫn khi lấy mô hình nhà ở đô thị hiện có để làm hình mẫu cho mình, dẫn đến một mâu thuẫn giữa không gian nhà ở của người đô thị dành cho người nông dân không còn thuần nông, song cũng chưa có một môi trường sống tập trung như đô thị. Sự khập khiễng này cần phải đươc xử lý ngay từ khâu quy hoạch không gian các xã trước khi đề xuất các giải pháp cho NONTM, vì nhà ở, không gian ở chỉ là một thành phần của môi trường ở. Nếu chúng ta không định hướng ngay từ đầu thì các giải pháp về nhà ở sẽ thiếu đồng bộ, không chỉ về phương diện hạ tầng nông thôn, mà còn thiếu sự gắn kết giữa các không gian ở – sinh hoạt – sản xuất… hạn chế chất lượng của các giải pháp nhà ở nông thôn mới.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cao trong chăn nuôi và trồng trọt, tại nông thôn đã và đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, sản xuất theo hướng hàng hóa (công nghiệp), phương thức sản xuất mới hiện đại, năng suất cao đã đang làm thay đổi môi trường nông thôn một cách nhanh chóng. Các mô hình nông trại, trang trại sản xuất theo hướng công nghệ cao…là các vùng sản xuất nguyên liệu và bán thành phẩm cho công nghiệp chế biến nông sản đã giúp hình thành một nền công nghiệp gắn với nông nghiệp một cách hữu cơ và bền vững. Những người nông dân “thuần nông” đang trở thành các “công nhân nông nghiệp” trên chính mảnh đất của họ, sẽ có những nhu cầu về không gian ở mới trong một môi trường ở của nông thôn đã có nhiều thay đổi, chuyển động theo hướng hình thành đô thị nông nghiệp.

Làm rõ sự khác biệt giữa môi trường ở đô thị và môi trường ở trong đô thị nông nghiệp, cũng sẽ làm rõ được sự hình thành nhà ở trong các môi trường đó khác nhau ra sao.

Nhà ở nông thôn mới

Hiện nay, khi nói đến không gian làng xã của nông thôn mới, chúng ta thường thấy nhắc đến việc quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp vì phải dành đất cho giao thông, xây dựng các KCN và xây dựng các cơ sở hạ tầng phát triển nông thôn khác… dẫn đến sự hình thành nhiều khu vực giãn dân mới, được gọi là các khu dân cư mới. Các khu vực này mặc nhiên được coi là sẽ phát triển như một yếu tố tạo thị, do đó được quy hoạch xây dựng như mô hình đô thị mà chúng ta đang thấy hiện nay. Chính vì vậy, việc chia lô đất, tổ chức hạ tầng giao thông với các quy định về xây dựng đa phần điều chỉnh theo các tiêu chuẩn của quy hoạch đô thị. Hình thức này chỉ có thể có hiệu quả tại một số khu vực nông thôn có nhiều KCN loại lớn, có tiềm năng phát triển, có tiềm năng thu hút lao động và các khu vực dân cư xung quanh. Trong tương lai sẽ giúp hình thành một đô thị hoàn chỉnh. Các xã chỉ có một số cụm công nghiệp hay KCN loại nhỏ… sẽ khó có thể thúc đẩy phát triển khu vực dân cư xung quanh, có thể sẽ hình thành một dạng đô thị nửa vời, làm ảnh hưởng tới cảnh quan nông thôn. Những khu vực nông thôn như thế này chiếm đa số, do đó chúng ta cần xem xét lại mô hình quy hoạch xây dựng ở đây theo hướng là một đô thị nông nghiệp hơn là lựa chọn mô hình đô thị công nghiệp đang gây nhiều tác động môi trường, thiếu bền vững

Như vậy, nhà ở nông thôn mới sẽ là những nhà ở được xây dựng tại các xã đạt các tiêu chí về nông thôn mới, nhưng trong đó tiêu chí quan trọng nhất là có sự thay đổi căn bản về phương thức sản xuất tiên tiến, có sự áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao. Với một điều kiện về môi trường ở như vậy, chúng ta có thể hình dung nhà ở nông thôn mới như sau:

– Khu vực làm việc sẽ là những cánh đồng diện tích lớn và những trang trại tập trung quy mô lớn. Sự “hợp khối” của chức năng sản xuất sẽ giải phóng nhiều đất đai khác dành cho hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn. Hệ thống giao thông hàng hóa dành cho sản xuất sẽ ngắn và thẳng, các hệ thống giao thông khác sẽ vẫn đi theo địa hình nhằm tránh san lấp hồ, ao và các khu vực cây xanh khác. Tóm lại mật độ xây dựng vẫn thấp, chỉ có sự phát triển kinh tế tăng lên do sử dụng công nghệ sản xuất chứ không phải do khai thác thêm tài nguyên đất và nước. Vì vậy có thể quỹ đất sẽ tăng thêm chứ không giảm đi, góp phần tạo ra môi trường nông thôn bền vững;

  • “Người nông dân mới” sẽ có xu hướng được quy hoạch vào một điểm dân cư nhằm tạo ra một hạ tầng phục vụ dân sinh một cách hiệu quả;
  • Với hệ số sinh đẻ được dự kiến giảm trong tương lai và khả năng di dân do lao động, dân cư nông thôn sẽ có thể giảm… do đó trong quy hoạch cần tính toán chia lại các lô đất ở có diện tích và kích thước hợp lý hơn;
  • Hiện nay, theo nhiều nghiên cứu, diện tích lô đất cho hộ gia đình tại nông thôn chung bình dao động từ 150 – 300 m2, vì vậy cần tránh quy hoạch các khu vực đất ở theo dạng ống (chiều dài lớn hơn 2 lần chiều rộng). Tốt nhất nên hình thành các lô đất có tỷ lệ 1:1 hoặc 1:1,5 để giúp cho việc ngăn cản sự hình thành các loại nhà ống;
Hình 2: Ví dụ phương án kiến trúc nhà ở cho xã nông thôn mới có lô đất ở 8mx30m (dạng ống), trong đó tác giả đã cố gắng tách khối để đưa hệ thống sân vườn vào khuôn viên nhà và đưa khối cao tầng ra phía sau nhằm giữ tỷ lệ hài hòa với cảnh quan tự nhiên bằng cách ưu tiên cho tuyến thị giác ở khu vực phía trước (Nguồn: Đồ án tốt nghiệp sv Hoàng Thị Huyền Trâm, ngành Kiến trúc Nội thất ĐHXD)
Hình 3: Phương án kiến trúc nhà ở nông thôn được giải yêu thích nhất do cộng đồng bình chọn của KTS Phan công Hùng tại cuộc thi cuộc thi Thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam tổ chức. Lô đất 16mx18m = 288 m2, có tỷ lệ 1:1, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giải pháp thiết kế nhà ở nông thôn mới, với hệ thống sân vườn bố trí quanh nhà

Ví dụ, trong hình 2 cho thấy nếu khối cao tầng đưa ra phía trước dọc theo tuyến đường sẽ làm cảnh quan tự nhiên và không gian mở thoáng đãng bị thu hẹp. Ngoài ra, với diện tích lô đất lớn tới gần 300m2 mà phân lô dạng ống sẽ là không hợp lý cho việc xây dựng nhà ở nông thôn, do đó tác giả đã phải có những giải pháp mượn không gian nhằm giảm bớt diện tích xây dựng

– Tỷ lệ các loại nhà ống thường có chiều cao trên 3 tầng, do đó lấn át các yếu tố tự nhiên xung quanh của cảnh quan nông thôn, vì vậy khi lô đất phát triển theo chiều rộng (thay vì chiều sâu) sẽ cho phép hình thành nhiều loại nhà một đến hai tầng mà vẫn đủ diện tích cho hộ gia đình;

– Cần phải giảm mật độ xây dựng ngay trong các khuôn viên nhà ở bằng cách hình thành các khoảng lùi hợp lý và các sân giữa cũng như sau nhà. Trong trường hợp nhu cầu ở lớn, các khối cao tầng (3 tầng trở lên) phải lùi về phía sau. Các khối một hoặc hai tầng ưu tiên phía trước để tạo sự thông thoáng cho không gian giao thông, đồng thời cũng là tuyến thị giác không bị chặn lại như trong cảnh quan đô thị;

– NONTM, trong đó có những cư dân không cần phải có không gian sản xuất trong khuôn viên ở nữa, do đó sẽ hình thành các không gian nghỉ ngơi giải trí khác tại nhà và không gian công cộng sau giờ làm việc. Nếu có nhu cầu sản xuất nhỏ do sở thích hoặc nghiên cứu… họ có thể sử dụng các không gian tích hợp với không gian ở, hình thành một hệ thống không gian xanh từ ngoài khuôn viên đến trong nhà… giúp tăng cường cây xanh trên một diện tích hạn chế, hình thành các khoảng xanh len lỏi trong không gian xây dựng.

  • Tóm lại kiểu NONTM, nên là các nhà ở một tầng hoặc kết hợp một tầng và 2 tầng trong tổ hợp không gian kiến trúc. Tùy theo diện tích lô đất mà mật độ xây dựng sẽ phải giảm để đảm bảo tối thiểu phải có sân vườn trong khuôn viên nhà
  • Hiện nay đã có nhiều thiết bị công nghệ cao cho việc quan sát và bảo vệ nơi cư trú, do đó nhà ở nông thôn mới cần khuyến khích sử dụng các hàng rào bằng cây xanh nhằm tạo môi trường xanh và sạch cho nông thôn mới.
  • Nông thôn mới nhìn chung sẽ là khu vực thoáng mát, sạch sẽ có các điều kiện về vệ sinh môi trường tốt. Vì vậy, cần khuyến khích người dân xây dựng các giải pháp nhà ở xanh, theo hướng sinh thái (sử dụng nước mưa, gió, năng lượng mặt trời…); khuyến khích sử dụng mái dốc vừa phù hợp hơn với cảnh quan tự nhiên, vừa thuận lợi cho việc áp dụng các thiết bị năng lượng tái tạo.
  • Tăng cường hệ thống cây xanh mặt nước bên ngoài khuôn viên cũng như trong khuôn viên nhà theo hướng hình thành một hệ thống hạ tầng xanh giúp điều hòa nước ngầm, lọc nước, thoát nước hiệu quả hơn dưới tác động ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu.

Kết luận

Theo những phân tích trình bày nêu trên, nhà ở nông thôn mới chỉ có thể hình thành và phát triển trong các điều kiện mới – đó là tại các xã đã được công nhận là nông thôn mới, nhưng phải đáp ứng được điều kiện tiên quyết là đã hình thành và phát triển phương thức sản xuất mới

NONTM không chỉ là một giải pháp thiết kế kiến trúc nhà ở mới dành cho người dân, vì vậy không thể là một giải pháp kiến trúc “đại trà” áp đặt cho các vùng nông thôn, vì nó cần một môi trường bên ngoài phù hợp với sự phát triển. Khi môi trường ở chưa có sự thay đổi thì một vài kiểu nhà ở mới cũng sẽ không làm thay đổi được bộ mặt kiến trúc của nông thôn hiện nay

Tập trung các giải pháp kiến trúc NONTM cho các xã nông thôn mới (có nhiều điều kiện hơn về kinh tế, xã hội, môi trường), dễ đạt được các thành công ban đầu để rút kinh nghiệm, áp dụng cho các điều kiện và địa phương khác. Kết quả cuối cùng là có các giải pháp và mô hình kiến trúc nhà ở phù hợp với nhiều điều kiện phát triển khác nhau của nông thôn hiện nay

NONTM sẽ là mô hình nhà ở theo hướng sinh thái, có tỷ lệ và hình thức phù hợp, hài hòa với cảnh quan tự nhiên chung quanh (đây cũng là sự khác biệt với nhà ở đô thị, phải phù hợp với cảnh quan đô thị – cảnh quan nhân tạo là chủ yếu )

Trên đây mới chỉ là một số suy nghĩ ban đầu của tác giả được đúc kết dựa trên sự phát triển của các mô hình đô thị nông nghiệp đang được nhiều nơi nghiên cứu như một mô hình của sự phát triển bền vững.

*PGS.TS Nguyễn Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2019)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016 – 2020, Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016, Hà Nội.

2. Tổng cục thống kê (2016), Di cư và đô thị hóa, Nhà xuất bản Thông tấn Hà Nội, Hà Nội

3. Trần Lâm Biền (2008), Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.

4. Hà Thế Luân (2009), Thực trạng quy hoạch nông thôn hiện nay, Tuyển tập báo cáo Hội thảo Kiến trúc nông thôn thời kỳ đổi mới, Hà Nội

5. Khánh Phương (2017), Xây dựng nông thôn mới – kinh nghiệm của một số nước châu Á,