Nhà phố đặc sản kiến trúc nhà ở Tp Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 40 năm giải phỏng miền Nam, thiết nghĩ đây cũng là dịp tốt để các KTS nhìn lại chính mình, vui mừng với những thành quả lớn lao, ưu tư với những trăn trở trầm kha… cũng lớn lao không kém của TP HCM trong suốt từng ấy năm qua!



Nhà phố là loại hình nhà ở chiếm tỉ lệ nhiều nhất tại TP HCM

Nói đến kiến trúc nhà ở tại TP HCM, thì phải nói đến một loại hình nhà ở chiếm tỉ lệ nhiều nhất – Đó là nhà phố, hoặc là nhà phố liền kề. Nhà phố, cho dù được xây dựng theo ý riêng của từng chủ nhà, hoặc theo thiết kế của KTS (vẽ dựa trên những đặc thù riêng của từng gia chủ) thì cũng là một cấu trúc gần gũi nhất với cuộc sống thiết thực của người dân! Việc thiết lập cấu trúc nơi ở đó chắc hẳn sẽ chứa đựng nhiều nhất những giá trị văn hoá – xã hội như là: Thế giới quan, nhân sinh quan, văn hoá ứng xử xã hội… của người dân!

Qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển lâu dài, mặc dù vẫn còn những tồn tại cần hoàn thiện, nhưng nhà phố đã chứng minh được tính ưu việt, sự hợp lý và là loại hình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị văn hoá nhất… trên con đường trở thành nét đặc trưng kiến trúc nhà ở TP HCM.

Nhìn nhận kiến trúc từ góc độ nhận thức của người ở, về ý nghĩa, chất lượng sống và sự hiện hữu của họ trong một “nơi chốn” – Nói theo cách nói của Christian Norberg Schult – Chính là tìm hiểu mối tương quan khía cạnh tâm lý xã hội của kiến trúc, hơn là những khía cạnh ứng dụng khác.

Trong GENIUS LOCI, Christian Norberg Schulz nói: “Nơi chốn ảnh hưởng đến con người và nó nằm ngoài định nghĩa bởi chức năng vận hành… Người ta cho rằng mỗi cá nhân không thể đạt đến sự hiện hữu chỉ bằng cách thông qua kiến thức khoa học. Thật vậy, để đạt đến điều đó, con người cần đến biểu tượng hay đúng hơn là các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng cho những hoàn cảnh hiện hữu. Con người thật sự sống ở một nơi khi anh ta đã định hướng và đã định hình , hay đơn giản hơn là anh ta đã trải nghiệm nơi chốn đó”.

Nhà ở đô thị chủ yếu bao gồm hai loại: Chung cư hoặc nhà riêng lẻ (trong đó có nhà phố)

Do bối cảnh lịch sử hình thành và phát triển cùng những điều kiện thực tiễn khách quan đa số cư dân TP HCM sống ở nhà phố. Nhà phố đem đến cho họ nhiều kỷ niệm, nhiều gắn bó trong sinh hoạt, nhiều thứ tiện dụng. Do vậy, hơn ai hết, người ta hết sức “yêu” nó.

Thành phố Sài Gòn trong quá trình đô thị hóa từ xa xưa, đã giữ lại trong lòng nó những con đường làng quanh co. Nhà văn Sơn Nam cho biết: Những con hẻm ngày trước được dành cho người đi bộ và cũng để cho xe ngựa chở hàng hóa, không chạy quá nhanh theo các con hẻm quanh co do thế đất. Hình thức ban đầu của nhà phố chính là những căn nhà bám theo mặt đường làng.

Những con đường làng này cũng biến dạng ngày càng thu hẹp và nằm sát nhau, để đủ cho nhu cầu phát triển dân số và sinh hoạt mua bán, sản xuất của người dân. Bên cạnh những con hẻm có tiền thân là những đường làng ấy, còn có những con hẻm được quy hoạch trước đây – khi Sài Gòn trở thành Hòn ngọc Viễn đông, khang trang hơn, thông thoáng hơn.

Ngoài bộ mặt sôi động, phồn hoa, TP HCM còn có một bộ mặt khác tĩnh lặng hơn – Đó là hệ thống vô vàn con hẻm nhỏ, chia nhánh chân rết từ mặt tiền hoa lệ, đi sâu vào trong, tạo thành một mạng lưới với nhịp sống nhẹ nhàng. Đây là nơi mà khoảng 80% cư dân đô thị, sau một ngày làm việc về với cuộc sống gia đình.

Tại những con hẻm, cuộc sống hàng ngày vẫn chảy với những câu chuyện riêng của nó, thân thiện, gần gũi, mang dấu ấn của tình nghĩa phố phường, tình làng nghĩa xóm.

Nếu chỉ đánh giá Sài Gòn bằng những đại lộ hoành tráng, những ngôi nhà cao tầng, những nhà hàng, quán cà phê sang trọng thì quả là còn khiếm khuyết. Vì bên cạnh đó vẫn còn có những khu nhà, những con hẻm với lối sống rất đô thị nhưng vẫn còn mang tính cộng đồng cao, được giữ gìn và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hẻm là nét đặc biệt rất Sài Gòn mà người đi xa không bao giờ quên được. Đó là những con hẻm mà ở đó chỉ có những công chức với cuộc sống sinh hoạt đều đặn sáng đi tối về cần mẫn, những con hẻm này lúc nào cũng gọn gàng, tươm tất và sạch sẽ. Đó có thể là một hẻm nghề – nơi tập trung những con người cùng sống chết với một nghề, qua bao đời thịnh suy nhưng lúc nào cũng có những nghệ nhân tâm huyết.

Đó cũng có thể là hẻm của cộng đồng những người cùng tôn giáo, họ có quy tắc sống và ứng xử đặc trưng, triết lý sống của tôn giáo ấy. Hoặc là những con hẻm của người Hoa, Chăm, Khmer với những sinh hoạt cộng đồng đặc biệt. Hoặc là hẻm của các cư dân đồng hương hoặc cũng có thể là một con hẻm ẩm thực với nhiều hàng quán buôn bán đủ loại đồ ăn, thức uống tạo thành một nét riêng rất Sài Gòn…

Sinh hoạt của người sống trong hẻm khác nhau theo lứa tuổi. Đối với người trung niên, lớn tuổi, đó là nơi ngồi lại với nhau để cùng chơi một ván cờ, uống một ly trà và cùng bàn chuyện thời sự, tin tức… Đối với bọn trẻ con – Đó là nơi cùng nhau chơi đùa, nơi tập thể dục, nơi sinh hoạt tập thể. Đối với những người bôn ba kiếm sống ở bên ngoài, thì con hẻm là nơi tĩnh lặng mà căn nhà của họ ẩn mình, giúp họ giải tỏa đi nhiều căng thẳng do cuộc sống mưu sinh mang lại. Vì thế các con hẻm mang màu sắc khá tương phản với các khu mặt tiền luôn sống động, náo nhiệt.

Mỗi con hẻm Sài Gòn là mỗi mảnh đời riêng. Trải qua bao biến động thăng trầm của đời sống phố thị, hẻm ở Sài Gòn – TP HCM với những đặc trưng riêng của nó vẫn tồn tại trong cơ thể đô thị đang ngày càng phình to. Cuộc sống phố thị ồn ào, tất bật càng làm cho con người quý trọng không gian sống yên tĩnh nơi con hẻm sáng đi tối về của mình hơn. Không gian sống ấy dù nhỏ, dù còn nhiều bề bộn, chưa sạch đẹp nhưng thật sự là nơi gắn kết các cá nhân trong gia đình, là nơi con người chia sẻ những giá trị sống cho nhau…. Thế nên hẻm phố và cuộc sống hẻm phố đã trở thành những giá trị đặc biệt trong văn hóa đô thị Sài Gòn – TP HCM.

Không gian công cộng trong những con hẻm tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nhau và có mối quan hệ thân thiết hơn qua những sinh hoạt có tổ chức như những buổi họp tổ dân phố, những buổi đi bộ vì người nghèo, vì nạn nhân chất độc da cam, những buổi đọc sách, những buổi chiếu phim…; hoặc những sinh hoạt không chính thức như tập dưỡng sinh, đánh cờ tướng, uống trà, uống cà phê trước nhà, trẻ con vui chơi…

Tất nhiên là không thể để các con hẻm tồi tàn tồn tại như khu nhà ổ chuột trên kênh Nhiêu Lộc trước đây. Cần phải cải tạo chúng, đồng thời phát triển những mặt mạnh của chúng. Có thể từ những giá trị văn hóa hẻm phố này, với lối sống linh động đặc trưng của người dân TP HCM, tiến tới lập các khu đô thị mới với những tuyến phố đi bộ, tuyến phố xuyên các khu nhà hiện đại để tái tạo phong cách trên.

Rõ ràng nhà phố đã góp phần hình thành những hẻm phố với không gian công cộng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, những hẻm phố trở nên văn minh, trở thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Hãy tìm bản sắc kiến trúc không chỉ ở những hình thức chi tiết của từng công trình kiến trúc riêng rẽ mà phải tìm nó trong cái cách ông cha ta đã tạo dựng nơi ở gắn kết với thiên nhiên, tương tác giữa người với người… để xây dựng chốn ở, xây dựng đô thị, thật sự tạo ra “hồn nơi chốn!“

Tạo tác công trình Kiến trúc là làm sao cho con người cảm nhận được cái tinh thần nơi chốn. Công việc kiến trúc nằm trong sự sáng tạo những nơi chốn có ý nghĩa giúp cho con người nhận thấy sự hiện hữu của mình trong đó quan trọng hơn là những gì thuộc về công năng và thẩm mỹ.

KTS Vũ Xuân Thao