Nhận dạng kiến trúc cảnh quan một số công trình di tích lịch sử, văn hóa dọc sông Vàm Cỏ Đông – định hướng không gian phát triển du lịch

Sông Vàm Cỏ Đông, nhánh phía đông của sông Vàm Cỏ, bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia, chảy vào Việt Nam qua xã Thạnh Bắc (Tân Biên) và xã Biên giới, Xã Thành Long (Châu Thành), tỉnh Tây Ninh. Sông chảy qua các huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu và Trảng Bàng với chiều dài 105km. Nguồn chính của sông chảy từ tỉnh Kom Pong Cham (nay là Tbong Khmum (Campuchia) [wikipedia; kttvqg.gov.vn], ở độ cao 150m) qua phía Bắc huyện Tân Biên, thuộc xã Thạnh Bắc, gọi là Suối Mây (Cái Cậy hoặc Cái Cay). Một nhánh khác bắt nguồn từ tỉnh PreyVeng, phía Bắc tỉnh SvayRieng, trong vùng trũng và thấp hơn, có tên gọi là Prek Kampong Spean.

Các nhánh sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn tỉnh gồm: Rạch Trảng Bàng (Rạch Vàm Trảng, từ xã An Hòa đến Vàm Trảng, Trảng Bàng), Rạch Bàu Nâu, Rạch Đá Hàng (Gò Dầu), Rạch Tây Ninh (từ Núi Bà Đen đến xã Thanh Điền), Rạch Bảo (từ xã Long Thuận đến xã Long Giang, huyện Bến Cầu), Suối Mây (Cái Cậy, từ biên giới Campuchia vào Việt Nam), Rạch Bến Đá (từ Tân Biên đến Cầu Vinh)

Sông được nhắc đến qua các bài hát nổi tiếng như: Lên Ngàn (Hoàng Việt), Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục) và bài ca cổ Dòng sông quê em (Huyền Nhung – Trương Quang Lục – Thơ Hoài Vũ).

Một số công trình di tích lịch sử, văn hóa dọc sông Vàm Cỏ Đông

1.Tháp cổ Bình Thạnh

Tháp cổ Bình Thạnh nằm phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ VIII, là một trong những kiến trúc tháp cổ quý hiếm, tồn tại gần như nguyên vẹn, tiêu biểu cho kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo. Từ trung tâm huyện Trảng Bàng ta có thể theo Quốc lộ 1A, gần đến ranh giới huyện Gò Dầu, rẽ trái để vào xã Bình Thạnh hoặc xuôi theo dòng kênh ở cuối chợ cũ Trảng Bàng.

Tháp có nền hình vuông, cao 10m, mỗi cạnh 5m, được xây dựng đúng bốn hướng, cửa chính mở về hướng Đông, trước mặt là một bàu “hình vuông”, ba mặt Tây – Nam – Bắc đều có cửa “giả” được đắp nổi các hoa văn, trang trí tinh xảo. Cửa chính Đông được xây nhô hẳn ra ngoài khung cửa là bốn phiến đá nguyên được đục, đẽo, mài nhẵn các cạnh, một tấm đặt ngang phía dưới, hai bên khoét hai lỗ tròn để gắn con quay cánh cửa, tấm thứ tư đặt ngang phía trên tạo thành một khung cửa đá vững chắc, rộng 1m, cao 2m.

Mặt ngoài tháp, trên cửa chính phía Đông là một phiến đá lớn, hình chữ nhật cao 0.8m x 2m chạm nổi hình hoa cúc cách điệu, hai vách bên cửa chính cũng chạm nổi hai mảng phù điêu. Do cửa chính và ba cửa “giả” đều được xây nhô ra ngoài, cùng với các mô típ trang trí được xây lặp lại ở các phần thu nhỏ dần lên đỉnh, tạo ra nhiều góc, cạnh, cộng thêm vào các bức phù điêu được đắp nổi quanh ngôi tháp nên đã tôn tạo cho toàn bộ công trình tháp là một kiến trúc vững chắc và công phu.

Về giá trị lịch sử: Đây là ngôi tháp duy nhất còn tường đá nguyên vẹn, do vậy kiến trúc đền tháp Bình Thạnh đã trở thành cực kỳ hiếm hoi và quý giá trong di sản kiến trúc dân tộc. Từ đền Tháp cổ Bình Thạnh và các phế tích đền tháp đương đại, chúng ta có thể tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh người xưa cũng như phong tục tập quán và đời sống văn hóa. Do vậy kiến trúc đền Tháp cổ Bình Thạnh mang giá trị lịch sử – văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật có sức cuốn hút mang giá trị về mặt tham quan du lịch nghiên cứu khoa học rất lớn đối với khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Đền Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng bằng gạch với kỹ thuật tương tự như ở các đền Tháp Chăm nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam, kỹ thuật này đã bị thất truyền từ lâu và vẫn là một thách đố đối với khoa học. Các viên gạch được liên kết với nhau không bởi một chất kết dính nào hiện biết, chúng liền khít với nhau đến mức cho đến nay vẫn có người nghĩ rằng người xưa đã xếp gạch mộc rồi nung cả khối Tháp.

Về điêu khắc trang trí đền Tháp Bình Thạnh là những tác phẩm tuyệt mỹ, các họa tiết phù điêu không chỉ đẹp về tạo hình, tỉ mỉ đến trau chuốt trong tạo tác mà còn mang tính biểu tượng cao. Đây là ngôi tháp duy nhất còn nguyên vẹn ở Nam Bộ, do hội nghiên cứu Đông Dương phát hiện năm 1886 và được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật – di tích lịch sử văn hóa ngày 23/7/1993.

2.Tháp Chót Mạt

Được phát hiện vào đầu thế kỷ XX, tọa lạc tại ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, tháp Chót Mạt hiện diện như một người đẹp ẩn mình dưới lớp vỏ thời gian. Đến năm 1993, di tích tháp cổ Chót Mạt đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Theo tài liệu khảo cổ học thì đây là một trong ba công trình kiến trúc còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo ở vùng Nam Bộ. Chỉ với đặc điểm này, tháp Chót Mạt xứng đáng được hàng ngàn du khách trên mọi miền đất nước về đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì bí của một nền văn hóa đã từng rực rỡ trong quá khứ. Khu đền tháp được xây dựng trên một gò đất đắp cao giữa cánh đồng. Từ xa nhìn vọng lại khu đền tháp như một cây bút chọc thẳng lên trời, khi đến gần tháp càng bề thế hơn với phần móng tường và đế tháp rộng. Toàn bộ khu tháp được xây dựng bằng hai loại vật liệu chính là gạch khổ lớn và đá phiếm, các vỉa gạch được xếp chồng khít lên nhau hầu như không có khe hở. Phần đỉnh tháp được xây nhọn dần lên, nơi cao nhất của đỉnh tháp đạt chiều cao 10m. Tinh xảo hơn là các lớp gạch xếp chồng lên nhau được xây dựng khít đến mức nắng gió thời gian cũng không thể tìm ra lỗ hỏng. Ngoài ra, 4 mặt tháp xoay theo 4 hướng, mặt chính hướng Đông, trước mặt là bàu “hình vuông” cửa tháp đã sụp đổ, nguyên phần vách chỉ còn lại những tấm mi cửa, gạch vụn nằm ngổn ngang ở mặt Đông.

Các vách còn lại được xây dựng hơi nhô ra ngoài và trang trí bằng các hình chạm trổ tinh xảo thể hiện rõ những nét sinh hoạt, nền văn hóa thời bấy giờ. Dù không còn được nguyên vẹn như thuở ban đầu nhưng trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo thì khu di tích tháp cổ Chót Mạt đã mang một diện mạo mới mà vận giữ nguyên tinh thần kiến trúc cổ. Hiện nay, di tích đã tạo ra một cảnh quan khuôn viên cây xanh trong khu đền tháp, có tường rào bảo vệ, nâng cấp đường vào tham quan… tạo ra cảnh quan mới cho khu di tích, vừa bảo tồn được lâu dài vừa thu hút khách tham quan và còn phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học nền văn hóa Óc Eo trên đất Tây Ninh.

Tháp Chót Mạt là một trong 3 đền tháp còn lại ở nam Bộ cùng với Tháp Bình Thạnh – Trảng Bàng và Tháp Vĩnh Hưng – Bạc Liêu. Ngoài ra các đền tháp cổ còn lại ở Tây Ninh đã trở thành phế tích trải dọc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, là đối tượng để nghiên cứu và giới thiệu một nền văn minh từng phát triển trong quá khứ. Đồng thời cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch về đây thăm thú.

3.Di tích Lịch sử – Văn hóa Cao Sơn Tự (Chùa Cao Sơn)

Chùa Cao Sơn thuộc địa phận xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ngôi chùa được xây dựng trên một khu đất cao, rộng, có nhiều cây dầu, sao, cổ thụ có tuổi trên 100 năm. Khuôn viên chùa được tạo bởi khúc quanh, lượn của sông Vàm Cỏ Đông giống như một bán đảo. Cùng với ngôi đình cổ Phước Trạch, cảnh quan nơi đây đã trở thành nơi chiêm ngưỡng, du lịch của nhân dân trong vùng.

Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ 19, Cao Sơn tự mặt nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông (hướng Tây – Nam). Kiến trúc theo hình chữ nhị, dài 22m, rộng 10m, cao 5,8m. Sự khác biệt của Cao Sơn tự với các ngôi chùa khác trong tỉnh Tây Ninh là sự bài trí thờ phụng. Cao Sơn tự thờ cả phật và thần. Tương truyền vào cuối thế kỉ 18, có một bộ phận nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi Nguyễn Ánh tại đây và có một số quan đàng cựu đánh giặc, di dân lập ấp, nhân dân lập miếu đền rồi đưa vào chùa thờ.

Từ ngoài nhìn vào, phía đông thờ thần – quan đàng cựu. Ở giữa là bàn thờ Tổ quốc, phía sau thờ tượng phật Chẩn Đề, tổ Đạt Ma – gian trung tâm có các tượng A Di đà, Quan âm Bồ Tát, Hộ Pháp. Tất cả đều là tượng cổ có giá trị mĩ thuật cao.

Cao Sơn tự trên khu gò đất cao – một thắng cảnh hữu tình, có nhiều cây cổ thụ xanh mát và cũng là một di chỉ khảo cổ thuộc thời tiền sử (đá mới Đồng Nai). Trong tương lai đây sẽ là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Chùa Cao Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số 270/QĐ-CT ngày 27/12/2001 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

4.Chùa Thiền Lâm – Chùa Gò Kén Tây Ninh

Chùa Thiền Lâm – dân gian truyền miệng ngày xưa nơi đây là một gò đất cao nên hay gọi là Gò Kén, dù cho hiện nay loài dây kén này đã không còn nhưng tên gọi vẫn được sử dụng. Cũng vì truyền miệng nhau nên Chùa Thiền Lâm còn có tên gọi khác là chùa Gò Kén.

Ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa ra đời sớm nhất ở tỉnh Tây Ninh. Chùa do hòa thượng Thích Trí Lượng xây dựng, ban đầu đơn sơ bằng tre lá, khoảng cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1925, hòa thượng Thích Từ Phong – đệ tử hòa thượng Thích Trí Lượng cùng các tín đồ Phật giáo đã xây dựng lại ngôi chùa kiên cố với khuôn viên rộng 20 ngàn m2.

Chùa Thiền Lâm thu hút khách đi du lịch chú trọng về tâm linh, bởi chùa nằm giữa thiên nhiên thi vị, có những cây xanh rợp mát dẫn lối vào chùa. Những khoảnh ruộng xung quanh với tiếng lúa, tiếng gió và màu hồng rực rỡ của sen nở rộ khi đang mùa.

Năm 2009, chùa cho xây tượng Phật Thích Ca khá to dưới bóng cây bồ đề. Bên cạnh, đó là tượng Quan Thế Âm và các bảo tháp qua các đời hòa thượng trụ trì. Chùa Thiền Lâm có chiều dài 30 m và rộng 15 m, kiến trúc Chùa Thiền Lâm theo lối kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây nên ngắm nhìn chùa mang vẻ đẹp hiện đại lẫn sự cổ kính, xưa cũ. Chùa gồm 6 gian và 2 chái. Các chái phân bố dọc theo mô hình Đông lang và Tây lang. Vách chùa xây gạch men màu xanh lam. Mái ngói, cửa chính hình mái vòm, nhà tổ chim nằm ngang chính điện giống như chữ Đinh… đó là các vị trí bố trí khá nổi bật của chùa.

Chùa Thiền Lâm vẫn giữ được các dụng cụ thờ tự cổ như trống sấm, đại hồng chung có tuổi trên 50 năm và nhiều tượng Phật bằng gỗ có giá trị. Hiện nay, Chùa Thiền Lâm có xây dựng thêm nhiều nơi sinh họat, phục vụ.

Chùa Thiền Lâm được nhiều người mến mộ bởi chùa không chỉ hoạt động Phật sự mà còn tích cực tham gia các tổ chức, hoạt động từ thiện xã hội. Như xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đồng bào khó khăn, người nghèo, người cao tuổi…

Chùa Thiền Lâm hứa hẹn sẽ là điểm nhấn giá trị trong hành trình du lịch Tây Ninh của du khách, nhất là những du khách rất quan tâm đến tâm linh hay tìm hiểu về đạo Phật củng như kiến trúc chùa chiền. Chùa Thiên Lâm cũng là điểm đến tuyệt vời dành cho những ai muốn tạm xa lánh phút chốc cuộc sống xô bồ, tìm về cõi Phật để tâm hồn được chút bình yên thư thái!

5.Đình Thanh Phước

Đình Thanh Phước toạ lạc tại thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, còn gọi là đình Gò Dầu. Đình đã được khoanh vùng bảo vệ và đang lập thủ tục đề nghị xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia.

Khuôn viên đình rộng 10.000m2, có nhiều cây dầu. Kiến trúc đình theo hình chữ Tam 三, mặt chính quay về hướng Tây nhìn ra sông Vàm Cỏ. Diện tích xây dựng 820m2 gồm tiền đình, chánh đình và hậu đình, có khu sân đình nối liền với nhà (sân khấu) hát bội. Đình được xây dựng bằng chất liệu bền vững, tường gạch, cột bê tông, mái lợp ngói.

Đình thờ vị thần có tên huý là Đặng Văn Châu. Ông làm chức Lãnh binh triều Nguyễn, là một trong những người đầu tiên đến khai phá và lập làng Thanh Phước. Ngài là người trung can nghĩa khí, đã cùng nhân dân địa phương và nghĩa binh lập căn cứ chống Pháp từ thời Vua Tự Đức tại xóm Xoài Đồn gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Trong một trận ông bị bắt và đày đi Côn Đảo. Khi được trả tự do ông trở về tiếp tục cùng nhân dân vùng này lập căn cứ kháng Pháp và khai khẩn đất đai tích trữ lương thực để chiến đấu lâu dài. Khi ông qua đời, nhân dân lập miếu thờ, về sau dựng đình để tôn thờ ghi nhớ công ơn. Ông được Vua sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh nhưng đã thất lạc do chiến tranh.

6.Đình Thạnh Đức

Ngôi Đình thần làng Thạnh Đức, xã Thạnh Đức huyện Gò Dầu nằm phía bên trái QL 22 từ dưới huyện đi lên ngay ngã tư Nghĩa trang Trà Võ

Gốc gác xa xưa nơi ấy có một cây cám, chim chóc bay về thả xuống những hạt của loài cây sộp. Rồi cây sộp lớn lên bao trùm lên cây cám cổ. Ðến khi cám chết đi thì sộp đã vươn cao đường bệ, xoè tán tròn ra bốn phía. Cây sộp ngày nay có đường kính gốc hơn 2m, tán lá rộng tới 30m trùm lên một khoảng rừng đình, lúp xúp lùm bụi cây chồi hoang dã. Trên những thân cành đồ sộ khó leo trèo ấy, bảo tồn cả một thế giới các loài tầm gửi cùng với các giống loài từ chim trời đến cái kiến, con ong.

Chưa hết đâu, cả phần nửa bên trái khu đất đình mới thật sự là rừng đình, với vô số các loài cây, cả cổ thụ lẫn cây non. Những cây dầu thẳng đuột, thân ngời sáng chiếm lĩnh tầng cao nhất. Có những cây chưa rõ tên, vấn vít lá non từ gốc lên ngọn một màu xanh mướt giữa vô số các loại dây rừng vấn vít. Cả những loài cây mới trồng như keo, tràm gầy gò cũng nhoi nhóc dưới tán rừng xưa. Đình cất trên nền đất cao, tường xây gạch, mái lợp ngói. Đình nằm giữa một cánh rừng rộng lớn chung quanh có nhiều cây tỏ bóng mát, chim choc thường quy về đây làm tổ. Cảnh này rất thiên nhiên, thanh tịnh, phải là nơi ngự trị của Thần hoàng bổn cạnh.

Nhắc đến địa danh trên, lại nhớ nơi đình ngự từ hơn 100 năm trước; cùng với bến đình hiện nay, đều là những bến sông lai láng nước sông Vàm. Giá như rừng đình Thạnh Ðức còn nguyên vẹn, thì không tốn nhiều tài lực để biến nơi đây thành một công viên rừng quý giá liền kề một bến sông thơ mộng. Ðây sẽ là một “kỷ vật” của rừng Quang Hoá với một dòng sông Gấm thuở xa xăm.

7.Đền Quan Lớn Trà Vong

Tương truyên rằng năm 1749 (năm kỷ tỵ) Triều đình Huế cử ba anh em nhà họ Huỳnh: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ, đều là các quan lớn đại thần vào trấn giữ vùng đất Tây Ninh, ba ông cùng với binh mã của mình thực hiện việc di dân lập ấp và giữ gìn vùng đất biên cương, Huỳnh Công Giản cùng với em trai của mình lập căn cứ ra sức chống Miên, cuộc chiến kéo dài qua mấy mươi năm, sau đó trong một lần đụng độ lớn với quân Miên, Huỳnh Công Giản cùng đội quân đã chiến đấu vô cùng quyết liệt, vì lực lượng hao sút và kiệt sức còn viện binh từ người em trai không đến kịp nên ông đã tự vung gươm tự cắt đầu mình để tuẫn tiết. Tưởng nhớ công ơn 3 anh em nhà họ Huỳnh và các nghĩa binh nhân dân địa phương đã lập đền thờ ở nhiều nơi và được gọi chung là đền thờ quan lớn Trà Vong. Đền thờ ông Huỳnh Công Giản được xây dựng ở nhiều nơi như Tân Phong (Tân Biên), Đồng Khởi ( Châu Thành).

Ngày giỗ quan lớn Trà Vong được tổ chức long trọng và trang nghiêm, đây cũng là lễ hội nhân gian riêng của Tây Ninh , được xem là một nét tín ngưỡng nhân gian vô cùng đặc biệt. Cũng giống như lễ hội đình ở Nam Bộ, nghi thức và lễ vật vô cùng trang trọng, đặc biệt có ban cổ nhạc tấu các bản nhạc dân tộc khi tiến hành nghi thức lễ, người dân đến tham dự đông đúc thể hiện lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn của những người anh hùng đã có công khai hoang và bảo vệ quê hương. Luôn có những câu chuyện kì lạ và thần bí xoay quanh đến ngôi đền Quan lớn Trà Vong ở vùng đất Tân Biên, đó là những lời đồn về mỏm đất trên ngôi mộ ông, người ta nói rằng khi chạm tay vào mỏm đất và cầu nguyện thì sẽ thành hiện thực. Theo lời kể của người dân thì mỏm đất đó là tổ mối đùn lên và sau 5 năm thì nó không đùn nữa và giữ nguyên hình thù.

Còn có người nói rằng Nếu đứng cách khoảng 10 bước chân, từ phía sau ngôi mộ, chếch sang bên trái nhìn lại sẽ thấy mỏm đất giống như hình khuôn mặt người đang hướng về phía bắc. Tất cả những câu chuyện đó đã hấp dẫn mọi người tìm đến để được tận mắt nhìn thấy mỏm đất. Lăng mộ quan lớn Trà Vong đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, năm 1997 nhân dân Tân Biên xây lại ngôi mộ với chất liệu bền vững hơn. Ngày nay nó được coi là nhân chứng lịch sử của một thời kì mở đất và giữ đất ở Tây Ninh.

8.Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát cách TP. Tây Ninh khoảng 30 km về phía tây bắc, nằm trên địa phận 4 xã: Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp và một phần xã Thạch Tây thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, là nơi chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Với diện tích 18.765 ha được chia thành 3 phân khu, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 8.594 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.084 ha và phân khu hành chính, dịch vụ 87 ha, Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát là khu rừng đặc dụng có rừng che phủ chiếm 26% tổng diện tích che phủ rừng tự nhiên của tỉnh.

Nơi đây có thảm thực vật rừng dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp và các dải hẹp rừng thường xanh ven sông suối và rừng tràm. Ngoài ra, gần biên giới với Campuchia còn có dải đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác.

Nơi đây còn là nơi dừng chân của loài Sếu đầu đỏ (Grus antigone) trên tuyến di cư giữa đồng bằng sông Cửu Long về nơi sinh sản tại Campuchia. Do đó, Lò Gò-Xa Mát còn được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam.

Hiện tại, VQG có 4 loài quý hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cần quan tâm bảo tồn là: Gà lôi hông tía (Lophura diard), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), Hạc cổ trắng (Ciconia episcopus), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini).

Trong chiến tranh, Lò Gò-Xa Mát là cơ sở của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là căn cứ cách mạng của quân giải phóng. Bởi vậy, khu vực này còn có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử.

Sông Vàm Cỏ Đông ở Lò Gò chỉ rộng chừng 10m, uốn lượn giữa rừng già. Cảm giác được thả hồn theo chiếc xuồng, xuôi giữa rừng thật thơ mộng. Dọc đường, thuyền cập vào rặng gừa cổ thụ, để du khách trèo lên cây, chuyền từ cành này qua cành khác, thể hiện khả năng bắt chước Vượn và chụp hình lưu niệm.

9.Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm về phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam – Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60km. Được thành lập tháng 7/1960 tại Chàng Riệt, huyện Tân Biên. Khu di tích còn được biết tới với những tên gọi khác, như: R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam); Căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt Căn cứ); Căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài); Căn cứ địa Bắc Tây Ninh.

Cách TP. Tây Ninh, xuôi quốc lộ 22B, chừng khoảng 60 km là đến Rùm Đuôn, nơi từng đóng cơ quan đầu não kháng chiến TWCMN. Nơi đây cách biên giới Campuchia chừng 1km theo đường chim bay, cách cửa khẩu Xa mát chừng khoảng 4km. Vùng biên Tân Lập chào đón khách phương xa bằng không khí đặc thù của một vùng rừng nhiệt đới đặc trưng và cái nắng khô hanh đến gai người.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng. Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh là địa bàn của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 10/5/2012, thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định 548/QĐ-TTg).

10.Cứ Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam

Di tích Căn cứ Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được đặt tại suối Chò, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh với diện tích 30ha, khu di tích gốc có 6ha, khu tôn tạo có 4ha, và bảo tồn cảnh quan di tích 20ha. Từ trung tâm thành phố Tây Ninh hướng đi Tân Biên đến khẩu quốc tế Xa Mát theo hướng lộ ủi đến km 10 (nay là đường 792) rẽ trái độ chừng 2,5 km là đến khu di tích.

Ngày 20/12/1960, đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức tại xóm giữa, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Sau khi ra đời, hệ thống tổ chức Mặt trận đã phát triển và hoạt động đến cấp tỉnh, huyện, xã toàn miền Nam và ảnh hưởng sâu rộng đến dân chúng.

Trong 9 năm hoạt động (1960-1969) Mặt trận trực tiếp chỉ đạo, động viên toàn dân liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ – Ngụy, buộc Mỹ – Ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.

Di tích Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã lưu lại những hình ảnh về cuộc sống và chiến đấu của các tầng lớp nhân dân miền Nam. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 3518/QĐ-BVHTT, ngày 4/12/1998.

11. Vị ngọt thốt nốt

Mùa thốt nốt thường bắt đầu từ khoảng cuối tháng 11 khi mưa dứt hạt và kết thúc vào khoảng tháng năm (âm lịch) khi trời đổ mưa xuống.

Lúc đó, một số người dân Khmer ở các xã Hoà Thạnh, Biên Giới, (huyện Châu Thành) và Hòa Hiệp (Tân Biên) trèo lên cây thốt nốt, chọn những bông vừa nhú ra khỏi thân để ép lấy nước, công việc này tuy vất vả, nhưng chỉ cần chịu khó là đã có thể kiếm thêm chút tiền chợ. Nắng càng gắt, nước thốt nốt càng trong, có thể uống tươi hoặc nấu làm đường với hương thơm dìu dịu, vị ngọt thanh. Đường thốt nốt do những người dân ở đây làm ra là sản phẩm du lịch độc đáo được khách tham quan ưa chuộng.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN DU LỊCH TRÊN SÔNG VÀM CỎ ĐÔNG

Thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU, ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Tỉnh ủy Tây Ninh, về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với tiềm năng lợi thế có nhiều sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, du lịch sinh thái như Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao đài Tây Ninh, Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tương đối hoàn chỉnh, Bộ GTVT đã chấp thuận cùng tỉnh Tây Ninh hoàn thiện dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 22B (TP.HCM – Tây Ninh). Đồng thời, tỉnh cũng nghiên cứu dành nguồn lực để sớm xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; dự án kết nối đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát. Tập đoàn Vingroup với dự án phức hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và Shophouse Vincom đầu tiên với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại trung tâm TP.Tây Ninh; Tập đoàn Sun Group đang khảo sát dự kiến đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen…

Bên cạnh những điểm đến được kêu gọi đầu tư lớn, có một tuyến du lịch chưa được đánh thức, khai thác, đó chính là “du lịch tâm linh, về nguồn trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông” với nhiều danh thắng, di tích văn hóa lịch sử như tháp cổ Bình Thạnh, chùa Cao Sơn Tự, Chùa Gò Kén, Đình Thanh Phước, Đình Thạnh Đức, Khu di tích Quốc gia Giồng Nần, Tháp Chót Mạt, Lăng mộ Quan Lớn Huỳnh Công Giản…đây là tuyến đường kết nối di sản văn hóa có tiềm năng lớn cần phải được đánh thức kết hợp với du lịch nông nghiệp công nghệ cao góp phần vào sự phát triển của du lịch Tây Ninh trong thời gian tới.

Để từng bước đánh thức tiềm năng du lịch sông Vàm Cỏ Đông, định hướng kết nối những danh thắng, di tích văn hóa, lịch sử, công trình kiến trúc cổ, cảnh quan trên sông Vàm…Trước hết Không gian cảnh quan sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn Tây Ninh có cảnh quan tự nhiên đặc biệt và duy nhất trong khu vực Nam bộ, trong đó Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát có ý nghĩa quyết định. Do đó cần có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông, trong đó phân khu chức năng rõ ràng có kết hợp quỹ đất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch bằng các loại hình và dich vụ kèm theo, định dạng các hướng tuyến du lịch kết nối với đường bộ…Đặc biệt, chú trọng đến tập quán sinh hoạt, đời sống, sản xuất, văn hóa vật thể và phi vật thể, đa dạng, phong phú của các cư dân đang ở dọc hai bên khu vực sông Vàm Cỏ Đông, gắn với truyền thống cách mạng của nhân dân Tây Ninh.

1.Xây dựng tuyến đường ven sông

2.Phát triển các dịch vụ du lịch

2.1- Xây dựng các công trinh kiến trúc cảnh quan ven sông

2.2- Homstay

2.3- Nhà hàng, quán ăn sân vườn ven sông

2.4- Du thuyền trên sông

2.5- Đờn ca tài tử

2.6- Lưu giữ vị ngọt Thốt Nốt

Kính thưa quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu!

Tây Ninh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Tây Ninh rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, du lịch Tây Ninh còn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, xuất phát điểm còn thấp so với một số địa phương như Quảng Ninh, Lào Cai, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang. Để du lịch Tây Ninh trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành lĩnh vực khác theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII), ngoài sự quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tây Ninh, rất mong mỗi quý vị đại biểu chúng ta chia sẻ góp sức vì “Tây Ninh phát triển bền vững”.

Trịnh Ngọc Phương

©

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

  1. Địa chí Tây Ninh, tác giả Trần Đức Thịnh, Lê Xuân Diệm, in tại Công ty In Hoàng Lê Kha theo giấy phép xuất bản số 80/VHTT, Sở Văn hóa Thông tin Tây Ninh cấp ngày 20/12/2002.
  2. Huỳnh Minh, Tây Ninh Xưa, NXB Thanh Niên 2001.
  3. Hình ảnh tư liệu về sông Vàm Cỏ Đông Hội Kiến trúc sư Tây Ninh cung cấp (4/2018).
  4. Dự án quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường sông tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (Sở Giao thông vận tải Tây Ninh – 2011).
  5. Tư liệu công bố trên cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh (tayninh.gov.vn).
  6. Các bài viết về du lịch, cơ sở hạ tầng, lễ hội, cộng đồng dân cư Khmer, Chăm, Tamun,..của Báo Tây Ninh on line (baotayninh.vn).
  7. Các bài viết thông tin về Tây Ninh trên : vi.wikipedia.org; kttvqg.gov.vn.
  8. Các bài viết, hình ảnh, tư liệu trên trang web: photayninh.com.
  9. Các bài viết, hình ảnh về đô thị: the guardian.com; worldbank.org.
  10. Bản đồ sao chép từ: google.map; google.earth.