Những giấc mơ xanh trong lòng phố

Có lúc nào, băng qua những con phố Sài Gòn xanh rợp bóng cây ở quận 1, bạn có tự hỏi vì sao, vì sao, người ta rất thích ra quận 1 dạo chơi? Vì sao chẳng ai đi qua Tân Bình, Phú Lâm, Gò Vấp mà đi dạo? Vì sao người ta thích đi bộ lang thang ngoài quận 1, thả xe long rong ở quận 3?

Có những điều bình thường hiện diện đến mức quen thuộc bên cạnh chúng ta, để rồi vô tình ta không nhận ra giá trị của chúng. Cả tôi, và cả bạn, dường như đã quá quen với những hàng sao, dầu rợp bóng trong lòng thành phố.

Để rồi, khi những người bạn từ phương xa đến, nhìn ngắm, tấm tắc ngưỡng mộ những khoảng xanh tự do mát mắt, những gốc sao, dầu thẳng tắp, cao vút hiên ngang mà lại dịu dàng tỏa bóng xuống những đường Trương Định, Trần Quang Khải, Sương Nguyệt Ánh… tôi mới nghe trong lòng dậy niềm tự hào và yêu quý tài sản xanh của Thành phố chúng ta.

Lâu lắm rồi, năm 2000, “…có một hội thảo của các cơ quan chức năng và một số nhà khoa học bàn về việc đốn hạ số cây xanh già cỗi trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3), vì nơi này được mệnh danh là “hàm cá mập”, thường có cây gãy đỗ gây tai nạn. Các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất cần chặt bỏ khoảng 30 cây sao, lim cổ thụ và cho trồng lại cây mới. Song kiến nghị này vẫn không được giải quyết bởi UBND Thành phố không duyệt, sợ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị…” (Báo Tiền Phong số 55 – năm 2001)

Theo dư luận bấy giờ, việc đốn hạ những cây cổ thụ ấy là hoàn toàn không hợp lý. Vì để trồng được một cây cao to như thế không phải là đơn giản, nhất là trong tình hình hiện nay, càng lúc – quỹ đất lề đường càng eo hẹp, phố xá, cao ốc mọc lên như nấm. Việc phủ xanh thành phố trở thành một việc quan trọng cần làm. Tuy nhiên, việc này vướng phải các trở ngại như phải chọn loại cây có cành và tán lá không vướng vào các công trình kiến trúc, bộ rễ của cây không phá hư mặt ngầm của công trình, và phải sống được trong diện tích đất eo hẹp. Vì thế, ngoài những tuyến đường được thừa hưởng lại những cây xanh được trồng từ trước, những tuyến đường mới còn lại chưa thật sự đặc sắc, đồng đều, có loại cây chưa phù hợp cảnh quan, hạ tầng đô thị và điều kiện thổ nhưỡng. Thậm chí, có đường từ đầu đường đến cuối đường là một sự pha trộn các loại cây.

Cây sao (Hopea) là một chi thực vật thân gỗ lớn của họ Dầu (Dipterocarpaceae) đặc biệt phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng nhiệt đới miền Nam. Gỗ của cây rất quý vì sống lâu năm có vóc dáng thẳng và cao lớn, hiện nay, có nhiều loài đã vào danh sách báo động khẩn vì sự tàn phá của bọn buôn gỗ. Những cây sao, dầu hiện nay trong thành phố đều đã rất cao lớn, thẳng tắp, mặc dù tán cây có bóng mát nhưng lại đạt ưu điểm là không che khuất tầm nhìn đối với các công trình kiến trúc. Hàng năm, cứ độ tháng 3 kéo dài đến tháng 4, cây sao và dầu ra hoa phủ kín vòm lá, đến khi ra quả, những cơn gió thổi qua làm những cánh xoay xoay bay đầy trong gió. Một hình ảnh thật lãng mạn từng đi vào bài hát “Cánh Hoa Dầu” (Thơ Diệp Minh Tuyền – Nhạc Giáp Văn Thạch)

Người dân ta chưa có thói quen gìn giữ những tài sản công cộng. Người ta có thể chăm chút rất cẩn thận, tốn kém cho những khu vườn, những góc xanh trong nhà, nhưng lại chưa có ý thức nhiều về việc gìn giữ môi trường xung quanh, nhất là những cây xanh trên phố. Trong khi cây xanh là lá phổi của Thành phố thì có thời, báo chí lại phải báo động về việc có những người lại bức tử cây xanh bằng cách đổ vôi, nước nóng … vào gốc cây để triệt hạ cây nhằm đạt được một chút thông thoáng mặt tiền cho các công trình kiến trúc. Những hành động nông cạn, thiếu văn hoá, thậm chí là phi nhân tính ấy chỉ đạt được cái lợi trước mắt ấy sẽ để lại những hậu quả lâu dài về sau. Nên chăng phát động những phong trào giáo dục cho người dân, thanh niên ý thức giữ gìn cây xanh thành phố, đại loại như mỗi nhà, mỗi người phải bảo vệ cây ngay trước nhà mình, để mắt quan tâm đến cành lá và kịp thời thông báo cho Công ty cây xanh nhằm tránh những trường hợp gãy cành để lại hậu quả đáng tiếc, đồng thời, để mọi người được chia sẻ trách nhiệm cùng nhau trong việc bảo vệ không gian chung.

Hãy gìn giữ những khoảng xanh trong thành phố, yêu quý mỗi gốc cây như một sinh linh, và phải cân nhắc thật kỹ trước khi phá bỏ bất kỳ công viên hay khoảng xanh nhỏ bé nào nào để xây Trung tâm thương mại và khách sạn.

Bởi vì phải có một lần chạy xe dưới cái nắng nóng điên đảo của tháng tư trên những con đường không một bóng cây như Cách mạng Tháng tám (đoạn thuộc quận Tân Bình), Trường Chinh, Hai Bà Trưng (đoạn thuộc quận Phú Nhuận), ta mới thấy giá trị của những bóng mát cây xanh.

KTS Võ Thành Lân đã nói rằng: “Một thành phố không tiếng chim, không không sông hồ, không có những công viên cây xanh yên tĩnh là thành phố bi kịch. Cho nên, mỗi khi chúng ta san lấp để sa mạc hoá đô thị là lúc chúng ta đang “sa mạc hoá” tâm hồn của con người…”

Hãy giữ trong lòng phố những giấc mơ xanh; để mỗi buổi sáng ra đường đi dưới những hàng cây rợp bóng, nghe thấy tiếng chim; ta hiểu rằng ta đang sống trong một đô thị sống chứ không phải một đô thị sa mạc.

Hà Thành – tckt.vn

© Tạp chí Kiến trúc