Những khía cạnh tiêu cực của đô thị thông minh – Ứng dụng với TP Đà Nẵng

Những khía cạnh tiêu cực của đô thị thông minh – Ứng dụng với TP Đà Nẵng

Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ trong nghiên cứu cũng như tìm hiểu về TP thông minh. Chẳng hạn khi tra cứu cụm từ “Smart City” trên google, người ta được 44.100.000 kết quả so với những cụm từ quan trọng khác trong quy hoạch đô thị như: “urban resilience” (đô thị có khả năng chống chịu) cho 449.000 kết quả; “urban neighborhood” (khu lân bang đô thị) cho 814.000 kết quả. Lý giải về hiện tượng này các nhà nghiên cứu cho rằng đô thị thông minh ra đời một phần do nhu cầu phải giải quyết các vấn đề của đô thị mà dường như các biện pháp truyền thống không giải quyết nổi. Tuy vậy, niềm tin rằng khoa học kỹ thuật có thể giải quyết các vấn đề của đô thị đã có gốc rễ từ những năm 1950 của thế kỷ trước, khi đó tôi cho rằng các ngành như điều khiển học hay khoa học máy tính sẽ trả lời cho câu hỏi về các vấn đề muôn thuở của đô thị. Cách tiếp cận mới giải quyết các vấn đề đô thị dựa trên việc tận dụng có hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) đã tạo lên một hiện tượng mới là “đô thị thông minh”.

Tuy nhiên, còn một khía cạnh nữa mà một số nhà nghiên cứu1 đã chỉ rõ vào khoảng những năm đầu thế kỷ 21 – Đó là việc tạo thương hiệu cho các đô thị, khiến cho đô thị hấp dẫn hơn với giới đầu tư. Khi khảo sát TP thông minh, giới nghiên cứu thống nhất rằng: TP thông minh đưa ra những lời hứa hẹn rất hấp dẫn với việc tạo ra:

  • Một nền kinh tế thông minh: Đạt được nhờ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sự sáng tạo, tăng năng suất và tính cạnh tranh;
  • Chính quyền thông minh: Đạt được bằng việc hình thành chính quyền điện tử, các mô hình quản trị mới, cải thiện mô hình toán và phương pháp mô phỏng để định hướng phát triển tương lai, ra quyết định dựa trên bằng chứng, phân phối dịch vụ tốt hơn và khiến chính quyền minh bạch, tham gia và có trách nhiệm giải trình tốt hơn;
  • Giao thông thông minh: Đạt được bằng cách tạo ra hệ thông giao thông thông minh và có hiệu quả, sử dụng giao thông đa phương thức;
  • Môi trường thông minh: Được tạo nên bằng việc khuyến khích phát triển bền vững và xây dựng đô thị có khả năng chống chịu và phát triển năng lượng sạch;
  • Cuộc sống thông minh: Cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường sự an toàn và an ninh, giảm thiểu rủi ro;
  • Con người thông minh: Đạt được bằng cách tạo ra một tầng lớp công dân được tiếp cận thông tin, thúc đẩy sự sáng tạo, sự bao gồm xã hội, trao quyền lực cho nhân dân và tăng cường sự tham dự (2).

Tóm lại, theo tác giả Richard Suskin (3), TP thông minh hứa hẹn giải quyết vấn đề nan giải của đô thị, đó là: làm thế nào giảm chi phí và tăng cường phát triển kinh tế và tạo nên khả năng chống chịu đồng thời tạo nên sự phát triển bền vững và tăng cường dịch vụ, sự tham dự của người dân và chất lượng cuộc sống. Tất cả những việc đó phải làm theo những cách thực dụng, trung tính và phi bè phái. Cho nên, không ngạc nhiên khi thấy rằng việc chuyển đổi sang tính chất thông minh đã trở thành khát vọng của nhiều đô thị trên thế giới, họ bị quyến rũ bởi lời hứa rằng sử dụng công nghệ số được kết nối sẽ giải quyết được những vấn đề của mình.

City Computer Hack. Nguồn: Pixabay

Tuy nhiên, sự bùng nổ của nghiên cứu về đô thị thông minh cũng kéo theo mức độ phê bình tương xứng với chủ đề này. Trong phạm vi bài báo nhỏ này, tôi chỉ nêu ra một vài ý kiến của một số tác giả được coi là phê bình có chừng mực nhất về chủ đề đô thị thông minh. Có năm khía cạnh tiêu cực của TP thông minh, đó là (4):

  • Thương mại hóa quản trị đô thị, khóa cứng về mặt kỹ thuật (5). Hai nhà nghiên cứu Greenfield và Townsendv chỉ ra rằng các chính sách của TP có thể bị định hình bởi các lợi ích của doanh nghiệp. Lý do là vì các công ty dịch vụ phần mềm và công ty phần cứng xem các TP như khách hàng tiềm năng và lâu dài cho sản phẩm của họ. Các công ty cung cấp phần mềm và phần cứng này tìm cách khiến sản phẩm của họ trở thành phần cốt lõi, không thể thay thế được trong các hệ thống điều khiển sự vận hành của TP. Một khi họ đã cài đặt phần mềm và phần cứng vào hệ thống quản lý thông minh, các TP bị khóa cứng vào các hệ thống này. Nói cách khác, các TP trở thành con tin của các công ty! Cho nên, không lạ nếu các TP của các nước đang phát triển như Việt Nam dễ trở thành con tin của các công ty đa quốc gia hoặc các đại gia trong nước trong lĩnh vực CNTT;
  • TP thông minh không dựa trên dữ liệu thô. Tác giả Rob Kitchin cho rằng: Không hề có loại dữ liệu nào là dữ liệu “thô”. Các dữ liệu trong đô thị thông minh thường được coi như trung tính và không phản ảnh ý định gì. Tuy vậy, dữ liệu không đơn thuần là thu nhập hình ảnh, hay nhiệt độ hay độ ẩm từ các cảm biến, dữ liệu không tồn tại độc lập mà phụ thuộc vào tư duy của con người, kỹ thuật, công nghệ và hoàn cảnh đã sản xuất, xử lý, quản lý, phân tích và lưu trữ dữ liệu đó;
  • Quan điểm kỹ trị. Nhu cầu quản lý TP thông qua hệ thống CNTT và phân tích hệ thống khuyến khích cách quản trị đô thị kiểu kỹ trị trong đó các vấn đề xã hội phức tạp có thể được chia thành những vấn đề nhỏ gọn hơn để giải quyết hoặc để tối ưu hóa thông qua máy tính. Tuy nhiên, quản trị kiểu kỹ trị mang tính chất giản đơn và máy móc, cách quản trị này không tính đến các tác động văn hóa và xã hội cũng như nguồn vốn đầu tư đã và đang định hình đô thị. Các nghiên cứu đều thống nhất rằng các giải pháp kỹ thuật tự thân nó không thể giải quyết được các vấn đề có gốc rễ sâu xa về mặt xã hội của TP.

Hệ thống bị lỗi, dễ tổn thương và dễ bị tấn công. Nếu phần mềm bị lỗi, đô thị không thể vận hành như dự định do các hệ thống truyền thống2 và kỹ năng vận dụng các hệ thống này đã không còn nữa. Chẳng hạn, một khi phần mềm điều khiển tín hiệu đèn giao thông bị hỏng, khi đó sẽ có sự hỗn độn thậm chí tai nạn trên đường phố. Đây chỉ là một ví dụ giản đơn với trình độ phát triển đô thị chưa cao lắm, nhưng càng ở mức phát triển cao sự cố của các hệ thống thông minh này càng để lại hậu quả lớn, chẳng hạn như sự cố hệ thống điều khiển tàu điện ngầm.

Quyền riêng tư bị xâm phạm. TP thông minh dấy lên sự lo ngại về khả năng bị giám sát hoặc quyền riêng tư của cá nhân bị xâm phạm. Với sự phát triển của CNTT hệ thống giám sát có thể truy xuất và tìm kiếm các dữ liệu về từng cá nhân của họ đến từng chi tiết trong nhiều mặt hoạt động (làm việc, nghỉ ngơi, du lịch…). Vì vậy, nếu không có sự chế tài nghiêm minh về mặt pháp luật quyền riêng tư của công dân có thể bị xâm phạm khi hệ thống thông minh được đưa vào sử dụng.

Như vậy, việc xây dựng đô thị thông minh cho Đà Nẵng cần triển khai như thế nào?

  • Thứ nhất, cách tiếp cận “mềm” của TP thông minh là cách tiếp dựa vào con người, vốn xã hội, tinh thần khởi nghiệp cần phải được đề cao trong chiến lược phát triển TP thông minh cho Đà Nẵng. Một cách rất kịp thời, nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập tới các vấn đề “mềm” cần được coi như thành phần cốt lõi của việc xây dựng TP thông minh – Đó là: Đảm bảo khoảng cách giàu nghèo không quá lớn, khuyến khích khởi nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Trong nghị quyết có nêu “chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất không vượt quá 5 lần”, hay “xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Đây đều là các khía cạnh mềm của TP thông minh;
  • Thứ hai, TP thông minh không phải là cái gì hoàn toàn mới và tách biệt khỏi hẳn môi trường đô thị truyền thống. Các thành phần của đô thị thông minh dù cứng hay mềm cũng đều phải phát triển dần dần, tích hợp vào trong cấu trúc hiện tại của hệ thống quản trị đô thị và môi trường đô thị;
  • Thứ ba, TP thông minh cần phải được đặt vào khuôn khổ chung của quy hoạch đô thị bao gồm quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển kinh tế…

Theo tôi, có một số định hướng phát triển TP thông minh mà Đà Nẵng có thể tham khảo. Đơn cử như các tiêu chí về TP thông minh của Đại học Kỹ thuật Vienna (Áo). Theo đó, có tất cả 6 đặc tính của TP thông minh là: Nền kinh tế thông minh (tính cạnh tranh), con người thông minh (vốn xã hội và con người), Quản trị thông minh (Sự tham dự), Vận chuyển thông minh (Giao thông và CNTT), Môi trường thông minh (Tài nguyên thiên nhiên) và Cuộc sống thông minh (Chất lượng cuộc sống). Những yếu tố này đều thuộc cả phần “cứng” (CNTT đóng vai trò quyết định) và phần “mềm” (CNTT đóng vai trò thứ yếu, yếu tố con người là quyết định). Các chỉ dẫn này là điều mà TP Đà Nẵng có thể tham khảo để xây dựng chiến lược phát triển đô thị thông minh thực sự cho mình.

Bảng dưới đây nêu lên 33 yếu tố ảnh hưởng đến tính chất “thông minh” của TP

Để kết thúc bài này tôi muốn mượn tiêu đề của một bài báo “TP không phải là một máy tính”. Ý tưởng về việc giao phó mọi chuyện cho một cái máy tính hoặc một hệ thống siêu máy tính khiến nhiều người phải lên tiếng. Trong truyền thông, phim ảnh không thiếu những tác phẩm mô tả sự tiếm quyền của máy tính với con người. Chẳng hạn trong bộ phim Exmachina, một người máy với nhân dạng nữ, với các cảm xúc như người đã đánh lừa được ông chủ của mình để chiếm quyền điều khiển ngôi nhà của anh ta và từ đó tự giải thoát mình khỏi thân phận máy móc để trở thành tự do. Ẩn ý, máy móc có thể dẫn nhân loại tới một tương lai không định trước.

Ghi chú

  • (1) Khóa cứng về mặt kỹ thuật: technological lock-in
  • (2) Các hệ thống truyền thống ở đây được hiểu là các hệ thống analogue và phi điện tử

Tài liệu tham khảo

  • (1) Xem bài “Smart Cities: Definitions, Dimensions, Performance, and Initiatives” trên tạp chí Urban Technology 2015 của các tác giả Vito Albino, Umberto Berardi and Rosa Maria Dangelico.
  • (2) Xem Hollands. R.G. (2008) Will the real smart city please stand up? Tạp chí City. 12(3): 303-320 Và Townsend. A. (2013) Smart Cities: Big dât, civic hackers, and the quest for a new utopia. New York: W.W. Norton & Norton. Co.
  • (3) Richard Suskind trong bài “The Promise and Perils of Smart Cities” Bài giảng thường niên năm 2016 về “Upgrading Justice”. Tạp chí Society for Computers & Law.
  • (4) Xem bài “The real-time city? Big data and smart urbanism” của Rob Kitchin tạp chí GeoJournal số 79 năm 2014 (trang 1-14)
  • (5) Trong bài “The real-time city?” của Kitchin

*TS.KTS Nguyễn Hồng Ngọc

Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng

Trung tâm Quản lý Rủi ro và Khoa học về An toàn, Đại học Đà Nẵng

(Bài đăng trên số 02-2019)