Quảng trường là một trong những thực thể không thể thiếu để cấu thành đô thị. Nó gắn liền với những yếu tố tạo thị khác như kiến trúc, giao thông, cảnh quan và đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng.
Từ thế kỉ thứ 6 trước Công nguyên, khái niệm đầu tiên về quảng trường đã xuất hiện ở Athens với tên gọi Agora (Agora trong tiếng Hi Lạp cổ là một từ khó tìm nghĩa tương đương trong ngôn ngữ hiện đại, nó hàm ý chỉ sự tập trung hội họp). Agora là khu vực công cộng thường nằm ở vị trí trung tâm thành phố với những con đường và các tòa nhà hướng về nó. Đến thời La Mã, quảng trường với tên gọi forum tiếp tục vai trò một nơi tụ họp, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa chính trị nghệ thuật quan trọng. Quảng trường từ những nền tảng đầu tiên đã được coi là một biểu tượng của tính dân chủ, là nơi người ta tự do hội họp và bày tỏ chính kiến. Sang thời kì Phục Hưng, quảng trường tên gọi piazza (tiếng Ý) được đặc biệt quan tâm trong thiết kế đô thị với sự chú ý về thẩm mỹ mà yếu tố con người được đặt vào trung tâm. Florence, một thành phố ở miền trung Italy có diện tích 102km2, chỉ gần bằng Hội An, là nơi có khu vực trung tâm lịch sử nhỏ bé nhưng có đến trên dưới 50 piazza. Số lượng các quảng trường đáng kinh ngạc và vai trò văn hóa lịch sử của chúng cũng đáng chú ý không kém.
Florence tên tiếng Ý là Firenze, tiếng La tinh Florentia, là thành phố ở miền trung Italy, thủ phủ vùng Toscana, cách Rome khoảng 230km về phía Tây Bắc. Florence từng là thủ đô của Italy trong giai đoạn từ năm 1865 đến năm 1870. Thành phố có một lịch sử lâu đời giàu truyền thống văn hóa, phần lớn thời gian là một nhà nước cộng hòa dưới quyền trị vì của Công tước xứ Toscana. Trong thời gian từ thế kỉ 14 đến thế kỉ 16, Florence là thủ phủ thương mại, học thuật và nghệ thuật của châu Âu. Khởi thủy là một thành phố La Mã, Florence như nhiều thành phố châu Âu khác được thiết kế với mạng lưới đường xá hình bàn cờ. Giao điểm của những trục đường lớn được cho là nơi đặt đền thờ các vị thần Hi Lạp, tiền thân của những quảng trường về sau. Các đền thờ bị thay thế dần bởi các nhà thờ công giáo trong thế kỉ thứ 4 và thứ 5. Cùng với đó là sự xuất hiện của các tòa nhà chính phủ, chợ, cửa hàng, nhà cửa xung quanh. Thời kì Phục Hưng là giai đoạn huy hoàng của các quảng trường ở Florence, mỗi quảng trường ra đời đều có vai trò nhất định của nó. Các quảng trường ở Florence có diện tích lớn nhỏ với các chức năng khác nhau, tráng lệ hoặc khiêm nhường, nổi tiếng hoặc ít được biết đến. Nhưng điểm chung của tất cả các quảng trường này là vai trò của chúng trong xã hội dân sự và tầm quan trọng của tính biểu tượng không thể bị thay thế.
Quảng trường Republica (Piazza della repubblica)
Quảng trường quan trọng đầu tiên cần nhắc đến ở Florence là quảng trường Republica (piazza della repubblica). Quảng trường hiện nay từng là một forum, trung tâm của thành phố thời La Mã. Cây cột cao chính giữa quảng trường có tên gọi Colonna della Dovizia đánh dấu giao lộ hai con đường lớn từ thời kì này. Trong suốt thời trung đại, khu vực trung tâm này là một nơi tấp nập tập trung đông cư dân, quy tụ các phường hội, các khu chợ xen kẽ các khu nhà tạm và các nhà thờ. Quảng trường giữ được đặc trưng của kiến trúc trung cổ suốt cho đến thế kỉ 18 khi hội đồng thành phố quyết định mở rộng thành phố và dọn dẹp lại khu vực này. Các tòa tháp, nhà thờ, nhà xưởng, nhà ở, chỗ ngồi của phường hội đều bị phá hủy khiến công chúng ngày nay tiếc nuối. Quảng trường ngày nay có hình dáng của một hình vuông lớn bao quanh bởi các tòa nhà thiết kế đồng điệu dùng làm cửa hàng, quán cà-phê và khách sạn. Khu vực quảng trường cũng được xem như nhà hát ngoài trời của các nghệ sĩ đường phố và triển lãm ngoài trời cho các tác phẩm ngẫu hứng. Dù diện mạo hiện tại của quảng trường là kết quả của công cuộc đô thị hóa trong thế kỉ 19, thời kì Florence trở thành thủ đô đầu tiên của Italy thống nhất, bản thân piazza della repubblica với chút di tích ít ỏi còn lại luôn khơi gợi hoài niệm và nhắc nhở về kí ức La Mã xa xưa.

Quảng trường Signoria (Piazza della Signoria)
Tiếp theo, và quan trọng không kém, phải nói tới quảng trường Signoria (Piazza della Signoria). Quảng trường hình chữ L, tọa lạc ở vị trí tuyệt đẹp, vây quanh bởi những tòa nhà lịch sử như cung điện Vecchio, phòng trưng bày Uffizi, cung điện Uguccioni và nằm trên con đường hướng đến cây cầu cổ nổi tiếng Ponte Vechio. Chiếm vị trí trung tâm quảng trường, lâu đài Vecchino có dáng vẻ kiên cố của một pháo đài với mặt tường đá để trần, tầng mái có tường lan can hình răng cưa, dãy cửa cuốn tròn, tháp cao đặt lệch sang một bên là những hình ảnh của kiến trúc thời Trung Cổ còn lưu lại. Về mặt chính trị, Piazza della Signoria có vai trò đặc biệt trong sự hình thành và lịch sử phát triển của cộng hòa Florence. Quảng trường được đặt theo tên Palazzo della Signoria, hay còn gọi là Palazzo Vecchio, nơi làm việc của chính phủ (Signoria). Ngày nay, quảng trường Signoria giống như một phòng trưng bày điêu khắc ngoài trời khổng lồ nơi các bức tượng thấm đẫm tinh thần phục hưng xuất hiện ấn tượng, sống động đầy lôi cuốn. Các nhóm tượng này gồm đài phun nước thủy tề với Neptune ở trung tâm, Hercules và Cacus, bức tượng bằng đồng Perseus and Medusa, vụ cưỡng hiếp Sabine Women trong thần thoại Hi Lạp, tượng David… Mỗi bức tượng đều có một câu chuyện đằng sau nó, về tội ác, giết chóc, cưỡng hiếp, đức tin, tình yêu, chiến thắng… Dù vay mượn chất liệu thần thoại Hi Lạp, những bức tượng miêu tả tất cả hỉ nộ ái ố của cuộc sống trần tục mà Florence biết rõ. Cả Hercules và David đều được đặt trước Cung điện Palazzo della Signoria như một biểu tượng của sự tự do và chiến thắng, cũng là những biểu tượng mang tính thách thức dành cho các đối thủ chính trị âm mưu chiếm lấy Cộng hòa Florence.

Quảng trường Pitti (Piazza de Pitti)
Đóng vai trò then chốt trong đời sống chính trị Florence và là nhà bảo trợ lớn của nghệ thuật Phục Hưng, tên tuổi gia tộc Medici gắn liền với sự nổi tiếng của thành phố. Nhiều di tích tái hiện đời sống của gia tộc hùng mạnh này còn lưu lại ở cung điện (Palazzo) Pitti. Ngay phía trước cung điện là khoảng không gian mở hình vòng cung của quảng trường Piazza de Pitti, nằm ở phía nam sông Arno và cách cầu Ponte Vecchio không xa. Từ quảng trường có thể chiêm ngưỡng toàn bộ mặt tiền cung điện Pitti, một kiến trúc ba tầng trải theo hàng ngang xây bằng đá thô để trần. Ở tầng trệt cửa đi và cửa sổ xen kẽ trong khi ở hai tầng trên chỉ có những cửa sổ đồng nhất hình vòm cung. Cung điện Pitti được gia tộc Medici mua vào năm 1458 và sử dụng cho đến cuối thế kỉ 18. Ngày nay, cung điện là quần thể bảo tàng phức hợp với nhiều phòng trưng bày lớn nhỏ. Gia tộc Medici ban đầu là những thương nhân trong lĩnh vực ngân hàng. Họ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sử dụng sổ kế toán tổng hợp để theo dõi các khoản vay và các khoản ghi nợ. Là chủ sở hữu ngân hàng Medici, một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu lúc bấy giờ cùng với hàng loạt cơ sở kinh doanh khác, nhà Medici đã dùng tiềm lực kinh tế hùng mạnh để từng bước dấn thân vào vũ đài chính trị. Khi có trong tay quyền lực, nhà Medici không ngừng củng cố vai trò trung tâm của mình bằng cách liên kết với các gia tộc ưu tú khác thông qua các cuộc hôn nhân và các thỏa thuận thương mại. Trong giai đoạn hoàng kim của mình, nhà Medici sinh ra ba Giáo hoàng cho Giáo hội Công giáo Rôma—Giáo hoàng Leo X (1513–1521), Giáo hoàng Clement VII (1523–1534), Giáo hoàng Leo XI (1605) và hai nữ hoàng nhiếp chính của Pháp là Catherine de’ Medici (1547–1559) và Marie de’ Medici (1600–1610). Trong thời đại trị vì của mình, nhà Medici đã tạo ra môi trường thuận lợi cho nghệ thuật và chủ nghĩa nhân văn phát triển. Cùng với các gia tộc lớn khác, họ đã truyền cảm hứng cho thời kì Phục Hưng.

Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo)
Quảng trường Duomo (Piazza del Duomo) là khu vực sầm uất thu hút đông đảo du khách nhất ở Florence. Ở vị trí trung tâm của quảng trường là vương cung thánh đường Florence (Cattedrale di Santa Maria del Fiore hay Duomo di Firenze). Nhà thờ được xây dựng từ năm 1296 theo phong cách Gothic nhưng đến tận năm 1436 mới được hoàn thành với một mái vòm khổng lồ được thêm vào, đây là thiết kế của Filippo Brunelleschi. Nằm liền kề vương cung thánh đường là Tòa tháp Giotto với cùng mô-típ trang trí mặt tiền. Đối diện vương cung thánh đường là tòa Bí tích rửa tội thánh John. Là một trong những kiến trúc lâu đời nhất ở Florence, tòa nhà có cấu trúc bát giác thiết kế theo phong cách Roma Florentine. Ảnh hưởng của phong cách này tạo nền tảng cho các kiến trúc sư bậc thầy của thế hệ tiếp theo tạo ra phong cách kiến trúc Phục Hưng. Tòa nhà cũng nổi tiếng với ba bộ cửa chạm khắc phù điêu theo lối tả thực vô cùng công phu tinh xảo. Phức hợp ba công trình kiến trúc vừa nêu là quần thể di sản quan trọng và là biểu tượng nổi tiếng hàng đầu của thành phố. Cùng với hàng dài du khách, quảng trường Duomo cũng là nơi tập trung nhiều cửa hàng, các quán ăn, quán cà-phê ngoài trời, các nghệ sĩ đường phố hoạt động tự do và tô điểm bởi những cỗ xe ngựa thường xuyên qua lại.

Quảng trường Santissima Annunziata (Piazza della Santissima Annunziata)
Quảng trường Santissima Annunziata (Piazza della Santissima Annunziata) là một tác phẩm khác của Brunelleschi, trước khi ông nổi tiếng với mái vòm Duomo. Mặc dù rất gần quảng trường Duomo sầm uất, quảng trường Santissima Annuziata lại yên ả vô cùng, có lẽ nhờ vào vị trí khép kín của nó. Quảng trường bao quanh bởi ba dãy hành lang lớn có mái che hình vòm cung, phía bắc là nhà thờ Santissima Annunziata. Nhà thờ nổi tiếng với những bức bích họa và nội thất trang trí xa hoa. Bức họa nổi tiếng nhất là Miraculous Annuciation được tương truyền rằng các thiên thần đã xuất hiện để hoàn thiện bức tranh trong khi các họa sĩ ngủ quên. Ngay chính giữa quảng trường là bức tượng đồng mô tả Ferdinando I de’ Medici trên yên ngựa, mặt hướng về phía vương cung thánh đường Duomo. Cũng trên quảng trường có hai đài phun nước miêu tả các thủy quái trong thần thoại. Mặc dù từng được xem là một trong những quảng trường đẹp nhất Florence, Santissima Annunziata thoạt nhìn có vẻ cũ kĩ. Tính lịch sử và sự bình yên dường như là điểm cuốn hút nhất ở quảng trường này.

Quảng trường Michelangelo (Piazzale Michelangelo)
Hầu hết hình ảnh Florence xuất hiện trên các tấm postcard đều được chụp từ một điểm nhìn ở quảng trường Michelangelo nằm trên ngọn đồi cùng tên. Vị trí này giống như một sân thượng khổng lồ đem tới cho du khách tầm nhìn bao quát hướng về trung tâm thành phố nơi mái vòm Duomo ở vị trí trung tâm như một điểm nhấn, một biếu tượng kinh điển, xung quanh là những tháp nhà thờ khác, những ngôi nhà ngói nâu tường vàng, dòng sông Arno uốn quanh chảy dưới chân những cây cầu nhỏ, ngọn đồi xanh mờ phía xa và những rừng cây rất gần còn lưu dấu phần còn lại của bức tường thành đã gần như biến mất trong quá trình mở rộng thành phố. Quảng trường được xây dựng vào năm 1869 trong thời gian Florence trở thành Thủ đô của Italy và cả thành phố tham gia vào việc cải tạo đô thị. Ý tưởng ban đầu về quảng trường, thiết kế bởi KTS Giuseppe Poggi, bao gồm một bảo tàng lớn tôn vinh các tác phẩm của Michalengelo. Tuy nhiên, Bảo tàng đã không được thực hiện như dự định. Thay vào đó, quảng trường có thiết kế đơn giản với khoảng không lớn, tác phẩm điêu khắc bằng đồng là bản sao tượng David của Michalengelo chiếm vị trí trung tâm. Đi bộ lên đồi men theo các bậc thang từ quảng trường Michalengelo ta sẽ gặp quần thể tu viện và nhà thờ San Miniato al Monte, một di sản kiến trúc trung cổ có từ thế kỉ 11 với mặt tiền trang trí bởi các họa tiết hình học bằng đá cẩm thạch xanh trắng khảm vàng. Khác với quảng trường tấp nập du khách, khu vực tu viện luôn yên ả, linh thiêng và kín đáo. Ngay bên dưới quảng trường Michalengelo, men theo các bậc thang bằng đá ta sẽ bước ngang qua vườn hồng. Đây là khu vườn công cộng mở cửa miễn phí, tràn ngập hoa hồng và các loại cây xanh khác.

Trải qua nhiều cuộc cải tổ chỉnh trang đô thị, đến nay Florence vẫn gắn liền với danh xưng thành phố Phục Hưng. Trong thời gian thế kỉ 14 đến thế kỉ 16, thời kì Phục Hưng đánh dấu một cuộc cách mạng trong thiết kế quảng trường. Quảng trường thời kì này gắn chặt với quy hoạch và thiết kế đô thị, chú trọng đến tỉ lệ giữa con người với các công trình xung quanh, kết hợp hệ thống dịch vụ công cộng với không gian nghỉ ngơi, kích thích sự tương tác giữa các thị dân thành phố. Dù là khách du lịch vửa đặt chân đến hay cư dân lâu năm, có vẻ như không nơi nào khác ngoài quảng trường cho người ta cảm giác rõ rệt nhất rằng sự hiện diện của mình là một phần trong sự vận hành của thành phố.
Đinh Ngọc Tâm