Nơi chốn an lành

Có lẽ, giấc mơ về một ngôi nhà, một nơi chốn an lành, bình yên để trở về là giấc mơ không của riêng ai. Đó là điều tự nhiên và thật dễ hiểu. Tuổi thơ tôi cũng mang giấc mơ ấy theo những năm tháng cho đến tận bây giờ. Qua mấy lần chuyển nhà, trải qua nhiều sự kiện lớn trong cuộc sống, đó vẫn là một giấc mơ đẹp và ám ảnh.

Không gian sống bình yên, an lành là mơ ước của tất cả mọi người – ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Đến khi làm nghề, gặp nhiều loại khách hàng, tiếp xúc nhiều với những yêu cầu, những mong muốn dù thực tế hay không; thì tôi cũng hiểu hơn về giấc mơ đó. Những người xây nhà, khi tìm đến với kiến trúc sư, bên cạnh những yêu cầu công năng cụ thể, ý tưởng về hình thức và phong cách… thì họ luôn muốn ngôi nhà của mình phải là… của mình, phải được thoải mái và bình an trong ngôi nhà đó – dẫu rằng cách thể hiện về vấn đề này của mỗi người có thể khác nhau.

Cảm giác an lành là khi trở về muộn thấy ngôi nhà mình sáng đèn – ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Nơi chốn an lành

Từ xưa, tâm lý người Việt vẫn luôn muốn có một sự ổn định, ít thay đổi. Ông cha đã có những câu như: “Đất lành chim đậu”, “An cư lạc nghiệp”…Điều đó xuất phát từ văn hoá và nền kinh tế nông nghiệp gắn với đồng ruộng. Cũng vì lẽ đó, ngôi nhà được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất gắn liền với cuộc sống theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhà là nơi người ta nghỉ ngơi và sinh hoạt, và cũng là nơi chốn trở về. Và nơi chốn ấy có ai lại không mong muốn sự an lành. Một nếp nhà tranh, một ngôi nhà ngói 3 gian, 5 gian… dẫu có to nhỏ, rộng hẹp, giàu nghèo – hơn kém nhau, thì nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi đem lại sự an lành cho chủ nhân.

Một mảnh vườn nhỏ xanh tươi trong ngôi nhà hiện đại làm dịu mát và thư thái – ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Dĩ nhiên, một ngôi nhà được gọi là an lành phụ thuộc và nhiều yếu tố. Nhưng có thể coi có hai yếu tố chính: bản thân ngôi nhà và các mối quan hệ khác. Ngôi nhà bền vững, chắc chắn là một ngôi nhà có chữ “an”. Bền vững, chắc chắn để gió bão không sợ đổ, mưa không ngại dột; trong nhà cất đồ giữ của thấy yên tâm. Nhưng ngôi nhà không chỉ là nơi che nắng che mưa, là nơi tối ngủ hay nơi cất đồ. Ngôi nhà đó phải là chốn trở về của người ta sau mỗi ngày, hay sau mỗi chuyến đi dài. Ngôi nhà cũng là nơi có tiếng nói yêu thương của những người thân, là nơi chứa đựng tình cảm gia đình… Ngôi nhà an lành là nơi mà người ta luôn muốn trở về, và bình yên, thanh thản. Người xưa cũng nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” – hẳn nói về cái sự an lành phía sau nhưng lại rất đỗi quan trọng kia.

Chữ “an” trong ngôi nhà thời hiện đại

Chữ “Phúc” treo trong phòng gợi cảm giác an lành – ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Trở lại câu chuyện ban đầu, để có chữ “an” trong ngôi nhà hiện đại, chắc hẳn kiến trúc sư phải bận tâm nhiều hơn. Chuyện thiết kế, vấn đề kỹ thuật thì có thể hoàn toàn giải quyết theo khoa học và công nghệ. Đó là việc thiết kế theo đúng quy chuẩn, thi công tuân thủ thiết kế, tận dụng các ứng dụng mới, tiến bộ của khoa học trong thiết bị, hệ thống kỹ thuật… như đúng kết cấu, an toàn điện… Tuy nhiên, vấn đề của kiến trúc sư không chỉ ở đó. Kiến trúc sư cần tìm hiểu kỹ hơn về tính cách, thói quen và nhu cầu của chủ nhà để đưa ra những giải pháp thích hợp về kiến trúc nhằm đưa đến sản phẩm cuối cùng mang lại chữ “an” cho chủ nhân. Một hệ thống cửa chắc chắn, hoa sắt dày đặc và an toàn có thể làm chủ nhân này yên tâm, nhưng cũng có thể làm chủ nhân khác cảm thấy bức bối và lấy đi mất chữ “an” của họ. Một cách bài trí nội thất cổ điển có thể làm người già tĩnh tại, bình yên nhưng lại làm người trẻ cảm thấy buồn, thiếu sức sống và ngược lại… Vật liệu mới, hiện đại có thể gây cảm giác không thoải mái với người quen vật liệu truyền thống. Hay giải quyết tốt vấn đề phong thuỷ – một yếu tố quan trọng của sự an lành – cùng bài toán kiến trúc – kỹ thuật cũng đòi hỏi sự tinh tế và tay nghề của kiến trúc sư. Nói như vậy để thấy rằng chữ “an” cũng là một khái niệm tương đối, mà người kiến trúc sư phải linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.

Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm – ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Và ở yếu tố còn lại, có lẽ chủ nhà mới là người tạo lập và giữ gìn chữ “an” cho chính mình. Đó là các mối quan hệ với thiên nhiên, môi trường và xã hội. Kiến trúc sư có thể vẽ ra một khu vườn đẹp; nhưng để khu vườn ấy xanh tươi, gần gũi, đem lại bình yên thư thái… chắc chắc là việc của chủ nhà. Kiến trúc sư có thể vẽ một cái cổng cùng hàng rào đẹp, nhưng để chủ nhân và gia đình được hàng xóm tôn trọng, yêu quý chắc không phải do cái cổng hay tường rào… Và ở trong ngôi nhà, một căn phòng sẽ chỉ đẹp khi có nụ cười và tiếng nói yêu thương; một căn bếp đẹp khi luôn nồng ấm ngọn lửa. Đó là chữ “an” vậy!

KTS Nguyễn Trần Đức Anh

©