Ông Hoàng Công KhôiBí thư Quận ủy Quận Hoàn Kiếm: Định hướng chỉnh trang đô thị quận Hoàn Kiếm theo hướng bền vững

Nằm trong trung tâm nội đô lịch sử Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có 03 khu vực đặc thù của quỹ di sản đô thị quý giá – Đó là khu phố cổ phía Bắc (82ha), khu phố cũ phía Nam (210ha), khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (61,7ha) kết nối với 02 khu vực trên. Đây vừa là niềm tự hào của người dân quận Hoàn Kiếm nhưng cũng là những thách thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị đó song song với việc kiểm soát phát triển đô thị trên địa bàn quận.

Thực hiện chỉ đạo của TP, trên cơ sở mục tiêu của đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định việc cải tạo, nâng cấp chất lượng khu vực trung tâm lịch sử, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành nghiên cứu tổng thể các dự án liên quan không chỉ về quy hoạch, kiến trúc, cải tạo chỉnh trang mà còn chú trọng cây xanh, chiếu sáng đô thị, cảnh quan, lát hè, kè hồ… được tiến hành bởi các đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước. Từ bước nghiên cứu sơ bộ, ý tưởng đến các giải pháp cụ thể đều được báo cáo tập thể lãnh đạo Thành phố, các Sở – Ban – Ngành, lấy ý kiến các Hiệp Hội chuyên ngành để có được những ý kiến đóng góp, nâng cao chất lượng và tính khả thi của dự án, đảm bảo sự đồng bộ, kết nối giữa các dự án trong một tổng thể chung của địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Khu phố cổ, khu phố cũ quận Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận đều là các tuyến phố đã ổn định về mặt quy hoạch; mặt khác các Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu vực này cũng đang được triển khai, hiện thành phố đang chuẩn bị phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch phân khu Hồ Gươm và khu vực phụ cận, khu phố cũ, khu vực ngoại đô sông Hồng… Do đó, UBND Quận Hoàn Kiếm đã đề xuất Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND TP Hà Nội điều chỉnh các đồ án thiết kế đô thị trên địa bàn quận, trước hết là các đồ án cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Cụ thể, UBND quận đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện công tác chỉnh trang kiến trúc đô thị, bảo tồn nhiều công trình kiến trúc, phố nghề thủ công, phố chuyên doanh truyền thống, kiến trúc cảnh quan, điển hình như: Bảo tồn các công trình Quán chùa Huyền Thiên, Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông), Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm); các dự án chỉnh trang mặt đứng một số tuyến phố như: một đoạn phố Tạ Hiện, phố Đông Nam dược Lãn Ông, các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố nhánh nối ra hồ… Các dự án này đã tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ, thu nhận được sự ủng hộ của cộng đồng dân cư.

Hiện nay quận đang xây dựng kế hoạch và phân công đến từng đơn vị trong quận để nghiên cứu thực hiện chỉnh trang mặt đứng toàn bộ các tuyến phố trong khu phố cổ (2018-2020); Nghiên cứu tái thiết các không gian công cộng trên địa bàn bao gồm hệ thống vườn hoa, quảng trường; tạo lập và khai thác hiệu quả các không gian văn hóa (Đinh Lễ, Nguyễn Xí…), không gian phố nghề thủ công mỹ nghệ (Yên Thái, Tạm Thương…) và các không gian đặc trưng như 131 vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên; bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt như: Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo trở thành trung tâm văn hóa phố cũ…

Công việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của quận Hoàn Kiếm đã thu được những thành công bước đầu, tạo dựng những không gian sống chất lượng cho người dân Thủ đô, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho cả khu vực trung tâm thành phố một cách bền vững.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)