Ông Võ Công Trí – Phó bí thư thường trực thành ủy Đà Nẵng: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế – Xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (viết tắt Nghị quyết số 43-NQ/TW) đã khẳng định chủ trương xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đô thị biển đẳng cấp châu Á. Điều này có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới. TCKT đã có cuộc trò chuyện với ông Võ Công Trí – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về vai trò quan trọng của NQ 43-NQ/TW và những công việc Đà Nẵng sẽ triển khai NQ 43 vào đời sống.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

Đồ án QH cảnh quan 2 bên bờ sông Hàn – Nguồn ảnh: Sở XD Đà Nẵng

Ông Võ Công Trí: Trước hết, tôi xin cảm ơn Tạp chí Kiến trúc đã luôn quan tâm và đồng hành với TP Đà Nẵng trên những bước đường phát triển.

Về Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, có thể nói đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, định hướng lâu dài, tạo nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của TP Đà Nẵng. Đây là hướng phát triển tiếp theo sau một chặng đường hơn 15 năm phấn đấu, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành năm 2003. Khi ấy, Đà Nẵng mới trở thành TP trực thuộc Trung ương được 6 năm. Với sức trẻ của mình, Đà Nẵng đã gây được sự chú ý với cả nước về sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và cũng đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, Đà Nẵng vốn là một đô thị có cấu trúc phục vụ chiến tranh nên vừa nhỏ hẹp, vừa bị cắt vụn bởi các căn cứ quân sự. Muốn kiến tạo không gian đô thị phải quy hoạch, giải tỏa, chỉnh trang lại hầu hết các khu dân cư, các cơ sở sản xuất cũng như kết cấu hạ tầng. Quá trình đó gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng.

Chỉ đến khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 10-10-2003 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những vướng mắc nói trên mới thực sự được gỡ bỏ. Có thể nói, Nghị quyết số 33-NQ/TW là một quyết sách quan trọng của Trung ương nhằm tạo nền tảng và là “cú huých” mạnh, mở đường cho TP Đà Nẵng bứt phá phát triển. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, TP Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, là một trong những địa phương tiên phong, quyết liệt trong cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Từ một đô thị nhỏ hẹp, hạ tầng kém, kinh tế khó khăn, Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước.

Công viên Châu Á Đà Nẵng

Tuy nhiên, TP cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém, như vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết phát triển vùng… còn yếu, chưa đạt được như kỳ vọng, còn khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế hiện nay; kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng năng suất lao động chưa tương xứng; quy mô nền kinh tế nhỏ, với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và lập quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất; các nguồn lực cho đầu tư phát triển thành phố có chiều hướng thu hẹp, nhất là quỹ đất dự trữ cho phát triển ngày càng cạn kiệt; việc xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc, mang tầm vóc quốc tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Những vướng mắc, khó khăn nêu trên đã trở thành rào cản đối với sự phát triển của TP.

Có thể nói, Nghị quyết 43-NQ/TW vừa thể hiện sự tin tưởng của Bộ Chính trị, vừa tiếp thêm động lực và niềm tin cho Đà Nẵng bước vào một giai đoạn lịch sử mới đầy thách thức và kỳ vọng.

Nhà báo Bùi Thanh Hương:Với tầm quan trọng của Nghị quyết trong định hướng phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy đã và đang có những chỉ đạo cụ thể như thế nào để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, thưa ông?

Ông Võ Công Trí:Khi ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương để cùng với TP Đà Nẵng sớm triển khai thực hiện. Bộ Chính trị đã giao cho Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng chủ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW; phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa nghị quyết đi ngay vào cuộc sống; chỉ đạo chuẩn bị đề án, kiến nghị về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, năm 2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP Đà Nẵng, đây là năm phải tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ TP đề ra cũng là năm bắt đầu cho quá trình chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo bắt tay ngay vào triển khai thực hiện. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 21/02/2019 chỉ đạo công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết; thành lập Tổ công tác tham mưu; giao Ban cán sự đảng tham mưu Chương trình hành động của Thành ủy, xây dựng Đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính – ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và dự thảo Nghị định của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, hoàn thành và báo cáo trong quý II-2019; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền chuyên sâu và lâu dài nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương bạn và nhân dân thành phố trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW…

Sân vận động – Hòa Xuân

Nhà báo Bùi Thanh Hương: Để tạo được mục tiêu về xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị ven biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á, theo ông, các lĩnh vực liên quan đến quy hoạch – kiến trúc – cảnh quan ven biển của Đà Nẵng cần tập trung giải quyết những vấn đề gì?

Ông Võ Công Trí: Theo tôi hiểu, khái niệm “đô thị ven biển đẳng cấp” trước hết phải bao hàm ý nghĩa tôn vinh giá trị vốn có của biển. Đó cũng là sự khác biệt của một đô thị ven biển so với các đô thị không tiếp giáp với biển.

Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng một dải bờ biển với đầy đủ những đặc điểm hấp dẫn nhất với sóng xanh, cát vàng, bờ thoải, lại được tô điểm thêm với những danh lam, thắng cảnh như Hải Vân, Sơn Trà, Non Nước… từng được đánh giá là một trong những bờ biển đẹp nhất hành tinh.

Với mục tiêu hướng đến một đô thị đạt tầm châu lục, dĩ nhiên Đà Nẵng phải phát huy những giá trị tốt nhất của mình. Kinh tế biển sẽ là một trong ba trụ cột chính cùng với du lịch và công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, phải phát triển TP Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển bao gồm các ngành du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, công nghiệp ven biển và khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác. Tất cả các chức năng ấy sẽ đan xen nhau trên dải không gian ven biển.

Để hình thành một không gian đa chức năng như vậy cần phải có một quy hoạch chất lượng, không chỉ tích hợp mà còn phải phát huy tính liên kết và tương hỗ giữa các hạt nhân trong một tổng thể thống nhất, đồng thời phải kiến tạo sự kết nối về không gian vật lý, hạ tầng kỹ thuật và kinh tế với các khu vực khác của địa phương, vùng miền Trung – Tây Nguyên, quốc gia và quốc tế.

Sau tất cả những giải pháp đó, điều tối quan trọng là các nhà quy hoạch, kiến trúc phải chắt lọc những giá trị tinh hoa của thiên nhiên Đà Nẵng để thổi vào không gian ven biển ấy cái hồn cốt của vùng đất này. Có như vậy trong hình hài của một đô thị đẳng cấp mà Đà Nẵng hướng tới mới chứa đựng những giá trị tinh thần không lẫn vào đâu được so với các đô thị đẳng cấp khác trên thế giới.

Cảnh quan Sông Hàn – (ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

Nhà báo Bùi Thanh Hương:Trân trọng cảm ơn Ông và chúc Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với kỳ vọng mà cả nước mong đợi!

Thanh hương (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)