Như chúng ta đã biết, mục tiêu quan trọng nhất của kiến trúc bền vững là sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua việc thiết kế công trình hợp lý, sử dụng hệ thống thông gió, làm mát hay sưởi ấm tòa nhà…làm sao để năng lượng tiêu hao trong công trình thấp nhất mà vẫn đạt được những tiện nghi sử dụng cao cho con người. Nước Đức được biết đến như là “Land of Ideas’’ (đất nước của những ý tưởng), nhiều phát minh khoa học, tác phẩm văn học, âm nhạc và nghệ thuật được sản sinh tại nơi đây…mà kiến trúc là một phần trong đó! Trong xu thế chung của nền kiến trúc thế giới hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng, phát triển kiến trúc bền vững, nước Đức luôn là một trong những quốc gia phát triển đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm thực tế có tính tiên phong và khả thi cao. Có thể kể đến Passive House được xây dựng năm 1990 tại Damstadt (Đức) bởi Wolfgang Feist là một trong những ví dụ đầu tiên cho công nghệ kiến trúc tiết kiệm năng lượng. Tại Đức, các tấm solar panels được nghiên cứu và đưa vào sử dụng hầu hết trong toàn bộ các dự án xây dựng mới nhằm tận dụng triệt để nguồn nhiệt năng tự nhiên, đề cao khả năng tự cung cấp năng lượng của các tòa nhà. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi nhìn thấy những cánh đồng với nhiều tuốc bin gió tại đất nước này. Năng lượng gió (wind power) được khai thác và sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, các loại vật liệu xây dựng mới như vật liệu tái tạo, vật liệu nguồn gốc hữu cơ,…được các nhà sản xuất vật liệu tại Đức quan tâm nghiên cứu và tái tạo ra nhiều sản phẩm thực sự có giá trị.
Hội đồng công trình bền vững của Đức (DGNB) là một trong những tổ chức uy tín trên thế giới trong việc đưa ra các tiêu chí bền vững, tiêu chí “Xanh’’ để đánh giá các công trình kiến trúc, từ một số ít thành viên sau khi thành lập vào năm 2007 cho tới nay hội đồng này đã có tới hơn 1100 thành viên trên toàn thế giới với hơn 500 chuyên gia cao cấp là những KTS, kỹ sư, nhà phát triển dự án, nhà đầu tư cũng như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, tổ chức bất động sản.
Là một trong những nước đi đầu lĩnh vực phát triển kiến trúc bền vững, nước Đức rất coi trọng công tác đào tạo các chuyên gia liên quan như KTS, kỹ sư,…Thiết kế tích hợp (integrated design) là một trong những nội dung quan trọng mà các chương trình đào tạo ngành kiến trúc, xây dựng tại Đức đưa vào giảng dạy, nghiên cứu từ nhiều năm gần đây. Các sinh viên kiến trúc tại Đức luôn được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia những môn học liên quan tới xu hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng. Họ được giảng dạy kỹ lưỡng về môi trường sinh thái, cách phân tích những tác động tự nhiên, tìm sự gắn kết nhiều mặt của công trình với vị trí xây dựng. Không những vậy, họ còn được học cách tính hiệu quả kinh tế trong việc phát triển dự án ở tầm vĩ mô, tới việc tính toán sử dụng năng lượng tiết kiệm cho công trình ở tầm vi mô. Công nghệ xây dựng mới liên tục được cập nhật trong các trường đại học thông qua các giờ giảng của những chuyên gia đầu ngành được mời về trường, cũng như các chuyến tham quan thực tế tới các công trình có sử dụng công nghệ liên quan. Xây dựng ý thức thiết kế có trách nhiệm với môi trường tự nhiên, đề cao tính nhân văn và tiết kiệm năng lượng luôn là một mục tiêu quan trọng trong các khóa học về kiến trúc và xây dựng tại Đức. Trong hầu hết các nhiệm vụ thiết kế dự án hay đồ án trong các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc, sinh viên luôn lấy định hướng này làm kim chỉ nam cho các ý tưởng của mình và đương nhiên các giảng viên cũng đánh giá cao những ý tưởng dựa trên các tiêu chí bền vững trong kiến trúc đương đại. Những sự kiện liên quan tới phát triển kiến trúc, đô thị bền vững luôn được coi trọng và tổ chức thường xuyên nhằm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trên toàn thế giới.
ThS. Nguyễn Vinh Quang
Bộ môn Kiến trúc công trình, Khoa Kiến trúc – công trình, ĐH Phương Đông, Hà Nội
Cựu du học sinh cao học tại trường ĐH HTW Berlin, Đức