Tôi chỉ nhìn thấy phổ cổ Hà Nội qua một bức vẽ mà tác giả cuốn Lịch sử Hà Nội Philippe Papin đưa vào trang 248 (Sách do Nhà xuất bản Sự thật cộng tác cùng công ty Nhã Nam ấn hành năm 2009 qua bản dịch của Mạc Thu Hương) cùng những lời viết của tác giả: “Khu ba mươi sáu phố phường có hình tam giác là nơi tập trung chủ yếu các cửa hàng trong thành phố”. Theo Philippe Papin, cấu trúc này còn giữ tới trước mùa đông năm 1946. Cứ nhìn vào bức vẽ mà luận ra, thì thấy khu phố cổ Hà Nội trước mùa đông năm 1946 là khu phố sầm uất với những cửa hàng và có một đặc điểm mà nhà văn Nguyễn Công Hoan đã nhận xét trong cuốn Nhớ gì ghi nấy là ở tất cả các căn nhà phố cổ có một kiến trúc phổ biến: Tầng một (mà Sài Gòn là tầng trệt) thì mở cửa ra đường để bày cửa hiệu bán hàng. Còn tầng hai (mà Sài Gòn gọi là lầu một) trở lên là gác không trông ra đường mà trông vào sân phía trong nhà. Phía ra đường xây kín, ở giữa có một hay nhiều hòn gạch hoa thủng để lấy ánh sáng. Đó có lẽ là một đặc điểm kiến trúc mà phố cổ phân biệt với những phố xây lại sau mùa đông 1946: Là gác cũng mở cửa ra phía ngoài đường. Phố cổ hình thành bởi tập hợp những căn nhà được xây dựng theo sự phát triển của Hà Nội, có lẽ là mạnh mẽ nhất từ khi Pháp định biến Hà Nội thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương tức là đầu thế kỷ XX. Mỗi phố có một đặc điểm riêng. Trong Nhớ gì ghi nấy của nhà văn Nguyễn Công Hoan, có rất nhiều những phần nói về phố cổ. chỉ cần ghi ra là thấy cả phố cổ Hà Nội trước mùa đông 1946. Đây là những đoạn ghi của ông:
“Ở phố Hàng Trống có hotel des colonies (khách sạn Thuộc địa) ở góc Hàng Trống với phố Nhà Thờ. Phố đông người là từ Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Bông. Phố sông Tô Lịch nay là phố Hàng Lược. Từ đường phố vào nhà, phải bắc cầu. Tây lùn La Mon tagin mở hiệu tạp hóa ở 13 phố Hàng Gai đề là Bazar Tonkinois (cửa hàng xén Bắc Kỳ), sau dọn lên chợ Đồng Xuân ở góc Hàng Giấy với Hàng Khoai và đổi tên cửa hiệu là Bazar du Grand Marché (cửa hàng xén chợ Đồng Xuân). Nhà in Nghiêm Hàm ở 58 Hàng Bông. Phố Hàng Quạt có hai rạp tuồng: Rạp Năm Châu, Rạp Thông Sáng. Có cả rạp chiếu bóng đầu tiên. Sau có thêm rạp Pathé freres sát đền Bà Kiệu (nay là rạp Múa Rối). Phố Hàng Buồm là phố ăn Trung Quốc. Nhà tư sản Tiến Xương ở phố Hàng Giấy. Ở 18 Đường Thành có hiệu ảnh Hưng Ký. Góc Hàng Bông và Đường Thành có hiệu Mỹ Chương. Hà Nội nhiều ngõ hẻm như Ngõ Sầm Công, Hàng Mành, Phất Lộc, Tô Tịch … Phố Hàng Chiếu trước có tên là phố Mới, Pháp đặt tên người lái buôn là phố Jean Dupuis”.
Về phố này, nhà văn Tô Hoài cũng đã viết về phố Mới và gọi tên phiên âm Jean Dupuis là Đồ Phổ Nghĩa. Các phố cổ với các cửa hàng buôn bán đã trở thành những gì tạo nên sự đặc biệt của nó quanh Hồ Gươm. Đến mùa xuân năm Bính Tuất, các phố cổ vẫn như thế và đón cái tết Độc Lập đầu tiên đầy hứng khởi. Trong trường ca Người Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cũng có đoạn nhạc mô tả sự nhộn nhịp của Hà Nội, trong đó có phổ cổ: “Hà Nội vui sao – những cửa đầu ô – tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm – Sống vui phố hè – Bồi hồi chàng trai – những đôi mắt nào – Quanh co, chen quanh rộn ràng Đồng Xuân – xanh tươi bát ngát Tây Hồ – Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai …”. Nhưng cũng chính trong trường ca này, ông đã chất ngất ngợi ca sự tuẫn đạo của những phố cổ biến thành chiến lũy và đục thông các căn nhà làm đường di chuyển của chiến sĩ bảo vệ Thủ đô rất hùng tráng: “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời Hà Nội hùng ầm ầm rung sông Hồng reo – thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng – Búng cháy khắp phố ta ơi! Vùng lên, chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu …”.
Sau cái tết Độc Lập đầu tiên, đối với các phố cổ Hà Nội cũng là cái tết cuối cùng. Khi quân ta rút ra khỏi Hà Nội, các phố cổ đã ngã xuống như chính những người lính hy sinh bảo vệ Thủ đô. Sự đổ nát của các phố cổ được nhạc sĩ Trần Văn Nhơn mô tả trong ca khúc Hà Nội – 49: “Khắp chốn nay điêu tàn, nhà xiêu đổ một cảnh nát tàn”. Cuộc tái thiết lại Hà Nội tạm bị chiếm đã diễn ra sau đó. Hầu hết các căn nhà phố cổ hôm nay mà ta nhìn thấy là sự hồi sinh của phố cổ với kiến trúc khác xưa khi các căn gác cũng mở cửa nhìn ra đường. Đối với bây giờ, có lẽ chỉ nên gọi nó là phố cũ. Phố cổ đã vĩnh viễn bị xóa đi từ mùa đông 1946. Tuy nhiên, ta vẫn có thể từ phố cũ mà tưởng tượng ra phố cổ. Những căn nhà được tái thiết trên phố cổ cũng được nhắc đến trong ca khúc Chiều đô thị của Phạm Duy Nhượng: “Ôi thành phố thân yêu bao mái nhà chìm trong sương chiều – Ôi lửa ấm cơ ngơi – sau bức mành là cuộc đời vui – ôi đường sá đêm khuya – đôi mái kề dịu êm trên hè …”.
Mùa xuân Bính Tuất 1946 là mùa xuân độc lập đầu tiên song cũng là mùa xuân cuối cùng của phố cổ Hà Nội. Một kiến trúc cũ đã bị xóa đi. Một kiến trúc mới đã thay thế và biến đổi đến tận hôm nay và vẫn trở thành một điểm đến mang đặc trưng của một Hà Nội đã ngàn năm tuổi.
Nguyễn Thụy Kha – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc – Số 12-2015)