Tôi có may mắn được sống ở Pleiku từ năm 1975 đến nay, trở thành người đậm “chất” Pleiku – Yêu Pleiku! Vừa rồi có dịp xem những bức ảnh chụp Pleiku những năm từ 1962 đến 1980, chợt nhớ lại từng góc phố, con đường xưa, tôi không khỏi xót lòng khi bóng dáng những hàng thông cổ kính trong lòng Phố Núi không còn nữa. Thông ít đi, sương mù cũng ít đi, Pleiku cũng ít thơ mộng hơn, mất đi một ít “bản sắc”! Xây dựng một đô thị hiện đại có vẻ dễ hơn nhiều so với việc xây dựng một đô thị giàu bản sắc, có phong cách địa phương.
Phố Núi Pleiku rõ ràng đã có bản sắc, đã từng rất đặc trưng. Đó là gì? – Đó là hệ thống giao thông nhiều dốc, uốn lượn bám theo địa hình tự nhiên; đó là các hồ nước tự nhiên và nhân tạo từ các khe suối, tụ thủy, nằm bên những cánh rừng thông ba lá xanh ngút ngàn, xen lẫn những vạt hoa cúc quỳ vàng rực rỡ; đó là những buôn làng truyền thống đầy bản sắc đã tồn tại hàng trăm năm trong lòng đô thị, với các không gian lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo đã được thế giới công nhận là di sản của nhân loại. Pleiku là một đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu lý thuyết tầng bậc của châu Âu khá rõ nét với một lịch sử hình thành và phát triển hơn 85 năm.
Nhìn từ trên cao xuống, Pleiku như những chiếc bát lớn nhỏ gối san sát vào nhau; cái bát lớn nhất là núi Hàm Rồng, cái bát đặt ngửa đầy nước là Biển Hồ. Sự nhấp nhô của địa hình được giữ nguyên khi xây dựng tạo thành các lớp nhà cao thấp xen kẽ với rất nhiều cây xanh, nên đứng ở một điểm lại nhìn thấy nhiều nhà theo lớp lang. Những điểm thấp nhất là các dòng chảy, khe suối, mạch nước, ruộng lúa. Những cánh đồng lúa này trong tương lai khi đô thị phát triển và khi người nông dân đã là người đô thị đúng nghĩa thì sẽ trở thành những hồ nước thênh thang, cải thiện môi trường cảnh quan và khí hậu cho đô thị (Pleiku sở hữu một túi nước ngầm được xếp vào loại tốt nhất thế giới mà miệng của nó chính là Biển Hồ). Pleiku thật sự có một cảnh quan đô thị tuyệt vời! “Cảnh quan đô thị” theo từ điển tiếng Việt đó là tổng thể hình ảnh kiến trúc đô thị cùng những yếu tố thiên nhiên gây ấn tượng và cảm xúc thẩm mỹ.

Theo giới chuyên môn thì bản sắc của Pleiku có thể quy về ba đặc trưng, đó là: Quy hoạch – kiến trúc, thiên nhiên – cảnh quan và đặc trưng văn hóa. Do vậy, khi quy hoạch và xây dựng thành phố Pleiku, chúng ta phải triệt để khai thác và vận dụng kế thừa các đặc trưng này: Không san ủi mặt bằng, hạn chế tối đa việc chặt cây, tạo khuôn viên cảnh quan cho từng công trình, tạo các khoảng xanh thoáng cho từng khu phố, các khu dân cư, giữ mật độ xây dựng các công trình công cộng không quá 50% diện tích khu đất, xây dựng đường, vỉa hè bám theo độ dốc địa hình tự nhiên, nghiên cứu trồng các loại cây xanh trong đô thị phù hợp (thông, kơnia, sao, dầu nước, long não, ngân hoa…), ưu tiên nhất vẫn là cây thông để trả lại đặc trưng vốn có cho Phố Núi. Các khu đất còn trống nên giữ lại để tạo các khoảng không gian công cộng cho thành phố; các khu ven trung tâm, các khu dân cư mới tập trung phát triển hình thức nhà vườn, biệt thự; phải tận dụng tối đa các con suối, các điểm tụ thủy tự nhiên để tạo mặt nước với tác dụng giữ nước và cải tạo vi khí hậu.
Trong quy hoạch xây dựng đô thị ở Tây Nguyên nói chung và của thành phố Pleiku nói riêng cần đặc biệt lưu ý đến các không gian chức năng. Các đô thị Tây Nguyên không thể không có những không gian đặc trưng riêng của đô thị. Đó là không gian sinh hoạt lễ hội, không gian phục vụ các phong tục, tập quán lành mạnh, không gian tín ngưỡng, các không gian này có thể bố trí tập trung hay phân tán, xen kẽ, dành để thể hiện những giá trị phi vật thể tiêu biểu của địa phương. Những không gian đặc trưng này có thể kết hợp trong các khu trung tâm đô thị, buôn làng, khu ở, các trục phố hoặc các khu vui chơi giải trí.
Khác với quy hoạch, bản sắc trong công trình kiến trúc là những cái rất cụ thể, sát sườn với mọi người. Bởi vì chức năng quan trọng nhất của kiến trúc là phải phục vụ con người, tạo cho con người có một không gian an toàn và thoải mái, cho nên những cái thuộc về bản sắc bền vững là những cái phù hợp với cuộc sống con người sử dụng nó chấp nhận. Với công trình kiến trúc ở Pleiku, mặt bằng công trình cần bố trí thoáng, mở, hài hòa với quy hoạch tổng mặt bằng và khuôn viên; thích hợp nhất với điều kiện khí hậu là hệ thống cửa hai lớp (trong kính ngoài chớp, hoặc ngoài kính trong chớp), công trình nên có hành lang trước và sau. Bộ mái dốc là một đặc trưng rõ nét của kiến trúc Tây Nguyên cần khai thác tối đa – Mái dốc đối với kiến trúc thấp tầng (dưới 6 tầng), vật liệu lợp bằng ngói, tôn phủ rộng ra khỏi tường nhà. Yêu cầu với mái phải có độ dốc lớn để chống chọi với mưa dầm, độ ẩm không khí cao. Không gian nội thất vừa phải thoáng vừa phải kín; nghiên cứu khai thác các loại hoa văn, họa tiết, tranh, tượng truyền thống vào trang trí nội, ngoại thất, chú ý sự cách điệu hiện đại, không nên đưa nguyên bản vào công trình mới. Tường nhà phải thiết kế dày, tường bao che nên dày trên 25 cm, tường ngoài không nên ốp các loại gạch men hay ốp tôn. Tóm lại, công trình kiến trúc ở Pleiku phải đạt được yêu cầu 4 chống, đó là: Chống thấm, chống gió, chống ẩm và chống bụi. Điều này nói thì có vẻ dễ nhưng thực hiện thì không đơn giản chút nào. Hơn ai hết, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý cần hướng dẫn người dân, hướng dẫn các chủ đầu tư thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Với tình hình hiện nay, để thực hiện tốt việc khai thác bản sắc địa phương trong quy hoạch và xây dựng ở thành phố Pleiku cũng như các đô thị khác ở Tây Nguyên, Chính phủ, Bộ Xây dựng cần có quy định cụ thể khi xây dựng các công trình kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị phải trên cơ sở khai thác bản sắc kiến trúc đặc thù của từng địa phương. Những chuẩn mực được xác định về bản sắc kiến trúc địa phương cần phải đưa thành những nguyên tắc về kỹ thuật và thẩm mỹ khi đánh giá, phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng cũng như công trình kiến trúc ở địa phương đó. Và, một điều đặc biệt quan trọng nữa, đối với KTS khi thiết kế các công trình trên địa bàn Tây Nguyên cần phải có “tâm” với bản sắc kiến trúc địa phương của nơi đây, hiểu chúng một cách sâu sắc để làm ra các tác phẩm kiến trúc có sức sống cho riêng từng đô thị vùng này.
Với một KTS, dù là một người sinh ra và lớn lên ở Pleiku hay từ nơi khác đến hành nghề, một yêu cầu tiên quyết phải có đó là hiểu về bản sắc địa phương của Pleiku, nắm chắc những thành tố tạo nên yếu tố đặc trưng của Pleiku – đặc trưng của một đô thị miền núi cao nguyên. Đây là những điều mà trong giáo trình của các trường đại học không thể đề cập đến một cách cụ thể, mà chỉ dừng ở mức độ cung cấp cho các KTS tương lai những nguyên lý cơ bản khi thiết kế. Bản thân mỗi KTS khi ra làm việc thực tế phải tự trau dồi, học hỏi, tìm ra phong cách riêng cho tay nghề của mình phù hợp với phong cách kiến trúc địa phương. Như vậy, tác phẩm kiến trúc làm ra mới được bền vững. Ở đây, vai trò trách nhiệm của các nhà quản lý, các cơ quan chuyên ngành xây dựng, các chủ đầu tư đặt ra hết sức quan trọng. Các quyết định phê duyệt của cấp thẩm quyền có tính định hướng cho KTS; ngoài ra còn có chức năng kiểm tra, thẩm định, hướng dẫn và đào tạo thực tiễn cho KTS. Các KTS cũng cần nghiêm túc và giữ bản lĩnh khi hành nghề, tránh việc “chiều chuộng” chủ đầu tư một cách vô điều kiện với kiểu thẩm mỹ “phú ông”. Bên cạnh đó, vai trò của Hội KTS tại địa phương là đặc biệt quan trọng, tham gia với Sở Xây dựng thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề KTS, tham gia Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch, tư vấn phản biện xã hội và quản lý hội viên. Qua các buổi sinh hoạt, hội họp, định hướng sáng tác cho hội viên của mình, tổ chức bình xét lựa chọn các công trình được thiết kế xây dựng tại địa phương để khen thưởng và tham gia Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia; có định hướng chuẩn cho công tác phát triển kiến trúc địa phương, giúp đội ngũ KTS hành nghề trên địa bàn tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần xây dựng đô thị địa phương có bản sắc riêng.
Được Chính phủ công nhận là đô thị loại II từ tháng 02/2009, điều đó đã chứng tỏ sự phát triển xứng đáng của thành phố Pleiku, tỉnh lỵ của Gia Lai. Tuy nhiên, với một đô thị trẻ đang trên đà phát triển mạnh mẽ còn rất nhiều việc phải làm, điều quan trọng hơn cả để đô thị phát triển bền vững đó là cần có một định hướng đúng đắn – từ trong bản vẽ quy hoạch và cả trong quan điểm của các cấp lãnh đạo Tỉnh, Thành phố cùng với sự đồng thuận của nhân dân. Những người yêu Pleiku từ xưa đến nay đều muốn đóng góp công sức của mình để xây dựng Phố Núi ngày càng xinh đẹp. Niềm tin của tất cả chúng ta đang hướng về một Thành phố đặc trưng của miền núi cao nguyên, mang phong cách riêng – Đó là một thành phố sương mù, một thành phố ngàn thông và cúc quỳ…
Xem thêm: Giữ gìn giá trị buôn làng truyền thống trong đô thị ở Tây Nguyên (từ góc nhìn mô hình Làng văn hoá – du lịch Plei Ôp, thành phố Pleiku, Gia Lai)
TS.KTS Nguyễn Hồng Hà
(Bài đăng trên số 6/2016)