Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam có một dạng tập hợp công trình, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng có chung một nguyên lý tạo hình: Đầy chật, hỗn dung, màu mè. Đó là những công trình như: Đình Hưng Lộc ở Nam Định, Nhà thờ Phát Diệm, Cửa Hiển Nhơn ở Hoàng thành Huế, Lăng Khải Định, Tòa Thánh Tây Ninh…
Thực tế xây dựng các công trình này đã diễn ra hàng trăm năm nay và ta có thể cảm nhận được sự giống nhau giữa chúng về thị hiếu thẩm mỹ, hoặc cao hơn là tư tưởng mỹ học. Thế nhưng, cho đến nay các nhà lý luận – phê bình kiến trúc nước ta vẫn chưa thể định danh (hoặc đã đề xuất nhưng chưa thể thống nhất) cái dạng thức tạo hình đó là gì. Bài viết này nhằm đưa ra (hoặc nếu có rồi thì ủng hộ) tên gọi cho kiểu cách tạo hình kiến trúc đầy chật, hỗn dung, màu mè đó, gọi là phong cách Tối đa.
Bối cảnh thuật ngữ “Tối đa”
Thuật ngữ Tối đa (maximalism) mặc dù vẫn còn mới mẻ trong lĩnh vực kiến trúc nhưng đã được sử dụng khoảng hơn hai thập niên gần đây trong văn học, âm nhạc và thời trang, đôi khi nó cũng được sử dụng trong trang trí nội thất.
Trong văn học, thuật ngữ Tối đa được ám chỉ về một phong cách tiểu thuyết, kiểu như của Thomas Pynchon, trong đó, việc tham khảo, phân tích, diễn giải chiếm một phần lớn dung lượng văn bản. Phong cách này dù chịu ảnh hưởng từ các đại văn hào như Beckett, Joyce, đồng thời kết hợp với mỹ học hậu hiện đại, nó hướng tới một văn bản là tổng thể của các lối viết khác nhau. Trong âm nhạc, thuật ngữ này được nhà phê bình Taruskin đưa ra khi nghiên cứu âm nhạc của một số nhạc sĩ hiện đại của Đức và Nga, đặc biệt là Prokofiev. Đề xuất của Taruskin đã được một số nhạc sĩ đương đại hưởng ứng như Varese, Zappa, Ives… với phương châm sáng tác Âm nhạc phải đầy chật đến mức mà bỏ đi một chút âm thanh cũng không thay đổi gì đến chính nó. Trong thời trang, những ý tưởng Tối đa đã được giới thiệu vào đầu thiên niên kỷ mới, nhưng nó bị Tối giản lấn át sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khi các nhà tạo mẫu muốn hướng tới sự “tiết kiệm”. Vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế thế giới phát triển ổn định, phong cách ăn mặc Tối đa lại phục hồi và đang trở thành một trong những “hot trend” trên sàn catwalk. Trong thiết kế nội thất đương đại, Tối đa cũng là một phong cách được không ít các chủ nhà yêu thích, nhất là những người thích ồn ào vui vẻ hoặc hay sưu tầm vật dụng. Những nguyên lý cơ bản của trang trí nội thất Tối đa là: Không để thừa chỗ trống, sử dụng nhiều màu sắc và họa tiết, pha trộn các phong cách khác nhau, trưng bày các đồ vật sưu tầm phong phú…

Phong cách Tối đa ra đời như là một sự phản kháng đối với Tối giản (minimalism), một trong những phong cách đã thống trị các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mấy thập niên vừa qua. Nếu như slogan của Tối giản, theo như lời của KTS Mies van der Rohe là “Less is more”, của Hậu hiện đại theo lời của KTS Venturi, một cách giễu cợt, là “Less is bore”, thì slogan của Tối đa là “More is more”, như một sự khẳng định không khoan nhượng trước sự nhàm chán và đơn điệu của Tối giản. Vẻ đẹp của Tối đa được nhiều nghệ sĩ và nhà phê bình gọi là “Vẻ đẹp của dư thừa” (the beauty of excess).
Nếu như phong cách Tối giản là một hệ quả của xu hướng Hiện đại, thì Tối đa có sự ảnh hưởng nhất định từ xu hướng Hậu hiện đại, ví dụ như sự chiết trung, hỗn dung giữa các phong cách. Tối đa cũng có sự khác biệt với Hậu hiện đại, nó chú trọng nhiều hơn đến sự no đủ, thừa thãi của thực tại nhiều hơn là sự chế giễu, dị thường, đa lịch sử của Hậu hiện đại. Mặt khác, dù chống lại Tối giản nhưng nhiều khi nó cũng sử dụng Tối giản như một phần trong tổng thể “dư thừa” của nó, điều ta có thể bắt đầu nhận ra trong một số công trình kiến trúc hiện nay. Như vậy, sự ra đời của phong cách Tối đa là sự phản kháng/ ảnh hưởng từ Tối giản và Hậu hiện đại.
Một số công trình kiến trúc Việt Nam theo phong cách Tối đa
Tối đa là một thuật ngữ mới được giới phê bình nghệ thuật thế giới sử dụng gần đây, nhưng có lẽ nội hàm mỹ học của nó đã được sử dụng từ lâu trong lịch sử kiến trúc các dân tộc như Ả rập, Nga, Ấn Độ… Ở Việt Nam, phong cách Tối đa chúng ta có thể bắt gặp trong không ít các đình chùa truyền thống ở Bắc Bộ, một số các công trình ở Huế như Cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Lăng Khải Định, các công trình tôn giáo ở Nam Bộ như chùa của phái Bửu Sơn Kỳ Hương, thánh thất Cao Đài… cụ thể:
- Đình Hưng Lộc: Đình Hưng Lộc (Nghĩa Hưng, Nam Định) không phải là một ngôi đình lớn nhưng lại có nghệ thuật chạm khắc phong phú, rực rỡ, đặc biệt ở cửa và bộ vì trước Hậu cung. Vẻ đẹp của dư thừa, đầy chật, ngộn ngợp ở đây có lẽ phần nào phản ánh mong muốn của con người về sự ấm no, đầy đủ, phú quý thọ khang ninh. Khác với người Nhật (bị cách ly ngoài đảo khơi, ít khi bị xâm chiếm và hôn phối với các tộc người khác, đời sống ổn định, bản tính yên bình, thích sự đơn giản…), người Việt Nam thường xuyên có chiến tranh với nước ngoài, di cư, hôn phối với nhiều tộc người khác nhau nên tâm tính chỉ muốn dung hợp, đầy đủ, dư giả. Chính vì vậy, phong cách Tối đa đã phần nào phản ánh được bản tính của người Việt Nam, cũng như phong cách Tối giản đã thể hiện đúng tinh thần của người Nhật.

- Lăng Khải Định: Vua Khải Định tại vị trong giai đoạn đất nước ta có sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa truyền thống bản địa với phương Tây cũng như các nền văn hóa lân cận. Kiến trúc của lăng thể hiện rõ tính lai tạp pha trộn các phong cách với nhau theo một thể thức đầy chật hết cỡ của Tối đa: Kiến trúc Roman, Gothic, Ấn Độ giáo, Phật giáo… Ở công trình này hầu như ta không thể thấy khoảng lặng nghỉ ngơi, đâu đâu cũng ngộn ngợp hoa văn chi tiết. Nhưng tất cả chúng lại được sắp xếp theo những nguyên tắc chắc chắn của thuật phong thủy, với trục thần đạo làm xương sống cho bố cục. Điều đó khiến cho cái Tối đa không bị uể oải bừa bộn mà vẫn nghiêm trang, sang trọng.
- Tòa thánh Tây Ninh: Kiến trúc Tòa thánh Tây Ninh phản ánh đúng những gì mà tôn giáo này muốn hướng tới: Dung hòa, tổng hợp các tôn giáo khác nhau. Đó là kết cấu dạng basilica và tháp chuông của Thiên chúa giáo, hành lang cuốn kiểu Hồi giáo, Cửu Trùng Đài liên hệ với Nho giáo, tòa sen và hộ pháp của Phật giáo, Thất tinh trong Đạo giáo… Người Việt Nam tuy không sáng tạo ra tôn giáo mới và khác biệt như các nền văn minh rực rỡ khác, nhưng lại tổng hợp nên một tôn giáo hỗn dung mà không đâu trên thế giới có thể đạt đến mức nhuần hậu như vậy. Đó chính là cái đặc sắc của tinh thần người Việt. Và kiến trúc là một phương tiện đã được cha ông ta lựa chọn để thể hiện cái tinh thần đó.

Kết luận
Như vậy, phong cách Tối đa ở Việt Nam có thể được nhận diện bởi các yếu tố sau: Một là, sự dư thừa, đầy chật các chi tiết; Hai là, sự lai ghép các phong cách kiến trúc khác nhau nhiều nhất có thể; Ba là, lấy nền tảng truyền thống là chủ đạo để dung hòa và chỉ huy các thành phần khác nhau.
Trong Hội nghị “Lý luận và Phê bình kiến trúc ở Việt Nam” tháng 11/2018 ở Huế vừa qua, đã có ý kiến đề xuất gọi tên phong cách Tối đa cho một dạng tập hợp các công trình kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ 20 như Lăng Khải Định, Tòa Thánh Tây Ninh…, nhưng chưa có sự giải thích cặn kẽ và chưa trình bày các dẫn luận, cơ sở khoa học cho phong cách Tối đa. Bài viết này hi vọng là một bước đi tiếp theo trong quá trình xây dựng nền tảng lý luận cho phong cách Tối đa, một phong cách kiến trúc đương đại đang hình thành trên thế giới, nhưng đồng thời cũng là một trong những hướng đi đã có thành tựu trong lịch sử kiến trúc Việt Nam với những công trình hấp dẫn, đặc sắc, thu hút nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng.
TS.KTS Nguyễn Hoàng Tuấn
Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2019)