Pleiku – Hướng tới đô thị xanh – Đô thịvì con người

“Đô thị là một hệ Địa – Kinh tế – Sinh thái, trong đó các thành phần tự nhiên và các thành phần kinh tế, xã hội có mối quan hệ sâu sắc và cân bằng – Nếu phá vỡ nó sẽ có hại cho cả hai, thiên nhiên thì bị phá hủy, ô nhiễm nghiêm trọng còn cuộc sống và sức khỏe của con người bị đe dọa, làm giảm hiệu quả các hoạt động sản xuất – dịch vụ – quản lí”…Với đặc điểm thuận lợi về điều kiện địa hình, cảnh quan tự nhiên đa dạng, phong phú, tài nguyên về lịch sử văn hóa, cơ chế chính sách và con người năng động…, thành phố Pleiku có đủ điều kiện để qui hoạch phát triển theo hướng đô thị xanh bền vững, hiện đại, mang đậm bản sắc địa phương.

Xem thêm:Phát huy các giá trị cảnh quan và văn hóa địa phương trong xây dựng và phát triển Thành phố Pleiku

Theo KTS Tai Lee Siang, Chủ tịch Hội KTS Singapore, thì thế giới đương đại đang bị uy hiếp bởi hình ảnh đô thị mầu xám (nhiều bê tông, sắt thép, kính…), nó khiến cho trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và con người đang mất dần không gian để sống và để thở. Ông cũng cho rằng thế giới càng văn minh thì con người càng khao khát hướng tới sự chuẩn mực của một Đô thị xanh hoàn hảo, tức là hướng tới sự thiết lập mối quan hệ bền vững về sự thân thiện giữa Con người và Thiên nhiên. Để phát triển đô thị xanh ở Việt Nam, dù còn nhiều tranh luận, nhưng theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thì đô thị xanh (phù hợp với Việt Nam) có 7 tiêu chí cần quan tâm, bao gồm:

(1) Không gian xanh;

(2) Công trình xanh;

(3) Giao thông xanh;

(4) Công nghiệp xanh;

(5) Chất lượng môi trường đô thị xanh;

(6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa;

(7) Cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường và thiên nhiên. Trong đó có lưu ý các giải pháp quy hoạch đô thị, thiết kế công trình phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Bùng binh trung tâm thành phố Pleiku
Bùng binh trung tâm thành phố Pleiku

Đô thị là một hệ Địa – Kinh tế – Sinh thái, trong đó các thành phần tự nhiên và các thành phần kinh tế, xã hội có mối quan hệ sâu sắc và cân bằng – Nếu phá vỡ nó sẽ có hại cho cả hai, thiên nhiên thì bị phá hủy, ô nhiễm nghiêm trọng còn cuộc sống và sức khỏe của con người bị đe dọa, làm giảm hiệu quả các hoạt động sản xuất – dịch vụ – quản lí”…Như vậy, để phát triển đô thị xanh cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa các mối quan hệ trên.

Với ưu thế về địa hình, giá trị cảnh quan, bao gồm hệ thống núi, núi lửa âm, dương, sông suối phong phú, đa dạng, thành phố Pleiku có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển theo hướng đô thị xanh, tổ chức cấu trúc đô thị theo các thềm địa hình và các đặc trưng về cảnh quan (đặc biệt các không gian núi lửa âm – dương), nhằm tạo nên những không gian có giá trị, đặc sắc… Đặc biệt, qui hoạch phát triển thành phố Pleiku còn nằm trong ý tưởng chiến lược đã được xác định tại quyết định số 1194/QĐ_TTg ngày 22/7/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 – Với định hướng xây dựng thành phố Pleiku phát triển trở thành trung tâm dịch vụ tổng hợp, dịch vụ Logistics của khu vực phía Bắc Tây Nguyên; trung tâm du lịch lễ hội cồng chiêng của vùng Tây Nguyên; trung tâm du lịch quốc gia, tuyến du lịch quốc tế kết nối với Siêm Riệp (Campuchia), Băng Cốc (Thái Lan); điểm kết nối với hai trục Hành lang kinh tế quốc tế và quốc gia (dọc QL19 nối tỉnh Bình Định, Gia Lai với Ratanakiri – Campuchia và Đường Hồ Chí Minh), gắn với tam giác tăng trưởng Việt Nam – Lào – Campuchia.

yulyuluy

Về khách quan, thành phố Pleiku có đủ điều kiện để qui hoạch phát triển theo hướng đô thị xanh, bền vững, hiện đại, mang đậm bản sắc địa phương, có chất lượng sống đô thị cao, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên. Với tầm nhìn đến năm 2050, mô hình cấu trúc phát triển không gian của thành phố Pleiku được chuyển từ mô hình đô thị phân tán, dàn trải, sang mô hình đô thị tập trung, phát triển các chức năng quan trọng tại khu vực nội đô (hành chính – chính trị, kinh tế-tài chính, công nghiệp, y tế, nghiên cứu khoa học ngành y, du lịch nghỉ dưỡng,…); khu vực vùng ven phát triển đô thị mật độ xây dựng thấp, gắn kết với vùng kinh tế nông – lâm nghiệp…Đây là mô hình phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển và các nhận thức về đô thị, đô thị xanh. Về cấu trúc tổng thể, thành phố Pleiku được nương tựa vào hệ thống cấu trúc khung địa hình, cảnh quan tự nhiên đặc sắc…Nó được xác định bằng cấu trúc các vùng cảnh quan cơ bản:

(1) Vùng cảnh quan đô thị: Là khu vực trung tâm thành phố Pleiku hiện hữu, đã có thời gian phát triển, nơi lưu giữ các công trình di tích lịch sử, cách mạng, văn hoá, tín ngưỡng có giá trị. Trong định hướng phát triển sẽ cải tạo chỉnh trang các khu ở hiện có; Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị, tăng cường các tiện ích công cộng, kết hợp với các hoạt động du lịch để nâng cao giá trị và bản sắc lịch sử văn hóa, chất lượng sống cho người dân;

A1127-tckt-003(2) Vùng cảnh quan ven suối Hội Phú: Là vùng chạy xuyên qua trung tâm thành phố Pleiku và kéo dài sang huyện Đak Đoa. Đây là vùng cảnh quan đặc biệt có giá trị của Pleiku, với định hướng phát triển khai thác bền vững cảnh quan ven suối, hình thành các công viên, vườn hoa, không gian công cộng hai bên bờ suối, tạo nên trục cảnh quan văn hóa – nghệ thuật đặc sắc cho đô thị;

(3) Vùng cảnh quan sinh thái Biển Hồ: Đây là vùng cảnh quan tự nhiên có vai trò đặc biệt trong cấu trúc tổng thể và chất lượng môi trường sinh thái đô thị. Vùng cảnh quan này vừa đóng vai trò điều tiết tiểu vi khí hậu, vừa đóng vai trò bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, vừa là nguồn nước duy nhất và vừa có giá trị kinh tế, khai thác du lịch. Với định hướng qui hoạch theo hướng duy trì, bảo vệ cơ bản hệ khung tự nhiên xung quanh Biển Hồ tự nhiên, khai thác cảnh quan du lịch của khu vực Biển Hồ nhân tạo;

(4) Vùng cảnh quan núi lửa âm, dương: Là vùng chiếm diện tích lớn trên địa bàn thành phố Pleiku, cảnh quan núi lửa âm, dương góp phần quan trọng trong việc tạo đặc trưng cảnh quan, môi trường của đô thị, đồng thời đóng vai trò là vùng đất phát triển kinh tế của người dân. Với định hướng qui hoạch theo hướng bảo tồn cảnh quan nông nghiệp, cây xanh, phát triển thành các điểm dừng chân, ngắm cảnh, kết hợp du lịch nông nghiệp (Du lịch – với mô hình trải nghiệm: “Một ngày là nông dân Pleiku”).

Định hướng phát triển Nhà ở xung quanh miệng Núi Lửa
Định hướng phát triển Nhà ở xung quanh miệng Núi Lửa

Trong ý tưởng tổng thể, thành phố Pleiku cần ưu tiên nêu cao vai trò, vị thế ý tưởng tổ chức trục cảnh quan du lịch – nghệ thuật trên cơ sở kết nối Biển Hồ và núi Hàm Rồng, cảnh quan xung quanh miệng núi lửa âm; cảnh quan Biển Hồ và cảnh quan hệ thống các làng dân tộc. Trên cơ sở khai thác tối đa các lợi thế không gian hướng ra suối Hội Phú, Biển Hồ, tạo nên các không gian, điểm nhấn có hướng phát triển về phía không gian xanh và mặt nước. Đồng thời hình thành các không gian đô thị mới hai bên suối dựa theo địa hình tự nhiên. Qui hoạch, xây dựng các không gian mở phong phú, đa dạng…Với nguyên tắc tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa và cảnh đẹp tự nhiên của khu vực để phát triển dịch vụ du lịch, giải trí và sinh hoạt cộng đồng… Tạo điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị cấu trúc làng bản truyền thống, những không gian công cộng đặc thù.

A1126-tckt-005Với sự tác động của các yếu tố bên ngoài trong mối quan hệ vùng, các chiến lược phát triển KT –XH quốc gia, của Vùng Tây Nguyên và tầm nhìn dài hạn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhanh và ổn định kinh tế – xã hội của vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, qui hoạch xây dựng, phát triển thành phố Pleiku trở thành một trong những đô thị lớn hiện đại, đặc sắc, và là một trong những cực phát triển thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Gia Lai và vùng Bắc Tây Nguyên, có vai trò vị thế xứng đáng trong nước và khu vực… Là một yêu cầu chiến lược, một khát vọng của người dân nơi đây. Hy vọng, với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa, cơ chế chính sách và con người, Pleiku đủ quyết tâm và tự tin để hướng tới một đô thị xanh, hiện đại có bản sắc – Một đô thị vì con người.

Tài liệu tham khảo:

– Đồ án điều chỉnh QHC TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (AREP +VKT-HKTSVN)

– Batdongsangialai.com.vn

– Cổng thông tin điện tử tỉnh Gialai.

– Tài liệu hội thảo Đô thị xanh.

– Vũ Tự Lập – Địa lí tự nhiên Việt Nam. NXB Đại học sư phạm 2005.

TS.KTS Trương Văn Quảng (VUPDA)

(Bài đăng trên số 6/2016)