Hiện nay, trong thời đại công nghệ phát triển bùng nổ, thế giới thay đổi từng ngày từng giờ, làm gia tăng nhanh chóng các cơ hội và cả thách thức, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cả thế giới sau mỗi cuộc suy thoái đều có sự đột biến, thay đổi cách thức vận hành, thay đổi quy tắc, thể chế toàn cầu,…, lúc này những vấn đề về môi trường, xã hội, con người được đề cao và hướng vào mọi lĩnh vực phát triển chung và các quốc gia phải nhanh chóng thích ứng nắm bắt được “luật chơi” để có được ưu thế dẫn đầu.
Sau 30 năm đổi mới, 10 năm phát triển hội nhập sâu, Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội và tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển và có thu nhập thấp. Chúng ta vẫn chưa tìm ra được ngành công nghiệp mũi nhọn để làm nền tảng cho kinh tế xã hội phát triển. Vậy thay vì gia tăng sản xuất công nghiệp phụ thuộc nước ngoài để tự biến mình thành một công xưởng cho thế giới. Nên chăng cần tìm ra một hướng đi mới để có thể tự công nghiệp hóa theo hướng hiện đại dựa vào tiềm năng của chính chúng ta?!
Để trả lời câu hỏi này, cần tìm hiểu thêm về công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Trên thực tế, những ngành công nghiệp như khai thác, chế biến, sản xuất, lắp ráp,…giải được bài toán sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực nội địa, tài nguyên thiên nhiên đất nước và sử dụng được nguồn vốn, nguồn lực đầu tư từ bên ngoài hiệu quả. Tuy nhiên, đây vẫn là những ngành công nghiệp truyền thống và luôn đi sau các nước phát triển, không thể tạo được cú hích trong nền kinh tế. Bằng chứng là nguy cơ tụt hậu của nước ta với các nước công nghiệp trong và ngoài khu vực.

Trong khi đó, một số nước cùng xuất phát điểm như Singapore, Hàn Quốc với mô hình công nghiệp hóa mới tập trung phát triển giáo dục, đào tạo, dịch vụ, xuất khẩu đã chuyển mình thành những nước có nền kinh tế phát triển.
Muốn “đi tắt đón đầu” vươn lên thành một nước phát triển, Việt Nam cần phải khai thác hiệu quả 3 yếu tố :
- Con người với tri thức sáng tạo cùng khả năng lao động;
- Công nghệ mới để áp dụng công nghiệp hóa;
- Yếu tố cuối, chính là thế mạnh mà nhiều quốc gia mong muốn cũng không thể có được đó là nền văn hóa mà cha ông ta đã để lại trong suốt hàng nghìn năm phát triển – Tài nguyên Văn hóa. Từ đó phát triển theo định hướng mới, phát triển Công nghiệp Văn hóa.


Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời với hàng nghìn năm phát triển, dù trải qua thời kì Bắc thuộc, Pháp thuộc nhưng văn hóa nước Nam vẫn giữ được những bản sắc riêng không pha lẫn. Theo thống kê, tại Việt Nam có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản thế giới hỗn hợp, ngoài ra còn có 9 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu thế giới, tất cả đều được UNESCO công nhận. Dân tộc Việt Nam được coi là dân tộc cần cù sáng tạo, ngành nghệ thuật sáng tạo chính vì vậy cũng có thời hoàng kim, với những tác phẩm điêu khắc, tạo hình, những công trình kiến trúc… đến những câu ca lời hát, đều được khắc họa sinh động hấp dẫn…

Khác với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng ưu đãi của nước ta, đến nay do sự khai thác quá mức mà cũng đã gần cạn kiệt, thì tài nguyên văn hóa là nguồn tài nguyên có thể coi là vô tận, càng khai thác lại càng được bảo tồn, và khi đưa nó vào khai thác theo hình thức công nghiệp thì tài nguyên đó càng bền vững hơn.
Để biến những giá trị văn hóa (vật thể hay phi vật thể) thành tài nguyên văn hóa, trong kiến trúc thì đó là những công trình, di sản, những tác phẩm điêu khắc, hội họa gắn liền với nghệ thuật kiến trúc, thì chúng ta phải khai thác thông qua nhận thức. Từ những nhận thức, chính là hệ thống lý luận, có thể tiêu chuẩn hóa, định lượng, định hình những nguồn tài nguyên văn hóa, rồi biến thành thực tiễn, xây dựng nên một hệ thống xác lập tài nguyên văn hóa.
Nằm dọc theo dải đất chữ S, các công trình văn hóa phần nào vẫn tồn tại gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhưng cũng phần nào vì chiến tranh vì thời gian mai một, hay sự quên lãng vô tâm của chính chúng ta mà dần biến thành phế tích.


Ngay hôm nay, ngoài công tác bảo tồn bảo trì các công trình văn hóa, thì việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hay chính là thiết lập hệ thống lý luận và xác lập hệ thống tài nguyên cho ngành công nghiệp văn hóa là rất cần thiết và cấp bách. Đó chính là chìa khóa để chúng ta khai thác được nguồn tài nguyên văn hóa quý giá mà cha ông ta đã dầy công xây dựng và gìn giữ qua bao thế hệ, góp phần đưa nước ta chuyển mình thành một đất nước thực sự phát triển về cả kinh tế lẫn văn hóa, xã hội.
Ths. KTS Phan Phương Thảo
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11/2015)