Về thực trạng đáng buồn!
Trước hết, phải khẳng định các điểm vườn hoa, sân chơi tại các khu dân cư là các không gian công cộng, chúng phải được quản lý, khai thác, sử dụng phục vụ cộng đồng dân cư.
Kể cả trong khu vực nội đô lịch sử, từ khu phố Cổ, khu phố Cũ hay các khu tập thể xây dựng những năm trước đây đến các khu vực làng xóm đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu hành chính từ Huyện lên Quận như Long Biên, Bắc – Nam Từ Liêm hay các khu đô thị mới xây dựng thời gian gần đây… thì trong cấu trúc khu ở, đơn vị ở hay khu dân cư cũng có những khoảng không gian dành cho các hoạt động sinh hoạt ngoài trời của dân cư khu vực. Đó có thể là không gian được hoạch định là vườn hoa, sân chơi ở những nơi đất đai rộng rãi; nhưng cũng có thể chỉ là khoảng không gian trống trước các công trình công cộng như đình làng, nhà văn hóa, sân phơi hợp tác xã; quanh các giếng nước lớn, thậm chí là các quán trong làng hay phố cũ, bên cạnh đó là các không gian hồ nước, công viên cây xanh hay các dải phân cách rộng (tuyến Văn Cao – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng)… Tất cả được cộng đồng dân cư khai thác, tận dụng nhằm tạo ra các không gian hoạt động cộng đồng: giao lưu, vui chơi giải trí cũng như tập thể dục của mọi tầng lớp, lứa tuổi…
Tận dụng không gian trước sân đình làm nơi tập thể dục.
Trên thực tế, các không gian được hoạch định là vườn hoa, sân chơi thì không phải ở đâu cũng còn nguyên trạng quy mô hay chức năng sử dụng. Ngoài các không gian trong các khu đô thị mới (do chủ đầu tư quản lý, kiểm soát) và các không gian trước công trình công cộng (được ngăn, giới hạn, kiểm soát bằng hệ thống tường rào và bảo vệ), các điểm vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư của Hà Nội đều trong tình trạng bị lấn chiếm diện tích và sử dụng sai mục đích.
Có thể nêu ví dụ điển hình là khoảng không gian trống giữa hai tòa nhà trong các khu tập thể cũ. Các khu này đều nằm trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội và được thiết kế theo tiêu chuẩn khoảng cách giữa hai tòa nhà bằng 1 – 1,5 chiều cao tòa nhà. Tiêu chuẩn này đã giúp cho dân cư khu tập thể được hưởng ánh sáng, thông thoáng tự nhiên và có được không gian sinh hoạt rộng rãi. Tuy nhiên đến nay, các không gian này đã bị thu nhỏ diện tích rất nhiều do nhiều nguyên nhân: Các hộ dân tầng 1 lấn chiếm, ngăn tường rào sử dụng riêng (tư nhân); chính sách xây ốp, cải tạo chung cư bằng việc xây mới một lớp phòng (chính quyền thành phố); xây dựng thêm các công trình Nhà văn hóa, điểm dân phòng (cộng đồng dân cư + chính quyền địa phương).
Không gian sử dụng cũng bị các chức năng của các cá thể, tập thể sử dụng sai thành nơi trông giữ xe máy của các hộ tầng 1 hay của các tổ chức dân phòng ”cải thiện thêm thu nhập”; các chợ cóc, quán cóc cũng như các bếp lò được quạt, nhóm hằng sáng, bố trí thùng rác… làm ảnh hưởng xấu đến việc sinh hoạt của cộng đồng và chất lượng môi trường của điểm sân vườn này.
Các hoạt động lễ hội tập dượt và biểu diễn ngay trên đường giao thông.
Về trang thiết bị trong các điểm sân vườn: Các khu vực được hoạch định thì được lắp đặt cơ sở ban đầu như ghế đá, dụng cụ thể thao như xà, vui chơi như đu quay, bập bênh… nhưng chất lượng kém, hư hỏng nhanh lại không được thay thế. Những trang thiết bị, tiện ích hiện nay chủ yếu do cộng đồng dân cư tự sáng tác, tự cung với mấy hàng gạch xây, trát chút xi măng thành bậu ngồi, khá hơn thì là lèo tèo mấy cái ghế của các nhà hảo tâm theo dạng granito, kiểu dáng lạc hậu và chất lượng mau hỏng, chỉ chủ yếu ghi tên tổ chức, cá nhân thay cho 1 dạng quảng cáo tầm thấp. Các dịch vụ tiện ích như quán giải khát, vệ sinh, vòi rửa tay… lại hầu như không có. Các quán cóc do dân tự lập làm mất vẻ mỹ quan. Bên cạnh đó là việc rao vặt, dán tờ rơi quảng cáo, kể cả trên các bảng quy định… đều làm cho các không gian này trở thành kém văn minh.
Để ngăn chặn tình trạng trên, đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát, quản lý tốt hơn: Lực lượng thanh tra xây dựng phường, xã được thành lập nhưng không kiểm soát được việc lấn chiếm nên gần đây đã giải thể lực lượng này. Các khu vực chuyển sang mô hình tự quản với các lực lượng thanh niên, phụ nữ, hưu trí nhưng hiệu quả không cao.
Nhìn chung, các điểm vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư của Hà Nội không những thiếu về số lượng, quy mô mà còn yếu về chất lượng và mô hình quản lý. So sánh việc quản lý tốt tại các điểm thuộc các chủ đầu tư tư nhân trong các khu đô thị mới thì có thể nhận thấy: Cho dù về việc phân định quản lý các không gian này là chính quyền sở tại nhưng về ý thức thì phàm là không gian chung nên trách nhiệm không thuộc về ai.
Các nút giao thông trong khu phố Cổ vào cuối tuần thực sự là không gian sinh hoạt cộng đồng hữu hiệu
Và những chuyển biến tích cực…
Nói như vậy, không phải Hà Nội không chuyển biến theo hướng tích cực trong câu chuyện này. Một số mô hình quản lý tốt được thực hiện trong thời gian qua, có thể liệt kê theo quy mô lớn và cấp độ thành phố như sau:
Các khu đô thị mới như Ecopark đã bố trí các không gian giữa hai dãy nhà để tạo nên một phố chợ với đầy đủ các dịch vụ tiện ích. Việc kết hợp xe đưa đón miễn phí khách từ trung tâm thành phố sang đã thu hút và tạo thành điểm vui chơi cuối tuần cho cộng đồng dân cư trong và ngoài khu đô thị… Nhưng đây là khu thuộc chủ đầu tư quản lý, khai thác nên việc tăng cường chức năng để thu hút khách tham gia đầu tư và nâng cao chất lượng sống thì là điều dễ hiểu và dễ dàng thực hiện.
Đối với các khu vực mật độ dân cư đông và thiếu các điểm sinh hoạt thì cũng có những điển hình như Ban quản lý khu phố Cổ – Quận Hoàn Kiếm từng bước thực hiện hiệu quả và quyết liệt trong việc di chuyển các hộ dân lấn chiếm các không gian di tích, đình chùa, dần khôi phục lại hình ảnh sinh hoạt phố phường xưa. Việc hoạch định các không gian trước các công trình như Chợ Đồng Xuân, đình Kim Ngân, dọc tuyến phố đi bộ vào cuối tuần đã tạo nên một loại hình không gian mới cho sinh hoạt cộng đồng, dần dần thu hút cả dân cư đô thị tham gia, sử dụng. Các loại hình biểu diễn tại các nút ngã tư, ẩm thực đường phố, các trò chơi dân gian… được mọi tầng lớp nhân dân khu vực cũng như cả thành phố tham gia và hưởng ứng tich cực, kể cả trong các công tác như an ninh, vệ sinh môi trường, phòng cháy, sự cố…
Trong các khu nông thôn mới, các khu làng xóm, các quy định mới cũng được bổ sung trong hương ước làng như Đan Phượng: Khôi phục và huy động các đội tự quản từ trẻ em đến người lớn tuổi làm tổng vệ sinh các khu công cộng vào mỗi sáng cuối tuần, giúp cho đường quê, lối xóm cũng như làng xã khang trang, văn minh, sạch sẽ. Hoặc như thôn Khê Tang, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, các cụ ông cứ đến 70 tuổi thì đều tham gia 01 năm vào công tác trông nom gìn giữ đình, chăm sóc cây cối vườn đình, nơi tổ chức các hoạt động lễ hội cũng như các sinh hoạt, vui chơi, thể thao của dân cư khu vực.
Đây là những mô hình với sự tham gia của cộng đồng được phát huy hiệu quả, cần được cổ xúy, khuyến khích và nhân rộng.
Luật Thủ đô cũng đã quy định tạo điều kiện để kêu gọi các tổ chức – cá nhân khuyến khích tham gia đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh quy mô nhỏ nhưng cũng không thực sự thu hút nhà đầu tư khi lại kèm quy định không được phép xây dựng công trình quá 5% để nhà đầu tư có thể hoàn vốn.
Không gian trống Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục nhưng lại là đảo giao thông, không an toàn cho sinh hoạt, tập trung.
Để phát huy hiệu quả việc sử dụng các điểm vườn hoa, sân chơi tại các khu dân cư, đô thị mới thì trong thiết kế quy hoạch, lập dự án cũng cần lưu ý để khắc phục những hạn chế của thiết kế cũ. Ví dụ tại Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, khi các khu đất này bố trí các đường giao thông xung quanh đã vô tình biến thành đảo giao thông, dẫn đến việc kém an toàn khi tiếp cận sử dụng. Thiết kế công trình cũng nên tận dụng khai thác không gian trên tầng mái khối đế công trình cao tầng để tổ chức vườn cây, sân chơi phục vụ cho dân cư của tòa nhà. Tầng đế các công trình nhà ở cao tầng không bố trí chức năng ở, hoặc nếu có thì ở cốt cao để ngăn chặn việc các hộ tầng 1 lấn chiếm không gian sân sử dụng chung.
Đối với khu dân cư cũ, khu vực quỹ đất hạn chế thì cũng nên nghiên cứu không gian trước các cơ quan hành chính, công sở để khai thác thêm, kết hợp tổ chức các hoạt động cộng đồng, phổ biến thông tin hay biểu diễn văn nghệ. Điều đó sẽ làm cho các khu vực này sống động ngày đêm, không trở thành khu vực đô thị “chết”.
Một điều nữa, để không gian công cộng thực sự là của cộng đồng thì khi tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch, chính quyền và nhà tư vấn cũng cần định hướng cho cộng đồng dân cư hiểu rõ nguồn gốc, mục đích quy hoạch – kiến trúc của các dự án liên quan đến khu vực. Nghĩa là trang bị cho cộng đồng kiến thức để cùng tham gia đề xuất, lựa chọn giải pháp tối ưu – Những mong muốn về chức năng, những giá trị về lịch sử, văn hóa của nơi cư trú sẽ gắn kết cho không gian công cộng của khu vực. Hiệu quả trước hết là huy động được sức mạnh của cộng đồng và đem lại sản phẩm phục vụ cho tất cả mọi người và phù hợp văn hóa, sinh hoạt địa bàn dân cư.
Bài và ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức