Ngày 1.4 sắp tới, Nam Từ Liêm kỷ niệm 5 năm thành lập Quận. Từ góc độ phát triển đô thị, 5 năm không phải là quãng thời gian dài, nhưng cũng đủ để đưa ra những đánh giá bước đầu về hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, thách thức và cả những cơ hội của nó.
Mô hình phát triển đô thị
Khi trở thành quận nội thành, Nam Từ Liêm tiếp tục phát triển dựa trên bản quy hoạch chung đã có và những cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đã bước đầu được thiết lập. Do vậy, thật khó để có thể tạo được sự đột phá về mô hình phát triển đô thị. Vậy là cũng giống như tất cả các quận mới khác của TP Hà Nội, Nam Từ Liêm phát triển theo kiểu dàn trải, thiếu định hướng rõ ràng: Vẫn là những khu đô thị mới được phát triển vào những khu đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, vẫn là những làng xóm cũ bị đóng khung trong những ranh giới hữu hạn của mình. Nhìn từ trên cao, Nam Từ Liêm giống như được tạo bởi những mảnh ghép rời rạc, tương phản nhau mà không định hình được 1 trung tâm rõ ràng. Mỗi mảnh ghép dường như lại có cuộc sống của riêng mình.
Đã có lúc người ta hy vọng rằng nơi đây sẽ xuất hiện một trung tâm mới của Hà Nội để giảm tải cho khu vực trung tâm lịch sử, đồng thời giúp Hà Nội trở thành một thành phố đa cực. Về lý thuyết, một trung tâm được hình thành khi nó là nơi thu hút một dạng hoạt động công cộng cụ thể nào đó một cách thường xuyên. Nam Từ Liêm có nhiều hoạt động công cộng nhưng rất không thường xuyên: Chỉ là một vài hoạt động thể thao lẻ tẻ theo chu kỳ, một vài hoạt động hội nghị, hội thảo rời rạc, một số chương trình triển lãm định kỳ… Những dòng người chợt ào đến rồi lại ào đi, để lại những khu thể thao thưa thớt bóng người, để lại Khu Hội nghị Quốc gia lặng lẽ ẩn mình sau những lùm cây, để những tòa bảo tàng, triển lãm dạt sang bên lề của đời sống đô thị sôi động…
Nhìn vào hiện trạng đó, thấy thật tiếc cho Nam Từ Liêm và cho cả TP Hà Nội. Giá như Nam Từ Liêm được lựa chọn phát triển theo mô hình đô thị nén, với sự tập trung cao độ của các tòa nhà cao tầng để tạo ra một trung tâm thật sự, đồng thời giải phóng mặt đất cho cây xanh, cho các không gian mở ngoài trời – thứ ngày càng trở nên xa xỉ với người dân thành phố – thì có lẽ mọi chuyện đã khác…
Sự đối lập và mâu thuẫn
Sự đối lập giữa cái mới và cái cũ và cả giữa cái mới với nhau tại quận Nam Từ Liêm tạo ra sự tương phản quá lớn về hình thái kiến trúc. Thực chất, Nam Từ Liêm là điểm đến của khá nhiều nhà cao tầng, trong đó có cả tòa nhà đã từng cao nhất Việt Nam. Nhưng điều đó chưa đủ sức thu hút hoạt động mà chỉ làm cho bức tranh về sự tương phản trở nên mạnh mẽ hơn. Ngay bên cạnh những tòa cao ốc tráng lệ với tầm nhìn thoáng đãng ra xung quanh là những làng xóm với những ngôi nhà chỉ vài ba chục mét vuông chen chúc nhau giành giật một chút khí trời. Và trong các khu đô thị mới, ngay dưới chân các chung cư cao tầng lại là vô số những biệt thự thấp tầng, trong đó không ít nhà vẫn chưa có người ở. Cách tổ chức như vậy tạo ra sự lãng phí và thiếu công bằng trong khai thác và sử dụng tài nguyên.
Bên cạnh đó, sự độc lập quá mức giữa các đơn vị định cư mới và cũ tạo ra những thách thức không nhỏ trong phát triển đô thị tương lai. Không đến mức dựng nên những bức tường rào ngăn cách với xung quanh như nhiều nơi ở Hà Nội, nhưng các khu đô thị mới ở Nam Từ Liêm chưa tìm cách đối thoại với những làng xóm truyền thống ở lân cận, chưa khai thác và phát triển không gian giáp ranh giữa chúng để có thể cùng nhau phối hợp hoạt động và gia tăng tính hiệu quả trong sử dụng không gian công cộng của nhau.
Và những cơ hội
Công bằng mà nói, quận Nam Từ Liêm có khá nhiều lợi thế trong phát triển đô thị. Đó là có vị trí thuận lợi, dễ dàng tiếp cận giao thông với các quận nội thành và các địa phương khác; được đầu tư tốt về hạ tầng, đây là nơi tập trung nhiều công trình trọng điểm của quốc gia và thành phố như Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cung Triển lãm Kiến trúc – Quy hoạch Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… Đây cũng là nơi có tòa nhà cao nhất thành phố và cao thứ nhì Việt Nam. Ngoài ra, Nam Từ Liêm còn có những làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, có tầng lớp cư dân mới trẻ trung, năng động… Đó thực sự mang đến những cơ hội rất lớn cho phát triển đô thị tại Nam Từ Liêm.
Trong bối cảnh hiện nay với những lợi thế của mình, lựa chọn phát triển theo hướng đô thị thông minh có lẽ là phù hợp nhất với quận Nam Từ Liêm. Thông minh không có nghĩa là chỉ tập trung đầu tư vào công nghệ thông tin và truyền thông như cách hiểu phổ biến hiện nay, mà quan trọng hơn là phải biết khai thác những tiềm năng và lợi thế sẵn có của đô thị để tạo ra một môi trường hấp dẫn hơn, từ đó thu hút những con người thông minh, năng động và tạo ra những cộng đồng thông minh, sáng tạo để ngày càng nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của mình.
Tương lai của quận Nam Từ Liêm sẽ là gì? Liệu nơi đây có thể trở thành một Trung tâm thể dục thể thao? Trung tâm trưng bày, triển lãm? Trung tâm văn hóa nghệ thuật? Trung tâm vui chơi, giải trí? Hay Trung tâm Sáng tạo?… Câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào những bước đi của ngày hôm nay.
PGS.TS Khuất Tân Hưng
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2019)