Lịch sử
Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm hoàn toàn nước ta, khi Đà Nẵng thành nhượng địa vào năm 1888, quân đội Pháp đã lấy thành Điện Hải để xây dựng bệnh viện Quân y (Hôpital militaire) để chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính Pháp. Sau năm 1975, Xí nghiệp Dược Trung ương 5 đã được giao sử dụng thành Điện Hải làm nhà xưởng chế biến thuốc tân dược. Đến năm 2007-2008, sau khi di chuyển xí nghiệp dược ra ngoài, UBND TP Đà Nẵng đã cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng – một công trình bê tông kính hiện đại bên trong thành Điện Hải. Quá trình thi công xây dựng bảo tàng đã hé lộ nhiều di tích khảo cổ và hiện vật lịch sử nằm sâu dưới đất, mà ngay lúc đó rất nhiều ý kiến của các nhà văn hoá lịch sử cho rằng bảo tàng này đã bị đặt sai chỗ. Tốc độ phát triển của TP Đà nẵng những năm sau đó đã khiến cho toà thành bị “vây ráp” bời nhà dân kín đặc toàn bộ phía Tây tường thành. Các khu vệ sinh của dân tựa hẳn vào tường thành lịch sử. Thêm nữa, khu vực xung quanh thành đã chứng kiến sự mọc lên những tòa nhà cao tầng, những công trình kiên cố án ngữ bức bối. Vùng đệm bị vây lại vì bê-tông hóa, vùng lõi mọc lên một công trình “nhà kính”, thành Điện Hải vừa bị chia cắt lại vừa bị dồn nén.
Đó là tình trạng xót xa của thành Điện Hải cho đến đầu năm 2016. Số phận toà thành đã chuyển sang trang mới vào cuối năm 2016, khi UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương bảo tồn di tích thành Điện Hải, quyết tâm giải tỏa, di dời trên 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây và phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành. Khoảng một năm sau, ngày 29/9/2017 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Quyết định số 5416/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải. Cho đến nay, sau gần một năm thực hiện, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, trả lại hình hài nguyên gốc của tường bao ngoài của thành và hào nước. Giai đoạn hai của dự án sẽ di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra ngoài, tập hợp các tư liệu lịch sử để có phương án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, có lịch sử xây dựng lần đầu tiên dưới thời vua Gia Long (năm 1813), trước là đồn Điện Hải, gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823, Vua Minh Mạng thứ 4 cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, được xây bằng gạch và đến năm 1835, đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam, thành Điện Hải đã góp phần đập tan ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của Liên quân Pháp – Tây Ban Nha khi nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng vào năm 1858 – 1860. Thành còn lại cho đến ngày nay, trở thành biểu tượng cho ý chí quật cường, tinh thần yêu nước của nhân dân ta và minh chứng rõ ràng nhất về sự chuyển tiếp từ thời kỳ Trung Đại sang thời kỳ Cận Hiện Đại ở Việt Nam.
Từ hồi sinh một di tích đến kiến tạo một không gian “nơi chốn”
Có thể nói thành Điện Hải đã được “giải vây” một cách ngoạn mục. TP Đà Nẵng đã làm được một “kỳ tích” văn hoá là hồi sinh một di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nhưng, còn mừng hơn thế nữa, để nâng tầm vóc văn hoá của một TP đang vươn lên xứng tầm một đô thị sống tốt đẳng cấp quốc tế, TP Đà Nẵng đã có chủ trương cải tạo toàn bộ không gian xung quanh thành Điện Hải, nối ra tận sông Hàn. Tháng 6/2018, đồ án “Thiết kế đô thị khu vực xung quanh thành Điện Hải” đã được UBND TP giao cho Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng thực hiện. Sau một thời gian nghiên cứu, ý tưởng về một không gian đặc biệt được gọi tên “Quảng trường thành Điện Hải” đã được đề xuất và được đón nhận. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ cần thêm một chút thời gian, chắc chắn Đà Nẵng sẽ có một không gian công cộng đầy ý nghĩa và đáng nhớ, một “nơi chốn” trong lòng đô thị.

Hiện trạng khu vực thiết kế
Khu vực nghiên cứu là một vùng không gian có những đặc điểm có thể nói là ”độc nhất vô nhị” của Đà thành. Những đánh giá về hiện trạng khu vực cho thấy:
- Về sử dụng đất: Ở đây tập trung dày đặc các chức năng hành chính, chính trị, lịch sử, ngoại giao, văn hoá, dịch vụ quan trọng: Khu di tích Quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, toà nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, xây dựng năm 2008 và đi vào hoạt động từ năm 2014, toà nhà Trung tâm công nghệ phần mềm (xây dựng năm 2000 và đi vào hoạt động từ năm 2007). Khách sạn Novotel, cao 37 tầng xây dựng năm 2011 và hoàn thành năm 2013. Ở khu vực này còn có hàng loạt các công trình công cộng quan trọng khác như Trụ sở UBND cũ – là một toà nhà lịch sử dự kiến sẽ được bảo tồn và chuyển đổi chức năng thành bảo tàng; thư viện TP – xây dựng mới năm 2016 trên nền đất cũ; toà nhà Lãnh sự quán Nga, cùng nhiều công trình công cộng quan trọng khác.
- Tuy nhiên, các công trình kiến trúc ở đây có hình thái, quy mô, khối tích rất khác biệt (những cao ốc nằm rời rạc và xen lẫn với các khu vực nhà dân thấp và trung tầng) nên đã không tạo ra một sự liên hệ kết nối về mặt hình thái và thị giác nào, khiến cho không gian không thể được định hình và cảm nhận;
- Thành Điện Hải, linh hồn của không gian lại nằm phía sâu và dường như bị che khuất thị giác bởi các cao ốc và kiến trúc xung quanh;
- Khoảng trống ở khu vực giữa thành hiện chưa được khai thác gì ngoài chức năng bãi đỗ xe ngầm trên có một số bồn cây.
- Kết nối với sông Hàn hiện rất yếu do có 2 tuyến giao thông cơ giới chính là Trần Phú và Bạch Đằng hiện có lưu lượng giao thông rất lớn ngăn cách.
- Các ô đất lân cận đều chưa có sự kết nối nào trên khía cạnh di chuyển và thị giác;
- Các yếu tố cảnh quan cây xanh cũng chưa được trú trọng;
- Và các hoạt động của người dân được quan sát ở đây là khá thưa thớt, thiếu sức sống. Có lẽ ấn tượng về một không gian công quyền gắn với toà nhà trung tâm hành chính hiện nay khiến cho khu vực kém đi sức hút đối với các không gian dân sự.
Mặc dù có nhiều tiềm năng về vị trí và ý nghĩa như vậy nhưng không gian này hiện nay rất buồn tẻ và khô cứng, hoàn toàn không xứng tầm với vị thế đặc biệt vốn có của nó.
Một tầm nhìn cho khu vực
Có thể nói khu vực nghiên cứu là một không gian tiềm ẩn nhiều giá trị, một “điểm hội tụ” của các giá trị lịch sử, chính trị, văn hoá, kinh tế, hiện diện của các yếu tố thiên nhiên; là một trong những không gian có ý nghĩa bậc nhất của TP Đà Nẵng, và có tiềm năng trở thành một “nơi chốn” độc nhất vô nhị của TP. Cần có những can thiệp để mài giũa viên hợp chất carbon thô thiển thành có một viên kim cương lấp lánh. Các ý tưởng và giải pháp thiết kế ở đây phải hướng tới một Tầm nhìn tổng thể gồm:
- Bảo tồn và quảng bá giá trị lịch sử của TP cho xã hội và cộng đồng thế giới;
- Kiến tạo một “trọng điểm” về không gian văn hoá, một “nơi chốn” của người dân TP;
- Tạo ra một địa chỉ “nhất định phải đến”, một nơi ”check in” không thể bỏ qua đối với du khách;
- Đồng thời góp phần kết nối khu vực với tổng thể mạng lưới các không gian văn hoá, cảnh quan và du lịch của TP;
- Góp phần làm giàu bản sắc văn hoá TP, thúc đẩy sự phát triển xã hội và kinh tế du lịch, dịch vụ một cách bền vững.
Các chiến lược tổng thể cho toàn khu vực

Để hiện thực hoá tầm nhìn trên, 4 chiến lược thiết kế tổng thể đã được đề xuất:
(1) Tạo một KGCC lớn, lấy tên là “Quảng trường thành Điện Hải” bằng cách nhất thể hóa các ô đất rời rạc thành một không gian hoàn chỉnh và kết dính hữu cơ. Hiện khu vực này bị chia thành hai ô đất trống tách rời và bị chia cắt với sông Hàn bằng các tuyến đường cơ giới. Để có được một không gian quảng trường có chất lượng thì cần phải thực hiện đồng thời 2 chiến lược: Thiết kế quảng trường và xử lý bài toán giao thông. Chiến lược thiết kế quảng trường cần đảm bảo các yếu tố: Độc đáo – Tiện nghi – Khai thác sử dụng hiệu quả – Quản lý tốt;
(2) Tổ chức giao thông trong khu vực (cơ giới/đi bộ/đỗ xe ngầm – nổi) để các tuyến di chuyển cơ giới không chia cắt và gây nguy hiểm cho hoạt động của quảng trường và các kết nối với các không gian lân cận. Việc dung hoà xung đột giữa giao thông cơ giới và các hoạt động đi bộ dạo trên ở khu vực quảng trường có thể thông qua 2 giải pháp chính: Giải pháp thứ nhất, xử lý triệt để, là hạ ngầm một đoạn tuyến đường Trần Phú và bạch đằng đoạn qua khu vực quảng trường. Giải pháp thứ hai, giải pháp nhẹ nhàng, là giữ nguyên hệ đường nhưng hạn chế giao thông bằng bẻ hướng, quy định giảm tốc độ giao thông hoặc (và) cấm xe cơ giới trong các sự kiện, các cuối tuần. Trước mặt TP lựa chọn giải pháp thứ 2 này;
(3) Quản lý kiến trúc cảnh quan khu vực dân cư phía sau Thành và các tuyến phố lân cận: Đảm bảo việc đầu tư xây dựng công trình trong khu vực này đúng theo thiết kế, không gây ra sự lộn xộn ảnh hưởng tới khu vực bảo tồn di tích thành Điện Hải;
(4) Kết nối các không gian công cộng thành mạng lưới thẩm thấu vào các ô phố/ đa cốt, đa tầng: Tạo sự liên kết và lan tỏa các giá trị lịch sử của khu vực thành Điện Hải ra xung quanh thông qua các ngõ phố len lỏi trong các ô phố lân cận là cách phát huy giá trị khu vực rất tốt.
Các can thiệp cụ thể:
- Khu vực xung quanh sát chân thành Điện Hải: Khu vực này được xác định là chức năng bảo vệ di tích cao nhất nên nghiên cứu vật liệu bề mặt gần với vật liệu của thành và đảm bảo sức chống chịu cao khi tập trung đông người như đá block 10x10x10cm tự chèn có độ bền cao. Bán kính cho khu vực này khoảng 5-10m tính từ tường hào bên ngoài thành.
- Khu vực phía Bắc của thành Điện Hải: Sẽ giải phóng các chướng ngại để mở thoáng một không gian trống, không xây dựng bất kỳ công trình kiên cố ngầm hoặc nổi nào. Chỉ cho phép kết nối không gian với trường THCS Lý Tự Trọng bằng cầu đi bộ từ tầng 2 của trường với thiết kế phù hợp nhằm tạo ra sự liên hệ mang tính giáo dục lịch sử từ trường học sang thành. Khu vực này sẽ được nghiên cứu để vừa có sự ngăn cách mềm với đường bằng giải pháp cây xanh cảnh quan trang trí hoặc các giải pháp tương tự nhằm tạo sự an toàn và đóng tầm nhìn ra phía đường. Đây sẽ là không gian vui chơi học tập lý tưởng của các em học sinh sau giờ tan trường.
- Khu vực phía Nam của thành Điện Hải: Sẽ khôi phục cổng thành phía Nam như nguyên gốc, đồng thời cải tạo toàn bộ cảnh quan xung quanh toà nhà trung tâm phần mềm bằng cách dỡ bỏ hàng rào, bố trí đỗ xe về bãi đỗ ngầm tập trung, trồng cây xanh bóng mát và lát đá bề mặt theo chủ đề chung của quảng trường.
- Quảng trường Thành Điện Hải: Đây là không gian chính, nối từ thành ra sông Hàn. Với không gian này:
- Về thủ pháp tạo hình thị giác: Lấy thành Điện Hải làm trung tâm, bề mặt quảng trường sẽ được trang trí thành các vòng tròn đồng tâm lan toả ra các không gian lân cận. Do thành Điện Hải thấp hơn trong tổng thể không gian, lại nằm sâu phía sau nên các vòng tròn này sẽ giúp tạo sức hút thị giác và di chuyển về phía thành. Các vòng cung này sẽ chính là ngôn ngữ cảnh quan kết nối cả những ô đất và công trình hiện hữu toà nhà hành chính tập trung, khách sạn Novotel, TT phần mềm thành một hệ cảnh quan sân vườn thống nhất. Chất liệu lát bề mặt quảng trường sẽ được mở rộng ra toàn bộ không gian, cho cả phần lòng đường Trần Phú và Bạch Đằng để tạo hiệu ứng tổng thể; cũng là dấu hiêụ giảm tốc các phương tiện cơ giới qua đây;
- Hình thành một trục cảnh quan nối thẳng từ tâm thành Điện Hải ra sông Hàn – gọi là “Trục thời gian” – tượng trưng cho những tiến triển theo thời gian từ lịch sử đến hiện tại và tương lai. Đây sẽ là trục thị giác và trục di chuyển hoàn toàn tuyến tính, được làm nổi bật nhờ vật liệu lát và đèn trang trí trên bề mặt với những điểm dừng chân kể những câu chuyện lịch sử liên quan đến Thành Điện Hải và khu vực xung quanh. Dọc trục này sẽ không có vật kiến trúc nào được đặt vào để tầm mắt có thể được phóng tự do từ thành ra phía sông Hàn và từ sông Hàn về phía thành.
- Vùng hoạt động chính của quảng trường sẽ được chia thành 2 không gian nằm hai bên đường Trần Phú, đều có dạng các hình nêm hướng về tâm thành. Không gian thứ nhất kề cận thành được thiết kế hạ cốt (khoảng 1m) để trở thành một sân khấu chìm lớn (sunken space) với các bậc thềm vây quanh tạo nên các khán đài. Một mặt nước tĩnh lặng ngăn cách ước lệ không gian này với “trục thời gian” – cũng chính là một sân khấu cho những sự kiện văn hoá nghệ thuật sẽ được tổ chức tại đây. Không gian thứ hai nằm phía sông Hàn sẽ là một không gian đa năng dành cho các hoạt động tự do.
- Các góc quảng trường sẽ được trồng cây xanh bóng mát, cùng các bồn cây kết hợp ghế ngồi, tạo những vùng bóng râm cho không gian lúc ban ngày nắng gắt.
- Khu vực khách sạn Novotel cũng được cải tạo cảnh quan phần đế, cho phép kết hợp không gian dịch vụ cà phê với một mặt nước động để trẻ em có thể chơi đùa tương tác với nước.
- Công trình nhà hàng và bến du thuyền đã được xây dựng ở sát bờ sông Hàn sẽ không bị phá bỏ mà giữ lại để chuyển đổi chức năng thành Trung tâm thông tin du lịch, trưng bày triển lãm và đồng thời là điểm dừng chân lý tường của du khách. Bờ sông Hàn đoạn cuối của trục thời gian sẽ được tạo các bậc thang tiếp cận sát mặt nước để đem đến trải nghiệm mới cho không gian công cộng này.
- Khu vực nhà dân phía Tây thành Điện Hải: Vùng nhà dân này sẽ được giữ lại, được cải tạo hệ thống đường ngõ phù hợp với ngôn ngữ cảnh quan chung. Nhà riêng sẽ có quy định quản lý chiều cao và hướng dẫn thiết kế về kiến trúc và màu sắc để đạt được chất lượng cảnh quan chung. Khu vực này được khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ du lịch như cafe, nhà hàng nhỏ, shop bán đồ lưu niệm, dịch vụ homestay và các dịch vụ khác để thu hút và kéo dài thời gian thăm quan lưu trú của du khách.
- Về kết nối giao thông:
- Đảm bảo giữ nguyên hệ thống giao thông chính là đường Trần Phú và Bạch Đằng nhưng yêu cầu giảm tốc độ di chuyển xuống dưới 5km/h. Tuy nhiên vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, Tết, sự kiện lớn sẽ tiến hành cấm đường để tạo sự kết nối trên bề mặt cho toàn bộ khu vực từ thành Điện Hải ra tới bờ sông Hàn;
- Mở rộng không gian đi bộ nhằm kết nối khu quảng trường trung tâm với các khu vực khác như trường tiểu học Lý Tự Trọng, bảo tàng, các công trình công cộng và dịch vụ thương mại xung quanh khu vực;
- Mở rộng bãi đỗ xe ngầm ở dưới Quảng trường về phía đường Quang Trung và điều chỉnh lối ra vào bãi để xe ngầm;
- Đề xuất bố trí bãi đỗ xe nổi ngoài khu trung tâm về phía Bắc ven sông Hàn nhằm mục đích giảm tải mật độ giao thông cũng như giảm tải thời gian dừng đỗ đón trả khách tại khu vực đường Trần Phú như hiện tại. Khách du lịch tham quan sẽ đi từ các điểm dừng đỗ bên ngoài và đi bộ vào trong khu vực quảng trường.
Một tương lai rất gần…
Ngày 25/1/2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Quyết định 464/QĐ-UBND phê duyệt Thiết kế đô thị Khu vực xung quanh di tích thành Điện Hải. Đây sẽ là cơ sở để thực hiện những bước tiếp theo đầu tư, cải tạo, và xây dựng biến những thiết kế thành hiện thực. TP Đà Nẵng đã có những quyết định sáng suốt và những hành động quyết liệt, nhanh gọn, hiệu quả để hồi sinh thành Điện Hải, thể hiện tầm vóc văn hoá của một TP vươn tới đẳng cấp quốc tế. Mong rằng, đó là bước lấy đà, và những nỗ lực tương tự sẽ tiếp tục được phát huy và mở rộng. Trong một tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ có một không gian quảng trường mới đặc sắc, giàu ý nghĩa, an toàn và hấp dẫn; một địa điểm “check-in” Đà Nẵng đối với du khách phương xa, và một “nơi chốn” của người dân TP. Một tương lai rất gần, Quảng trường thành Điện Hải sẽ hiện lên lung linh và rõ nét, và sẽ trường tồn cùng năm tháng.
*PGS.TS KTS. Phạm Thuý Loan, Phó Viện trưởng viện Kiến trúc Quốc gia.
Chủ nhiệm Đồ án TKĐT khu vực xung quanh thành Điện Hải.
Nhóm thực hiện: Phòng lý luận và phê bình & Nghiên cứu LS Kiến trúc – Viện Kiến trúc Quốc gia
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)