Diễn ra từ đầu tháng 7/2018 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ (Hà Nội), nhưng dư âm triển lãm “Sắc màu và dáng thép” của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính và KTS Dương Nguyễn Huy vẫn còn lưu luyến đến khi trời Hà Nội đã chuyển thu. Một già một trẻ. Một tĩnh tại, sâu lắng; một cứng cỏi, hiện đại… Đó thực sự là cuộc hội ngộ thú vị giữa kiến trúc và mỹ thuật.
“Sắc màu” trong tranh màu nước của KTS Hoàng Đạo Kính
Góc làng, không gian nén chặt. Những nếp nhà xiêu điêu. Những túp lều chợ nghiêng ngả. Ngôi miếu trụ lại, gan góc. Những cây bàng vặn vẹo như có thân phận. Cái cổng, nguyên vẹn, hiện thân của những nền nếp xưa. Tất tật thô mộc, đất lầm và bụi, thoảng hương rơm rạ, trĩu mùi phân trâu… Đột nhiên, từ không trung, cơn lũ ánh sáng vàng tơ tràn ùa xuống, hào hiệp và quyện say, biến cái góc làng, nguyên cả cái làng, thành thần thoại… Thành sự huyền ảo từ thực thể tĩnh tại, đông đặc và chất nặng bởi những thói quen và sự tẻ nhạt.
Hỏi tác giả, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính rằng ông đã vẽ ở đâu? Ông trả lời: “Tôi không ký họa kiến trúc. Tôi vẽ theo trí nhớ, theo mường tượng. Tôi vẽ hoài niệm”.
Ngót nửa thế kỷ Hoàng Đạo Kính theo đuổi nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Thành ra, vẽ hoa, vẽ tĩnh vật, vẽ phong cảnh, dùng màu trầm hay màu tươi, vẫn phảng phất chất hoài niệm. Trên những bức tranh gần đây, hình như ông lấy những đám mây để chuyên chở hoài niệm, dự cảm, sự thụ cảm cải đẹp trong mênh mang cõi đời.
Xem tranh Hoàng Đạo Kính qua mấy triển lãm, nhận ra ông càng vẽ càng mạnh, càng say và bạo hơn. Nguồn năng lượng xem ra chưa vơi.
Và “Dáng thép” – Điêu khắc bằng sắt thép của KTS Dương Nguyễn Huy
Những gì KTS Dương Nguyễn Huy sáng tác và lần đầu trình làng, hoàn toàn có thể mệnh danh là điêu khắc, tuy anh không phải là điêu khắc gia. Chất liệu anh sử dụng không phải gỗ, đồng, thạch cao, đất sét… Anh sử dụng sắt thép, đúng ra là “đầu thừa đuôi thẹo” của những tấm sắt thép.
Dương Nguyễn Huy lấy cái cứng của sắt để biểu đạt sự uyển chuyển của trạng thái và động tác. Để làm được điều ấy, tác giả phải trải qua một chu trình ít mật thiết với sáng tạo nghệ thuật, đó là nhặt nhạnh phế liệu sắt, rồi uốn, gò, hàn, mài, ghép và gắn… Trước khi là nhà điêu khắc, phải làm anh thợ sắt.
Cái tài của Dương Nguyễn Huy ở khả năng tóm và lược: Tóm, những gì là chính và đặc trưng nhất; lược những gì là chi tiết và thừa, để tạo nên một tác phẩm khúc triết, biểu đạt nhất có thể. Điều này đặc biệt hệ trọng bởi tính đặc thù của ngôn ngữ điêu khắc kim loại, bởi tính chất của việc gia công sản phẩm kim loại.
Ngắm nhìn bức tượng người ngồi mà ai cũng nhận ra là ngồi Thiền. Quả thực toàn thể pho tượng ngập trong sự Thiền. Động tác chắt lọc tối đa, những mảng và nét cách điệu và giản lược. Một tác phẩm nhỏ, thể hiện cơ thể con người trút hết gánh nặng tâm thế, buông thả hết thảy gân cốt. Nội hàm phức tạp đến thế mà tác giả chỉ dùng vài đường nét uốn cong , tinh và đắt đến kinh ngạc. Hiệp sỹ Đôn Kihôtê ta quen từ tiểu thuyết cùng tên của Xéc-văn-tet (Miguel de Cervantes Saavedra). Ngắm tiểu phẩm này từ các phía, ta thốt lên: Chính là chàng rồi!
Điêu khắc gia Tạ Quang Bạo nhận xét: Dương Nguyễn Huy cảm thụ không gian rất tốt. Ngôn ngữ và chất liệu điêu khắc của Dương Nguyễn Huy rất phù hợp với nội thất các tòa nhà hiện đại, với các không gian sân vườn thời nay.
Mong sao những tác phẩm của anh sẽ hiện diện ở những không gian ấy. Xã hội đang chờ đợi sự tổng hòa Kiến trúc và Điêu khắc .
Thảo Nguyên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2018)