Sinh hoạt cộng đồng, đôi điều suy nghĩ trong quy hoạch chỉnh trang kiến trúc cảnh quan xung quanh Hồ Gươm

Sinh hoạt cộng đồng, đôi điều suy nghĩ trong quy hoạch chỉnh trang kiến trúc cảnh quan xung quanh Hồ Gươm

TS.KTS. Nguyễn Việt Huy
Giảng viên TS.KTS

Nhu cầu về không gian sinh hoạt cộng đồng.

Trên thế giới, các không gian sinh hoạt cộng đồng luôn được các nhà quản lý, các KTS nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, luôn đưa ra các phương án quy hoạch hợp lý nhất nhằm tạo ra các không gian sinh động, đa dạng và hấp dẫn. Tại các thành phố ở Châu Âu, những không gian này thường được bố trí là các không gian mở trước các công trình lớn như: Toà thị chính, Nhà hát, Trung tâm thương mại, các công trình đa chức năng…



Hội xuân Đền Ngọc Sơn xưa

Tại Việt Nam, sinh hoạt cộng đồng vốn đã gắn bó mật thiết đối với cuộc sống làng xã từ thời phong kiến, đến thời Pháp thuộc và cho đến ngày nay. Tại vùng nông thôn, nếu như từ thời phong kiến làng nào cũng có Đình, Chùa, Cổng làng, cây Đa bến nước, thì thời bao cấp lại thêm sân kho hợp tác, ngày nay lại có thêm các nhà văn hoá thôn, liên thôn, liên xã… Các không gian này cũng được đặc biệt chú ý tại các thành phố ở Việt Nam. Cụ thể như tại Hà Nội là các không gian trong các công viên, vườn hoa, quảng trường trước Nhà hát Lớn, quảng trường trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đặc biệt là các không gian xung quanh những hồ nước của Hà Nội, trong đó không thể không nhắc tới Hồ Gươm – Trái tim của Thủ đô, trái tim của cả nước, một địa điểm lý tưởng cho các sinh hoạt cộng đồng gắn kết xã hội của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Vai trò của các sinh hoạt cộng đồng đối với không gian công cộng.

Một không gian công cộng mà thiếu đi bóng dáng của con người, hay nói cách khác là không có các hoạt động cộng đồng thì có thể nói đó là một thất bại trong việc tổ chức quy hoạch và khai thác sử dụng các không gian đó. Như trong một nghiên cứu của KTS Khương Văn Mười có viết: “Bên cạnh các yêu cầu về cảnh quan, thẩm mĩ đô thị của các không gian mở, điều quan trọng nhất là thu hút bóng dáng của con người và hoạt động của con người trong các không gian ấy. Thành công của các không gian mở không phải là việc tạo nên các không gian tươm tất, gọn gàng mà ở chỗ thu hút và tạo điều kiện cho con người đến với các không gian ấy…”

Các không gian công cộng là khu vực hiệu quả nhất trong việc tạo nên các giao tiếp xã hội, là một phần không thể thiếu của cuộc sống, nó thúc đẩy mối quan hệ giữa con người với nhau và tạo nên ảnh hưởng lên các hành vi xã hội của con người. Nếu các không gian công cộng đó không tổ chức các lễ hội, các buổi sinh hoạt giao lưu, các hoạt động văn hoá, văn nghệ cộng đồng…, thì các không gian công cộng đó cũng trở nên vô nghĩa.

Hồ Gươm và các vùng phụ cận, một không gian lý tưởng cho các sinh hoạt cộng đồng.

Nói đến Hồ Gươm, chúng ta nghĩ ngay đến địa danh của trung tâm chính trị, văn hoá và lịch sử của Thủ đô, là cột mốc số “0” của đất nước Việt Nam – Là biểu tượng của quốc gia, là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá cộng đồng cho đồng bào cả nước.

Với diện tích mặt nước khoảng 12ha, chu vi bao quanh hồ 1750m là các vườn hoa, đường dạo, và các tuyến phố Lê Thái Tổ ở phía Tây, phố Đinh Tiên Hoàng ở phía Đông, phố Hàng Khay ở phía Nam. Xung quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Giữa hồ có tháp Rùa, trên hồ có đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ còn có những di tích lịch sử khác như tượng vua Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc, tháp Bút, đền Bà Kiệu… Với tất cả các yếu tố đó, có thể khẳng định đây là một không gian rất đặc biệt, là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Sinh hoạt cộng đồng tại các không gian công cộng nổi tiếng trên thế giới. Đôi điều suy nghĩ trong việc tổ chức các sinh hoạt cộng đồng tại Hồ Gươm.

Các sinh hoạt cộng đồng tổ chức tại khu vực Hồ Gươm dường như chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài các ngày lễ lớn của Quốc gia như ngày Quốc Khánh, bắn pháo hoa đêm giao thừa, marathon quanh hồ… thì các hoạt động khác vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Đặc biệt, cách đặt vấn đề chính các hoạt động cộng đồng này sẽ làm tăng giá trị văn hoá, lịch sử và xã hội cho không gian Hồ Gươm và phụ cận dừng như vẫn chưa được suy nghĩ tới.

Việc khai thác các sinh hoạt cộng đồng tại các không gian công cộng không chỉ làm tăng giá trị cuộc sống của con người, mà còn làm cho các không gian công cộng đó thêm sống động và ý nghĩa. Ví dụ như các hoạt động trượt băng nghệ thuật trước Quảng trường Tòa thị chính Paris, Liên hoan Film tại thành phố Canne, Lễ hội ánh sáng ở Lyon… Chính các sinh hoạt cộng đồng đã làm bổ trợ, tăng giá trị của các không gian công cộng, ví dụ như hoạt động bãi biển nhân tạo bên bờ sông Seine – Paris, Lễ hội hoá trang ở Venice, Lễ hội hoa Anh Đào ở Tokyo… Hay chỉ đơn giản là các sinh hoạt hàng ngày như hoạt động vẽ tranh ở đồi Montmartre Paris, biểu diễn âm nhạc đường phố trước quảng trường nhà thờ Đức Bà Paris…

Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng đó đều được các thành phố tổ chức một cách bài bản, có đầu tư thời gian và công sức. Chính vì vậy mà cuộc sống của người dân tại các khu vực đó có một cuộc sống tinh thần phong phú. Các không gian công cộng trở nên sống động và chính các hoạt động đã làm tăng giá trị của các không gian công cộng nêu trên.

Tài liệu tham khảo :

1. Khương Văn Mười: Nhu cầu không gian sinh hoạt cộng đồng của người dân đô thị ở ba miền Bắc – Trung – Nam (Tạp chí Sài Gòn Đầu tư và Xây dựng)

2. Trần Quốc Bảo: Cải tạo không gian kiến trúc khu vực Hồ Gươm cần tôn trọng các giá trị lịch sử (Ashui.com)

3. Nguyễn Thu Hạnh : “Sống lại” giá trị cốt lõi của Hồ Gươm bằng du lịch “Tâm linh – Huyền thoại” (Chithucvaphattrien.vn)

KTS.DPLG Nguyễn Việt Huy