Tận dụng không gian trống trong đô thị làm nhà ở cho người nghèo

Tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), vấn đề nhà ở cho người nghèo và người vô gia cư luôn là một thách thức. Những hình ảnh đối lập giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại với những khu ổ chuột, những chung cư cũ, những dãy nhà trọ lụp xụp hay những hình ảnh của những đứa trẻ sống chui ở gầm cầu,… cho thấy vấn đề nhà ở của đối tượng này chưa được chính quyền thành phố giải quyết tốt. Dân cư TP. HCM đa số là lao động nhập cư và sinh viên đến từ các tỉnh có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, khi đến đây làm việc và sinh sống, họ phải đi thuê nhà, thuê phòng trọ cũ để tiết kiệm chi phí. Những căn nhà, phòng thuê này thường tối tăm, ẩm ướt hoặc chật hẹp, thiếu an toàn, thậm chí những người vô gia cư phải lang lang ở các ghế đá công viên, ở các bến xe, hay ở dưới chân cầu để tìm chỗ ngả lưng lúc đêm về. Bài viết này được thực hiện nhằm đưa ra các giải pháp tận dụng không gian trống dưới chân cầu vượt để làm nhà ở cho người nghèo và người vô gia cư tại TP. HCM.

Tại TP. HCM, với mật độ xây dựng cao và công trình xây dựng dày đặc thì việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người nghèo và người vô gia cư luôn là một thách thức đối với chính quyền thành phố. Thành phố ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, kéo theo sự gia tăng dân số cơ học một cách nhanh chóng, đặt ra vấn đề về nhà ở, đất ở và tận dụng hợp lý không gian trống trong đô thị. Trong khi đó, còn nhiều không gian bỏ trống gây lãng phí và chưa được quan tâm khai thác một cách thiết thực. Những không gian trống đó có thể là khoảng trống giữa các công trình, không gian dưới chân cầu vượt, không gian trống trong công viên, chợ dân sinh… Xuất phát từ mong muốn tạo thêm những nơi ở cho người nghèo và người vô gia cư tại thành phố, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu thực trạng nhà ở đô thị để từ đó đưa ra các giải pháp kiến trúc để giúp người nghèo có được nhà ở đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, y tế, an ninh, và giao thông.

Về phương pháp thực hiện, nhóm tác giả đã tìm hiểu thực trạng các không gian trống tại TP. HCM, như không gian dưới chân cầu vượt Phú Mỹ (Hình 1, 2), tuyến Metro, không gian trống trong công viên Lê Văn Tám, công viên Phú Lâm,… So sánh kiểm chứng với những công trình nhà ở cho người nghèo tại các nước trong khu vực. Qua đó, nhận thấy nhu cầu nhà ở cho người nghèo tại TP.HCM rất lớn và có xu hướng tăng lên từng năm do tình trạng dân nhập cư, quỹ đất xây dựng nhà ở luôn khó khăn, giá nhà đất quá cao so với thu nhập của người lao động nghèo, đặc biệt là người vô gia cư.

Không gian để trống và ít sử dụng tại chân cầu vượt Phú Mỹ, Quận 7, TP. HCM.

(Nguồn: nhóm tác giả, 2018
Hình 3: Cầu vượt Phú Mỹ – Khu vực thiết kế thử nghiệm.

(Nguồn: nhóm tác giả, 2018)

Kinh nghiệm trong khu vực

Tại HongKong, người lao động nghèo thường sinh hoạt trong các căn hộ chật hẹp, với tên gọi “nhà quan tài” hay “nhà chuồng cọp”. Trước nhu cầu thực tiễn đó, các kiến trúc sư và nhà đầu tư đã chú ý tới xu hướng “nhà ở vi mô toàn cầu” để tạo ra những giải pháp phù hợp nhu cầu của người dân nghèo. Một trong số đó là kiểu “nhà ống cống” tên là O-Pod. Chính quyền thành phố đã tận dụng những khoảng đất trống khắp HongKong, những ngôi nhà O-Pod có thể được đặt bất cứ đâu – từ dưới đường cao tốc đến những không gian trống trong công viên hay thậm chí những chiếc ống cống có thể xếp chồng lên không gian trống trên sân thượng một tòa nhà nhằm tiết kiệm diện tích. Mỗi chiếc ống cống được xếp chồng lên nhau tại các mảnh đất chưa được sử dụng, cung cấp chỗ ở tạm thời cho những người đang tìm kiếm nơi ở có mức giá phải chăng. Nhà ống cống gồm ống nước bê tông đường kính 2,5m, được trang bị các vật dụng thiết yếu bên trong, với diện tích sàn rất nhỏ chỉ 9,3m2. Bên trong nhà ống cống, kiến trúc sư thiết kế căn hộ mini với đầy đủ nội thất cần thiết, từ giường sofa gấp, kệ đựng đồ, phòng tắm với nhà vệ sinh, lò vi sóng và điều hòa nhiệt độ (Hình 4-7). Mỗi căn hộ có tải trọng khoảng 20 tấn, có giá khoảng 15.000 USD (tương đương 340 triệu đồng).

Nhà ống cống đặt tại khoảng trống dưới chân cầu gần giao lộ (ảnh trái), Nhà ống cống đặt tại khoảng trống giữa hai nhà (ảnh phải) (Nguồn: viettimes.vn)
Nhà ống cống đặt tại khoảng trống phía trên công trình (ảnh trái), Không gian bên trong nhà ống cống(ảnh phải) (Nguồn: viettimes.vn)

Đề xuất giải pháp thiết kế

Ý tưởng chính là tận dụng thùng container đã qua sử dụng để làm nhà ở cho người nghèo. Loại nhà ở tận dụng container đã xuất hiện nhiều trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm khai thác. Thùng container có thể làm nhà ở có kích thước cơ bản là: Dài 6,06 mét, rộng 2,44 mét, cao 2,59 mét. Với chiều cao và chiều rộng như vậy, có thể linh hoạt để tạo ra các không gian ở. Trên qui mô khu nhà ở, tổ hợp các thùng container để tạo nên các module nhà ở, trong đó mỗi module bao gồm: khu vực ngủ với 2 giường tầng, khu vực bếp và khu vực sinh hoạt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người sử dụng.

Do đặc điểm không gian bên dưới chân cầu vượt khá dài và cao, gồm nhiều nhịp lớn nên hoàn toàn có thể bố trí một khu ở tại mỗi nhịp cầu. Trong mỗi khu ở, sẽ bố trí hành lang đi lại, có khoảng sân chung để sinh hoạt và các lối giao thông đứng (nếu khu ở có nhiều tầng). Do ảnh hưởng của giao thông hai bên chân cầu nên lối giao thông vào trong mỗi khu ở chỉ có thể tiếp cận ở giữa nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Để đảm bảo việc tiết kiệm không gian và đảm bảo an ninh – an toàn bên trong khu ở thì người sử dụng sẽ để xe tập chung tại bãi giữ xe.

Đối với mỗi nhịp cầu từ 18 – 22 mét, bố trí một bãi đậu xe cho 3 – 5 khu ở, diện tích mỗi bãi đậu xe có thể bằng một nhịp cầu. Tại mặt tiếp giáp đường giao thông sẽ có hành lang nhỏ ngăn cách với đường giao thông bên ngoài, trồng cây xanh để cải thiện chất lượng không khí, cản bụi cho các ngôi nhà phía trong.

Nguyên tắc sắp xếp các module là tạo ra những không gian linh hoạt, không quá dày đặc nhằm đảm bảo độ thông thoáng cho bên trong khu ở, các khu nhà có khả năng di chuyển được, không bị cố định vào một nhịp cầu cụ thể. Do phía dưới chân cầu ít bị tác động của nắng và mưa, đồng thời cần có những giải pháp chống nóng, mưa tạt.

Phương án tổ hợp 14 thùng container

  • Tầng 1 (Trệt) lấy lối đi ở giữa để phân chia thành 2 khối, mỗi khối gồm 4 module trong đó chỉ có 2 module giữa liền kề nhau tạo ra 2 khoảng sân chung cho mỗi 2 module. Tầng 2 gồm 2 khối, mỗi khối chỉ có 3 module được xếp vuông góc với module ở tầng 1 và không che phần lối đi ở giữa. Lối lên tầng 2 là 4 chiếc cầu thang được bố trí bên ngoài.
  • Ưu điểm: tạo được sự thông thoáng, tận dụng được nhiều ánh sáng tự nhiên hơn cho khu ở.
  • Nhược điểm: bố trí được ít module hơn.
Mặt bằng bố trí thùng container trong không gian trống dưới chân cầu vượt.

(Nguồn: nhóm tác giả, 2018)
Sơ đồ ghép khối thùng container tận dụng không gian trống dưới chân cầu vượt.

(Nguồn: nhóm tác giả, 2018)
Bản vẽ mặt bằng tầng trệt khu nhà ở tại cầu Phú Mỹ, Quận 7, TP. HCM (ảnh trái), Bản vẽ mặt đứng trích đoạn và mặt cắt ngang khu nhà ở tại cầu Phú Mỹ, Quận 7, TP. HCM (ảnh phải) (Nguồn: nhóm tác giả, 2018)
Phối cảnh khu nhà ở tại cầu Phú Mỹ, Quận 7, TP. HCM (Nguồn: nhóm tác giả, 2018)
Bố trí không gian bên trong container làm nhà ở (Nguồn: nhóm tác giả, 2018)

Thay lời kết

Ý tưởng tận dụng không gian trống trong đô thị làm nhà ở cho người nghèo mang giá trị kinh tế và xã hội to lớn, nếu được thí điểm áp dụng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân nghèo tại TP.HCM. Rõ ràng, những giải pháp tận dụng không gian trống trong đô thị làm nhà ở cho người nghèo sẽ mang lại lợi ích về an sinh xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho những người dân nghèo và cho cộng đồng dân cư trong đô thị.

Về biện pháp thúc đẩy, nhóm tác giả kiến nghị chính quyền thành phố cần triển khai các mô hình nhà ở theo dự án và cho phép các quận huyện sử dụng không gian trống để làm khu nhà ở cho người nghèo. Ngoài ra, kêu gọi các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không phải nguồn vốn nhà nước, hoặc vốn doanh nghiệp đã được ưu đãi từ nhà nước để thuyết phục họ tham gia các dự án phát triển nhà ở nêu trên. Với các biện pháp tổng hợp nêu trên, nhóm tác giả tin tưởng sẽ góp phần giảm áp lực về nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở cho người nghèo và người vô gia cư tại TP.HCM trong thời gian tới.

KTS. Ngô Lê Minh – Phạm Thanh Hải – Trần Thị Hồng Ngọc – Lê Thị Kim Thắm

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

  • [1] Daivid Sims, Sonja Spruit (2014). Hồ sơ nhà ở Việt Nam. UN Habitat Vietnam
  • [2] Guomin Zhang, Sujeeva Setunge, Stefanie van Elmpt (2014). Using shipping containers to provide temporary housing in postdisaster recovery: Social case studies, 4th International Conference on Building Resilience, Building Resilience. United kingdom, 2014, Pg.8-10
  • [3] Hernandez Jaime-Gracia (2013). Publics Spaces in informal settlements – The barrios of Bogota, Cambridge Scholars Publishing
  • [4] Ngô Lê Minh (2017). Nhà ở xã hội dành cho công nhân – Mô hình phát triển nào phù hợp với Tp. Hồ Chí Minh? Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, 2017(09).
  • [5] Paris C (2007) International perspectives on planning and affordable housing, Housing Studies, 22(1), Pg.1-9.
  • [6] United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (2008). Housing the poor in Asian Cities 5- Housing Finance.