Theo các tài liệu nghên cứu, ban đầu vùng đất Sài Gòn – Gia Định được gọi là Prey Nokor. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định. Khi người Pháp vào Đông Dương, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Sài Gòn là Thủ đô của Liên Bang Đông Dương giai đoạn 1887-1901. Năm 1954, Sài Gòn trở thành Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Ngày 30/4/1975, Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất quyết định đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh”.
Hiện nay, TP HCM và Thủ đô Hà Nội là hai đô thị loại đặc biệt của Việt Nam. TP HCM là đô thị lớn và đông dân nhất (khoảng 10 triệu người, trong đó nội thị khoảng 7,0 – 7,5 triệu người), đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam và khu vực.
Trong gần 40 năm qua, Thành phố đã có nhiều thay đổi. Không gian đô thị được mở rộng, vươn cao hơn. Diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kĩ thuật đô thị đang từng bước được đầu tư, hoàn chỉnh. Đặc biệt, Thành phố đã xuất hiện nhiều công trình điểm nhấn có giá trị được đầu tư xây dựng, góp phần tạo nên hình ảnh của một thành phố hiện đại, có đặc tính riêng…
Tuy nhiên, với vai trò là một trung tâm kinh tế lớn – Trung tâm Vùng TP Hồ Chí Minh, một đầu mối giao lưu quan trọng, trong quá trình phát triển TP HCM cũng giống như Thủ đô Hà Nội và nhiều đô thị lớn trên thế giới đang phải đối mặt trước sức ép về qui mô dân số, lao động, việc làm, nhà ở, dịch vụ hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường suy giảm, di sản kiến trúc đô thị có nguy cơ bị xâm hại, xuống cấp… Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng thách thức đặt ra không chỉ đơn thuần là ở đầu thế kỉ 21 này thế giới có tới 900 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự tồn tại tốt hay không tốt của gần 160 đô thị lớn và 24 siêu đô thị, mà còn ở chỗ đô thị (nhất là đô thị lớn) phải gánh thêm nhiều chức năng tổng hợp, đa ngành trong mối liên kết mạng quốc gia, khu vực và quốc tế… Đặc biệt, TP HCM cũng đang phải đối mặt với các xu hướng mang tính toàn cầu như cạnh tranh đô thị và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD)… Vậy, trong tương lai TP HCM sẽ phát triển như thế nào trước những thách thức đó?
Thiển nghĩ, liệu TP HCM có tham vọng trở thành thành phố quan trọng có tính cạnh tranh cao trong mạng lưới đô thị toàn cầu – hay xây dựng lại danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông, nhưng ở một diện mạo mới, một tầm cao mới? (Đây không phải tư duy hoài cổ vì mỗi danh hiệu ở từng giai đoạn có những giá trị nhất định của nó). Trên thực tế, vai trò, vị thế, nguồn lực tiềm năng của TP HCM đủ cơ sở để thành phố vươn lên xứng tầm là một đô thị Quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, trước hết TP HCM cần có một tầm nhìn mang tính chiến lược trong tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế, cũng như cần có một ý tưởng đột phá trong qui hoạch tổ chức không gian. Trên cơ sở khai thác tích cực các lợi thế về vị trí, vai trò, vị thế trong mối quan hệ vùng, các đặc điểm nổi bật về điều kiện tự nhiên, các điều kiện về hạ tầng kinh tế, kĩ thuật, xã hội, lịch sử văn hóa, lối sống, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực của một thành phố trẻ, năng động… Đó cũng là việc khai thác có hiệu quả các lợi thế về đầu mối giao lưu quốc tế với những cửa ngõ đường hàng không, đường biển, dịch vụ, công nghệ, thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục, đào tạo; các lợi thế so sánh và cạnh tranh Quốc gia, khu vực Đông Nam Á và Quốc tế trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa… Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 18/11/2002 của Bộ Chính trị là: Xây dựng TP HCM từng bước trở thành một trung tâm Công nghệ, dịch vụ, khoa học và công nghiệp của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ. Theo đó, TP HCM sẽ hướng tới một đô thị tầm cỡ Quốc tế, với danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông mới, là một đô thị cực lớn, đô thị đặc biệt, có vai trò, vị thế quan trọng trong Vùng TP HCM và trong mạng lưới đô thị Quốc gia và Quốc tế.
Mô hình phát triển TP HCM phải dựa trên các lợi thế, nguồn lực tự thân và sự tác động của cấu trúc không gian vùng TP HCM và các mối quan hệ quốc gia, quốc tế có liên quan. Theo đó, TP HCM được phát triển theo mô hình đa trung tâm dựa trên cơ sở phát triển hệ thống khung giao thông vận tải vùng và giao thông công cộng, đảm bảo việc kết nối các tỉnh, thành phố, các vùng chức năng, các trung tâm động lực chính trong vùng và phụ cận, đảm bảo việc đi lại thuận tiện, an toàn, văn minh cho người dân trong thành phố và vùng phụ cận. Với tư cách là đô thị trung tâm vùng, cấu trúc không gian TP HCM được lấy cảm hứng từ việc khai thác tốt lợi thế điều kiện tự nhiên với yếu tố mặt nước (sông, kênh, rạch, biển) làm điểm tựa, hướng tới cấu trúc Thành phố Sông – Nước. Trong đó lấy sông Sài Gòn, sông Nhà Bè làm trục không gian mặt nước chính. Đây là Trục không gian đặc thù sông nước/kênh rạch, gắn trung tâm thành phố cũ, trung tâm thành phố mới (khu vực Thủ Thiêm) với các trung tâm khu vực (các quận) và các khu vực cảnh quan sinh thái (Thủ Đức, Thủ Thiêm, Cần Giờ…) và Trục không gian hướng biển (trục hành lang Đông – Tây) gắn các cửa ngõ giao lưu quốc tế về đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Không gian TP HCM được phân thành các vùng kiểm soát phát triển chính, đảm bảo đủ quĩ đất để phát triển các chức năng của đô thị và chức năng trung tâm vùng, bao gồm:
1. Vùng phát triển đô thị (trong đó gồm khu nội thành cũ, khu nội thành phát triển, các khu đô thị mới…);
2. Vùng phát triển công nghiệp -TTCN;
3. Vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp, vùng bảo tồn thiên nhiên, vùng hạn chế hoặc cấm phát triển do ảnh hưởng của BĐKH, NBD…
Các vùng phát triển này được kết nối với nhau thông qua hệ khung giao thông chính, các trục không gian đặc thù sông nước (kênh rạch) và trục không gian hướng biển… Với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp vùng, cấp thành phố tại bốn hướng phát triển, trong đó hai hướng chính là: Hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: Hướng Tây – Bắc và hướng Tây – Tây Nam; không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ (trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ), các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi và Phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với vai trò là đầu mối giao thông quan trọng của vùng đô thị lớn, mạng lưới giao thông TP HCM được quy hoạch theo hướng liên kết mạng thông qua các công trình đầu mối giao thông liên vùng, đảm bảo kết nối các khu vực phát triển đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, du lịch, các vùng cảnh quan sinh thái… Như vậy, các tỉnh trong vùng TP HCM sẽ được gắn kết để hỗ trợ phát triển đồng bộ, khai thác tốt nhất thế mạnh kinh tế – xã hội tổng hợp của toàn vùng. Hệ thống mạng lưới đường hướng tâm (quốc lộ, tỉnh lộ và đường cao tốc); đường vành đai (vành đai 3, vành đai 4); hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; mạng lưới giao thông đường thủy, hệ thống cảng (đường sông, đường biển); hệ thống cảng hàng không (sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành) sẽ được đầu tư nâng cấp, phát triển mới.
Trong quá trình phát triển, TP HCMcũng như nhiều đô thị khác của Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa bảo tồn và phát triển, giữa kiến trúc di sản với kiến trúc đương đại. Mặc dù kiến trúc đương đại đang là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn, nhưng tại Việt Nam trường phái, ngôn ngữ kiến trúc của xu hướng này vẫn chưa thật định hình, vẫn chứa đựng nhiều yếu tố sao chép, nhập khẩu. Nền kiến trúc đương đại nếu không có chiến lược phát triển đúng thì nhiều đô thị khác của Việt Nam không chỉ đứng trước nguy cơ bị “quốc tế hóa” mà còn đứng trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển, giữa dân tộc và hiện đại, giữa truyền thống và sự mai một, giữa sáng tạo và cóp nhặt… Bởi thế, trong định hướng qui hoạch kiến trúc cảnh quan TP HCM cần xác định, đề cao các yếu tố đặc thù thể hiện tính hiện đại, dân tộc, tạo sự khác biệt với các đô thị khác của Việt Nam trên cơ sở khai thác hiệu quả các đặc điểm tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa, tinh hoa kiến trúc truyền thống có giá trị của thành phố, kết hợp hài hòa có chọn lọc với tinh hoa kiến trúc đương đại… Theo đó, cần làm rõ định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang trong khu đô thị cũ, các khu chức năng quan trọng, nhất là khu trung tâm hiện hữu gắn với việc bảo tồn quĩ di sản đô thị có giá trị… Trong các khu vực đô thị mới, kiến trúc công trình được định hướng phát triển theo xu hướng kiến trúc hiện đại phù hợp với khí hậu nhiệt đới, kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, hài hòa với thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không gian sống của người dân đô thị. Trong tổng thể chung, nhất là khu vực trung tâm TP HCM cần có qui hoạch các công trình điểm nhấn. Các công trình này phải vừa có vị trí đắc địa lại vừa phải có kiến trúc độc đáo, ấn tượng.
Ngày nay, xu hướng cạnh tranh toàn cầu đã và đang chuyển từ cạnh tranh giữa các nước sang cạnh tranh giữa các khu vực hoặc giữa các thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, một vùng sẽ tạo thành một đơn vị kinh tế liên kết trực tiếp với các đơn vị khác trong nước và các nước khác để tạo thành mạng lưới mang tính toàn cầu. TP HCM là đô thị cực lớn đóng vai trò là động lực chủ đạo có tính cạnh tranh cao nằm trong vùng đô thị lớn năng động phía Nam Việt Nam, có vị thế, vai trò quan trọng, có nhiều cơ hội phát triển-xứng đáng là một trong những đô thị quan trọng trong mạng lưới đô thị quốc gia và quốc tế, hiện đại, giàu bản sắc.
Tài liệu tham khảo:
– Qui hoạch xây dựng VùngTP HCM (VIUP);
– Điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM (UPI/HIDS);
– Những chiến lược của các vùng đô thị lớn – Thách thức quyền lực và qui hoạch (Gilles ANTIER);
– WebSite TP HCM.
TS.KTS Trương Văn Quảng