Thành phố Tân An phát triển Đô thị bền vững

Toàn cảnh đô thị Tân An – Bên Lức

Tân An được biết đến là một Thị xã nhỏ lẻ, sau giải phóng năm 1975, cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế, thậm chí nhiều công trình không còn khả năng sử dụng. Đặc biệt, vấn đề phát triển đô thị còn rất nhiều hạn chế, tính tự phát, sự manh mún, thiếu kết nối thể hiện rất rõ trong quá trình phát triển. Tình trạng xây dựng trái phép, thiếu quy hoạch, ô nhiễm môi trường, áp lực về hạ tầng xã hội … là những nguy cơ dẫn đến sự mất cân bằng và tác động xấu đến quá trình phát triển chung của Long An… Tất cả những điều này đòi hỏi TP Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói riêng phải có giải pháp giải quyết một cách cụ thể.

Là đô thị cửa ngõ nối liền các tỉnh miền Tây với đô thị TPHCM, vVới vị trí chiến lược quan trọng, Tân An đã xây dựng cho mình một hướng đi thích hợp. Với mục tiêu xây dựng thành phố “Văn minh, xanh, sạch và đẹp”, chiến lược thành phố đặt ra là: “Phát triển đô thị với mô hình hướng tâm, chú trọng các vùng lan tỏa. Thực hiện phát triển đô thị theo chiều sâu, có kiểm soát; định hướng phát triển mạnh về không gian kiến trúc, kết hợp bảo vệ cảnh quan tự nhiên và môi trường”. Để thực hiện được nội dung này, thành phố đã nghiên cứu, đánh giá kỹ về hiện trạng, tiềm năng, các lợi thế; nghiên cứu đánh giá về nhu cầu, xu hướng phát triển. Trên cơ sở đó, thành phố đã cụ thể hóa bằng kế hoạch phát triển đô thị với những nội dung chính, tập trung vào các nhóm vấn đề – Đó là:

(1). Nâng cao chất lượng hình ảnh đô thị;

(2). Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế;

(3). Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(4). Xã hội hóa nguồn lực đầu tư của xã hội.

Bằng chủ trương cụ thể, giải pháp hữu hiệu, thành phố đã tập trung giải quyết từng vấn đề, nhóm công việc theo lộ trình, đảm bảo tháo gỡ từng nút thắt. Kết quả đạt được rất khả quan: Không gian đô thị ngày càng được mở rộng; khu đô thị mới được đầu tư hoàn chỉnh, tỷ lệ lấp đầy ngày càng nhiều; các khu dân cư trung tâm được quy hoạch, đầu tư hoàn chỉnh; các điểm dân cư nông thôn được hoàn thiện về mặt hạ tầng; không gian đô thị đảm bảo tính kết nối liên hoàn; thể hiện được vai trò trung tâm vùng tỉnh, kết nối với các vùng phụ cận trong khu vực….

Với trục giao thông xuyên tâm, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, đặc biệt là tuyến Cao tốc TP HCM – Trung Lương đã tạo cho thành phố có một lợi thế về giao thông. Bên cạnh đó, 02 nhánh sông chính (sông Bảo Định và sông Vàm Cỏ Tây) được thành phố khai thác tốt, bước đầu tạo trục cảnh quan đặc trưng cho vùng sông nước. So với thời gian trước, diện mạo TP. Tân An hiện nay đã có nhiều thay đổi, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh các công trình kiến trúc cũ vẫn còn như: Cụm đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, rạp chiếu phim Long An, cầu Đúc…, hiện nay, nhiều công trình kiến trúc hiện đại đã được đầu tư hoàn chỉnh như: Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Sản Nhi, Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh, Công viên thành phố, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố, cụm tượng đài Long An, cầu Nguyễn Huệ….

Trung tâm Văn hóa Thể thao Đức Huệ
Trung tâm Văn hóa Thể thao Đức Huệ

Công viên văn hóa Thành Phố Tân An
Công viên văn hóa Thành Phố Tân An

Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu nhi, Đoàn viên Thanh niên Thạnh Hóa Long An
Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu nhi, Đoàn viên Thanh niên Thạnh Hóa Long An

Trung tâm Văn hóa Bên Lức
Trung tâm Văn hóa Bên Lức

Ngoài ra, các công trình trụ sở, nhà làm việc của Chi cục thuế, Ngân hàng, Bảo hiểm được đầu tư hoàn chỉnh, tạo nét kiến trúc đặc sắc cho đô thị. Sự tăng tốc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhất là đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông, điện nước cùng các công trình xã hội tạo sự kết nối liên hoàn; đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị. Mảng xanh đô thị, không gian sinh hoạt công cộng được quan tâm. Nhà ở xây dựng ngày càng nhiều; đã xuất hiện các mô hình kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Thành phố Tân An vẫn còn một số tồn tại: Công tác chỉnh trang đô thị một số nơi còn chưa kịp thời; tính manh mún vẫn còn; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đạt theo yêu cầu; trật tự cảnh quan đô thị một vài nơi còn nhếch nhác.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của TP Tân An, có thể thấy đó là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng từ phía người dân. Thực tế cho thấy sự vươn lên, trưởng thành của thành phố không nằm ngoài mục tiêu, định hướng đã được xác định. Kết quả trên đã tạo cho thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Bài học rút ra từ quá trình xây dựng đô thị ở TP Tân An trong thời gian qua là:

1. Phải có chiến lược phát triển đô thị một cách cụ thể, chú trọng vào việc hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch phát triển không gian đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; lập thiết kế đô thị các trục phố chính. Đây là cơ sở quan trọng cho việc quản lý, định hình phát triển đô thị Tân An một cách đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần phát huy các yếu tố nội tại để tập trung phát triển kinh tế đảm bảo đúng hướng, bền vững.

2. Muốn hiện đại hóa, phát triển không gian đô thị TP Tân An cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Đó là: Kết hợp giữa sử dụng Ngân sách Nhà nước với huy động các nguồn lực đầu tư xã hội; xử lý kiên quyết các vi phạm với rà soát, điều chỉnh theo quy hoạch. TP cần phát huy tốt vai trò của nhân dân, chủ thể quan trọng trong việc đóng góp ý kiến, cùng Nhà nước hoạch định, đề ra và thực hiện tốt các chủ trương trong xây dựng và phát triển thành phố.

3. Trong triển khai thực hiện các nội dung quản lý, xây dựng đô thị Tân An phải đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán từ chủ trương. Nội dung hành động được cụ thể hóa và triển khai thực hiện xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở. Bên cạnh việc thực hiện công khai, minh bạch, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, việc phân kỳ đầu tư, có lộ trình hợp lý là điều kiện quan trọng góp phần hoàn thành danh mục các công trình đã đề ra.

Khu đô thị Vàm cỏ Đông
Khu đô thị Vàm cỏ Đông

Để tiếp tục phát triển TP Tân An trong giai đoạn tới, một số nhiệm vụ cần tập trung là: Tiếp tục thực hiện tốt chiến lược phát triển đô thị đã được duyệt; tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng xã hội (trường học, trung tâm thể dục thể thao); hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật giao thông (nhất là các đường trục xuyên qua đô thị, đường Vành đai thành phố, kè sông Vàm Cỏ – đoạn phường 2, kè kênh Vành đai, xây dựng cầu qua sông Vàm Cỏ Tây). Kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc tầng cao, hiện đại; xây dựng hoàn chỉnh công viên cây xanh phường 2; hoàn thiện các dự án, khu đô thị đã được phê duyệt trên địa bàn; quan tâm tạo điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ; phối hợp ngành tỉnh thực hiện hoàn thành khu liên hiệp thể dục – thể thao tỉnh, các công trình trọng điểm trên địa bàn. Song song đó, cần có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị, góp phần xây dựng thành phố “Xanh, sạch và trật tự”.

Với sự chuẩn bị chu đáo, cộng với ý chí và quyết tâm cao, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của TP, Tân An sẽ là điểm đến, là cơ hội đầu tư lý tưởng của các nhà đầu tư. TP Tân An chào đón sự chung tay, đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức trong việc cùng chính quyền thành phố xây dựng và phát triển đô thị. Trong tương lai, Tân An sẽ trở thành một đô thị phát triển bền vững – Một thành phố trẻ, một đơn vị trung tâm cấp vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An và các vùng phụ cận.

KTS Trần Kim Lân

Chủ tịch UBND TP Tân An

( Bài đăng trên số 06 -2015 )