Việc người dân có xu hướng lựa chọn nhà chung cư phần nào đã chứng tỏ chất lượng ở tại các chung cư đã được gia tăng, trong đó vai trò không nhỏ của các không gian tiện ích công cộng. Nhưng đối với nhiều cư dân, việc sử dụng nhà chung cư còn rất nhiều lúng túng trong ứng xử cộng đồng. Thói quen và những tập quán văn hoá đối với những người dân quen sống trong những căn nhà riêng lẻ cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với văn hoá nhà chung cư. Nhưng trước tiên, những nhà thiết kế, và các chủ đầu tư cần quan tâm đến việc thiết kế và đầu tư xây dựng các không gian tiện ích công cộng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời định hướng ứng xử để đảm bảo môi trường sống văn minh, hiện đại.
Nội dung bài viết tập trung đánh giá một số không gian tiện ích công cộng trong các khu nhà chung cư cao tầng (CCCT) tại TP HCM và phân tích các tập quán và văn hoá ứng xử của người dân nhằm kiến nghị các giải pháp thiết kế phù hợp. Các nội dung gồm: (i) giới thiệu chung về các không gian tiện ích công cộng đường đầu tư trong nhà chung cư; (ii) phân tích ứng xử văn hoá cộng đồng của cư dân tại TP.HCM; (iii) một số đề nghị về giải pháp thiết kế không gian tiện ích công cộng, nhằm tăng ý thức cộng đồng của cư dân trong CCCT.
Phát triển các không gian sử dụng chung và các tiện ích công cộng trong CCCT
Vào những năm gần đây, các khu nhà ở cao tầng được đầu tư phát triển tại các đô thị lớn Việt Nam ngày càng nhiều. Các khu CCCT không chỉ được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu ở tối thiểu (sảnh, cầu thang, hành lang…) nhiều không gian tiện ích cộng đồng như quảng trường, vườn hoa, hồ bơi, sân tập thể thao, phòng sinh hoạt chung, sinh hoạt cộng đồng, thư viện, phòng tâp thể dục… được thiết kế và đầu tư rất đa dạng.
Nhận dạng các không gian công cộng và không gian tiện ích trong các khu nhà chung cư gồm một số loại hình như sau:
1. Không gian công cộng thông thường – sử dụng chung
Sảnh, hành lang, cầu thang và khu vực đậu xe là những không gian công cộng thông thường bắt buộc phải có trong nhà chung cư. Thông thường, diện tích và cách thức tổ chức các không gian này được quy định rõ trong nguyên lý thiết kế và các quy chuẩn – tiêu chuẩn thiết kế. Chủ đầu tư và các nhà thiết kế phải tuân thủ các quy định, tuy nhiên khá nhiều chủ đầu tư tìm cách cắt giảm các diện tích này nhằm giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, tại một số dự án, chủ đầu tư có thể chiếm dụng các diện tích này để khai thác kinh doanh, do vậy, các diện tích sử dụng chung trong nhà chung cư thường là nguyên nhân gây nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.
Xét theo góc độ sử dụng, các khu vực sử dụng chung hầu hết được thiết kế đảm bảo về mặt công năng, nhưng chưa quan tâm nhiều đến văn hoá ứng xử cộng đồng. Có thể thấy một số vấn đề cụ thể trong thiết kế các không gian công cộng thông thường:
Khu vực sảnh và hành lang:
Sảnh chính của các CCCT thường được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn và giá trị các căn hộ. Các chung cư cao cấp thường được thiết kế với sảnh rộng, trang trí nội thất khá cầu kỳ nhằm làm tăng thêm giá trị, tạo ra hình ảnh và thương hiệu cho bất động sản. Trong khi đó, khu vực sảnh ở hầu hết các chung cư trung bình hay thu nhập thấp chủ yếu là lối vào chính và được thiết kế với diện tích tối thiểu. Việc thiết kế các không gian sảnh chính cần đảm bảo các nhiệm vụ:
– Nơi tập trung đông người, kết nối với giao thông chiều đứng;
– Khu vực tiếp tân, nơi cung cấp thông tin cho cư dân;
– Không gian giao tiếp chung, nơi gặp gỡ của cư dân.
Nhiều không gian sảnh được thiết kế rất đẹp và tráng lệ, nhưng lại không tính đến nhu cầu giao tiếp và gặp gỡ của cư dân. Có thể thấy, thiết kế khu sảnh chính đa năng, nhưng vấn đề quan trọng không phải là diện tích lớn hay nhỏ hoặc là chi tiết trang trí, mà phải phù hợp với các nhu cầu của người dân.
Ở một số khu chung cư phức hợp, chủ đầu tư có thể tổ chức sảnh chính cho cư dân dùng chung với sảnh các chức năng như: Khu văn phòng, khu dịch vụ khác gây cản trở cho hoạt động của cư dân. Trong một số chung cư, việc các căn hộ cho thuê làm văn phòng các công ty vừa và nhỏ, nhân viên của các văn phòng có thái độ ứng xử rất khác biệt cũng đã gây ra rất nhiều bất tiện cho cư dân.
Hành lang và khu vực sảnh của các tầng: Phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế như chiều dài, chiều rộng và khả năng thông thoáng, thoát hiểm khi có sự cố. Bên cạnh đó, hành lang – sảnh các tầng còn phải đảm nhiệm nhu cầu thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên. Hiện nay có 2 mô hình thiết kế hành lang – sảnh các tầng: Dạng sảnh (các căn hộ xung quanh 1 sảnh trung tâm) và dạng hành lang (các căn hộ nằm dọc theo hành lang). Tuỳ thuộc vào thành phần và đối tượng cư dân mà việc sử dụng hành lang – sảnh các tầng làm không gian giao tiếp cộng đồng với mức độ khác nhau. Thực tế nhu cầu giao tiếp hàng xóm – láng giềng đã được tiết giảm rất nhiều trong các chung cư, đặc biệt, nếu người cư trú là các gia đình trẻ (một hoặc hai thế hệ) thì nhu cầu giao tiếp lại càng ít. Nơi giao tiếp phổ biến đôi khi chỉ là sảnh và buồng thang máy, là nơi các cư dân gặp gỡ nhau trong một thời gian rất ngắn.
- Khu vực đậu xe: Có thể trong hầm hoặc ngoài trời để giải quyết chỗ đậu xe ô tô và xe gắn máy, cũng là những khu vực sử dụng chung. Tuy nhiên, về mặt thiết kế, hầu như các chủ đầu tư và các nhà thiết kế không quan tâm đến người sử dụng, chủ yếu chỉ đáp ứng việc tiết kiệm diện tích mà tận dụng nhiều chỗ đậu xe nhất.
- Các khu vực kỹ thuật khác như phòng rác, cầu thang thoát hiểm…: Khá nhiều vấn đề về văn hoá ứng xử vẫn có thể xảy ra trong các không gian này.

2. Không gian tiện ích công cộng
Tuỳ thuộc vào mức độ đầu tư, giá thành và đối tượng cư dân mà các không gian tiện ích có quy mô và chất lượng khác nhau. Phần lớn kinh phí hoạt động cho các khu vực này trích từ chi phí quản lý vận hành chung cư do người dân chi trả. Có hai loại không gian tiện ích công cộng:
- Khu vực tiện ích trong nhà: Phòng sinh hoạt cộng đồng là không gian chung tối thiểu trong các nhà chung cư, đặc biệt là đối với các CCCT. Khu vực này dành cho các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng, hiếu hỉ. Các chung cư thu nhập thấp và trung bình chỉ dành một khu vực có diện tích tối thiểu và hầu như không được trang bị nội thất. Đối với các khu chung cư cao cấp, phòng sinh hoạt cộng đồng được trang bị đầy đủ hơn với nhiều tiện ích cho cư dân.

Nhiều chung cư được đầu tư các khu vực: Phòng tập thể dục, phòng chơi thiếu nhi, phòng làm việc/phòng họp dành riêng cho cư dân, thư viện… Chủ đầu tư trang bị nội thất ban đầu, nhưng cư dân phải chi trả chi phí duy trì hoạt động cũng như bảo trì- bảo dưỡng các không gian này.
- Không gian tiện ích ngoài nhà: Các khu vực vườn hoa, khu thể thao ngoài trời, sân chơi thiếu nhi làm tăng thêm các giá trị cho khu nhà chung cư. Các khu chung cư cao cấp được đầu tư hồ bơi, sân tenis, khu vực sinh hoạt – ăn uống ngoài trời, sân bóng rổ, bóng chuyền… chi phí vận hành các khu vực này cũng khá lớn, nhưng thực tế không phải cư dân nào cũng hài lòng về văn hoá ứng xử và ý thức cộng đồng tại các khu vực này (khảo sát trong phần sau sẽ cho thấy rõ hơn về ứng xử cộng đồng trong các khu CCCT tại TP.HCM).
Như vậy, cho dù là phòng sinh hoạt cộng đồng hay các tiện ích gia tăng trong và ngoài nhà thì trong thiết kế đã bắt đầu quan tâm đến nhu cầu của cư dân trong CCCT. Việc quản lý các không gian tiện ích công cộng này lại phụ thuộc khá nhiều vào đơn vị quản lý vận hành và những nội quy chung cư do hội nghị cư dân thông qua. Với một số chung cư có đơn vị quản lý vận hành tốt, các không gian tiện ích công cộng này được quản lý và khai thác, khá hiệu quả và đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều cư dân phàn nàn về việc quy định cứng nhắc hay phàn nàn việc hành xử của cư dân khác đối với việc sử dụng các khu vực công cộng, kể cả ở các khu chung cư cao cấp.
Ngoài ra, đối với một số khu chung cư phức hợp, một số chủ đầu tư có thể kết hợp khai thác thêm các không gian thương mại dịch vụ nhằm phục vụ cư dân như siêu thị, cửa hàng… nhưng các không gian này chỉ có ý nghĩa làm gia tăng giá trị bất động sản, hầu như được tổ chức riêng biệt theo đơn vị kinh doanh và không gắn liền với các hoạt động cộng đồng cũng như văn hoá ứng xử của cư dân. Đôi khi các khu vực này lại gây nên nhiều bất tiện cho cư dân chung cư.
Chủ đầu tư một số nhà chung cư phân chia các không gian sử dụng chung (không gian công cộng) và sử dụng riêng (không gian riêng tư) thiếu hợp lý gây ra một số bất tiện trong ứng xử cộng đồng. Ví dụ, một số thiết kế bố trí căn hộ cùng tầng và không có sự phân cách với khu vực tiện ích công cộng, gây trở ngại cho người sử dụng không gian công cộng và bất tiện với cư dân của những căn hộ này.
Thực tế, việc thiết kế các không gian tiện ích công cộng không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ hay thích dụng mà còn có thể góp phần trong gia tăng ý thức cộng đồng của người dân. Nếu nhà thiết kế và chủ đầu tư quan tâm hơn đến văn hoá cộng đồng trong chung cư thì nhiều giải pháp có thể tổ chức không gian tiện ích công cộng hài hoà hơn trong sử dụng và làm gia tăng ý thức của cộng đồng cư dân. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý vận hành vẫn có thể dung hoà khi xây dựng các nội dung phù hợp với bối cảnh cộng đồng, văn hoá ứng xử, hay thu nhập của từng đối tượng cư dân.

Văn hoá và thói quen ứng xử trong chung cư cao tầng tại TP.HCM
1. Một số đặc điểm văn hoá và sự chuyển đổi trong ứng xử văn hoá nhà chung cư tại TP.HCM
Mang những đặc điểm văn hoá cộng đồng người Việt, người Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau: Phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn. Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành sự tư lợi, mà ngược lại đó là cơ sở cho tính cộng đồng cao, việc xã hội, “việc nghĩa” được coi là “chuyện bình thường”. Vì vậy, người Sài Gòn dễ dàng chia sẻ, đùm bọc người tứ xứ nhập cư.
Quan hệ cộng đồng, hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, trẻ con của các gia đình có thể vui chơi với nhau cũng là những đặc điểm văn hoá khá tích cực trong văn hoá người Việt nói chung và tại TP.HCM nói riêng.
Các đặc điểm văn hoá này vừa mang tính tích cực nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế trong văn hoá ứng xử tại CCCT TP.HCM. Cư dân sống ở các tòa nhà chung cư đến từ nhiều vùng miền khác nhau, có xuất phát điểm, trình độ học vấn, địa vị xã hội khác nhau. Khi ở nhà riêng lẻ, người dân sống vốn quen với lối sống cá nhân, nay chuyển sang một cộng đồng gồm nhiều gia đình chung một hành lang, chung một toà tháp, họ vẫn còn nhiều cư xử khá tuỳ tiện, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh.
Hầu hết các CCCT đều có nội quy riêng do Ban quản lý vận hành đề xuất và Hội nghị cư dân biểu quyết thông qua, nhưng thực tế không phải cư dân nào cũng có ý thức chấp hành.
2. Kết quả khảo sát các vấn đề về văn hoá và ứng xử cộng đồng trong CCCT tại TP.HCM
Trong khuôn khổ bài viết, người viết cùng Phòng dịch vụ Khách hàng Công ty CP Sài Gòn Triển Vọng (SAVISTA) – một đơn vị quản lý vận hành khá nhiều chung cư cao tầng tại TP.HCM, tiến hành khảo sát ý kiến của cư dân năm 2015 và 2016. Đối tượng khảo sát là cư dân các khu chung cư hạng A và B tại TP.HCM, trong đó có 80% là các chung cư do SAVISTA quản lý vận hành. Đối với các chung cư do SAVISTA vận hành, tác giả tổng hợp từ các phiếu lấy ý kiến cư dân và phỏng vấn người dân. Đối với các chung cư còn lại do tác giả tự phỏng vấn và khảo sát. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ trình bày nội dung chủ yếu và các kết quả chính đạt được theo chủ đề của bài viết:
Thiết kế không gian tiện ích công cộng và văn hoá ứng xử trong CCCT tại TP.HCM
Các vấn đề chủ yếu được khảo sát và lấy ý kiến của người dân:
– Chất lượng của các không gian công cộng thông thường – các diện tích sử dụng chung;
– Quan hệ giao tiếp giữa các căn hộ cùng hành lang – sảnh các tầng;
– Khả năng giao tiếp với các cư dân khác không cùng chung tầng;
– Mức độ thường xuyên sử dụng các không gian tiện ích công cộng trong nhà và ngoài trời;
– Ý thức của cư dân trong việc sử dụng các khu vực – diện tích sử dụng chung;
Với khoảng 200 ý kiến của cư dân trong 15 chung cư cao tầng tại TP.HCM, các kết quả khảo sát như sau:
- Về tần suất tham gia các hoạt động tại các không gian tiện ích công cộng ngoài trời, trong nhà và tần suất giao tiếp với hàng xóm: Có thể thấy mối quan hệ giữa tần suất các hoạt động này với mức phí quản lý vận hành, hay nói một cách khác là mức độ đầu tư không gian tiện tích công cộng. Với các chung cư có mức độ đầu tư thấp, các không gian tiện tích công cộng chỉ được đầu tư tối thiểu, hầu như không có không gian ngoài trời, không gian công cộng trong nhà khá đơn điệu, xu hướng thu nhập bình quân không cao, cư dân có xu hướng gặp gỡ nhau nhiều hơn.
Với các chung cư có mức đầu tư cao, chi phí quản lý vận hành lớn, có nhiều không gian tiện ích công cộng trong và ngoài trời nên xu hướng sử dụng tăng lên, nhưng ngược lại tần suất giao tiếp giảm xuống, người dân có xu hướng sống khép kín hơn. (xem biểu đồ 1) - Về chất lượng các không gian tiện tích công cộng, ý kiến của người dân cho rằng chất lượng của các không gian tiện ích công cộng phụ thuộc vào các yếu tố: Mức độ đầu tư (diện tích, giá thành, mức phí quản lý), các tiện ích bên trong (trang thiết bị…), năng lực của đơn vị quản lý vận hành (thông quan việc ban hành các nội quy và giám sát quản lý các khu vực công cộng) và ý thức người dân (Xem biểu đồ 2). Chất lượng các không gian tiện ích công cộng cũng quyết định tần suất người dân tham gia, rất nhiều người dân đều khẳng định là việc tham gia các hoạt động cộng đồng phụ thuộc nhiều vào chất lượng không gian được thiết kế và đầu tư. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Ý thức của người dân khi tham gia các không gian công cộng cũng quyết định việc khuyến khích các cư dân khác tham gia. Ví dụ, rất nhiều cư dân muốn cho con chơi trong sân chơi trẻ em, nhưng nếu có những nhóm trẻ không được kiểm soát tốt, không đảm bảo an toàn cho những trẻ còn lại thì cha mẹ có xu hướng không cho con mình tiếp tục chơi.
- Về ý thức của cư dân sống trong chung cư, phần lớn ý kiến đều cho rằng có rất nhiều vấn đề cần phải lưu ý. Không có số liệu rõ ràng chứng minh các vấn đề ý thức cư dân có mối tương quan với thu nhập. Cả hai loại hình chung cư thu nhập trung bình và chung cư thu nhập cao đều có những vấn đề riêng về ý thức người dân và ứng xử cộng đồng. Hầu hết đều là việc ứng xử tuỳ tiện, thiếu tôn trọng cư dân xung quanh, vấn đề về đa văn hoá, nhiều thành phần kinh tế, nhiều thế hệ, nhiều chung cư còn có nhiều khách thuê nước ngoài… gây ra những khác biệt về ứng xử. Nhiều vấn đề về ý thức đã được nêu ra từ việc chen lấn vào thang máy, không dọn dẹp đồ dùng, không tắt đèn sau khi sử dụng thư viện, đồ chơi trẻ em trong phòng chơi, để xe mất trật tự trong khu vực đậu xe, lấn chiếm hành lang, cầu thang để các vật dụng riêng… đến trang phục tại không gian công cộng, hồ bơi…
Tóm lại, trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ trình bày sơ lược một số điểm chính về văn hoá ứng xử trong các không gian tiện ích công cộng của CCCT và đề xuất một vài giải pháp nhằm tăng cường ý thức cộng đồng và văn hoá ứng xử trong thiết kế các không gian công cộng.
Các đề xuất và kiến nghị trong giải pháp thiết kế không gian tiện ích công cộng.
Bên cạnh việc vận động và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân thực hiện tốt các nội quy của chung cư. Nhiều giải pháp rất hữu hiệu có thể xuất phát từ ngay giai đoạn thiết kế nhà thiết kế và chủ đầu tư cần quan tâm.
Các giải pháp bố trí mặt bằng và tổ chức không gian:
– Bố trí tách biệt các không gian công cộng và không gian riêng tư là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức không gian. Tránh việc tiếp cận trực tiếp giữa các căn hộ (cửa chính, cửa sổ, ban công… ) với các không gian tiện ích công cộng;
– Bố trí tách biệt sảnh chính vào nhà và lối vào của các chức năng khác, nếu là các chung cư phức hợp thì chủ đầu tư bắt buộc phải tổ chức những lối tiếp cận – sảnh riêng cho từng hoạt động, đặc biệt phải tách rời các tầng ở và các tầng thương mại – dịch vụ;
– Các không gian tiện ích công cộng trong nhà và ngoài trời cần tổ chức ở các khu vực dễ dàng tiếp cận: Tầng trệt, hoặc các khu nhà tầng thấp, bố trí kết nối trực tiếp với sảnh chính, không gian ngoài trời, không bố trí xen kẽ các khu vực căn hộ giữa khu vực không gian công cộng;
– Việc bố trí các không gian sử dụng chung như cầu thang, hành lang, bãi đậu xe, bên cạnh việc đáp ứng đủ các diện tích theo quy chuẩn – tiêu chuẩn còn cần quan tâm hơn đến việc tăng cường ý thức và văn hoá ứng xử của cư dân. Các không gian cầu thang và hành lang cần tổ chức tiếp cận trực tiếp, kết nối với sảnh chính và cửa vào căn hộ, tránh những hành lang dài, ngoằn nghoèo, tạo ra những góc không gian khuất.
Các tiện tích và trang thiết bị
– Các tiện ích và trang thiết bị có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của cư dân chung cư, nhưng cũng có ý nghĩa trong việc định hướng sử dụng và tăng cường ý thức cộng đồng của người dân. Các chi tiết như ghế ngồi, ghế ngoài trời, khu vực rửa tay, bếp nướng thức ăn ngoài trời, lối đi cho người tàn tật… đều cần lựa chọn thiết bị và vật liệu phù hợp;
– Khu vực sân chơi hoặc phòng chơi trẻ em cần bố trí vị trí ngồi cho bố mẹ, trong khu vực này cần bố trí thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em;
– Các chi tiết nhỏ trong thiết kế cần quan tâm như: Vị trí đặt thảm thấm nước từ khu vực hồ bơi ra sảnh chung; khu vực chống trượt…
– Các phòng sinh hoạt chung nếu có điều kiện nên lắp đặt thiết bị cảm ứng điện để có thể ngắt nguồn khi người sử dụng rời khỏi phòng.
Hệ thống giám sát an ninh – an toàn và hệ thống chỉ dẫn
– Các khu vực phòng rác, phòng kỹ thuật, cầu thang thoát hiểm, bãi đậu xe cần bố trí hệ thống giám sát an ninh – an toàn.
– Các nội quy và hướng dẫn sử dụng các khu vực tiện ích công cộng luôn được giới thiệu và đặt tại các vị trí công cộng: bản chỉ dẫn, nội quy, bản hướng dẫn sử dụng…

Tóm lại, xu hướng chuyển đổi từ nhà riêng lẻ sang nhà chung cư đã mang rất nhiều cư dân có thói quen ứng xử khác nhau đến sống chung với nhau. Thậm chí thành phần cư dân rất khác biệt nhau về độ tuổi, sắc tộc, xuất thân, học thức,… Vì vậy, môi trường văn hoá ứng xử trong chung cư rất phức tạp. Tuỳ thuộc vào các điều kiện (Mức độ thu nhập, đầu tư tiện ích của chủ đầu tư, nội quy của chung cư, năng lực của đơn vị quản lý vận hành…) mà có thể môi trường văn hoá trong chung cư trở nên tích cực hoặc rất tiêu cực.
Xây dựng môi trường văn hoá và nâng cao ý thức cộng đồng trong chung cư cao tầng là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị quản lý vận hành và toàn thể cư dân toà nhà. Tuy vậy, đứng dưới góc độ của nhà thiết kế, vẫn có nhiều giải pháp cần được người thiết kế quan tâm ngay từ đầu để có thể góp phần định hướng môi trường văn hoá và ứng xử cộng đồng trong nhà chung cư hiện nay, tại TP.HCM nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam nói chung. Hay nói một cách khác, chính những giải pháp thiết kế từ bên đầu đã có thể góp phần xây dựng văn hoá cộng đồng và môi trường văn minh trong chung cư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Quốc Thông, 2010. Đặc điểm văn hóa đô thị mới ở Hà Nội. Tạp chí Kiến trúc số 9/2010.
2. Nguyễn Thị Hậu, 2015. Bản sắc văn hóa của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh. Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Thị Thanh Hà, 2015. Luận văn thạc sỹ “ Văn hoá chung cư ở Việt Nam – Trường hợp Hà Nội và Tp.HCM” – Đại học Khoa học Xã hội Tp.HCM.
4. Công ty CP Sài gòn Triển Vọng, 2016. Khảo sát ý kiến cư dân trong nhà Cao tầng về ứng xử văn hoá cộng đồng.
5. Lê Anh Đức, 2016. Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của cư dân chung cư tại Tp.HCM về môi trường ứng xử văn hoá.
TS. Lê Anh Đức, ThS. Đỗ Nguyễn Anh Thư
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)