Trong truyền thống quy hoạch đô thị phương Tây, quảng trường là một phần quan trọng của thành phố, là nơi sinh hoạt cộng đồng, tập hợp dân chúng, tổ chức sự kiện, trao đổi thương mại… Từ thời các nền văn minh cổ đại có tính dân chủ cao như Hy Lạp và La Mã, các đô thị đều được quy hoạch với quảng trường làm trung tâm; thời Hy Lạp là agora, thời La Mã là forum. Đó là những nơi chốn diễn ra những nghi lễ tôn giáo, hội hè, buôn bán, diễn thuyết chính trị… Nói chung, quảng trường là trung tâm của hình thái đô thị, đồng thời trung tâm của hoạt động đô thị.
Còn trong đô thị cổ điển của Việt Nam, quảng trường rất ít khi xuất hiện và không có vai trò nhiều đối với cuộc sống người dân. Thay vào đó, đường phố mới là nơi diễn ra các hoạt động chính của đô thị. Từ khi người Pháp đô hộ nước ta, và sau này là quá trình giao lưu văn hóa mạnh mẽ với phương Tây, quảng trường mới được chú ý thiết kế và xây dựng nhiều hơn. Dù vậy, cho đến ngày nay, vai trò của quảng trường trong đô thị Việt Nam vẫn không thể nào bằng vai trò của nó trong các đô thị phương Tây, và nó vẫn chưa thật sự gắn bó với đời sống thường nhật của người dân Việt Nam. Nó thường chỉ là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của thành phố với tần suất vài lần trong một năm, hoặc biến thành một nút giao thông cơ giới hoàn toàn (không có diện tích đi bộ).
Vẫn biết bản sắc của đô thị Việt Nam là ở đường phố, nhưng những giá trị lớn lao của quảng trường đối với đô thị nói chung khiến chúng ta phải suy ngẫm về sự kiến tạo không gian quảng trường trong điều kiện văn hóa, lịch sử ở Việt Nam.
Quy mô quảng trường và các hoạt động phù hợp
Quảng trường có một lịch sử phát triển lâu đời và có nhiều hình dạng, cách bố trí, quy mô khác nhau tùy vào vai trò và chức năng của nó. Theo Vladimir Shimko, quy mô của quảng trường có thể phân thành các cấp như sau:
- Cấp độ địa điểm: Có diện tích khoảng 0,5-1ha, nằm trong nhóm nhà ở hoặc nằm trước một tòa nhà công cộng cỡ nhỏ. Kích cỡ của các chi tiết trang trí cũng chỉ nên ở mức độ vừa tầm, phù hợp với kích thước con người. Hình thức và chất liệu của các thành phần nên hài hòa, thân thiện, phù hợp với các hoạt động thường nhật của người dân như dạo mát, cho trẻ em chơi đùa, trao đổi thông tin láng giềng, tập thể dục… Trong một số khu đô thị mới cao cấp của nước ta hiện nay cũng đã có quảng trường ở cấp độ này, ví dụ như khu Royal City ở Hà Nội.
- Cấp độ khu vực: Có diện tích khoảng 3-4ha, nằm ở khu vực các công trình công cộng lớn của đô thị, với nhiều chức năng và hoạt động khác nhau. Quảng trường cần được trang trí và dẫn dắt không gian bởi các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoặc công trình điểm nhấn. Ví dụ cho loại này là các quảng trường trước các nhà hát thành phố ở Hà Nội, TP HCM…
- Cấp độ đô thị và quốc gia: Có diện tích 5ha trở lên, nằm ở khu vực các công trình hành chính, văn hóa, thương mại quan trọng nhất thành phố. Quảng trường cần được thiết kế trở thành biểu tượng của đô thị. Nơi đây cũng là nơi diễn ra những hoạt động chính trị, văn hóa, quân sự quan trọng của thành phố và quốc gia. Ở cấp độ này, sự thân thiện và tự do không được chú trọng bằng sự hoành tráng, mạnh mẽ, nghiêm ngặt, đăng đối. Quảng trường 3-2 ở Nam Định, quảng trường Lam Sơn ở Thanh Hóa là những quảng trường cấp đô thị. Quảng trường Đỏ, quảng trường Thiên An Môn, quảng trường Thời Đại, quảng trường Ba Đình là những ví dụ cho quảng trường cấp độ quốc gia.

Các hình thái quảng trường
Về mặt hình thái, mối liên hệ giữa quảng trường với các tuyến phố lân cận và các công trình kiến trúc xung quanh sẽ quyết định tính chất của nó. Theo Cliff Moughtin, có 5 hình thái quảng trường là:
- Quảng trường đóng: Là một không gian độc lập, giống như một căn phòng ngoài trời. Nó được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà xung quanh và được mở ra ở các góc hẹp nối với các con phố nhỏ. Cảm giác của quảng trường này là sự gần gũi, nhỏ nhắn, an toàn, nội tâm nhưng tinh tế. Hình thức này phù hợp với cấp độ địa điểm. Ví dụ cho quảng trường đóng là Piazza Annunziata ở Florence, quảng trường Royal City ở Hà Nội.
- Quảng trường chủ đạo: Không gian của quảng trường dẫn dắt các công trình xung quanh hướng về công trình chính. Kích thước của quảng trường phải đủ lớn (độ sâu và độ rộng) để tầm nhìn thị giác hướng tới công trình chính trong quảng trường được trọn vẹn. Ví dụ cho quảng trường chủ đạo là Piazza Santa Croce ở Florence, quảng trường trước Nhà Thờ Đức Bà ở TP HCM.
- Quảng trường tuyến: Không gian của quảng trường được kéo dài và hẹp chiều ngang, gần giống như một tuyến phố hay một hành lang. Ở đầu và cuối quảng trường thường có một công trình điểm nhấn như cổng hoặc tượng đài để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác. Ví dụ cho quảng trường tuyến là Piazza Navona ở Roma, phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP HCM cũng có thể coi như là quảng trường trước UBND TP.
- Quảng trường hạt nhân: Không gian quảng trường vây xung quanh một công trình trung tâm (thường là tượng đài), các tuyến nhìn đều hướng về công trình đó thông qua khoảng không gian quảng trường bao quanh nó. Ví dụ cho quảng trường hạt nhân là Piazza Del Popolo ở Roma với cột Pharaon Ramesses II ở giữa, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội với Đài phun nước ở giữa (có lẽ cần thiết kế thêm một cột tưởng niệm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở vị trí đó để định hướng các tuyến nhìn cho các tuyến phố xung quanh).
- Quảng trường nhóm: Các quảng trường và tuyến phố đi bộ liên kết với nhau tạo thành một bố cục các khoảng trống; không gian mở và không gian đóng được sắp xếp xen kẽ nhau tạo ra sự thay đổi tầm nhìn thú vị. Ví dụ cho quảng trường nhóm là Piazza Della Signoria ở Florence. Khu vực xung quanh Nhà hát lớn Hà Nội với các vườn hoa và các phố Tràng Tiền, Cổ Tân có thể cải tạo thành quảng trường nhóm hấp dẫn hơn.

Nói chung, hình thái của hầu hết các quảng trường trên thế giới đều thuộc 5 kiểu trên hoặc là sự kết hợp giữa các kiểu với nhau. Tùy theo hiện trạng cụ thể, yêu cầu của tầm nhìn, cấp độ sử dụng cũng như ý nghĩa xã hội chính trị mà các nhà thiết kế đô thị lựa chọn hình thức cho phù hợp. Ví dụ, quảng trường đóng phù hợp với cấp độ địa điểm với các công trình nhà ở và văn hóa xung quanh, quảng trường chủ đạo và quảng trường nhóm phù hợp với cấp độ đô thị có các tòa nhà hành chính và tôn giáo làm chủ đạo, quảng trường hạt nhân nên được kết hợp với tượng đài, quảng trường tuyến nên được kết hợp với các hoạt động thương mại ở dọc hai bên cạnh…
Tinh thần nơi chốn của quảng trường
Nơi lưu giữ những sự kiện lịch sử
Quảng trường là địa điểm có khoảng không gian trống lớn nên phù hợp với sự tập trung đông người, dễ tạo ra mối gắn kết cộng đồng cũng như thể hiện sức mạnh của cộng đồng nên nó mang trong mình những ý nghĩa chính trị, xã hội. Quảng trường là nơi diễn ra các cuộc diễn thuyết, mít tinh, biểu diễn văn nghệ như ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (thời Pháp thuộc), vườn hoa Lý Thái Tổ (ngày nay); là nơi tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng, duyệt binh như ở quảng trường Ba Đình, quảng trường Đỏ; là nơi diễn ra các cuộc nổi dậy, cách mạng như quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (trước Nhà Hát Lớn), quảng trường Concorde (quảng trường Cách Mạng)…
Nếu cần một hình ảnh biểu tượng cho cuộc cách mạng làm rung chuyển châu Âu thế kỷ 18, cuộc cách mạng Pháp, thì đó chính là quảng trường Cách Mạng ở Paris (nay là quảng trường Concorde). Nơi đây, máy chém đã giết biết bao nhiêu những người nổi dậy tìm quyền sống và tự do của mình. Nơi đây, nước Pháp đã phải chứng kiến cảnh xử tử đức vua và hoàng hậu của mình. Nơi đây đã diễn ra những cuộc đụng độ đẫm máu giữa nhân dân lao động với quân lính hoàng gia. Một trong những giai đoạn tang thương nhất trong lịch sử của một quốc gia được khắc ghi trong một quảng trường. Ý nghĩa của một quảng trường lớn hơn rất nhiều những gì mà con người có thể đánh giá được về nó. Khi chúng ta đứng trên một quảng trường và hồi tưởng rằng: chính tại nơi ta đứng đây, qua hàng thế kỷ có hàng nghìn sự kiện đã diễn ra, có hàng nghìn người đã hi sinh. Chính lúc đó, tinh thần nơi chốn của quảng trường sẽ hòa nhập với tinh thần của ta.
Nếu nhắc đến Moskva thì chúng ta không thể không nhắc đến quảng trường Đỏ, nơi khắc ghi những cuộc duyệt binh lịch sử bi tráng, nơi tưởng nhớ những liệt sĩ vô danh, những anh hùng nhân dân đã ngã xuống bảo vệ đất nước. Năm 1941, khi thành phố bị quân đội Đức bao vây, vận nước như chuông treo sợi chỉ, hồng quân Liên Xô đã diễu binh từ quảng trường Đỏ đi thẳng ra mặt trận, quyết tử bảo vệ Moskva. Năm 1945, cũng chính tại quảng trường Đỏ, Liên Xô đã tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt nhất của lịch sử nhân loại. Sự linh thiêng, tự hào và tri ân là những cảm xúc mà mỗi người dân Nga đứng trên quảng trường Đỏ đều có thể cảm nhận thấy. Tinh thần nơi chốn của quảng trường không chỉ được tạo ra bởi kiến trúc các công trình mà còn bởi những câu chuyện lịch sử bi tráng, những sự kiện không thể nào quên, và có thể cả hồn thiêng của những người đã khuất.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2-9 của nước ta, mọi người dân đất Việt đều hướng về quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, khẳng định sự ra đời của nước Việt Nam mới, độc lập tự chủ. Sau 80 năm làm nô lệ cho thực dân Pháp, người dân Việt Nam tự tin đi lên làm chủ đất nước mình. Quảng trường Ba Đình, chỉ là một khoảng không gian đô thị lại là nơi khắc ghi một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc. Sự kiện đặc biệt đó, sự thiêng liêng đó, sự tự hào đó, chính là cái tạo ra tinh thần và bản sắc của quảng trường Ba Đình mà không có một địa điểm nào khác trong cả nước có thể có.

Nơi hun đúc tinh thần yêu nước
Về ý nghĩa lịch sử, quảng trường không chỉ là nơi lưu giữ những sự kiện chính trị quan trọng của quốc gia và của thành phố, nó cũng là nơi phù hợp để đặt những đài tưởng niệm cho những nhân vật và sự kiện lịch sử. Khi con người đô thị nhỏ bé đứng trước khoảng không rộng lớn của quảng trường trước mắt mình, những cảm giác về tinh thần sẽ mạnh hơn cảm giác về vật chất. Không gian mở nói chung và không gian quảng trường nói riêng là một trong những điều kiện để đánh thức những cảm xúc sâu lắng trong mỗi con người. Và cũng chính khoảng trống của quảng trường sẽ góp phần làm tôn cái vị thế của những tượng đài. Thực tế, chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng, các quảng trường ở châu Âu thường được tô điểm và nhấn mạnh bởi những tượng đài. Cột Nelson ở quảng trường Trafalgar (London), Khải hoàn môn ở quảng trường Ngôi sao (Paris), cột tưởng niệm các anh hùng tử thủ Leningrad ở quảng trường Chiến thắng (Saint Petersburg)… là những cuốn sách lịch sử sống động của các đô thị. Khi đến quảng trường và ngắm nhìn những tượng đài lịch sử, mỗi cư dân lại thêm tự hào và yêu mến đất nước mình, thành phố mình, thêm biết ơn và trân trọng những công lao của các thế hệ đi trước.
Quảng trường Ba Đình cũng là một nơi như thế. Ngoài Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tượng niệm liệt sĩ Bắc Sơn ra, lễ thượng cờ và hạ cờ hàng ngày ở đây cũng góp phần tạo ra cảm giác linh thiêng, tự hào và yêu nước cho mỗi người dân. Khi người dân đến quảng trường Ba Đình xem lễ kéo quốc kì trong tiếng nhạc quốc ca, chắc hẳn không phải vì họ hiếu kì, mà bởi họ muốn tinh thần của họ sẽ hòa cùng vào tinh thần của Ba Đình, của Hà Nội và của cả nước Việt Nam.
Nơi giao lưu, kết nối cộng đồng
Trong đô thị, nơi nào có thể tổ chức các cuộc mít tinh, biểu diễn nghệ thuật ngoài trời? Câu trả lời chỉ có thể là quảng trường bởi diện tích lớn cũng như khả năng liên kết với các tuyến phố của nó mới có thể đáp ứng cho sự tập trung đông người cũng như thoát người nhanh khi có sự cố. Trong khu vực dân cư, nơi nào có thể cho người dân tụ tập, gặp gỡ, tập thể dục, trao đổi thông tin? Đó là những không gian mở như vườn hoa, khoảng sân, và quảng trường nhỏ.
Xét trong lịch sử đô thị, các nền văn minh tương đối dân chủ và có ảnh hưởng lớn đến xã hội hiện đại như Hy Lạp và La Mã cổ đại lại luôn có quảng trường trong các đô thị của họ. Ngược lại những nền văn minh chuyên chế như Ai Cập cổ đại và nền văn minh Á Đông lại không coi trọng quảng trường. Đó là vì quảng trường là nơi người dân có thể tụ họp và liên kết với nhau, chia sẻ các giá trị vật chất và tinh thần cho nhau. Những quảng trường hấp dẫn, có người dân đến khám phá và sáng tạo các hoạt động cho chúng ta cảm giác rằng người dân đang làm chủ đô thị đó.
Kiến tạo nơi chốn quảng trường ở Việt Nam
Với ý nghĩa mang tính cộng đồng cao, quảng trường có thể là cách thức giúp thay đổi tư duy lối sống của phần đông các cư dân đô thị Việt Nam có xu hướng chú trọng tới cá nhân và gia đình, ít có khả năng hợp tác và xây dựng cộng đồng đô thị. Việc nghiên cứu về quảng trường trong điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam là cần thiết để có thể góp phần xây dựng các cộng đồng cư dân đô thị mạnh hơn, các hoạt động đô thị đa dạng và cuốn hút hơn cho người dân.
Trong tình hình hiện nay, chúng tôi tạm thời đưa ra một số đề xuất trong việc kiến tạo nơi chốn quảng trường cho các đô thị ở Việt Nam:
– Cần có quy hoạch tổng thể về các quảng trường trong mỗi đô thị, xác định các chức năng và hình thức của mỗi quảng trường;
– Cần xây dựng và thực hiện các dự án thiết kế đô thị cho các quảng trường;
– Khi cải tạo các quảng trường cần chú ý tới giao thông đi bộ và các hoạt động cộng đồng;
– Ngoài việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa ở quảng trường, cần khơi gợi người dân tham gia sáng tạo các hoạt động ở đó. Các nhà quản lý đô thị cần kết hợp với giới truyền thông để có thể thực hiện tốt điều này;
– Cần tạo dựng tinh thần cho quảng trường với các yếu tố tâm linh, lịch sử.
Tài liệu tham khảo
Шимко В.Т. (2006). Архитектурно-дизайнерское проектирование городской среды. Архитектура-С
Cliff Moughtin (2003). Urban design: Street and square. Architectural Press
KTS Vũ Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1+2/2016)