Thực trạng và thách thức về Không gian Kiến trúc – Cảnh quan khu vực Hồ Gươm

Thực trạng và thách thức về Không gian Kiến trúc – Cảnh quan khu vực Hồ Gươm

Khu vực Hồ Gươm đã được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc với những huyền thoại, truyền thuyết, cảnh quan thiên nhiên, quỹ di sản lịch sử – văn hoá – kiến trúc của nhiều giai đoạn lịch sử. Khu vực Hồ Gươm đã là khu đô thị lịch sử, là biểu trưng văn hoá không chỉ của người dân Thủ đô, nhân dân trong nước mà còn cả với bạn bè quốc tế. Kể từ giai đoạn phong kiến, rồi đến giai đoạn Pháp thuộc và nhất là từ sau giải phóng Thủ đô năm 1954, khu vực Hồ Gươm luôn được xem xét là khu đặc thù trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có những định hướng quản lý và bên cạnh những kết quả đạt được đều còn những tồn tại, thể hiện rõ nhất là về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan. Đây cũng là khu vực có nhiều thách thức với công tác quy hoạch, đặc biệt là với kiến trúc công trình. Hiện tượng này không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều đô thị trên thế giới. Không ít khu vực đang bị đe doạ, bị xuống cấp, bị hư hỏng, thậm chí còn bị huỷ hoại do tác động của thiên nhiên, của con người trong quá trình đô thị hoá. Có lẽ chính vì vậy mà Đại hội đồng ICOMOS ở Washington năm 1987 đã thông qua “Hiến chương về bảo vệ Thành phố và khu đô thị lịch sử” thường gọi là “Hiến chương Washington” để bổ sung cho “Hiến chương quốc tế về bảo vệ và trùng tu di tích và di chỉ – Hiến chương Venice”. Đây cũng là những hiến chương quốc tế mà Việt Nam có tham gia và cam kết thực hiện. Ở đây, người viết đặt vấn đề với bối cảnh như vậy để nhìn nhận về thực trạng và thách thức với khu vực Hồ Gươm được khách quan và có căn cứ.



Hồ Gươm nhìn từ trên cao

1. Thực trạng về không gian kiến trúc – cảnh quan trước giải phóng Thủ đô 1954

Hồ Gươm có từ bao giờ? Ai “trả gươm” và trả gươm vào thời nào? Truyền thuyết xuất hiện từ thời vua Lê Thái Tổ thế kỷ XV (1428 – 1433) nhưng truyền thuyết này cũng có nhiều dị bản không chỉ trong truyền miệng mà cả ghi chép trong sách, vở. Truyền thuyết là vậy nhưng qua các nghiên cứu thì hồ này đã ghi dấu ấn ngay từ thuở vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long. Đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) đã cho dựng cung ở bờ Nam hồ và đào mương nối Hoàng thành với hồ. Đến đời vua Lý Thần Tông (1128 – 1133), bờ Tây của hồ đã xây chùa Báo Thiên (nay là khu nhà thờ Lớn). Sang đời Trần đã xây dựng hành cung ở đảo Ngọc… Tra cứu theo sách sử và các tài liệu nghiên cứu thì có thể kể thêm nhiều hơn nữa, song qua thăng trầm của lịch sử đến nay còn những di tích, đó là:

– Đền Ngọc Sơn xây dựng trên đảo Ngọc (xây dựng từ năm 1842).

– Tháp Bút trên đồi đá Độc Tôn với chiều cao 28,9m (xây dựng năm 1866).

– Cầu Thê Húc nối từ tháp Bút, đài Nghiên vào đền Ngọc Sơn.

– Tháp Rùa xây trên đảo Rùa (năm 1877), giá trị kiến trúc còn đang tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều song cũng đã được xem là biểu tượng của Hồ Gươm (và có lúc là của Hà Nội).

– Miếu thờ Lê Thái Tổ (phố Hàng Trống).

– Tháp Hoà Phong, chùa Báo Ân (xây dựng năm 1940).

– Đền Bà Kiệu (xây dựng năm 1628).

– Đình Nam Hương (phố Hàng Trống, xây dựng năm 1747).

– Đình Vũ Thạch (thờ tướng Khoả Ba Sơn họ Đào, tướng thời Hai Bà Trưng, đền Vũ Thạch, chùa Vũ Thạch).

– Chùa Bà Đá (khởi dựng đời Lê Thánh Tông).

– Đền, Chùa Lý Quốc Sư (khởi dựng thế kỷ 12).

Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội, đến năm 1888 Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp và từ đây đã có sự chuyển biến lớn về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cả Hà Nội nói chung và khu vực Hồ Gươm nói riêng – Từ thành luỹ, phường thị sang thành phố quy hoạch theo kiểu châu Âu. Qua các bản đồ mà ngày nay chúng ta được biết với các giai đoạn 1873, 1885, 1890, 1902, 1943, 1951, qua các đồ án quy hoạch 1924 và 1942 cho thấy: Khu vực Hồ Gươm được xác định là khu chuyển tiếp giữa khu phố cổ (phía Bắc) với khu xây dựng mới hiện đại (phía Nam hồ), không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh Hồ Gươm đã có nhiều biến động cả về hạ tầng kỹ thuật không gian xanh và công trình kiến trúc. Đến nay còn hiện diện nhiều công trình như:

– Nhà hát Thành phố (1901 – 1911) theo phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu, được xem là hình ảnh thu nhỏ nhưng có sáng tạo của Nhà hát Opera ở Paris. Thời kỳ này cũng xây dựng vườn hoa Ponbe (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ).

– Cuối thế kỷ 19, mạng đường dạo và hàng cây ven hồ, mở rộng phố Tràng Thi, công trình Ngân hàng Đông dương, Nhà Bưu điện, Dinh Thống sứ, Khách sạn Metropole.

– Từ đầu thế kỷ 20, xây dựng Sở Canh nông (nay là bưu điện quốc tế), Thư viện Hà Nội, Nhà triển lãm, Thuỷ Tạ, Trụ sở Báo Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm ngày nay…. Giai đoạn này, nhà ở của dân cũng được xây dựng với phong cách kiến trúc mới mà ngày nay còn hiện diện ở xung quanh hồ Gươm.

Qua giai đoạn này, có thể nhìn nhận tổng quan về kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm là:

– Cảnh quan thiên nhiên mặt nước luôn được giữ gìn, bảo vệ và có giải pháp làm phong phú thêm, tạo thuận lợi cho chức năng là không gian công cộng.

– Các công trình kiến trúc được xây dựng với sự đa dạng về phong cách nhưng chủ yếu là thấp tầng và hài hoà với cảnh quan.

– Hạ tầng kỹ thuật từng bước xây dựng hiện đại và đồng bộ.

2. Giai đoạn từ giải phóng Thủ đô 1954 đến nay:

Qua 7 lần quy hoạch chung, khu vực Hồ Gươm luôn được xác định là trung tâm Thủ đô với định hướng cần được bảo tồn di sản, cảnh quan và phát huy giá trị để đảm nhiệm được chức năng là trung tâm, là không gian công cộng. Định hướng là vậy nhưng luôn có thách thức về không gian kiến trúc, nhất là giai đoạn từ thời kỳ “đổi mới”.

Quy hoạch chung được duyệt năm 1992 đã xác định khu trung tâm Hồ Hoàn Kiếm được bảo tồn các công trình di tích, ưu tiên xây dựng trụ sở cơ quan thành phố, ngân hàng, các công trình thương mại, dịch vụ, khách sạn, các công trình văn hoá công cộng với giải pháp kiến trúc không lấn át cảnh quan, chiều cao công trình không vượt quá 16m. Hình dạng, diện tích hồ đảm bảo giữ nguyên.

Từ sau quy hoạch này, khu vực Hồ Gươm được đặc biệt quan tâm và cần được lập quy hoạch chi tiết. Được nghiên cứu từ năm 1994 với liên danh tư vấn là Công ty Kiến trúc Việt Nam (Hội KTS Việt Nam) và Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn (Bộ Xây dựng), được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Xây dựng. Sau 2 năm nghiên cứu hoàn thiện, theo uỷ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phê duyệt tại quyết định 448/BXD-KTQH ngày 03/8/1996. Uỷ ban nhân dân Thành phố đã có quyết định 45/QĐ-UB ngày 06/01/1997 ban hành “Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận”. Tiếp đó là Quy hoạch chung được duyệt năm 1998 cũng xác định khu vực Hồ Gươm là trung tâm hành chính – chính trị và công cộng của Thành phố. Từ các đồ án quy hoạch này và điều lệ quản lý cùng với chính sách “đổi mới”, hội nhập, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới về không gian, giải pháp kiến trúc. Đây cũng là giai đoạn có nhiều dự án đầu tư xung quanh Hồ Gươm với nhiều thách thức, áp lực cho sáng tạo kiến trúc. Một số công trình đã xây dựng được xem là hài hoà với cảnh quan chung được cộng đồng chấp thuận như: Mở rộng Khách sạn Metropole (1998), Khách sạn Du lịch (số 1 Bà Triệu), Khách sạn Hilton Opera (1999), Toà nhà VP 61 Lý Thái Tổ (2000), Hà Nội Plaza, công trình mở rộng Công an Hoàn Kiếm, báo Hà Nội, Công ty may… Bên cạnh nhiều công trình được chấp thuận, được cộng đồng ủng hộ cũng không ít công trình phải chỉnh sửa nhiều lần hoặc không được chấp thuận. Xin nêu vài ví dụ:

– Khách sạn Vàng sau thiết kế lần đầu đã có hơn 90 bài báo góp ý phản biện và sau nhiều lần chỉnh sửa mới được xây dựng. Dự án mở rộng nhà Thủy Tạ ra cả hai bên và lấn ra mặt nước không được xây dựng.

– Công trình cải tạo khu đất của Công ty xe điện từng được mang tên “Hàm cá mập” dù đã xây thô vẫn phải chỉnh sửa nhiều lần.

– Ngay Trụ sở UBND Thành phố, mặc dù là công trình được xây dựng qua chọn lựa từ phương án thi tuyển quốc gia nhưng mới chỉ được xây dựng một phần rồi dừng lại do dư luận cũng như từ chỉ đạo của Chính phủ đòi hỏi phải chỉnh sửa, đề xuất mới nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thích hợp.

– Tổ hợp công trình xây dựng trên khu đất Công ty Điện lực, khu đất trụ sở Sở Văn hoá Thông tin, đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… dù đã qua đóng góp của Hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc, các chuyên gia nhưng do nhiều lý do, trong đó có ý kiến phản hồi từ dư luận đều đã phải dừng lại…

Vài thí dụ như trên cho thấy không dễ gì lựa chọn được giải pháp thiết kế công trình mà cả các nhà quản lý và cộng đồng chấp thuận để hài hoà với cảnh quan khu vực Hồ Gươm.

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm, từ cuối năm 2008, UBND Thành phố đã phối hợp với Hội KTS Việt Nam tổ chức cuộc thi rộng rãi về “Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận”, 9 đồ án dự thi đã gây được sự chú ý không chỉ của giới chuyên môn mà của cả cộng đồng. Đã xác định các phương án được giải, song vẫn còn khoảng cách để có cơ sở hoàn thiện trở thành đồ án được phê duyệt làm cơ sở pháp lý cho bảo tồn, phát huy giá trị không gian kiến trúc Hồ Gươm. Sau mở rộng địa giới năm 2008, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tháng 7/2011 một lần nữa định hướng về khu vực Hồ Gươm là khu vực bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hoá, lịch sử truyền thống. Luật Thủ đô (hiệu lực từ tháng 7/2013) cũng đã xác định khu vực hồ Hoàn Kiếm là khu di tích, di sản văn hoá cần được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá.

3. Những thách thức về kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm:

Trong lịch sử phát triển, khu vực Hồ Gươm luôn được đánh giá là khu vực cảnh quan đô thị đặc thù được chú trọng để bảo tồn, chỉnh trang nâng tầm giá trị và đến nay đã được công nhận là di tích quốc gia. Song trong quá trình phát triển cũng không ít những bài học từ công tác quản lý, từ năng lực sáng tạo kiến trúc và cả từ nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng rất cần được xem xét:

– Trước hết là cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, từ điều chỉnh quy hoạch đã có, thiết kế đô thị và quy chế quản lý.

– Nhận diện đầy đủ giá trị của khu đô thị lịch sử này với cách tiếp cận là không gian sống, không gian công cộng.

– Xác định chức năng khu vực, có xem xét gắn kết với khu vực xung quanh với cả Hà Nội, từ không gian kiến trúc đến đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, môi trường, không gian xanh.

Để làm được như vậy không chỉ các nhà quản lý mà cần trước hết là ở trách nhiệm của những người làm nghề Quy hoạch – Kiến trúc với Thủ đô.

Hy vọng rằng qua kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô lần này sẽ có được đột phá mới để khu vực Hồ Gươm đã và sẽ mãi là biểu tượng tinh thần của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm