Thương mại và đô thị: Mối quan hệ và cách thức tiếp cận

Lịch sử đã chứng minh sự cộng sinh của mối quan hệ giữa thương mại và đô thị. Thương mại không thể được nghiên cứu mà không xét đến đặc trưng đô thị trong khi đô thị sẽ mất đi thuộc tính của nó nếu không có thương mại.

Xem thêm: Đô thị thông minh và giao tiếp điện tử SMART CITY E-COMMUNICATION

Trong những năm gần đây, trên khắp cả nước đã có nhiều dự án liên quan đến thương mại được triển khai, có thể kể đến như việc cải tạo chợ truyền thống thành Trung tâm thương mại (TTTM), đồng bộ hóa biển hiệu các cửa hàng trên một tuyến phố, hay gần đây nhất ở một loạt các thành phố lớn là những chiến dịch mạnh tay của chính quyền nhằm dành lại vỉa hè cho người đi bộ… đã tác động không nhỏ đến các đối tượng của thương mại đô thị… Có thể nhận thấy đáp số chung cho nhiều những dự án này là sự thất bại và hoài nghi. Hàng loạt TTTM phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh do hoạt động không hiệu quả, nhiều chợ truyền thống được nâng cấp nhưng luôn trong tình trạng vắng vẻ, “cuộc chiến vỉa hè” để lại những nỗi băn khoăn về những người nghèo đô thị, những người bán hàng rong mà với họ cái vỉa hè cũng là cuộc sống mưu sinh… Dường như để giải quyết những bất cập trên, có lẽ cách tiếp cận không chỉ đơn thuần từ những mệnh lệnh hành chính hay kêu gọi sự “hi sinh” từ người dân, mà cần có những tiếp cận đa chiều và khoa học hơn. Đã đến lúc cần có những nghiên cứu về “thương mại đô thị” và thương mại cần được coi như một yếu tố quan trọng cấu thành nên đô thị?

Thương mại – một khái niệm đa chiều

“Thương mại” là một từ thông dụng, thường dùng, có tính đa nghĩa về những hoạt động trao đổi, buôn bán giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia. Về mặt kinh tế, thương mại thể hiện quá trình trung gian giữa sản xuất và tiêu dùng. Theo K.Marx, khi hàng hóa (ban đầu chỉ có giá trị sử dụng trong nền kinh tế tự cung tự cấp) mang cả giá trị trao đổi thì khi đó thương mại được sinh ra. Theo nghĩa này, trao đổi và buôn bán có thể là chính thức – phi chính thức, hàng hóa có thể là vật chất – phi vật chất (sức lao động, thông tin, dịch vụ…). Thương mại diễn ra trên một phạm vi rộng và gần như gắn với tất cả các hoạt động của con người. Hoạt động mua bán, bên cạnh ý nghĩa kinh tế, hàng hóa nó cũng là một hoạt động văn hóa xã hội, nơi những sự trao đổi và các mối quan hệ xã hội diễn ra trong không gian và thời gian. Các hoạt động thương mại có thể được thực hiện ở những quy mô không gian thực (khu phố, đô thị, vùng, quốc gia, quốc tế) hoặc ảo (internet) khác nhau. Vì vậy, thương mại cũng tác động mạnh đến yếu tố không gian bởi những dòng phân phối mà nó tạo ra.

Ảnh 1: Một trung tâm mua sắm tạo nên một cực thương mại ở ngoại vi thành phố Rouen, Pháp. Nguồn: Tác giả

Theo J.Beaujeu-Garnier và A.Delobez, thương mại vừa là một kệ hàng vừa là cả một bộ máy. Là một “kệ hàng”, nó tác động trực tiếp đến đám đông, là một “bộ máy”, nó tham gia vào quá trình tổ chức không gian. Hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo cho thương mại trở thành một yếu tố thực sự làm thay đổi xã hội.

Như vậy, thương mại là sự hòa trộn đồng thời của kinh tế, xã hội, văn hóa, là một trong những yếu tố quan trọng trong tổ chức không gian, cảnh quan, tạo lập các mối quan hệ xã hội, tác động lên sự tiêu dùng, thay đổi giá trị của vùng đất và góp phần vào chất lượng cuộc sống.

Thương mại và đô thị – Mối quan hệ cộng sinh

Ảnh 2: Thương mại góp phần tạo nên sự sôi động và “bộ mặt chào đón” của đô thị. Nguồn: Như Ý

Lịch sử đã chứng minh sự cộng sinh của mối quan hệ giữa thương mại và đô thị. Thương mại không thể được nghiên cứu mà không xét đến đặc trưng đô thị trong khi đô thị sẽ mất đi thuộc tính của nó nếu không có thương mại.

Từ xưa, những con đường thương mại xuất hiện và phát triển từ trước công nguyên đã góp phần hình thành những nền văn minh, những thành phố ở những nơi ngã ba dọc theo các con đường thương mại đó. Những khu chợ giữ một vị trí chủ yếu trong việc hình thành và phát triển của các thành phố từ thời Hy Lạp cổ đại. Sự thay đổi của các thành phố Châu Âu thời Trung cổ dựa trên một nền thương mại phát triển, cho phép những thành phố biến đổi mạnh mẽ cấu trúc đô thị với những không gian mới dành cho thương mại phát triển và “giải phóng” thành phố ra bên ngoài những bức tường thành. Cũng chính nhờ đó, xã hội hình thành tầng lớp thượng lưu mới: Tư sản. Như luận điểm của nhà sử học người Bỉ Henri Pirenne (1862-1935) đã cho rằng “Thành phố là đứa con của thương mại”.

Với các nước phương Đông, đô thị được hình thành từ chính tên gọi của nó với phần “đô” và phần “thị”. Hai yếu tố này tác động và bổ sung cho nhau tạo nên tính chất mỗi đô thị. Ở Việt Nam, điển hình như Thăng Long – Hà Nội thời phong kiến với cái tên Kẻ Chợ đặc trưng bởi sự kết hợp chặt chẽ giữa các làng thủ công và mạng lưới chợ, với độ đậm đặc của dân cư, các hoạt động sản xuất, buôn bán, trao đổi với nhịp độ lớn hơn bất cứ nơi nào trên cả nước, góp phần vào sự phát triển của kinh thành. Tuy nhiên, cũng chính nền sản xuất nhỏ, thương mại nhỏ tùy tiện là đặc trưng nhưng lại kìm hãm sự tăng trưởng đột phá của đô thị Thăng Long – Hà Nội.

Một xã hội, một thành phố, với hoạt động cơ bản là sự trao đổi và thương mại như là công cụ để thực hiện việc này bằng cách vật chất hóa nó. Bên cạnh một sự tiếp cận về kinh tế, cung cấp việc làm cho phần lớn dân cư, thương mại còn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự sôi động xã hội, tạo lập cảnh quan và tổ chức không gian thành phố. Chỉ cần tưởng tượng một thành phố hay một vùng đất không có thương mại để có thể suy ra tầm quan trọng của nó.

Vai trò dễ thấy và bề nổi nhất của các hoạt động thương mại là tính sôi động và giải trí. Người ta đến các cửa hàng không chỉ để mua sắm mà còn vì những mục đích khác. Một khu phố thương mại có sức ảnh hưởng lên những khu vực xung quanh. Chúng là những “buổi biểu diễn” miễn phí: Sự đa dạng của những cửa hàng, các loại mặt hàng hấp dẫn để thu hút những “con mắt” và gợi nên sự thèm muốn. Sự gần nhau, sự tương tác của những người mua và những người hiếu kì đứng xem… tất cả tạo nên môi trường thu hút mọi người, cả những người dạo chơi cũng như những người mua hàng. Hình ảnh của các không gian thương mại, sự chen chúc của đám đông trong các khu phố, trung tâm mua sắm diễn ra ở tất cả những thành phố lớn trên thế giới còn tạo nên một sức sống kinh tế, đặc trưng văn hóa và bộ mặt của mỗi đô thị.

Tại nhiều nước phát triển, sự hấp dẫn của thương mại được áp dụng nhiều trong các dự án quy hoạch: Các trung tâm thương mại là đối tượng chính đc thiết kế để hỗ trợ cho việc tạo ra một trung tâm hay điểm dân cư đô thị, một cộng đồng khu phố trong quá trình đô thị hóa. Người ta kết hợp các chức năng hành chính, thương mại, văn hóa,…để củng cố các cực đô thị, cái mà trước đây phát triển tự phát, thì nay được tính toán và quy hoạch rất cẩn thận. Bên cạnh đó, nhờ sự phát triển của hạ tầng giao thông và các phương tiện cá nhân, các khu trung tâm thương mại lớn được xây dựng nhiều ở ngoại vi thành phố, tạo nên các cực thương mại đơn chức năng với nhiều loại hình cửa hàng, thu hút lượng lớn người tiêu dùng, góp phần vào sự mở rộng và phân tách đô thị, tuy nhiên mô hình này cũng đặt ra nhiều hạn chế về cảnh quan, môi trường, sự mờ nhạt của lõi trung tâm đô thị và sự biến mất của những mối quan hệ láng giềng…

Địa thương mại – Cách thức tiếp cận quan trọng trong mối quan hệ thương mại – đô thị

Việc nghiên cứu về các hoạt động thương mại đã được thực hiện từ lâu bởi những nhà kinh tế, nhà xã hội học, chính trị học… Tuy nhiên, để nghiên cứu và quy hoạch mạng lưới thương mại cần thiết phải xem xét đồng thời với những cấu trúc không gian. Thương mại là hoạt động nhạy cảm với môi trường xung quanh, trong cấu trúc không gian mà nó tham gia. Làm thế nào để giải thích được sự sinh ra của một hạt nhân thương mại, sự phát triển và suy tàn của nó mà không tham chiếu yếu tố không gian, thời gian, giao thông, khả năng tiếp cận, hay đặc điểm kinh tế xã hội? Bởi bản chất, chức năng thương mại mang đặc điểm của vùng đất và tác động trở lại vùng đất ấy. Theo A.Metton, người đứng đầu nhóm nghiên cứu quốc tế về địa thương mại (1984-2000) thì địa thương mại đồng thời là yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội […] đặt trong một bối cảnh không gian, vị trí của thương mại, dòng hàng hóa và dòng khách hàng liên quan.

Ảnh 3: Chợ “cóc”, một hình thức thương mại phi chính thức phổ biến ở những nước nghèo hoặc đang phát triển. Nguồn : Tác giả

Với một lịch sử không dài, địa thương mại xuất hiện từ giữa thế kỷ 20 với các nghiên cứu trong nhiều cách tiếp cận như “lý thuyết vị trí trung tâm” của nhà nghiên cứu người Đức, W.Christaller và được phát triển bởi B.Berry – Xem thành phố như một trung tâm phân phối hàng hóa và dịch vụ nhằm xác định vị trí, quy mô, khoảng cách của các trung tâm này. Hai nhà nghiên cứu đô thị hàng đầu người Pháp J.Beaujeu-Garnier và A.Delobez nghiên cứu các cấu trúc thương mại đặc trưng ở các nước khác nhau và đưa ra lý thuyết phân cấp các mạng lưới thương mại ở đô thị, vùng đô thị và nông thôn…Nhìn chung, các vấn đề nghiên cứu rất đa dạng, tập trung vào mạng lưới, cấu trúc, vị trí các điểm thương mại; tập quán không gian của người tiêu dùng (cách thức di chuyển, lựa chọn điểm mua bán…); tập quán về văn hóa-xã hội; quy hoạch thương mại đô thị…Và theo Merenne-Schoumaker, nhà địa lý người Bỉ, thì địa thương mại chủ yếu được vận hành dựa trên 5 câu hỏi về 5 khía cạnh sau đây:

– Ở đâu?: Xác định vị trí (những vị trí chính yếu của thương mại);

– Ai?: Những nhân tố tác động (người bán hàng, người tiêu dùng, nhà sản xuất, chính quyền);

– Cái gì?: Những hình thức phân phối (cá thể, liên minh, tập đoàn), cách thức bán hàng (truyền thống, bán rong, tự phục vụ,…), các loại sản phẩm và dịch vụ được cung cấp;

– Làm thế nào? : Cách tổ chức thương mại ở những quy mô không gian khác nhau (mạng lưới, cấu trúc);

– Tại sao?: Những yếu tố tác động tại vị trí điểm thương mại (sự tác động và ảnh hưởng của con người và môi trường xung quanh);

– Làm gì?: Các giải pháp quy hoạch thương mại đô thị;

Áp dụng địa thương mại có nghĩa là nghiên cứu những mối quan hệ giữa thương mại, các nhân tố của nó với yếu tố không gian – thời gian ở nơi thương mại tồn tại, cho phép tìm ra những vấn đề và đưa ra những giải pháp phù hợp bởi nó cho thấy được cái nhìn tổng thể về thành phố.

Kết luận

Trong mối quan hệ với đô thị, thương mại chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử, kinh tế, văn hóa-xã hội cũng như là một yếu tố không thể thiếu trong sự hình thành cấu trúc của đô thị hay vùng đô thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, mối quan hệ này chưa được nghiên cứu chuyên sâu. Hướng tiếp cận thương mại hiện nay chủ yếu về yếu tố kinh tế và phụ thuộc nhiều vào chiến lược kinh doanh của các đối tượng kinh tế (doanh nghiệp, các nhà phân phối, các nhà đầu tư BĐS thương mại). Trong khi đó, về mặt quy hoạch, quản lý nhằm duy trì sự cân bằng giữa các không gian thương mại và đô thị thì chưa hiệu quả. Nhiều dự án thương mại thiếu sự kết nối với đô thị về giao thông, hạ tầng và cả về những yếu tố văn hóa, xã hội, nơi thì vắng khách dẫn đến đóng cửa, nơi thì đông đúc gây tắc nghẽn giao thông. Mạng lưới chợ phân bố không hợp lý dẫn đến phát triển tự phát…

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam đang đặt ra yêu cầu về sự phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt tại các đô thị. Mỗi đô thị, mỗi vùng đất có những đặc trưng riêng về văn hóa-xã hội, kinh tế, cấu trúc đô thị, vì vậy cần có cái nhìn tổng thể và những nghiên cứu đa ngành về Thương mại đô thị, và Địa thương mại được xem như một trong những công cụ khoa học quan trọng.

Tài liệu tham khảo

BỘ CÔNG THƯƠNG., Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025, Nhà xuất bản Công thương, 2016.

NGUYỄN TRÍ DĨNH., Kinh tế hàng hoá của Thăng Long – Hà Nội, đặc trưng và kinh nghiệm phát triển, Nhà xuất bản Hà Nội, 2010

COLLECTIF, Dictionnaire du commerce et de l’aménagement, Presses Universitaires de Rennes, 2008.

MERENNE-SCHOUMAKER B., “La géographie du commerce: un savoir utile aux professionnels”, Le commerce de détail face aux mutations actuelles. Les faits et leur analyse, Acte du colloque international de Liège, UGI, coll. Commerce et Société, Liège, 1987, p. 95-106.

DUGOT Ph., GASNIER A., “Commerce, recomposition de l’habiter et de la ville ”, Historiens & Géographes, n° 420, octobre-novembre 2012, p. 155-162.

Phạm Sĩ Dũng

Khoa Kiến trúc & Quy Hoạch Đại học Xây Dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6/2017)