Ký ức thành phố
Ở mỗi đô thị đều có những dấu ấn riêng để làm nên hồn cốt của nó mà chủ yếu những dấu ấn này do Kiến trúc đem lại. Với một đô thị 300 tuổi như TP. HCM thì những công trình có độ tuổi trên 50 năm cũng đã được xem như có giá trị lịch sử. Những thủy đài ở Sài Gòn cũng nằm trong số đó, chúng là một phần ký ức của đời sống đô thị. Thủy đài không chỉ có giá trị lịch sử mà còn chứa đựng tình cảm gần gũi và rất riêng trong tiềm thức của người Sài Gòn đối với thành phố này, là một phần gợi lại cái hồn của Sài Gòn xưa.
Có thể nói Thủy đài là những di tích hàm chứa nhiều giá trị, là một nét đặc trưng và là biểu trưng của Sài Gòn – TP. HCM, một thành phố công nghiệp. Các Thủy đài là hình ảnh gợi lại “dấu ấn về sự trưởng thành của đô thị Sài Gòn trong việc kiến tạo tiện ích sinh hoạt cho người dân”. Với hệ thống 7 Thủy đài lớn được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ 20, nằm rải rác trên các khu vực cao của thành phố với nhiệm vụ điều hòa áp lực nước sinh hoạt cho người dân. Tuy chưa được đưa vào sử dụng nhưng sự hiện diện của các Thủy đài này đã tạo nên nét đặc trưng của kiến trúc Thành phố với vật liệu bê tông trần theo kiến trúc hiện đại, chủ nghĩa Thô mộc và đồng thời với kích thước khổng lồ – cao 30m, đường kính chỗ rộng nhất 16 m – chúng cũng tham gia vào đường bóng chân trời (đường Siluet) để có thể nhận diện thành phố từ xa.
Vì muốn phát triển mà chúng ta tuyên bố “nó xuống cấp”? và đưa ra quyết định tháo dỡ hệ 7 Thủy đài này là quyết định chưa thỏa đáng, chưa có hướng nhìn khách quan và khoa học. Thực chất thì kết cấu của nó theo cảm quan những gì chúng tôi quan sát được trong hình ảnh phá dỡ thủy đài ở Nguyễn Văn Tráng Quận 1, hay ở Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thành thì đây là kết cấu bê tông dự ứng lực (post-tentioned concrete) có khả năng chịu lực trên 100 năm. Kết cấu ứng lực này và cả hình dáng của nó cũng khá tương đồng với Thủy đài Lauttasaari Phần Lan – cao 34 m, đường kính chỗ rộng nhất xấp xỉ 30 m. Thủy Đài chỉ xuống cấp trong trường hợp: đã trải qua sự hoạt động theo đúng chức năng ban đầu – chứa khoảng 2000 m3 nước, điều hòa áp lực nước sinh hoạt cho người dân – sau gần 50 năm và các sự biến đổi lớn trong xây dựng của khu vực xung quanh ảnh hưởng tới kết cấu nền móng của Thủy đài.
Trên thực tế, khu vực đất xây dựng các Thủy đài này đều là khu vực đất cao và chắc chắn, xung quanh lại chưa có nhiều biến đổi lớn về kiến trúc – chủ yếu là các kiến trúc quy mô nhỏ, và quan trọng hơn các Thủy đài này cũng chưa từng qua sử dụng trong việc điều hòa áp lực nước sinh hoạt như mục đích ban đầu.
Với các giá trị về kỹ thuật xây dựng, hình thức kiến trúc và sự quen thuộc của người dân thành phố với hình ảnh nơi mình đang sinh sống, những Thủy đài “khổng lồ” này cần thiết được lưu giữ và có những khảo sát bài bản, đánh giá đúng đắn về tình trạng tồn tại để có những hướng khai thác tốt trong sự phát triển chung của thành phố. Thành phố HCM có vẻ đẹp như hiện nay là bởi vì đô thị này có sự đan xen các giá trị cổ xưa và các giá trị mới. Nếu chúng ta chỉ tập trung cho phát triển các giá trị mới, không hiểu và có chiến lược bảo vệ các giá trị cổ xưa – một phần làm nên bề dày lịch sử cũng như nét đặc trưng của thành phố, thì đến một một lúc nào đó ngoảnh lại, chúng ta sẽ không còn dấu lịch sử để truyền lại cho thế hệ sau.
Chúng tôi không cổ xúy cho việc cứ ôm khư khư cái cũ mà không biết lược bớt để tập trung cho phát triển cái mới. Xong chúng ta phải trân trọng quá khứ và thận trọng trong cách ứng xử với quá khứ, nhất là những quá khứ đã đi sâu vào tâm thức của người dân đô thị, cũng là một phần tham gia vào lịch sử của chính đô thị ấy. Đừng để số phận những Thủy đài này rơi vào tình thế mắc kẹt bởi tư duy của chúng ta. Chúng cần được lưu giữ và phát huy – chuyển đổi công năng, được thổi hồn mới để trở thành những công trình có nét đặc trưng kết nối giữa Lịch sử và Hiện tại, là những điểm hút khách du lịch và tăng sức hấp dẫn cho thành phố.
Những bài học từ kinh nghiệm của các nước phát triển
Ở các nước tiên tiến, mỗi một công trình có dấu ấn hoặc có giá trị của một thời kỳ phát triển, sau khi thực hiện xong sứ mệnh của mình với đô thị, nó luôn được cân nhắc để bảo tồn. Một trong những giải pháp bảo tồn đó là chuyển đổi mục đích sử dụng. Dưới đây là những ví dụ cụ thể đó.
Tại Bỉ:Thủy Đài – thành phố Brasschaat được chuyển đổi công năng sang nhà ở
Tại Đức: Thủy đài Koeln xây năm 1877 theo chủ nghĩa cổ điển – kiến trúc Roman, ngày nay đã trở thành Khách sạn 88 phòng
- Năm 1864, kỹ sư : John Moore đã thắng giải thiết kế đài nước với quy mô 15.460 m3. Thủy đài bắt đầu được xây dựng năm 1868 với quy mô nhỏ hơn – 3650 m3 , 35,6 m cao, đường kính 34 m, khu vực chứa nước ở cao độ 25m được bọc thép.
- Năm 1877 thủy đài được hoàn thành và trở thành thủy đài lớn nhất châu Âu, phục vụ việc điều phối nước cho tới năm 1930. Sau khi bị phá hủy một phần trong thế chiến thứ 2, thủy đài còn lại 27 m cao.
- Năm 1985, chính quyền thành phố đã có sự quyết định đầu tư khai thác thủy đài, chuyển đổi công năng thành Khách sạn. KTS. Konrad L. Henrich là người thiết kế . Công trình hoàn thành năm 1990 và trở thành khách sạn 5 sao với 88 phòng (44 phòng đôi, 10 phòng đơn, 34 phòng Suite), 2 nhà hàng, Spa, Trung tâm thể dục.
Tại Đức: Thủy đài 2.0 Rottweil: Thủy đài hoàn thành năm 1974, cao 62 m với hình phễu chứa 750 m3 nước
- Thủy đài cũng được sử dụng như 1 tháp truyền hình với 1 angten phía trên gắn đèn báo
- Tháp thuộc sở hữu Cơ quan cung cấp năng lượng Rottweil, ngưng hoạt động năm 2015 và được bán lại cho công ty TNHH IT mawa – solution vào tháng 4/ 2017.
- Phương án thiết kế của công ty Sailer & Sailer: bổ sung thêm khối ở – 10 tầng ở với 40 – 65 căn hộ, nhà hàng 100 chỗ, sân mái tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng, chỗ đậu xe, đổ rác …
Tại Anh: Thủy đài Congleton:
- Xây dựng năm 1881, Kỹ sư: William Blackshaw. Sử dụng tường chịu lực – gạch trần dày 60 – 70 cm. Chiều cao 15m, đường kính 11m
- Không sử dụng là tháp nước từ năm 2001
- Andy Critchlow mua lại năm 2012, chuyển thành không gian ở – tiết kiệm năng lượng
Tại Hà Lan:Thủy đài Sint Jansklooster được chuyển thành đài ngắm cảnh.

Từng bước cởi trói và cứu lấy những tháp nước
- Bước đầu tiên (số 1): Thành phố nên tạm ngưng hoạt động phá dỡ thủy đài, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực: kiến trúc, kết cấu, bảo tồn, lịch sử, du lịch… để cùng đánh giá, đồng thời khảo sát kỹ lưỡng về tình trạng kết cấu, độ cứng của vật liệu và tìm giải pháp cho từng Thủy đài.
- Bước tiếp theo (số 2):Tiến hành thi ý tưởng về tái sử dụng các công trình Thủy đài đã hết công năng sử dụng, lập các hồ sơ thiết kế tu bổ cho từng Thủy đài.
Việc chuyển đổi công năng cho công trình cũ nói chung và cho kiến trúc Thủy đài nói riêng không có gì mới. Ở các nước, ngoài việc có một số rất ít thủy đài sau khi phân tích không đảm bảo chất lượng làm việc của kết cấu, hoặc không có chức năng, nhà đầu tư phù hợp thì họ phải phá bỏ thì hầu hết các thủy đài đều được có phương án thay thế bằng công năng khác. (Ví dụ về một thủy đài bị quyết định phá bỏ: Thủy đài Lauttasaari, Phần Lan 1958 – 2015. Đã ngừng hoạt động từ năm 1996, đến năm 2010, qua một cuộc khảo sát, đề xuất sửa chữa thủy đài, hội đồng thành phố Helsinki không tìm được mục đích sử dụng phù hợp và không tìm được nhà đầu tư nên đã quyết định phá hủy)…
Dù quyết định cuối cùng thế nào, trước hết vẫn cần phải có những phân tích, đánh giá đúng chuyên môn, cần những tư duy cập nhật và mở rộng để đón lấy cơ hội, những giải pháp mới vừa sáng tạo trong kiến trúc lại vừa độc đáo trong khai thác sử dụng, phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng. Vì tất cả những giá trị ký ức và tình cảm của người dân thành phố này, chúng tôi rất mong sẽ có một quyết định đầy tính nhân văn để kết thúc cho những câu chuyện về Thủy đài đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên, Ths. KTS Ninh Việt Anh
(Giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)
© Tạp chí Kiến trúc