Tích hợp văn hóa trong kiến trúc chùa Nam Bộ – Phần 2

Tích hợp văn hóa truyền thống với văn hóa bản địa (tiếp theo)

Bên cạnh kiến trúc gốc bản địa, các loại hình kiến trúc khác của các dân tộc trong khu vực cộng cư với người Việt khu vực Nam Bộ cũng được tích hợp – Đó là văn hóa Trung Hoa, Kh’mer, Chăm…

Long, lân, cá hóa long … gốm sứ Việt được phối kết với ngói ống trúc chùa Hoa. [Nguồn: TG]

Với văn hóa Trung Hoa: Nền kiến trúc Việt Nam truyền thống, nhìn chung, trong giao lưu văn hóa đã có mối quan hệ mật thiết với nước láng giềng Trung Hoa, nhất là giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam vẫn bảo vệ được đặc tính truyền thống vốn có của mình nhờ vào đặc tính tích hợp văn hóa. Đối với vùng đất Nam Bộ, khi mà thiết chế xã hội luôn có xu hướng “quá độ” đối với cái cũ, thì sự tích hợp văn hóa Trung Hoa là hoàn toàn tự nguyện, là sự cầu toàn đối với cái đẹp. Chính vì vậy, các “chuẩn mực” kiến trúc Trung Hoa qua Hoa kiều, khi vào Nam Bộ, gần như bị phá vỡ, chỉ còn tồn tại các cá thể bộ phận kiến trúc được chọn lựa, cải tiến và đưa vào công trình. Chúng giữ vai trò phối hợp, tạo sự “lạ lẫm” hoặc đột biến trong tổng thể chung kiến trúc chùa Nam Bộ. Đối với một số chùa của người Hoa hoặc gốc Hoa, trong tổng quát hình thức kiến trúc, vẫn còn giữ được bản sắc riêng của họ; tuy nhiên, trong chi tiết bộ phận, đôi chỗ đã được tích hợp với kiến trúc Việt, tạo sự thăng hoa mang sắc thái địa phương Nam Bộ. Tại Nam Bộ, người Việt hay người Hoa đều là những lưu dân trong thời kỳ “khai hoang” vào thế kỷ 17, do đó có sự đồng đẳng về văn hóa, không có sự lệ thuộc văn hóa lẫn nhau.

Với văn hóa Kh’mer: Về thời gian, như các phần trên đã trình bày, người Kh’mer đã có mặt tại vùng đất Nam Bộ trước người Việt và người Hoa một bước, kể từ sau khi vương triều Phù Nam sụp đổ vài thế kỷ. Về không gian, nước Cam-pu-chia – đất tổ người Kh’mer, nằm bên cạnh vùng đất Nam Bộ. Chính hai yếu tố không gian và thời gian thuận lợi này mà người Kh’mer đã lưu cư rất nhiều tại Nam Việt Nam, nhất là các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Do đó, theo chân họ, kiến trúc chùa Kh’mer xuất hiện rải rác khá nhiều tại các địa phương trên. Các tự viện nổi tiếng có thể kể đến như : Chùa Samrong Ek, Sanghamangala (Trà Vinh); chùa Muniransyarama (Cần Thơ); chùa Kleang, Seraytecomahatup (Chùa Dơi – Sóc Trăng); chùa Munivongsa (Cà Mau) … Tích hợp một số đặc tính trong kiến trúc chùa Kh’mer Nam Bộ, người Việt đã chọn lọc và nâng cao chúng thành những kiểu thức và phương thức xây dựng cho chùa Việt ở Nam Bộ. Có thể tóm gọn sự tích hợp ấy như sau:

  • Khuôn viên chùa Nam Bộ thường rộng rãi giống như chùa truyền thống, đa phần trồng cây ăn trái, trong khi đa số vườn chùa truyền thống Việt Nam trước đây, chủ yếu, thường trồng cây lưu niên, ít có cây ăn trái (đặc điểm này vừa tích hợp văn hóa Kh’mer, vừa nâng cao đặc tính truyền thống). Ngoài ra, khuôn viên vườn chùa Nam Bộ thường có nhiều hoa kiểng “miệt vườn” tạo nên cảnh trí hữu tình mang sắc thái Nam Bộ.
    Cột cờ
  • Trong tổng thể kiến trúc chùa Nam Bộ, so sánh mối tương quan với tổng thể chùa Kh’mer, có thể thấy: Tháp cổng cầu kỳ, đồ sộ được đơn giản hơn thành cổng “nhất quan”, “nhị quan” hay “tam quan” với dáng vẻ thanh thoát mang tính cách truyền thống. Cột phướn biến thành cột cờ trước chùa, tạo điểm cao đột biến cần thiết nhấn mạnh tổng thể. Đây là nét đặc thù đối với chùa Nam Bộ so với truyền thống. Bởi lẽ, hầu hết chùa Nam Bộ không xây dựng các tháp cao như các tháp Hòa Phong, Phổ Minh, Bình Sơn, Báo Nghiêm,… làm điểm nhấn trong không gian như Bắc Bộ. Cột phướn hay cột cờ, trong lúc này, là cách thay thế đơn giản và tốt nhất. Mãi sau này khi tiếp cận với kỹ thuật xây dựng tiên tiến phương Tây, khoa học xử lý móng trên nền đất yếu đã cho phép xây dựng các tháp cao, nhưng không nhiều như: Tháp chuông chùa Xá Lợi, tháp Tổ chùa Vĩnh Nghiêm, tháp cốt Huệ Nghiêm … Mặt khác, chính điện và trai đường chùa Việt được bố trí “bát dần” nối tiếp nhau không nằm riêng lẻ, tuy nhiên trai đường vẫn là nếp nhà rộng rãi như nhà Sala của chùa Kh’mer (khác với chùa Bắc và Trung Bộ).
Rắn Naga 7 đầu của Kmer trang trí tại chùa Tây An. [Nguồn: TG]

Với văn hóa Chăm-Islam: Tuy Chăm-Islam (phân biệt với Chăm-Bà La Môn giáo vùng Nam Trung Bộ) là một trong các dân tộc cơ bản hình thành dân cư Nam Bộ, nhưng tập trung cư trú, chủ yếu, ở Châu Đốc – An Giang khoảng gần hai vạn người. Một vài nơi khác như Tây Ninh, Đồng Nai, TP HCM cũng có người Chăm di trú, nhưng không nhiều, đa số làm nghề buôn bán nhỏ (thương nghiệp). Họ có quan hệ chặt chẽ và thường xuyên, mang tính khép kín. Chính vì vậy, ảnh hưởng văn hóa của họ đối với người Việt không nhiều, nhất là đối với đại đa số nhân dân nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Về tôn giáo, hầu hết người Chăm – Châu Đốc đều theo Đạo Hồi và sinh hoạt theo tập tục Hồi giáo. Phần lớn họ là những tiểu thương nghèo, kiến trúc dân gian ít có gì đặc sắc, duy chỉ có các Thánh Đường Islam hoặc ngôi nhà làng của bô lão “Sang Palay” là có giá trị hơn cả. Đặc trưng kiến trúc cơ bản lớn nhất trong việc tích hợp kiến trúc Chăm đối với kiến trúc chùa người Việt chính là đơn giản hóa kiểu mái “vòm cung tròn” (còn gọi là mái “củ hành”), tạo thành điểm nhấn đặc biệt trên tổng thể kiến trúc mặt đứng. Kiểu kiến trúc này có thể thấy trong kiến trúc Chùa Tây An, chùa Phi Lai-Ba Chúc tại Châu Đốc. Kiểu trang trí cửa vòm cung tròn cũng được kết hợp với kiến trúc Kh’mer, tạo thành chi tiết kiến trúc cửa lạ lẫm, đặc sắc mang sắc thái “Châu Đốc” của cả ba tộc người Việt-Chăm-Kh’mer. Hãn hữu, cột xoắn ốc và tượng thần phục sức theo kiểu La-Hy, trong các Thánh Đường Islam, cũng được tiếp biến trong chùa người Việt tại Châu Đốc – Nam Bộ.

Vòm củ hành trên nóc chùa Tây An. [Nguồn: TG]

Kiến trúc Việt-La-Hy. [Nguồn: TG]

Tích hợp văn hóa truyền thống với văn hóa phương Tây

Vừa đặt chân lên mảnh đất Nam Bộ không bao lâu, các thiết chế văn hóa xã hội chưa kịp ổn định, người Việt Nam Bộ đã phải bị cưỡng bức giao lưu văn hóa với các nước phương Tây. Trong hoàn cảnh được coi là “quá độ” về văn hóa ấy, khi mà người dân đang muốn buông bỏ thiết chế xã hội lạc hậu cũ, nhưng chưa có thiết chế mới thay thế, ngay lúc ấy, làn sóng văn minh phương Tây được đưa tới, dù bị cưỡng bức tiếp xúc, nhưng tính ưu việt của nó so với cái cũ vẫn là yếu tố thuyết phục, dễ được đông đảo người dân Nam Bộ, lúc bấy giờ, ủng hộ.

Kiến trúc theo trường phái Art Nouveau

Tại Châu Âu, kiến trúc phương Tây thời kỳ hiện đại (đầu thế kỷ 20), đã xuất hiện nhiều trào lưu và trường phái khác nhau, nhưng khi “du nhập” vào Việt Nam cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, kiến trúc vẫn mang dấu ấn các giai đoạn kiến trúc trước đó của Châu Âu, chủ yếu là kiến trúc cận hiện đại của thế kỷ 19; tuy cũng có nhiều trường phái du nhập, nhưng trường phái “nghệ thuật mới” (Art nouveau) có ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc Nam Bộ. Trường phái nghệ thuật mới với các đặc trưng cơ bản: “- Phong cách: Nhấn mạnh cái đẹp đường nét, dùng sắt trang trí. – Thủ pháp: Thích đường cong, giàu nhịp điệu, đen trắng rõ ràng, có sức mạnh.- Hoa văn: Bắt chước thiên nhiên, hoa lá, thảm cỏ …” [4]. Chính vì những hình khối và đường nét có hình thức từ thiên nhiên mà ra, cùng với sự mạnh mẽ, giàu nhịp điệu của nó rất phù hợp với tình cảm và tính cách của người dân Nam Bộ lúc bấy giờ, trường phái nghệ thuật mới đã dễ dàng được người Việt tại đây tích hợp và sử dụng. Quá trình tích hợp đã trải qua thời gian dài với nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu (giữa và cuối thế kỷ 19) chỉ thuần là sự “hỗn dung” với cái mới trong một số bộ phận công trình như: Vòm cửa, bờ tường, song hoa … Giai đoạn giữa (đầu và giữa thế kỷ 20) đã có sự “tiếp biến” với cái mới trên qui mô lớn hơn như: Mặt tiền công trình, sân cảnh… tiêu biểu có thể thấy qua kiến trúc Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), chùa Giác Viên (TP.HCM), chùa Long Thiền (Biên Hòa), chùa Phước Tường (Thủ Đức)… Giai đoạn sau (giữa thế kỷ 20 về sau), sự “tích hợp” đã mở rộng sang nhiều nước phương Tây, đến đây sự ảnh hưởng của nghệ thuật Pháp thời kỳ cận đại mờ nhạt dần. Người Việt Nam Bộ bắt đầu tiếp cận và tích hợp nghệ thuật các trường phái hiện đại phương Tây khác như Anh, Mỹ, Đức… và hoàn chỉnh dần cho đến nay.

Không gian nội thất theo trường phái Bauhaus. [Nguồn: TG]

Có thể dễ nhận ra rằng: Càng về sau sự tích hợp càng rõ nét hơn, nhất là vào những thập niên 50 và 60 của thế kỷ 20, dưới sự ảnh hưởng rộng rãi của trào lưu Âu-Mỹ, sự tích hợp đã chuyển hướng từ một nước Pháp nhỏ bé sang phạm vi rộng lớn hơn, ra cả châu Âu, châu Mỹ. Rất nhiều phong cách kiến trúc mới được du nhập, điển hình như phong cách Ludwig Mies Van Der Rohe – thuộc học phái Bauhaus, trường phái Công năng đầu tiên, cực thịnh vào đầu thế kỷ 20. Quan điểm chính của trường phái này là: “- Đơn giản hóa hệ thống kết cấu nhằm đưa đến một hiệu quả đơn giản và thuần khiết về tạo hình. – Sử dụng kết cấu không gian lớn, chia cắt không gian tự do. – Phân biệt rõ kết cấu chịu lực và kết cấu ngăn che. Sử dụng rộng rãi thép, kính”.[ 4]. Các quan điểm này được thể hiện khá tốt qua một số kiến trúc chùa xuất hiện trong thập niên 50, 60 như An Quang , Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm… Tuy nhiên, nhờ đặc tính tích hợp (tiếp thu – chọn lọc – nâng cao – biểu hiện) mà một số nhược điểm của trường phái này, như biểu hiện cứng nhắc, thiếu cảm xúc… đã bị loại trừ trong các kiến trúc ấy.

Nét thanh thoát trong kiến trúc hiện đại. [Nguồn: TG]

Đặc tính chiết trung giữa kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại đã đưa kiến trúc Nam Bộ, nói chung, trong đó có kiến trúc chùa, đến gần với xu hướng tìm tòi đặc tính dân tộc mà Nhật Bản đã đi tiên phong vào giữa thế kỷ 20 này, với các tên tuổi như Kenzo Tange, Kunio Mayekawa, Kakakura, Takeo Sato… Một lần nữa, tính tích hợp văn hóa lại là xu thế lịch sử chính để phát huy kiến trúc chùa đương đại Nam Bộ, nhằm loại trừ dần một số nhược điểm mà xu hướng tìm tòi đặc tính dân tộc đã mắc phải, nghiêm trọng nhất là “chủ nghĩa trang trí hình thức”.

Qua một số đặc tính tích hợp văn hóa với phương Tây cho chúng ta một nhận định : Kiến trúc Nam Bộ, nhìn chung, trong đó có kiến trúc chùa, luôn đi sau xu thế thời đại của phương Tây một bước. Chính vì vậy, nó có thể có đủ thời gian để loại trừ những nhược điểm chính mà xu thế kiến trúc trước đó va vấp nhằm phù hợp tương đối với điều kiện văn hóa địa phương Nam Bộ.

Thay lời kết

Bảo vệ đặc tính truyền thống vốn có trước đó, chấp nhận xu thế chung của dân tộc, một dân tộc mà hầu hết dân chúng, dù thành thị hay nông thôn, đều xuất thân từ xã hội nông nghiệp. Khi mà tư duy nông nghiệp là một thực tế khách quan, dù muốn hay không, đã, đang và sẽ còn tồn tại đậm nét trong mỗi con người Việt Nam, thì văn hóa “trọng tình”, với đặc tính chung: Bảo tồn mạnh hơn phát triển – vẫn luôn chi phối đời sống xã hội và đời sống tinh thần người dân Việt.

Như vậy, tiếp nối truyền thống văn hóa Việt Nam, người Việt tại Nam Bộ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của mình qua quá trình tích hợp văn hoá với các thành tựu văn hóa bản địa, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhân loại và văn minh tiên tiến thời đại. Sự tích hợp ấy vừa là khả năng, vừa là nhu cầu vốn có của một dân tộc thường xuyên phải đương đầu với các thế lực ngoại bang cũng như thiên tai khắc nghiệt. Bên cạnh những sản phẩm sáng tạo, thuần túy dân tộc, những sản phẩm văn hóa tích hợp trở thành mảng văn minh sáng tạo quan trọng thứ hai trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, tích hợp văn hóa trở thành đặc tính truyền thống của dân tộc Việt. Nó không là vật chất hữu hình mà là nội hàm của văn minh thời đại. Trong biểu hiện, hình thức kiến trúc bên ngoài có khác, tùy thuộc vào từng thời điểm và từng không gian địa lý khác nhau, nhưng đặc tính truyền thống tích hợp văn hóa rất ít thay đổi suốt mấy ngàn năm qua.

Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Khoa Điềm (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb.Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.

(2) Trần Văn Giàu (1987), “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”, lịch sử, Nxb. Tp.HCM , Tp.HCM.

(3) Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật Giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội.

(4) Trần văn Khải (2000), Lịch sử kiến trúc phương Tây, Nxb. Giao Thông Vận Tải, tp. HCM.

(5) Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn Học, tp. HCM.

(6) Nguyễn Khởi (1991), Kiến trúc Việt Nam – các dòng tiêu biểu, Nxb. ĐH Kiến Trúc, tp. HCM.

(7) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991), Lịch sử Việt Nam, Nxb. ĐH&GDCN, Hà Nội.

(8) Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội.

(9) Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kư, Phạm Ngọc Long (1993), Chùa Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội.

(10) Trịnh Tri Tấn, Nguyễn Minh Nhựt, Phạm Tuấn (1998), Sài Gòn từ khi thành lập đến giữa thế kỷ XIX, Nxb. Tp.HCM , Tp.HCM.

(11) Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo Dục, tp. HCM.

(12) Nguyễn Đức Thiềm (2000), Góp phần tìm hiểu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, Nxb. Xây Dựng, Hà Nội.

(13) Chu Quang Trứ (1999), Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội.

(14) Viện nghiên cứu kiến trúc (1999), Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam, Nxb. Xây Dựng, Hà Nội.

(15) Nguyễn Tạo dịch (1959), Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt, tác giả Quốc sử quán triều Nguyễn , Nxb. Nha Văn Hóa, Sài Gòn.

PGS.TS Phạm Anh Dũng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2016)

Xem thêm:Tích hợp văn hoá trong Kiến trúc chùa Nam Bộ (Phần 1)