Tính bền vững trong thiết kế Kiến trúc và Đô thị diễn giải một số tác phẩm của các bậc thầy Kiến trúc hiện đại ở Châu Á

Tính bền vững trong thiết kế Kiến trúc và Đô thị diễn giải một số tác phẩm của các bậc thầy Kiến trúc hiện đại ở Châu Á

Mặc dù được biết đến nhiều hơn như những người tiên phong cho lối tiếp cận xa rời quá khứ lịch sử và bối cảnh thiết kế, kiến trúc sư thuộc trường phái hiện đại đã luôn chú ý đến một số khía cạnh của vấn đề bền vững, nhất là về sinh thái trong kiến trúc. Thật không may, yếu tố sinh thái trong kiến trúc hiện đại chưa nhận được một sự quan tâm tương xứng bởi hầu hết các nghiên cứu chủ yếu đặt trọng tâm vào sự hình thành và hình thức của công trình và bỏ qua (hoặc đưa xuống hàng thứ yếu) các khía cạnh khác của kiến trúc. Bài viết này đặt nền tảng cho “sự cân bằng mới” trong diễn giải kiến trúc hiện đại bằng cách xem xét yếu tố sinh thái như chất xúc tác của hình thức, của những thay đổi, của sự đổi mới và của cả những mâu thuẫn trong kiến trúc. Một số tác phẩm tiêu biểu của các KTS bậc thầy như Le Corbusier, Louis Kahn, Frank Lloyd Wright, Bal Krishna V. Doshi v.v, ở một số quốc gia châu Á đã được lựa chọn để “đọc” lại từ quan điểm bền vững nhằm bổ sung kinh nghiệm mới cho các KTS làm việc trong khu vực Châu Á.

Finlandia Aalto

TÍNH BỀN VỮNG và KIẾN TRÚC

Vài nét về kiến trúc bền vững

Bàn về “vấn đề bền vững”, người nghiên cứu cần xác định một cách tiếp cận đa ngành và không thể bỏ qua hai yếu tố quan trọng là kinh tế xã hội và môi trường. Trong lĩnh vực cụ thể của kiến trúc, các thuật ngữ như kiến trúc bền vững, kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh thường bị lạm dụng để chỉ ra những loại hình kiến trúc nhạy cảm với môi trường tự nhiên. Việc giải thích một cách rõ ràng khái niệm “kiến trúc bền vững” là một điều cần thiết, bởi chỉ khi thông hiểu khái niệm này, chúng ta mới có được một “phản ứng tự nhiên” với một loạt các câu hỏi và các vấn đề khẩn cấp của xã hội hiện nay. Panayiota Pyla, học giả nổi tiếng người Mỹ, đề xuất ba phương pháp tiếp cận kiến trúc bền vững1:

Từ góc nhìn kỹ thuật, KTS có trách nhiệm xem xét tính bền vững như một cơ hội quý báu cho việc đánh giá tổng thể thứ tự ưu tiên trong sáng tác kiến trúc, để thúc đẩy công nghệ xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và mở rộng quan hệ đối tác với kỹ sư và các nhà khoa học môi trường.

Xét trên quan điểm chính trị – xã hội, tính bền vững ngụ ý đến việc ban hành, thực thi các chính sách xã hội, các chức năng, thể chế đô thị và chính sách khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến những thay đổi của môi trường. Nhiều trường đào tạo kiến trúc và các tổ chức phát triển thực hiện “modus operandi” này bằng cách đưa các yếu tố xã hội, văn hóa và kinh tế vào trong vấn đề môi trường bền vững.

Khái niệm về bền vững giới thiệu một quan điểm thẩm mỹ mới cho kiến trúc, làm giàu thêm cho kiến trúc với những ý nghĩa và mục đích mới. Việc khắc phục một tầm nhìn nhất định của chủ nghĩa hiện đại đã mở rộng phạm vi cho thực hành nghề kiến trúc, đánh dấu sự ra đời của nhận thức môi trường, và theo đó là những kịch bản kiến trúc và nhiều thử nghiệm kiến trúc mới.

Có rất nhiều định nghĩa về kiến trúc (và thiết kế kiến trúc) bền vững. Các thiết kế kiến trúc bền vững, một cách chung

nhất, đều có mục đích tạo ra những môi trường kiến trúc và đô thị đạt được bốn yêu cầu cơ bản: tiện nghi, tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn lực địa phương và có độ bền cao. Cũng như khái niệm bền vững, kiến trúc bền vững cần đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến việc các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu riêng của họ. Kiến trúc bền vững được sinh ra để đáp ứng các đặc điểm của một xã hội đa văn hóa, có nhiệm vụ bảo vệ truyền thống, phong tục tập quán và bản sắc dân tộc hiện đang bị tác động mạnh mẽ bởi áp lực của sự toàn cầu hóa. Đứng trên quan điểm bền vững, mọi tác động đến môi trường (tự nhiên và xây dựng) phải được xem xét với tầm nhìn dài hạn và trong sự cộng sinh của các thực thể sống trong cùng môi trường đó. Việc tìm kiếm và xác định khoảng “thời gian bền vững” là một trong những điều kiện tiên quyết của khái niệm bền vững, và không có gì đáng ngạc nhiên khi trong tiếng Pháp, thuật ngữ kiến trúc bền vững được dịch thành architecture durable (kiến trúc bền).

Kiến trúc bền vững nghiên cứu, diễn giải và thực hiện các hoạt động chuyển đổi hình thái lãnh thổ có sự tương thích với “kích thước lý sinh” của hệ thống kinh tế – xã hội. Kiến trúc bền vững tạo ra các thực thể mới (cảnh quan hoặc công trình) trong sự hài hòa với những cái hiện hữu, được khởi nguồn từ một sự phân tích cẩn trọng mối quan hệ đa cấp giữa tự nhiên, nhân tạo và cấu trúc xã hội nhằm tìm ra và áp dụng những chiến lược tốt nhất cho việc quản lý và kích hoạt những thay đổi về lãnh thổ trong tương lai. Bởi vậy, kiến trúc bền vững là một khái niệm phức tạp và tổng hợp – nó ẩn chứa những hàm ý về tác động dân sự, văn hóa và kỹ thuật của kiến trúc. Kiến trúc bền vững là một chất dẫn giúp phổ biến nhận thức mới về giá trị xã hội, kỹ thuật và văn hóa của dự án kiến trúc – có lẽ, là yếu tố duy nhất giúp kiến trúc tìm lại vai trò “dân sự” của mình.

Kiến trúc bền vững là sự kết hợp của truyền thống và đổi mới, là “sự hiểu biết về thiên nhiên, […] biết cách định vị đúng công trình để tận dụng được ánh sáng và gió”2 để “đảm bảo những quyền lợi mới cho kiến trúc – như quyền tiếp cận với ánh nắng mặt trời, quyền sử dụng năng lượng, quyền tham gia dân chủ – và để xác định những tiêu chuẩn cho một cuộc sống lành mạnh cấu thành từ các tham biến của thời gian và không gian, trong bối cảnh toàn cầu hóa về thông tin và hàng hóa, trong sự chuyển động mau lẹ và trong sự phân tầng của các nền hóa tại cùng một thời điểm và nơi chốn”3;

Kiến trúc bền vững là “sự cân bằng nhất có thể đạt được!”

Kiến trúc bền vững – Lịch sử vắn tắt

Nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của kiến trúc bền vững, hoặc chính xác hơn “kiến trúc cho sự bền vững”, giúp chỉ ra trong lý thuyết và thực hành những trào lưu kiến trúc có tính chất “cách mạng xanh”.

Mặc dù chỉ được công nhận như một chủ đề trọng yếu của diễn đàn kiến trúc quốc tế từ những năm chín mươi của thế kỷ XX, trên thực tế, tính bền vững đã luôn là một vấn đề lớn của nhân loại nói chung và của KTS nói riêng. Nếu muốn tìm về nguồn gốc của tính bền vững trong văn hóa kiến trúc, chúng ta có thể tìm thấy trong luận văn của Vitruvius (viết khoảng năm 25 trước Công nguyên) những lời khuyên tốt về “làm thế nào để tránh các vùng đất ngập nước và bảo vệ các tòa nhà từ sức gió”. Trong thời kỳ Phục hưng, luận thuyết của Alberti, Serlio và Palladio đã “đối đầu” với các vấn đề sinh thái trong mối quan hệ tương hỗ với phong cách và sự cấu thành của kiến trúc. Trong thời kỳ tiền công nghiệp, những người tái thiết Anasazi Pueblo ở Chaco Canyon (New Mexico) đã làm việc trên một di sản của kiến thức dựa trên các khái niệm về năng lượng mặt trời thụ động và khối lượng nhiệt để xác định hướng mở chủ đạo cho công trình và tuân thủ “cấu trúc cánh cung mặt trời” để tạo điều kiện thuận lợi cho sự khuếch tán nhiệt thụ động của các ngôi nhà.

Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, tiếp theo sự ra đời của công nghệ hơi nước, người ta đã chứng kiến một cách rõ rệt các tác động có hại đến môi trường gây ra bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Không có gì để nghi ngờ, cách mạng công nghiệp đã tạo ra những thay đổi lớn trong phong cách sống và dần dần, các mô hình sống và mô hình xã hội mới đã ra đời. Hệ quả là, trí tuệ sinh thái của các nhà xây dựng địa phương gần như bị biến mất.

Chính trong bối cảnh này, hai khái niệm cơ bản đã được giới thiệu. Khái niệm thứ nhất là entropy (nhiệt động lực), công bố năm 1882 bởi nhà vật lý học người Đức Rudolf Clausius “để xác định sự phân tán của vật liệu và năng lượng theo định luật thứ hai của nhiệt động lực học. Trong hai thế kỷ qua, cùng với sự ra đời của ngành công nghiệp hiện đại và sự phát triển của các đô thị, entropy đã tăng lên theo cấp số nhân. […] Theo một số lý thuyết về kiến trúc bền vững, các tòa nhà, vật liệu xây dựng, quy trình sản xuất và mức độ hiệu quả của vật liệu… nên được đánh giá trên cơ sở chúng làm tăng hay giảm entropy”.

Khái niệm thứ hai, ecology (sinh thái), của người nhà động vật học Đức Ernest Haeckel còn có một chức năng rộng rãi hơn trong văn hóa kiến trúc. Bắt đầu từ diễn đạt của Darwin về bản chất của thiên nhiên (the economy of nature), Haeckel đã sử dụng từ “ngôi nhà” (oikos trong tiếng Hy Lạp) để xác định thứ tự của thế giới tự nhiên. “Phép ẩn dụ có nguồn gốc kiến trúc này giả định rằng một ngôi nhà được coi là hợp lý chỉ khi các yếu tố cấu thành nên nó tồn tại theo thể cộng sinh, tương tự như mối quan hệ giữa các sinh vật trong tự nhiên. […] Haeckel cũng đã có một ảnh hưởng đáng kể đến mỹ thuật và kiến trúc với các minh họa màu nước tuyệt đẹp về vi sinh vật, sinh vật biển và động vật hoang dã xuất bản trong cuốn Kunstformen in der Natur (Các hình thức nghệ thuật trong thiên nhiên). Những hình thức hữu cơ của Art Nouveau trong các tác phẩm của Victor Horta, Hector Guimard và Antoni Gaudi chính là sự tương ứng nghệ thuật của các hình minh họa của Haeckel”.

Trong suốt thế kỷ XIX cho đến thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, vấn đề sinh thái đã chiếm giữ một vai trò ngày càng tăng trong văn hóa kiến trúc. Nhiều KTS và trường học kiến trúc đã nghiêng về phía “xu hướng” này, trong đó chúng ta phải kể đến những điển hình như: KTS người Scotland Charles Rennie Mackintosh với các thiết kế rất nhạy cảm với môi trường, Garden City – mô hình thành phố bền vững đầu tiên trong lịch sử của Ebenezer Howard; nghiên cứu tìm kiếm một tiêu chuẩn cho con người của trường học Phần Lan và nghiên cứu một mô hình kiến trúc tốt dựa trên mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới của trường Amsterdam… Xét từ quan điểm sinh thái, nghiên cứu so sánh về hai bậc thầy của kiến trúc hiện đại Frank Lloyd Wright và Le Corbusier luôn mang đến những điều ngạc nhiên thú vị. Nếu như khi còn trẻ, các tác phẩm của họ đều phảng phất nét lãng mạn, ảnh hưởng từ Ruskin và Phong trào Nghệ thuật và Thủ công (Art and Crafts Movement), thì về sau này, mỗi người đã phát triển lý thuyết cá nhân về vai trò nội tại của công nghiệp hóa trong kiến trúc hiện đại. Mặc dù trong các tác phẩm của Wright và Le Corbusier, người ta luôn nhận thấy rõ nét sự phụ thuộc vào văn hóa công nghiệp, Wright và Le Corbusier vẫn được coi như hai nhà “tiền sinh thái học” (proto-ecologist): người thứ nhất đã dành cả cuộc đời cho kiến trúc hữu cơ còn người thứ hai đã không ngừng chiến đấu cho “thành phố xanh” của mình. Wright đề xuất xây dựng “trong tự nhiên”, Le Corbusier thì ủng hộ việc xây dựng bên trên nó!

Từ giữa thập niên cuối của thế kỷ XX, nhờ một số sáng kiến (tiến hành ở cấp độ thể chế), vấn đề bền vững được đề cập đến cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực hành kiến trúc và đã được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 1992 là một bước ngoặt quan trọng cho kiến trúc bền vững. Ở cấp độ thể chế, Rio de Janeiro đã tổ chức Hội nghị thế giới đầu tiên về Môi trường và Phát triển (World Conference on Environment and Development). Sau cuộc hội nghị này, các Nguyên thủ Quốc gia đã thống nhất một chương trình phát triển cho thế kỷ XXI, Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21), với nhiều đề xuất và kế hoạch cụ thể cho việc phát triển bền vững. Sự kiện lớn thứ hai là Hội chợ triển lãm thế giới tại Seville (Expo Seville ’92) – nơi mà lần đầu tiên trong lịch sử, thiết kế sinh khí hậu đã trở thành trọng tâm của văn hóa kiến trúc. Expo ’92 chính thức tuyên bố sự ra đời của kiến trúc bền vững, đánh dấu cột mốc đầu tiên của con đường phát triển lâu dài của nó. Từ đó đến nay, kiến trúc bền vững đã thực sự được biết đến và đã thiết lập được cho mình một bản sắc riêng trong kiến trúc. Kiến trúc bền vững đang tiếp tục “lan tỏa, lai giống và đã trở thành biểu hiện của một tiêu chuẩn đạo đức”.

Phần thứ hai của bài viết này sẽ phân tích đặc tính sinh thái của một số tác phẩm kiến trúc tiêu biểu của những bậc thầy kiến trúc hiện đại, với một sự chú ý đặc biệt dành cho các công trình của họ ở châu Á. Một phần lớn sẽ dành để viết về những đại diện tiêu biểu của kiến trúc sư “phương Đông” như Hassan Fathy, Abdel Wahed El Wakil, Rasem Badran, Balkrishna Vithaldas Doshi, Ken Yeang… vì nỗ lực của họ trong việc nghiên cứu, tìm tòi và phát triển những thiết kế bền vững và mang đậm bản sắc Á Đông.

TS. KTS. Nguyễn Quang Đạt

AD Architetti / Đại học Bách khoa Milan (Italy)

[email protected] / [email protected]

Dịch từ bản tiếng Anh (có điều chỉnh bổ sung) diễn thuyết của tác giả tại Hội nghị KTS châu Á lần thứ 15 tại Bali, Indonesia