Bài báo là một phần kết quả nghiên cứu về tổ chức không gian nhà ở nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tác giả đã phân tích tình hình phát triển kinh tế nông thôn trong vùng, từ đó xây dựng cơ sở khoa học tổ chức không gian nhà ở nông thôn. Những cơ sở kinh tế là yếu tố quyết định đến tổ chức không gian kiến trúc, trên cơ sở mối tương quan chặt chẽ không gian và kinh tế.
Kiến trúc Nhà ở nông thôn (NONT) truyền thống có giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong các di sản kiến trúc nghệ thuật của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình phát triển kinh tế, kiến trúc NONT vùng ĐBSH đã có những thay đổi, dần thay thế bởi hình thức kiến trúc, kết cấu vật liệu hiện đại. Các giải pháp kiến trúc NONT mới được áp dụng chưa thực sự phù hợp với đặc trưng kinh tế xã hội nông thôn vùng ĐBSH (chủ yếu là kinh tế hộ gia đình). Vì vậy, nghiên cứu cơ sở kinh tế cho việc tổ chức không gian nhà ở nông thôn (TCKGNONT) vùng ĐBSH theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cấp thiết, nhằm xây dựng luận cứ khoa học về vấn đề xây dựng, phát triển NONT.
Vùng ĐBSH có tốc độ phát triền kinh tế nhanh, đứng thứ hai sau vùng Đông Nam Bộ. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, vùng sẽ phải giữ được tốc độ tăng trưởng liên tục trên 10% và đóng góp khoảng 24% cho GDP của cả nước. Mục tiêu đến trước năm 2020, tỷ lệ này sẽ là 27%. Cơ cấu kinh tế của vùng đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dịch vụ trên cơ sở đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp tác động đến TCKGKTNONT
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn là xu hướng vận động có tính khách quan. Trên thực tế, cùng với quá tình hình thành và phát triển đa dạng các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, thì cơ cấu giữa các ngành cũng ngày càng phức tạp và luôn biến đổi theo nhu cầu của xã hội. Quá trình chuyển dịch của cơ cấu kinh tế nông thôn bao gồm những xu hướng cơ bản sau:
– Từ mô hình “sản xuất tự cung tự cấp” sang “sản xuất hàng hoá”. Sau năm 1986, khi nhà nước chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện chuyển đổi kinh tế nông thôn từ tự cung tự cấp sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong mô hình sản xuất hàng hóa, loại hàng hoá, số lượng, cơ cấu chủng loại hàng hóa không phụ thuộc vào người sản xuất mà chủ yếu phụ thuộc vào mức độ và khả năng tiêu thụ của thị trường. Do đó, NONT không còn tồn tại độc lập, khép kín trong không gian làng nữa mà trở thành một yếu tố mở, liên kết chặt chẽ vào không gian đô thị.
– Từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ (hộ gia đình cá thể) sang sản xuất nông nghiệp tập trung (cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp tư nhân, tổng công ty nông nghiệp…). Khi sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng nhu cầu và chất lượng của đô thị, mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung xuất hiện làm biến đổi hệ thống hạ tầng của làng xã. Người nông dân chuyển từ lao động nông nghiệp sang công nhân nông nghiệp. Do đó, không gian NONT có sự thu hẹp không gian phụ (như không gian sản xuất), tăng cường tiện nghi các không gian ở.
– Từ mô hình sản xuất “kinh tế thuần nông” chuyển sang các mô hình sản xuất kinh tế khác như làm dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, chuyển giao công nghệ và chế biến nông sản, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, làm dịch vụ du lịch nông nghiệp… Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế đô thị, kinh tế nông thôn có xu hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Nhiều chức năng mới được hình thành và phát triển tại nông thôn. Ví dụ: Các hoạt động dịch vụ, thương mại bám mặt đường. Không gian sản xuất và phục vụ được chú trọng phát triển, hạ tầng nông thôn và hạ tầng kết nối khu vực cư trú và khu sản xuất được xây dựng mới. Do đó, không gian NONT có sự biến đổi nội tại để tích hợp các hoạt động sản xuất mới trong cấu trúc không gian hiện hữu. Mở rộng và tăng cường tính tiện nghi của không gian sản xuất.
– Từ sản xuất nhỏ lẻ (hộ gia đình cá thể) sang sản xuất theo chuỗi cung ứng nông sản (nguyên liệu, sản xuất, kho, bán hàng). Đây là xu hướng tất yếu của hệ thống sản xuất nông thôn. Mỗi khu vực làng xã là một khâu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp chung dưới sự quản lý chung của nhà nước. Như vậy, các làng sẽ chuyển từ sản xuất đa ngành sang chuyên canh, tập trung vào sản phẩm chính. Hệ thống hạ tầng nông thôn sẽ có sự biến đổi mạnh mẽ, có thể biến đổi hoàn toàn. Xuất hiện khu vực sản nông nghiệp công nghệ cao với khu nhà ở công nhân độc lập với làng xã.

Các mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp
Kinh tế hộ gia đình: Phát triển từ mô hình kinh tế hộ gia đình truyền thống, có quy mô nhỏ nhất trong các mô hình sản xuất kinh tế nông thôn. Sản phẩm của mô hình này là sản phẩm nghề thủ công, nông sản, dịch vụ du lịch hoặc gia công cho mô hình sản xuất lớn hơn. Lao động chủ yếu là các thành viên trong hộ gia đình. Giá trị kinh tế thấp, không đóng góp nhiều cho thúc đẩy CNH, HĐH nông thôn.
Kinh tế trang trại: Phát triển từ mô hình kinh tế trang trại truyền thống. Sản phẩm của mô hình này là sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa với quy mô lớn hơn kinh tế hộ. Chủ trang trại có kiến thức, kinh nghiệm điều hành sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất. Lao động tham gia là lao động gia đình và lao động thuê bên ngoài.Giá trị sản xuất mô hình này có hiệu quả hơn so với kinh tế hộ.
Tổ hợp tác nghề nghiệp: Phát triển từ mô hình kinh tế hội nghề nghiệp truyền thống. Tổ hợp tác nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tự nguyện, quản lý dân chủ, cùng có lợi. Mục đích là cộng tác, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, nhằm mục tiêu tối đa lợi nhuận của mỗi thành viên. Tổ hợp tác không có điều lệ, không có tư cách pháp nhân, quan hệ ràng buộc với nhau được xây dựng trên cơ sở tình cảm, tập quán, truyền thống cộng đồng.
Hợp tác xã nông nghiệp: Đây là mô hình kinh tế nông thôn mới, có quy mô lớn hơn mô hình trang trại, chuyên nghiệp hơn mô hình tổ hợp tác. Hoạt động của mô hình này tương tự mô hình doanh nghiệp, nghĩa là có điều lệ quản lý, ban lãnh đạo, ban tài chính, ban quản lý nhân sự … Nguồn lực tương đối lớn, quản lý chuyên nghiệp là động lực phát triển mô hình này. Người lao động trong mô hình này là công nhân nông nghiệp bán chuyên nghiệp.
Liên hiệp Hợp tác xã: Mô hình này là sự liên kết, liên doanh của hợp tác xã với các doanh nghiệp. Trong đó chú trọng 3 đối tượng (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học). Mô hình này khắc phục nhược điểm mô hình hợp tác xã, xây dựng được hệ thống từ khâu nguyên liệu, sản xuất và chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Người lao động trong mô hình này là công nhân nông nghiệp bán chuyên nghiệp.
Khu nông nghiệp công nghệ cao: Đây là mô hình mới và vẫn trong giai đoạn phát triển tại Việt Nam hiện nay. Quy mô sản xuất và nguồn lực đầu tư lớn. Sản lượng và giá trị sản xuất cao. Hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đây là nhân tố quyết định cho sự phát triển CNH, HĐH ở nông thôn. Mô hình này có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, biến người lao động nông thôn thành công nhân nông nghiệp chuyên nghiệp.
Công viên, du lịch nông nghiệp: Đây là mô hình mới, có giá trị kinh tế cao, khai thác sản phẩm, hoạt động nông nghiệp truyền thống để phục vụ du lịch và vui chơi giải trí.
Kết quả nghiên cứu được tác giả trình bày trong Bảng 1 dưới đây.

Những vấn đề TCKGNONT nhìn dưới góc độ kinh tế nông nghiệp
– Mối quan hệ giữa không gian làng (thôn) và phát triển kinh tế nông nghiệp: Không gian làng có sự biến đổi từ “đóng” sang “mở” hay “nửa đóng nửa mở”. Hướng mở của không gian làng là khu vực phát triển kinh tế (khu công nghiệp, trung tâm thị trấn, đồng ruộng), trên cơ sở chuỗi cung ứng nông sản. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng nông thôn hiện nay vẫn chưa theo kịp chuỗi sản xuất này, dẫn đến hoạt động sản xuất kém hiệu quả, không gian làng xã biến đổi tiêu cực.
– Mối quan hệ giữa khuôn viên ở và phát triển kinh tế nông nghiệp: Khuôn viên nhà có xu hướng thu hẹp, chuyển dịch từ “chiều ngang” sang “chiều đứng”. Không gian phía dưới, bám với trục đường giao thông được sử dụng cho các hoạt động kinh tế. Xuất hiện nhiều mâu thuẫn: Giữa không gian ở và không gian sản xuất, giữa không gian hoạt động kinh tế và hạ tầng kỹ thuật làng, giữa nhu cầu mở rộng sản xuất và xu hướng thu hẹp diện tích đất ở.

– Mối quan hệ giữa không gian nhà ở và phát triển kinh tế nông nghiệp: Không gian nhà ở xu hướng mở rộng diện tích sàn sử dụng, kết nối không gian chuyển từ “hành lang” sang “cầu thang”. Bố trí các chức năng có xu hướng chuyển đổi từ “đơn chức năng” sang “đa chức năng” nhằm tăng chức năng sử dụng chính (phòng khách, phòng thờ, phòng ngủ, phòng ăn và bếp, vệ sinh) và giảm dần các chức năng phụ (hành lang, kho, sân rửa). Không gian chức năng chuyển từ “đọng” sang “động” nhằm tăng dần khả năng tính linh động (phòng ngủ có thể chuyển thành phòng làm việc, phòng khách, phòng thờ…) và tích hợp (tích hợp phòng khách và phòng ăn). Các tiện nghi không gian ở được cải thiện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người nông dân hiện đại.
– Mối quan hệ giữa Kiến trúc, kết cấu, vật liệu và phát triển kinh tế nông nghiệp: Công nghệ vật liệu xây dựng hiện đại được sử dụng trên cơ sở nguồn lực tài chính của hộ gia đình. Nhìn chung, kiến trúc có xu hướng tối giản, bền vững và giá thành rẻ. Tuy nhiên, giải pháp kiến trúc này không phù hợp với không gian làng xã truyền thống, với xu hướng “kiến trúc xanh” của Việt Nam hiện nay.
Đề xuất mô hình TCKGNONT gắn với mô hình kinh tế nông nghiệp
Trên quan điểm kinh tế, tác giả đưa ra quan điểm về NONT và TCKGNONT như sau:
– NONT bao gồm chức năng ở, chức năng phát triển kinh tế nông nghiệp và các mối liên kết giữa chúng; Chức năng ở bao gồm không gian ngủ, không gian tiếp khách, không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh, không gian ăn uống + bếp, không gian liên kết, không gian phụ trợ, không gian kỹ thuật. Chức năng phát triển kinh tế bao gồm không gian bán hàng, không gian sản xuất và chế biến, không gian kho vật liệu và sản phẩm, không gian tập kết nguyên vật liệu, không gian phụ trợ.
– TCKGKTNONT là quá trình tạo lập mối liên kết giữa hoạt động cư trú và hoạt động kinh tế nông nghiệp, nhằm thiết lập không gian NONT bền vững trên cơ sở phát huy tối đa nội lực kinh tế nông thôn.

Từ những quan điểm trên, mô hình TCKGNONT được tác giả nhìn nhận ở 2 cấp độ:
a) Cấp độ làng (thôn): Thiết lập khung phát triển với “cấu trúc mở”, dựa trên 2 thành phần chức năng cốt lõi là hệ thống giao thông và khu vực sản xuất kinh tế. Các thành phần chức năng khác sẽ được bố trí linh hoạt phù hợp theo điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội của từng địa phương. Đặc điểm 2 thành phần chức năng cốt lõi như sau:
– Về hệ thống giao thông: Mục tiêu: đảm bảo hoạt động cư trú và hoạt động kinh tế của cộng đồng dân cư. Thiết lập các tuyến giao thông chủ đạo nhằm kết nối giữa khu vực sản xuất với khu vực dân cư, giữa khu vực sản xuất với thị trường và nguồn nguyên liệu.
– Về khu vực sản xuất: Bao gồm các khu nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã, trang trại tập trung… Các khu vực sản xuất này cần bố trí theo quy hoạch “chuỗi sản xuất nông nghiệp” của vùng, khu vực.
b) Cấp độ khuôn viên nhà ở: Vị trí, quy mô, cấu trúc không gian chức năng “đa chiều” với các mô hình TCKGNONT như sau:
– Mô hình 1: Chức năng ở và chức năng hoạt động kinh tế đồng nhất trong 1 không gian. Hoạt động kinh tế chủ đạo là thương mại, dịch vụ du lịch nông nghiệp. Vị trí nhà bố trí theo tuyến, bám theo các trục đường chính, giáp trung tâm xã, thị trấn hoặc theo cụm tái định cư (giãn dân). Xuất hiện 2 dạng chủ đạo là dạng có chức năng dịch vụ phía dưới và dạng chức năng dịch vụ phía trước. Quy mô diện tích khuôn viên NONT được xác định theo chỉ tiêu diện tích đất ở. Tầng cao không quá 5 tầng. Sử dụng kết cấu, vật liệu hiện đại (BTCT, khung thép…) là chủ đạo.
– Mô hình 2: Chức năng ở độc lập và kề cận với chức năng hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế chủ đạo vườn, trang trại nhỏ (chủ yếu do hộ gia đình hoặc một nhóm hộ gia đình cùng quản lý), dịch vụ du lịch (nhà cổ, nhà dịch vụ đồng quê) … Vị trí nhà chủ yếu nằm đan xen trong khu vực dân cư cũ, cụm tái định cư. Xuất hiện các dạng chủ đạo là bố cục theo chiều sâu và theo chiều rộng lô đất. Quy mô diện tích khuôn viên NONT được xác định theo chỉ tiêu diện tích đất ở. Tầng cao không quá 3 tầng. Sử dụng kết cấu, vật liệu địa phương (như gạch, gỗ, ngói, tre, rơm…) là chủ đạo.
– Mô hình 3: Chức năng ở tách biệt với chức năng hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế chủ đạo: Trang trại lớn (chủ yếu do doanh nghiệp quản lý), hợp tác xã dịch vụ, liên hiệp hợp tác xã, khu nông nghiệp công nghệ cao. Xuất hiện các dạng nhà lô, nhà vườn, nhà chưng cư dạng tháp, nhà chung cư dạng tấm. Quy mô diện tích khuôn viên NONT được xác định theo chỉ tiêu diện tích sàn ở. Tầng cao tối đa là 9 tầng. Sử dụng kết cấu, vật liệu thân thiện với môi trường (như gạch không nung, vật liệu tái chế,..).

Kết luận
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế nông thôn vùng ĐBSH có sự chuyển dịch mạnh mẽ, kết quả là sự hình thành của các mô hình kinh tế nông thôn mới. Gắn với các mô hình kinh tế nông thôn mới, TCKGNONT đã có những biến đổi căn bản từ không gian làng, khuôn viên NONT đến không gian nhà ở. Nhìn chung là sự chuyển đổi không gian từ “đóng” sang “mở”, từ “chiều ngang” sang “chiều đứng”, từ “đọng” sang “động”, từ “đơn chức năng” sang “đa chức năng”, từ “tối giản” sang “tiện nghi”.

Qua việc nhận diện sự biến đổi không gian NONT, tác giả đề xuất các mô hình TCKGNONT ở hai cấp độ. Ở cấp độ làng là cấu trúc mở trên cơ sở liên kết giữa khu vực dân cư và không gian sản xuất. Ở cấp độ khuôn viên là mô hình cấu trúc không gian đa chiều, trong đó bố trí không gian theo chiều đứng là chủ đạo, trên cơ sở tăng tính linh động và tiện nghi của không gian.
Tài liệu tham khảo
– Nguyễn Đình Thi. Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chuyển đổi không gian nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ trong quá trình đô thị hóa. Đề tài NCKH cấp bộ năm 2011.
– Nguyễn Đình Thi. Kiến trúc Nhà ở nông thôn, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội – 2011.
Nguyễn Hoài Thu
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2016)