Tổ chức không gian kiến trúc trong doanh trại Quân đội

Cũng giống như các loại công trình khác trong Quân đội, hệ thống doanh trại luôn được đánh giá là một yếu tố bí ẩn, mang tính bảo mật cao. Đối với người trong ngành, doanh trại Quân đội lại như một thành phố, một đơn vị ở thu nhỏ, chỉ khác trong đó vắng đi sự có mặt của người già và trẻ em. Hệ thống doanh trại được thiết kế, xây dựng theo tính đặc thù, đáp ứng mọi nhu cầu về ăn, ở, sinh hoạt, thể thao, huấn luyện, đặc biệt là tính cơ động sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, một doanh trại dù quy mô lớn hay nhỏ, tổ chức không gian kiến trúc đều phải đáp ứng được các yêu cầu trên.

Tổ chức không gian kiến trúc doanh trại dựa trên các yếu tố

1. Tính đặc thù phân cấp quản lý dẫn đến quy mô doanh trại, số người khác nhau. Doanh trại quân đội giống như thành phố thu nhỏ nên cũng phân cấp để dễ quản lý. Nếu thành phố có quận huyện, phường xã thì Quân đội cũng chia các cấp gồm tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn… Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện có tên gọi các cấp theo các thứ tự thấp đến cao như sau: Tiểu đội (3 cấp cơ bản 7, 9, 12 người, thường 9 người chia 3 tổ chiến đấu), Trung đội (gồm 3 tiểu đội quân số 21-36 người), Đại đội (gồm 3 trung đội bộ binh, quân số 80-120 người), tiểu đoàn (gồm 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội hỏa lực, các trung đội bộ binh,công binh, thông tin, vận tải, quân y; quân số 300-500 người), Trung đoàn (gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội hỏa lực, các đại đội bộ binh,công binh, thông tin, vận tải, quân y; quân số 1.500-3.000 người.,) Lữ đoàn, sư đoàn (gồm 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn phòng không, các tiểu đoàn bộ binh, công binh, thông tin, vận tải, quân y; quân số 8.000-10.000 người)., Quân đoàn (là cấp lớn nhất trong biên chế QĐNDVN, quân số 30.000-50.000 người).

Mặt bằng bố trí cơ bản của một doanh trại

2. Cách chia quân số trong Quân đội và theo khí tài. Cùng là một doanh trại cho tiểu đoàn nhưng lại chia ra tiểu đoàn đủ quân và thiếu quân. Số quân tỷ lệ nghịch với số lượng khí tài, do đó nếu doanh trại nào nhiều quân thì số lượng khí tài ít và ngược lại. Như vậy, không gian ở tăng thì không gian chứa khí tài giảm. Từ đó dẫn đến sự linh động trong tổ chức không gian kiến trúc Doanh trại.

3. Vị trí, địa hình, khí hậu là yếu tố ảnh hưởng đến không gian kiến trúc trong Doanh trại… Ngoài chia các cấp quản lý, Quân đội còn chia theo đặc trưng huấn luyện, vị trí đóng quân: Bộ binh, hải quân, cảnh sát biển…Mỗi Bộ Tư lệnh lại có nét đặc trưng riêng của mình. Ví dụ: Hải quân, Cảnh sát biển đặc trưng luyện tập, bảo vệ biển nên vị trí doanh trại thường bám dọc ven các bờ biển, hải đảo. Biên phòng thì lại đóng tại các nơi địa hình đồi núi, biên giới…

4. Mục đích sử dụng: Từ đáp ứng nhu cầu ăn mặc ở, sinh hoạt, huấn luyện…Quân đội ngày nay còn làm phát triển kinh tế, hệ thống cây xanh, chăn nuôi được mở rộng, ngoài phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp còn cung cấp cho người dân quanh vùng. Do đó, không gian kiến trúc trong Doanh trại cũng được tổ chức cho phù hợp.

Một số giải pháp tổ chức không gian kiến trúc doanh trại

Một doanh trại thường có các khu chức năng chính như sau: Khu trung tâm (bao gồm sở chỉ huy, làm việc, học tập…); khu sinh hoạt (bao gồm ngủ, nghỉ, vui chơi giải trí và các hoạt động tập thể); khu huấn luyện thao trường, bãi tập; khu huấn luyện điều lệnh, rèn luyện thể lực và hoạt động thể thao; khu kho tàng, kỹ thuật; khu tăng gia sản xuất; khu dự trữ phát triển; khu nhà ở công vụ, chiêu đãi sở. Tùy theo từng cấp để bố trí phân khu chức năng trong quy hoạch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tính chất hoạt động của đơn vị.

1. Khu trung tâm:

Là khu vực tạo điểm nhấn trong quy hoạch doanh trại, nên thường bố trí ở nơi có địa hình đẹp, thông thoáng, tầm quan sát rộng, thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành đơn vị. Vị trí trung tâm nên chọn nhà Sở chỉ huy (SCH) hoặc nhà làm việc là cơ sở để lập quy hoạch hệ thống giao thông và bố trí các phân khu chức năng còn lại trong đơn vị.

Phía trước khu trung tâm bố trí sân tập trung với diện tích lớn phục vụ chào cờ, các hoạt động tập thể…Trong khu trung tâm nếu điều kiện cho phép có thể tận dụng địa hình như hồ, ao, đồi núi để cải thiện không gian kiến trúc, kết hợp trồng cây xanh làm đa dạng cảnh quan kiến trúc của doanh trại. Phía sau có thể bố trí sân nhỏ cho hoạt động thể thao, vui chơi (nếu có điều kiện về không gian và diện tích đất).

2. Khu sinh hoạt

Khối nhà ở của cán bộ, sỹ quan nên bố trí gần với SCH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, làm việc, nghỉ ngơi; nơi có địa hình thoáng mát, thuận tiện cho sinh hoạt và giao thông; bố trí các không gian hoạt động nội bộ như sân tập trung, sinh hoạt ngoài trời, tập thể dục đảm bảo phù hợp với quy mô từng đơn vị; khoảng không gian trống tận dụng trồng cây ăn quả, cây bóng mát, thảm cỏ…

Có thể lựa chọn bố cục hàng, dãy song song với nhà theo một hướng thống nhất; bố cục khép kín bao quanh nhà ở và làm việc của chỉ huy đơn vị hoặc tất cả các công trình đều được bố trí thành vòng khép kín, ở giữa bố trí sân tập trung lớn của đơn vị; hoặc bố cục kết hợp hàng, dãy và khép kín theo hướng các công trình được bố trí khép kín quanh sân chung, nhưng nhà bố trí theo hàng dãy và cùng có một hướng. Ưu tiên hướng có lợi cho khu sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ.

Các công trình công cộng như hội trường, thư viện, nhà truyền thống, câu lạc bộ nên bố trí tách riêng hoặc độc lập tương đối với nhà làm việc và nghỉ ngơi của chỉ huy. Cụm các công trình trong khu trung tâm nên bố trí liên hoàn theo vòng khép kín. Nghiên cứu hợp khối, nâng tầng các nhà; có thể bố trí công năng nhà ăn, nhà bếp gắn với nhà hội trường để tận dụng không gian sử dụng.

3. Khu thao trường, bãi tập

Khu vực này nên bố trí độc lập, đảm bảo đáp ứng yêu cầu huấn luyện. Trên cơ sở điều kiện địa hình cụ thể của từng khu vực đóng quân để bố trí khu huấn luyện thao trường trong hoặc ngoài doanh trại. Nếu diện tích đất hạn chế có thể xây dựng bãi tập kết hợp với khu thể dục, thể thao thành một khu liên hoàn tạo điều kiện thuận lợi trong rèn luyện thể lực và huấn luyện.

Vị trí bãi tập cần bố trí xa khu ở, làm việc, bệnh xá để ít ảnh hưởng đến các khu chức năng trên. Những địa hình bằng phẳng nên bố trí sân cho bộ đội tập điều lệnh đội ngũ và các hoạt động tập thể. Khu vực địa hình phức tạp bố trí tập các hình thức chiến thuật quân sự như vượt vật cản, vượt hào chiến đấu, khu vực tập ngắm bắn…; Trên thao trường, bãi tập bố trí khu vực cây xanh, bóng mát để cải tạo khí hậu khu vực, nơi giải lao, nghỉ ngơi của bộ đội sau những giờ huấn luyện.

4. Khu huấn luyện điều lệnh, rèn luyện thể lực và hoạt động thể thao

Khu vực này là nơi diễn ra các hoạt động thể thao, tập luyện điều lệnh với quy mô toàn đơn vị hoặc nhỏ hơn mà khu sinh hoạt và làm việc không bố trí. Bố trí nơi địa hình thuận tiện cho hoạt động tập luyện của bộ đội, chú ý hướng nắng, hướng gió với từng môn thể thao. Các hoạt động thể thao như sân cầu lông, bóng chuyền, tập xà… có thể bố trí đan xen trong các khu sinh hoạt. Trong khu vực sân vận động, huấn luyện điều lệnh bố trí khán đài và đường diễu duyệt phục vụ hội thao, duyệt đội ngũ của toàn đơn vị. Phần đất còn lại bố trí các dải cây xanh cách ly tiếng ồn đồng thời góp phần cải thiện vi khí hậu khu vực, che nắng, chắn gió bất lợi trong quá trình hoạt động thể thao.

5. Khu kho tàng, kỹ thuật

Bố trí tại khu vực độc lập hoặc tương đối độc lập, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghiệp vụ, PCCC và thuận tiện trong công tác bảo vệ không ảnh hưởng tới các khu sinh hoạt, khu trung tâm. Tùy vào địa hình, khí hậu khu vực đóng quân, chức năng nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể của từng loại kho bố trí nhà kho hợp lý, thuận tiện cho việc sử dụng, cũng như bảo quản hàng hóa, khí tài.

Khu nhà xe, pháo được xây dựng thành khu riêng biệt, gần với khu kho ở phía cổng phụ tiện cho xe ra vào, vận chuyển hàng hóa cũng như đưa đón bộ đội.

Hệ thống kho vũ khí, đạn, chất nổ phục vụ chiến đấu được xây dựng thành khu riêng xa khu ở và các khu chức năng khác. Lợi dụng địa hình che đỡ như chân đồi, khe núi… để bố trí kho đạn, hạn chế ảnh hưởng khi xảy ra cháy nổ. Khu kho đạn trồng cây xanh để ngụy trang, điều hòa khí hậu khu kho, có ụ đất xung quanh chống nổ lan, đồng thời có hàng rào bảo vệ, có chòi canh gác riêng.

Kho hậu cần – kỹ thuật được bố trí một kho chung gần cổng phụ, tiện cho cấp phát, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa, xe ra, vào không ảnh hưởng các khu khác.

Giao thông của khu vực kho bố trí lối ra, vào riêng biệt, bãi đỗ xe, quay xe cho phép giải phóng xe nhanh khi sơ tán vật chất, trong tình huống đơn vị thực hiện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

6. Khu tăng gia sản xuất

Bố trí nơi có địa hình thấp, cuối hướng gió, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị và vệ sinh môi trường. Khu vực chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê… cần khoanh vùng khu chăn nuôi riêng để hạn chế hoạt động của gia súc đến các khu chức năng trong doanh trại.

7. Khu nhà ở công vụ, chiêu đãi sở

Nghiên cứu cân đối quỹ đất bố trí khu nhà ở công vụ và chiêu đãi sở trong quy hoạch doanh trại phù hợp với nhu cầu đơn vị. Bố trí độc lập với các phân khu chức năng khác để thuận lợi trong quản lý, sử dụng.

8. Khu dự trữ phát triển

Căn cứ diện tích quỹ đất còn lại (sau khi đã bố trí các khu chức năng cần thiết của đơn vị) và kế hoạch phát triển lực lượng, nhiệm vụ của đơn vị để xác định khu đất dự trữ phát triển cho các công trình theo yêu cầu.

Chủ trương, cơ chế phát triển không gian kiến trúc quy hoạch doanh trại trong giai đoạn hiện nay

  • Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, những năm qua, toàn quân có gần 85% số cơ sở doanh trại được quy hoạch mặt bằng xây dựng tổng thể, với chất lượng quy hoạch ngày càng cao, cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và địa hình nơi đóng quân.Toàn bộ cơ sở doanh trại khi đưa vào sử dụng đều có tính đồng bộ, bảo đảm chính quy, xanh, sạch, đẹp. Hiệu quả công tác quy hoạch đã tạo sự phát triển ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm kinh phí, bảo đảm thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ, công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị;
  • Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch doanh trại, Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, cơ quan hậu cần các đơn vị toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 117/CT-BQP ngày 2-8-2017 về việc chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng doanh trại trong toàn quân và các chỉ thị, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Phấn đấu đến năm 2020, 100% cơ quan, đơn vị toàn quân đều có quy hoạch xây dựng doanh trại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; bảo đảm tính khả thi, chính quy, khoa học, bền vững; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, công tác, sinh hoạt của bộ đội và phù hợp điều kiện địa hình nơi đóng quân.
  • Phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” tạo diện mạo mới trong toàn quân về “nơi ăn chốn ở” của bộ đội. Với nỗ lực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nòng cốt là ngành Doanh trại, đến nay, hệ thống doanh trại trong toàn quân đã có bước thay đổi căn bản, toàn diện, góp phần quan trọng vào nâng cao điều kiện sinh hoạt, công tác của bộ đội, nhất là trên tuyến biên giới, hải đảo; xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Quân đội chính quy, từng bước hiện đại.
  • Trong điều kiện ngân sách có hạn, định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng ưu tiên đầu tư xây dựng, bảo đảm doanh trại cho đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyển biển, đảo, biên giới, đơn vị được trang bị vũ khí, khí tài mới, hiện đại, các dự án công trình nước sạch, dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng,…

Thay cho lời kết

Bài viết đã phần nào giới thiệu về không gian kiến trúc cơ bản trong quy hoạch doanh trại và các yếu tố ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, đề xuất tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng công tác doanh trại, xây dựng doanh trại theo hướng chính quy, hiện đại, “xanh, sạch, đẹp”.

KTS Bùi Thị Kim Dung

Viện Thiết kế BQP

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2018)